Có một xứ Nghệ đầy an nhiên và sâu lắng

Có một xứ Nghệ đầy an nhiên và sâu lắng

Dừng chân cảm nhận hồn quê xứ nghệ

Nếu chọn một nơi sâu lắng để tìm về, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi sẽ chọn Nghệ An. Tuy nhiên, trong một chuyến công tác dài ở nơi đây, (tôi rảnh được vài ngày,) được đi ngắm nhìn, dâng hương ở một vài địa điểm. Trong lòng tôi cảm thấy, Nghệ An cũng có những công trình, dù không vĩ đại, nhưng giúp tôi cảm thấy bình yên và soi lại chính mình.

Khi đến với Nghệ An điểm đầu tiên tôi muốn đến đó là làng Sen quê Bác, dọc hành trình đến với khi di tích này tôi cứ hồi hộp mãi. Tôi được đến nơi chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng chào đời và sinh sống ở đây những năm thiếu thời.

Làng Sen nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Làng Sen đẹp như một bức tranh yên bình và như chính tâm hồn người dân nơi đây.

Tôi chụp hết những luống rau trước nhà, mái hiên lợp rạ, hàng cau, hàng dâm bụt. Tôi ghi hình lại những phút các chị thuyết minh cầm micro nói về lịch sử, chất giọng nặng nặng của Nghệ An được nhấn nhá, cùng với những chi tiết cảm động trong câu chuyện cuộc đời Hồ Chủ tịch làm cho tôi có bao nhiêu gai ốc đều nổi hết, giữa trưa hè tháng 7, giữa cái nắng kinh khủng của xứ Nghệ mà tôi thấy lạnh hết cả người.

Mái nhà tranh in dấu ấn thời gian, đơn sơ, mộc mạc và giản dị nhưng sao thấy thân thương và gần gũi quá. Không gian yên tĩnh, được bao bọc trong một màu xanh êm đềm của thiên nhiên, mọi thứ vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua.

Ngay từ khi bước chân trên con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà khi xưa Bác ở, một cảm xúc bồi hồi dâng lên khó tả, không sao kìm nén được. Đôi bờ tre rì rào trong gió, hàng râm bụt vẫn đung đưa nhè nhẹ, hoa cau, hoa bưởi còn thơm nồng, lòng như thấy thanh thản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Tham quan khu di tích du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ, được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một hộ nông dân vớ cuốc cày, chõng che, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động làng sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuốc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu… cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.

 

Tôi đến chùa Cổ Am vào một ngày mưa, khung cảnh u tịch làm tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu. Men theo các bậc thang leo núi, tôi đặt chân lên một ngôi chùa cổ, ở đây, tôi có thể thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh đẹp cả một vùng.

Cổ Am tự tức chùa Cổ Am (Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An) có lịch sử đã mấy trăm năm (từ thế kỷ XV), lúc đầu chỉ là một cái am nhỏ trên núi đá Hổ Lĩnh gọi là Am Sơn Tự, sau ngày càng linh thiêng và được phục dựng, uy danh trấn một vùng.

Vị trí chùa cổ khá đẹp, nằm giữa một ngọn núi hình ngai vàng, sau khi chiêm bái lễ phật, tôi đi thăm thú quanh chùa. Chùa còn lưu giữ những bệ cắm nhang cổ từ rất lâu đời với hoa văn rất đẹp và tinh tế.

Nơi đây là chốn tu tập, danh thắng tâm linh, cho cả người tu lẫn người đời chiêm bái. Đêm đêm thượng điện vang lên trầm hùng tiếng chuông và dàn đồng ca kinh kệ của các phật tử. Các sư thầy cùng bà con, đạo hữu đổ mồ hôi trăn trở, gom góp để cho ta có một chùa Cổ Am tự hoành tráng hôm nay.

Khi đặt chân đến ngôi đền này, cảm giác đầu tiên như được bước chân tới một không gian hoàn toàn khác biệt, thoát ra khỏi phố xá thị thành. Giữa một vùng đông dân cư, có một ngôi đền riêng rẽ trên một ngọn núi, thanh tịnh và nhẹ nhàng.

Đền tọa lạc trên đỉnh thứ 2 núi Dũng Quyết có độ cao 97 m so với mặt nước biển, thuộc vùng đất linh thiêng được vua Quang Trung chọn đóng đô cách đây hơn 220 năm. Công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008. Đền có qui mô lớn, khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp; có tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, cổng tam quan, các đồ lễ tế khí… được phục chế theo văn hóa thời nhà Nguyễn.

Sau đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất là chọn đất đóng đô cho vương triều mới, sau nhiều lần ghé chân qua Nghệ An thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nên ông đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Viện trưởng Sùng chính thư viện xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở đất Yên Trường, huyện Châu Lộc. Mặc dù chỉ được xây dựng trong thời gian ngắn và gấp, nhưng thành đã có thành nội, thành ngoại và điện Thái Hòa – nơi Hoàng đế Quang Trung thiết triều. Rất tiếc, khi thành Phượng Hoàng vừa xây xong, kế hoạch dời đô còn dang dở thì Hoàng đế đột ngột băng hà. Ngày nay trên nền lầu rồng cũ Bia dẫn tích Phượng Hoàng Trung Đô đã được lập nên để ghi dấu về địa điểm mà xưa kia kinh thành tọa lạc.

Nếu Bình Định là mảnh đất người anh hùng áo vải sinh ra và lớn lên, thì Nghệ An lại là nơi có nhiều duyên nợ nặng tình, nặng nghĩa với Quang Trung Nguyễn Huệ. Quê cha đất tổ của Ngài vốn là họ Hồ ở làng Thái Lão - Hưng Đạo - Hưng Nguyên. Từ mảnh đất này ông tổ 4 đời của Hoàng đế Quang Trung là Hồ Sỹ Anh đã vào Đằng Trong khai phá vùng Tây Sơn thượng đạo, hậu duệ của Hồ Sỹ Anh ở Bình Định là ông Hồ Phi Phúc kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất trong một gia đình khá giả, sinh ra 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Sau này Nguyễn Huệ đã ra Nghệ An tìm lại cội nguồn gia đình, nhận gia phả họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên làm đồng tộc, chọn Thái Lão làm tổ quán. Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung đã truyền cho dân làng Thái Lão tu tạo lại tổ miếu để phụng thờ tổ tiên.

 

Hàng năm đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch – ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đền thờ Hoàng đế Quang Trung tổ chức lễ phát hành thẻ ấn để phù hộ cầu mong cho mọi người, mọi nhà được bình an may mắn trong năm mới.

Ngoài việc hưởng thụ những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của đền thờ Hoàng đế Quang Trung, du khách còn có dịp thưởng thức hương vị đặc biệt “đặc sản chè vằng” được Ban Quản lý thu hái từ cây chè vằng tự nhiên trên núi Dũng Quyết nơi đền thờ tọa lạc.

Theo các tài liệu, hiện vật, những sự kiện lịch sử còn lưu giữ cho thấy chùa gám được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái trúc lâm - một dòng thiền do phật hoàng trần nhân tông sáng lập, là phật giáo chính thức của đại việt.

 

Chùa Gám (tên chữ là Chí Linh tự) tọa lạc tại xóm 6 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sông Dinh - Rú Gám, là một biểu tượng về niềm tự hào của dân vùng quê lúa Yên Thành.

Theo truyền thuyết kể lại, đất Nghệ An xưa có hai làng nổi tiếng: Nho Lâm (Diễn Châu) hiếu học đỗ đạt cao, và Kẻ Gám (Đông Thành) dân đông xã rộng. Khi được thành lập huyện Yên Thành, có câu ca: điền Hộ Độ, hộ Xuân Nguyên - đất rộng có làng Hộ Độ (xã Đô Thành), người đông có làng Xuân Nguyên tức Kẻ Gám). Nhưng điều kiện canh tác lúc đó còn lạc hậu, chỉ phụ thuộc

vào thiên nhiên, nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Vào những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân lại hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn.

Để nhớ ơn làng, ơn núi cho cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt, người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng trong quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Cũng có ý kiến cho rằng: để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đã đổi sang thành Gám, và chùa Gám cũng có tên từ đó.

Theo các tài liệu, hiện vật, những sự kiện lịch sử còn lưu giữ cho thấy chùa Gám được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái Trúc Lâm - một dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, là Phật giáo chính thức của Đại Việt.

Nổi bật là hình tượng tứ linh ( Long - Ly - Quy - Phượng) được nổi lên bởi những hoa văn họa tiết diễn tả cảnh “ Trúc Lâm thất hiền”, “ Nam sơn tứ hải”, “Sỹ - nông - công thương” bằng các đường nét mềm mại thanh bình.

Riêng ở gian giữa được chạm khắc các hình rồng nổi, cuộn vào nhau, phía dưới được các nghệ nhân khéo léo đưa vào các hình tượng chạm khắc như: Lưỡng long chầu nguyệt, xen kẽ với hình tượng Phượng hàm thư, cá Chép hóa Rồng ...

Với nghệ thuật chạm bong bênh, các con vật linh thiêng được thể hiện rất sống động, tỉ mỉ, mềm mại, uyển chuyển, khỏe khoắn với các đề tài được trang trí khá cân đối, tạo được sự gần gũi giữa thiên nhiên với con người. Qua đó mới thấy được những bàn tay tài ba với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của những nghệ nhân xưa, như muốn gửi gắn vào di sản văn hoá vật thể về truyền thống văn hoá của cha ông cho muôn đời hậu thế.

Đền Cờn thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An từ xưa tới nay được biết đến là một trong những nét văn hóa tâm linh quan trọng của người dân làng Kẻ Càn (nay là làng Phương Cần) nói riêng và người dân Nghệ An nói chung. Đền Cờn lúc nào cũng tấp nập kẻ ra, người vào, xe giăng kín cổng, khói hương nghi ngút. “Ai thành tâm, có việc xin cầu thì về đền Cờn nhất định các ngài thương. Còn những ai to gan mạo phạm thì sẽ nhận lấy những kết cục bi thảm”, đó là lời nhận xét của bà Nguyễn Thị Mùi (67 tuổi) - người sinh ra và gắn bó với sự phát triển của di tích đền Cờn.

Đền Cờn trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng sông Mai Giang thơ mộng, sau đền có hai đồi nhỏ nhô lên như cánh phượng, tọa lạc ở vị trí phong thủy hiếm có “đầu tựa sơn, chân đạp thủy” thờ Tứ vị thánh nương Nam Hải đại càn quốc gia. Đền Cờn ngoài cách đền Cờn trong khoảng 1km đi sâu vào trong làng, án ngự trên dãy núi Thằn Lằn, mé cửa biển lạch Cờn.

Người dân nơi đây bao đời nay làm nghề chài lưới nên mỗi lần ra khơi đều lặng lẽ đến đền Cờn cầu xin được đi biển thuận lợi, trời yên biển lặng, mong các ngài che chở bình an trở về với tôm, cá đầy khoang.

Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiến, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ, ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An. Từ trên đỉnh Thăng Thiên nằm phía sau lưng chùa Đại Tuệ có thể nhìn thấy non nước trùng điệp, thấy được dòng sông Lam uốn lượn, núi Hồng Lĩnh, núi Thiên Nhẫn... bát ngát cả một khung trời kiêu hãnh của miền đất xứ Nghệ.

Đây là ngôi chùa từng được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.

Khi ghé thăm những công trình tâm linh ở Nghệ An, ngoài để lòng mình an yên tự tại, tôi còn có thể hiểu được về lịch sử của vùng đất này, được lắng nghe những ước mong bình dị được gửi gắp chốn thanh tịnh, ước mong về cuộc sống an yên, biển lặng cá đầy, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Được nghe đọc những gì ông cha đã làm để khởi tạo những công trình còn giữ tới ngày nay, để đó ta được dịp soi lại chính mình.

Bài: Vietpictures
Ảnh: Vietpictures
Thiết kế: AICMS