Đỗ Thị Hải Yến tôi chọn cuộc sống có trăng, hoa và suối
Sau hơn 7 năm dành toàn thời gian cho gia đình và làm mẹ ba nhóc tì xinh xắn, Đỗ Thị Hải Yến vừa trở lại với điện ảnh, không chỉ một mà hai dự án nối tiếp nhau. Niềm hạnh phúc của một “người đàn bà đẹp” bước qua tuổi 40 sáng bừng trên gương mặt cô. Vẻ đẹp viên mãn của một đóa hoa ở thời đẹp nhất mà cô nói rằng, nó có được nhờ trải nghiệm và thời gian.
30 năm, 8 bộ phim
và điều chỉ có điện ảnh mang lại
Tôi biết Đỗ Thị Hải Yến cũng phải hơn hai mươi năm rồi, từ hồi cô mới chập chững bước chân vào điện ảnh rồi chỉ sau một đêm, trở thành nữ diễn viên đầu tiên của Việt Nam đóng vai chính trong một bộ phim của Hollywood – “Người Mỹ trầm lặng”, bên cạnh hai tên tuổi lớn là Sir Michael Caine và Brendan Fraser – ngôi sao vừa có màn “comeback” ngoạn mục và thắng giải Oscar nam diễn viên chính đầu năm nay.
Từ Phượng của “Người Mỹ trầm lặng”, Yến tiếp tục có những cuộc hóa thân khác với điện ảnh dưới những nhân dạng và tính cách khác nhau. Đó là Pao trong “Chuyện của Pao”, Duyên trong “Chơi vơi”, Sương trong “Cánh đồng bất tận” và Vân trong “Cha và con và…”, mỗi vai diễn trở thành một phần cuộc đời và nằm trong một ngăn kéo đựng ký ức của cô.
Và khi bạn đang đọc bài báo này, có lẽ Yến cũng vừa hoàn thành những cảnh quay cuối cùng của “Quán Kỳ Nam”, bộ phim mà cô hợp tác với đạo diễn Leon Le. Dù tối hôm trước, cô dành hơn 15 tiếng trên set quay và chỉ chợp mắt được vài tiếng sau khi trở về nhà lúc 6 giờ sáng, gương mặt của Yến vẫn bừng sáng khi nói về điện ảnh và vai diễn mới.
“Cho dù làm bất cứ công việc gì thì đây mới là công việc mà tôi yêu thích nhất. Nó mang lại cho tôi một nguồn năng lượng mà không công việc nào có thể mang lại. Mặc dù đi quay mỗi ngày 14-15 tiếng rất mệt, nhưng tôi tận hưởng từng khoảnh khắc trên trường quay và nhận ra, cuối cùng đây vẫn là nghề nghiệp dành cho mình”, cô nói.
Hóa ra không chỉ hơn 20 năm, Yến nói rằng năm nay là dấu mốc kỷ niệm 30 năm cô bước chân vào điện ảnh, nếu tính từ bộ phim đầu tiên là “Chuyện tình kể trước lúc rạng đông” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Cho dù dự án điện ảnh do Pháp đầu tư ấy không thành đi nữa, Yến biết thế nào là điện ảnh và niềm vui khi được hóa thân thành một con người khác hẳn cô ở ngoài đời. Thời điểm đó, khoảng năm 1993, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đến trường múa để tuyển diễn viên cho một bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, nhưng anh Hùng mất khá nhiều thời gian cho dự án mới, nên đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chọn Yến, lúc đó mới khoảng 12 tuổi, cho dự án của anh.
Khoảng bốn năm sau, khi Trần Anh Hùng bắt tay làm “Mùa hè chiều thẳng đứng”, Yến vẫn có tên trong dàn cast của bộ phim, cho dù là một vai nhỏ bên cạnh những đàn chị mà cô ngưỡng mộ như Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê.
Đó giống như một cái duyên nghề vậy vì cả sự nghiệp sau đó, dù làm ít phim nhưng Yến đều làm việc với những đạo diễn tài năng và tên tuổi, từ Phillip Noyce của Hollywood đến Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Phan Quang Bình, Phan Đăng Di và sắp tới là Leon Le, Nguyễn Hoàng Điệp.
“Có thể là do tổ đãi, nhưng tôi nghĩ nó cũng xuất phát từ sự chân thành và hồn nhiên trong sáng của mình khi đến với điện ảnh. Tôi bước vào điện ảnh với một tâm thế không phải trở thành ngôi sao để nổi tiếng, hay để kiếm tiền. Mục đích của tôi lúc ấy là liệu mình làm công việc này có thành công hay không, có mang lại một ý nghĩa nào không? Bởi vì làm phim là một quá trình dài làm mình mất rất nhiều thời gian và công sức, không chỉ của cá nhân mình mà cả tập thể. Vì vậy khi chọn dự án nào, tôi cũng cân nhắc rất lớn đến kịch bản, đạo diễn và ê-kíp sáng tạo. Nếu không có ‘chemistry’ và lòng tin với nhau thì rất khó để đi hết một hành trình như vậy”, Yến nói.
Đó là lý do mà Yến từ chối rất nhiều kịch bản. Số lượng dự án cô từ chối lớn hơn rất nhiều so với dự án cô nhận lời. Và tính ra, sau 30 năm tuổi nghề, cô chỉ làm đúng 8 bộ phim, tính cả “Quán Kỳ Nam”.
Yến nói, trong từ điển của cô chưa bao giờ có từ “vội”, nhất là với cái nghề mà cô đam mê này. Cô cũng chưa bao giờ lo mình hết thời hay bị lãng quên. “Có thể tôi hơi ích kỷ một chút, nhưng tôi làm nghề này trước hết vì bản thân tôi cái đã, chứ không phải mưu cầu danh tiếng hay được mọi người tung hô”.
Với Yến, khi bước vào một bộ phim nào đó, cô gần như sống trong thế giới của nhân vật đó. Vì vậy mà mỗi ngày 15 tiếng đồng hồ trên trường quay rất quý giá. Nó có thể là một thế giới không có thật với cô ngoài đời, nhưng nó lại rất thật trong chính khoảnh khắc mà cô bước vào đó. Và bổn phận của cô là làm cho người bên ngoài tin được thế giới mình tạo ra là có thật.
“Đối với tôi, đó có lẽ là điều hấp dẫn nhất của điện ảnh. Và đó cũng là lý do tôi yêu cái nghề này”.
Bức màn nhung
và thế giới mộng tưởng
Kể từ khi “Cha và con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di tham gia tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin vào năm 2015, Yến từ giã điện ảnh để tập trung cho vai trò làm vợ và làm mẹ. Trong khoảng thời gian khá dài ấy, Yến nói rằng thật ngạc nhiên là cô không có khao khát hay nhớ mong gì điện ảnh cả, đó là lý do cô từ chối khá nhiều dự án. Cô tận hưởng từng giây phút hàng ngày của mình trong gia đình, vì biết nó rất quý giá và không phải lúc nào mình cũng có được những khoảnh khắc đó. Như việc tự tay chăm sóc ba đứa con nhỏ, nhìn chúng lớn lên mỗi ngày. Cô cũng hỗ trợ chồng trong việc kinh doanh hay mở trường học, nhà hàng, không gian triển lãm nghệ thuật Lavelle Academy để thử mình trong một vai trò khác.
Dù không đóng bất cứ bộ phim nào, nhưng những trải nghiệm trong cuộc sống mang đến cho cô nhiều giá trị mới để rồi khi cái duyên điện ảnh tới, cô quay trở lại với một tâm thế thật khác.
“Cái khác ở đây là về cảm xúc, tinh thần, những cảm nhận của mình với thế giới xung quanh. Khi tôi làm mẹ, những linh cảm, thấu hiểu của tôi cũng khác rất nhiều so với ngày xưa, lúc tôi là một người phụ nữ độc thân hoặc không lo toan đến con cái. Tất nhiên khi nhận đóng vai Kỳ Nam, tôi cũng rất lo lắng. Nhưng sự lo lắng ấy rất cần thiết, bởi không lo mới là vấn đề. Tôi lo việc này đến với mình lúc này có đúng hay không? Và mình có dành thời gian, tâm sức cho nó như trước đây khi mình chưa vướng bận gia đình và con cái hay không? Bởi công việc này đòi hỏi phải đầu tư 100% thời gian và năng lượng
Và trong suốt một năm qua, từ khi nhận kịch bản, tập dượt qua các buổi workshop về diễn xuất, phân tích tâm lý nhân vật với đạo diễn, luyện ngôn ngữ, học đàn tranh và nữ công gia chánh…, Yến cảm giác mình được hoàn thiện mỗi ngày và càng ngày càng sống trong thế giới mộng tưởng của nhân vật trên màn ảnh. Khi đến trường quay, tất cả mọi người trong đoàn phim đều gọi cô là Kỳ Nam, cho dù nhân vật này khác cô ngoài đời hoàn toàn.
“Khi đến trường quay, bước qua một tấm màn, tôi như được sống trong một thế giới khác. Nó khiến mỗi ngày quay của tôi đều rạo rực và tim đập rộn rã. Cuộc đời diễn viên chỉ cần những khoảnh khắc như vậy là đủ để nuôi sống tinh thần của mình và khiến mình gắn bó với cái nghề này mà không cần phải băn khoăn do dự”.
“Đó là một thế giới mà tôi thuộc về”, Yến nói tiếp. “Khi tôi đóng bộ phim này, tôi có cảm giác hoàn hảo vì nó đủ đầy. Những gì mình học về diễn xuất thì cũng chỉ là kỹ thuật thôi. Sau 30 năm làm nghề này, với tôi, người diễn viên quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm và thời gian. Tất cả những cái đó mang lại cho tôi một cảm giác như một món ăn đủ vị vậy. Với lần này, tôi có cảm giác rõ về điều ấy”.
Cuộc đời diễn viên quan trọng nhất là sự trải nghiệm và thời gian
Câu nói đó đến từ Sir. Michael Caine – một bậc thầy, một người bạn diễn của cô trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”. Lúc đóng bộ phim đó, Yến chỉ là một trang giấy trắng với điện ảnh, còn Sir. Michael Caine là một tên tuổi lớn với sự nghiệp trải dài hơn 5 thập niên và có 2 giải Oscar trong tay.
Ở thời điểm ấy, Yến không hiểu lắm câu nói này, nhưng sau 30 năm làm nghề và trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, cô nhận thức được điều đó rất rõ. Trải nghiệm và thời gian cho cô sức mạnh trong diễn xuất. Trải nghiệm và thời gian cho cô độ chín trong suy nghĩ và biểu đạt cảm xúc, để khi cô vào vai một nhân vật có cuộc đời nhiều biến cố như Kỳ Nam, nó giúp cô cảm nhận được nội tâm của nhân vật.
“Dù trong cuộc sống riêng tôi chưa phải đối mặt với những biến cố và mất mát như nhân vật này, nhưng tôi vẫn cám ơn cuộc đời đã cho tôi những trải nghiệm thăng trầm. Tôi biết cảm giác lúc mình không có gì hoặc lúc đổ vỡ như thế nào. Tôi cũng từng có những phút giây thăng hoa, hạnh phúc trong sự nghiệp và trong đời sống riêng. Tôi có đầy đủ chua ngọt mặn đắng cay, tất cả chúng tạo thành một con người đủ đầy như tôi hiện tại. Để bây giờ, dù có chuyện gì xảy ra thì tôi cũng sẵn sàng đối mặt với nó. Và tôi bước vào thế giới của nhân vật với một tâm thế như vậy”.
Điều có thể rất khác với nhiều phụ nữ khác là tôi không sợ tuổi tác. Thậm chí
tôi còn mong chờ mình bước qua tuổi 40, vì với tôi tuổi 40 rất đẹp.
Đó cũng là tâm thế khi Yến nhận lời đóng vai chính trong bộ phim “1982” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sau khi hoàn thành “Quán Kỳ Nam”. Yến nói cô và Nguyễn Hoàng Điệp cùng tuổi và biết nhau cũng gần 20 năm rồi. Bộ phim đầu tiên Yến làm sản xuất là “Chít và Pi” do Điệp đạo diễn. Thời điểm Yến đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên, Điệp cũng ở cạnh cô trong những ngày khốn khổ nhất.
“Cho dù chúng tôi không có nhiều dịp để gặp nhau, Điệp vẫn luôn là một phần đặc biệt trong ‘chiếc hộp ký ức’ của tôi. Tôi luôn tự nhủ, mình phải làm một bộ phim với Điệp, nhất là về tính nữ trong điện ảnh của cô ấy. Dự án ‘1982’ đến với chúng tôi như một cái duyên cần phải đến vậy”.
Sau “Chơi vơi”, Yến thừa nhận cô vẫn rất muốn làm một bộ phim độc lập về Hà Nội, đặc biệt là trong mùa đông và những ngày Tết. Đó là khoảng thời gian gợi nhiều ký ức về tuổi trẻ mông lung và nhiều hoài niệm của cô. Bộ phim sắp tới của Nguyễn Hoàng Điệp có tất cả những điều ấy. Và dù nhân vật của phim cũng rất khác với Yến hiện tại, Yến lại khao khát được thể hiện nó, nhờ những trải nghiệm và thời gian mà cô đã “chưng cất” bên trong mình.
Cuộc sống của trăng, hoa và suối
Ở khoảng giữa của hai bộ phim sắp tới, Yến cũng vừa bước qua một cột mốc mới của đời người. Cô bước qua tuổi 40 với sự thong dong tự tại của một người phụ nữ luôn biết làm chủ cuộc đời mình.
“Điều có thể rất khác với nhiều phụ nữ khác là tôi không sợ tuổi tác. Thậm chí tôi còn mong chờ mình bước qua tuổi 40, vì với tôi tuổi 40 rất đẹp. Nó vẫn còn một chút của tuổi trẻ mình vừa đi qua, nhưng đồng thời nó cũng gom góp rất nhiều trải nghiệm suốt 40 năm cuộc đời mà mình từng trải”.
Hơn một thập niên qua, Yến sống trong niềm hạnh phúc của tình yêu rồi gia đình. “Nếu vài năm trước, hạnh phúc đó giống như một bông hoa mới nhú thì bây giờ nó giống như một đóa hoa đã nở tròn đều và có thể cảm nhận được mùi hương của nó”, Yến bật cười trước sự ví von có phần hoa mĩ đó, nhưng nó diễn tả chính xác cảm xúc của cô lúc này.
Sau khi sinh ba đứa con liên tiếp và những đứa trẻ đang lớn lên mỗi ngày, cô nhận được sự ủng hộ của cả gia đình cho việc quay trở lại điện ảnh. Thậm chí, những đứa trẻ còn biết tự lập để không làm phiền đến mẹ trong giai đoạn cô tập trung cho vai diễn ở phim trường. Mỗi ngày đến với Yến trọn vẹn tới mức cô chỉ biết tận hưởng từng giây phút của hiện tại, thậm chí không nghĩ đến ngày mai như thế nào.
Kết thúc cuộc trò chuyện kéo dài suốt buổi chiều với tôi, trước khi chuẩn bị bước vào set quay của “Quán Kỳ Nam” buổi tối hôm đó, Yến nói rằng, nếu được chọn để so sánh cuộc sống của mình với thế giới cảnh vật xung quanh, cô sẽ chọn trăng, hoa và suối, vì chúng biểu đạt cho tình yêu cuộc sống và thế giới bên trong cô:
“Trăng mang lại cảm giác đủ đầy vì tôi sinh vào ngày rằm. Và đối với tôi, mặt trăng luôn mang lại cảm giác ấm áp và bình yên, nó như một ánh sáng trong bóng đêm. Nó làm cho mình nhìn về phía trước với ánh sáng dẫn đường. Tương lai của mình lúc nào cũng thấy sáng.
Còn dòng suối thì tuy nhỏ nhưng không bao giờ dừng lại mà luôn róc rách chảy. Tôi không bao giờ ước mơ mình là biển lớn hay dòng sông. Với tôi, một dòng suối chảy xung quanh vườn cây hoa lá tươi tốt – đó là cuộc đời mà tôi hướng đến. Nó bình an, nhỏ xinh và ấm cúng.
Còn hoa thì màu sắc và hương thơm của nó làm cho cuộc sống của mình nhẹ nhàng, vui vẻ, phấn chấn.
Với tôi, ba thứ ấy của cuộc đời là đủ”.