Giày gót nhọn: Vị trí độc tôn nay còn đâu?

Giày gót nhọn: Vị trí độc tôn nay còn đâu?
Thế hệ Gen X, Gen Y trẻ tuổi đang dần rời xa những đôi giày gót nhọn, họ sử dụng tuyên ngôn thời trang của mình để phản bác lại những quan niệm cổ hủ, phân biệt đối xử như phụ nữ phải đi giày cao gót tại nơi làm việc, hay trong các sự kiện sang trọng …

Tháng 1/2014, nhà thiết kế Karl Lagerfeld quá cố lại một lần nữa khiến cả thế giới trầm trồ với BST haute couture trong bối cảnh “Cambon Club”. Người mẫu bước xuống sàn diễn trong những chiếc váy organza, áo khoác tweed cao cấp cùng trang sức lấp lánh đậm chất “haute couture”. Nhưng sự khác biệt lần này là gì? Lấp ló dưới tà váy uyển chuyển, là những đôi giày … thể thao trị giá 3,000 euro và mất tới 30 giờ để hoàn thành.

Những đôi giày thể thao “bụi bặm” được chào đón đến với thế giới thời trang cao cấp hào nhoáng và xa hoa. Không còn bị nhắc đến như một món phụ kiện xuề xoà, “bám đường, bám đất” nhanh chóng bị rũ bỏ khi tới văn phòng; những đôi giày thể thao bỗng trở thành một sản phẩm thời trang được Chanel “phê duyệt”.

Street style giày thể thao Thiết kế sneakers đặc trưng của Chanel.

6 năm trôi qua, xu hướng giày thể thao (sneakers) chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Kể từ lần “ra mắt” tại Chanel, những chiếc sneakers dường như ngày càng trở nên phá cách hơn, ấn tượng hơn … và cũng đắt giá hơn. Dựa trên dữ liệu từ các website thời trang cho thấy, giày thể thao là một trong top 10 những mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất năm 2018. Trong khi Nike hay Adidas –những nhà tiên phong sớm nhìn ra tiềm năng thời trang của sneaker, nhưng vẫn luôn dừng lại ở mức an toàn và phù hợp đại chúng, thì những nhà mốt hàng đầu, lại là chuyên gia trong việc tạo ra một sản phẩm khiến giới mộ điệu phải thèm muốn.

“Tôi không nghĩ rằng giày sneaker chỉ là một xu hướng nhất thời, người tiêu dùng ngày nay dần ưu tiên sự thoải mái, phù hợp với lối sống bận rộn. Do đó, phong cách thể thao sẽ ngày càng được ưu ái.”

Street style giày thể thao và túi Hermes Birkin Giày sneakers và Hermes Birkin ngày nay đã không còn là một "bộ đôi" trái ngược.

“Thế hệ Gen X, Gen Y trẻ tuổi đang dần rời xa những đôi giày gót nhọn, họ sử dụng tuyên ngôn thời trang của mình để phản bác lại những quan niệm cổ hủ, phân biệt đối xử như phụ nữ phải đi giày cao gót tại nơi làm việc, hay trong các sự kiện sang trọng …” Morgane Le Caer, biên tập viên thời trang nhận xét.

Gigi Hadid, Kendall Jenner, Hailey Bieber… - thế hệ người mẫu 9x có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn trên “mặt trận” mạng xã hội Instagram - không ngại ngần khoe dáng với những đôi giày thể thao đắt đỏ và sành điệu trong bất kể mọi dịp. Họ kết hợp sneakers cùng quần áo thể thao, cùng áo phông quần jeans đơn giản, hay cùng những chiếc váy satin dự tiệc quyến rũ … Serena Williams, nữ vận động viên quần vợt số 1 thế giới, thậm chí còn diện giày thể thao trong bữa tiệc cưới hoàng gia của Hoàng tử Harry và Meghan Markle, bên dưới chiếc váy Valentino vô cùng nữ tính.

Quảng cáo

Trước đây có lẽ chỉ 10 năm, giày thể thao đã không bao giờ được coi là một món đồ phù hợp trong một sự kiện quan trọng hay một môi trường nghiêm túc. Nhưng giờ đây, tâm lý xã hội đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều. Cũng vì thế mà yêu cầu “dress code” cũng đã thoái mái hơn rất nhiều, cho phép giày sneakers được “toả sáng” ngay tại nơi làm việc, song song cùng thời trang dạo phố và trang phục thể thao.

Street style

Vậy, liệu có phải “ngày thoái vị” của những đôi giày cao gót đã cận kề? Có lẽ là không. Nhưng giờ đây giày cao gót đôi khi “mắc kẹt” trong những cuộc tranh luận về nữ quyền và phân biệt giới tính khá phức tạp.

Trên thực tế, giày cao gót được xuất hiện đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ thứ 16, với mục đích ban đầu giúp đàn ông bảo vệ bàn chân khi cưỡi ngựa. Sau đó, gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ, giày cao gót được “nhiệt tình” đón nhận tại nhiều nơi. Vua Louis XIV, người trị vì nước Pháp từ 1643 đến 1715, đã có công đưa giày cao gót lên một tầm cao mới. Những đôi giày được chế tác công phu, tỉ mỉ và không phù hợp để thực hiên bất kỳ hoạt động thể chất nào đã đóng vai trò nhấn mạnh, khẳng định địa vị cao quý của người đi – vị vua nước Pháp.

Ngày nay, vẫn còn đó những quy tắc trang phục công sở cho phái nữ phải đi cùng đôi giày cao gót. Năm 2016, Nicola Thorp, nhân viên tiếp tân ở Anh, đã bị sa thải vì không chịu mang giày cao. Câu chuyện bất công này đã trở thành một vụ bê bối lớn, khiến hơn 150.000 người giận dữ, ký đơn thỉnh cầu kêu gọi một đạo luật cấm các công ty bắt buộc nhân viên phải đi giày cao gót. Và từ đó, một cuộc điều tra mở rộng của Quốc hội về quy tắc ăn mặc phân biệt giới tính nơi làm việc đã diễn ra. Nhưng cho đến nay, vẫn không hề có điều luật nào như mong muốn của người dân được ban hành.

Giày cao gót

Không chỉ tại nơi làm việc, giày cao gót cũng được coi là trang phục chuẩn mực dành cho phụ nữ trên thảm đỏ. Liên hoan phim quốc tế Cannes đã phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội vào năm 2015 sau khi nhiều người cho biết họ đã không được vào buổi chiếu phim vì không đi giày cao gót. Những nữ diễn viên nổi tiếng như Emily Blunt và Benermo Del Torro đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích những quy định “gia trưởng” của liên hoan phim này. Năm 2018, nữ diễn viên Kristen Stewart đã “tạt một gáo nước lạnh” đầy mỉa mai vào sự cứng nhắc của những quy định thảm đỏ bằng cách quyết định xuất hiện với đôi chân trần.

Kristen Stewart tháo giày cao gót tại Liên hoan phim Cannes Màn tháo giày trên thảm đỏ gây tranh cãi của Kristen Stewart tại Liên hoan phim Cannes 2018.

Nhưng để nói một cách công bằng, chúng ta không thể loại bỏ, hay chế giễu những đôi giày gót nhọn. Thay vào đó, chúng cần được giải phóng khỏi những kỳ vọng và định kiến về giới tính cũng như chuẩn mực xã hội. Bởi cuối cùng, dù gót nhọn hay đế bằng, chúng vẫn chỉ là những đôi giày mà thôi. Việc sử dụng ra sao và như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ và sự lựa chọn của cá nhân mỗi người.

Theo nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm