Dừng chân cảm nhận hồn quê xứ nghệ

Dừng chân cảm nhận hồn quê xứ nghệ

Dừng chân cảm nhận hồn quê xứ nghệ

Có người từng nói, đi bất kỳ đâu ở Nghệ An bạn cũng có thể tìm thấy một phần kỷ niệm về quê hương và một phần tuổi thơ của mình ở đấy. Như một Việt Nam thu nhỏ, Nghệ An vừa có rừng núi, vừa có đồng bằng, cao nguyên, biển cả. Sở hữu nhiều điểm mộc mạc, chân quê. Nghệ An là điểm đến giúp bạn cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn.

Những cánh đồng đặc biệt ở Nghĩa Đàn

CÁNH ĐỒNG HOA HƯỚNG DƯƠNG

Cánh đồng hoa hướng dương rộng khoảng 100ha nằm ở huyện Nghĩa Đàn. Mỗi mùa hoa, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 12, khi cánh đồng hoa bạt ngàn nở rộ, nơi đây lại trở thành điểm dừng chân thú vị cho khách du lịch. Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe từ bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình đi Nghệ An với giá khoảng 200.000 đồng. Đến huyện Nghĩa Đàn, bạn sẽ thấy một cánh đồng hoa hướng dương vàng tươi khoe sắc rực rỡ cả một góc trời.

Hãy đến nơi đây một lần để cảm nhận rõ rệt nhất sự đặc biệt của loại hoa này. Những đóa hoa hướng dương hệt như ánh mặt trời rực rỡ, tượng trưng cho sự đam mê mãnh liệt. Một loài hoa tươi sáng và vui vẻ, mạnh mẽ nhưng cũng đầy dịu dàng và đam mê.

NHỮNG VẠT CAM, VƯỜN ỔI ƯƠM VÀNG

Từ những vườn keo kém hiệu quả, đất bạc màu, người dân xã Nghĩa Lâm đã chuyển đổi hơn 30ha đất để trồng ổi. Mùa ổi trĩu quả vào tháng 6, tháng 7. Tuy nhiên nhờ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc kĩ càng nên các vườn ổi thu quả rất đều quanh năm, cây ít sâu bệnh.
Ổi lê trồng ở Nghĩa Đàn trong khoảng 5 năm trở lại đây được người tiêu dùng ưa chuộng bởi trái to, da láng mịn, ít hạt, vị ngọt đậm đà hơn ổi trồng ở những vùng khác.
Cùng với ổi, cam cũng được đưa vào trồng nhiều ở Nam Đàn những năm gần đây. Cam vùng này thơm ngọt, mọng nước hàm lượng dinh dưỡng cao.

Cánh đồng tam giác mạch và cánh đồng hoa bươm bướm ở Thái Hòa và Nghĩa Đàn

Đến thị xã Thái Hòa, và một số địa điểm của huyện Nghĩa Đàn như: thung lũng hoa Phủ Quỳ hay một số cánh đồng của một số người dân tự trồng cách đường mòn HCM khoảng 3-7km, các bạn sẽ được ngắm nhìn các loại hoa tuyệt đẹp như hoa tam giác mạch, hoa bướm, hoa ban...Các thung lũng hoa sẽ bắt đầu mở cửa đón khách vào 20/11/2019.

Hoa tam giác mạch có cảm ứng biển đổi màu theo ánh sáng mặt trời, buổi sáng hoa có màu trắng, buổi trưa hoa chuyển màu phớt hồng, chiều hoa lại ngả sang màu tím.

Đồng sen quê lúa yên thành

Yên Thành được biết đến là một vùng đất cổ và cũng là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Về với Yên Thành, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng cò bay mỏi cánh. Nơi đây là vựa luá lớn nhất tỉnh Nghệ An.

Vốn là một vùng quê nghèo khó quanh năm chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, trồng lúa không cải thiện được đời sống. Nhiều người dân huyện Yên Thành đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu để đầu tư trồng sen. Sen không chỉ làm đẹp thêm cảnh quan làng quê, góp phần cải thiện môi trường mà còn mang lại nguồn thu nhập cho nông dân nơi đây. Sen được nông dân Yên Thành trồng là giống sen bản địa, với đặc trưng sắc hồng đậm, tươi sáng, nhiều hạt và rất thơm.

Đồi chè Thanh Chương

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, những đồi chè ở Thanh Chương (Nghệ An) còn tạo nên nét vẽ đầy thơ mộng trong bức tranh quê hướng xứ Nghệ. Rất nhiều người đã tìm về vùng chè này để tận hướng không khí trong lành với màu xanh của những bậc thang xanh tươi uốn lượn mênh mông sông nước đúng như lời ca: "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như trang họa đồ".

Nghề làm niêu đất Trù Sơn

Theo nhiều bậc cao niên ở Trù Sơn thì nghề làm nồi đất ở đây xuất hiện từ thời nhà Trần, do một công chúa con vua Trần truyền dạy cho người dân trong thuở khai hoang lập đất.

Người Trù Sơn ngày trước ai sinh ra cũng sớm quen với nghề gốm. Để có đất làm gốm ưng ý, người dân ở Trù Sơn thường phải xuống xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc lên tận Sơn Thành (Yên Thành) mới chọn được đất thích hợp. Thời xa xưa, người dân phải dùng đôi quanh gánh vượt qua quãng đường dài 7-10 cây số mới đưa được đất về, cơ cực như vậy nên người dân Trù Sơn gọi là "nghề bán xương nuôi thịt".

Gốm Trù Sơn có những nét độc đáo riêng. Theo nhiều người làm gốm lâu năm thì gốm ở Trù Sơn có lẽ là loại gốm còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ. Sản phẩm gốm ở đây dù không sặc sỡ, bắt mắt và tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Điều khiến người dân ưa chuộng những chiếc nồi đất ở Trù Sơn chính là khi sử dụng sản phẩm này để đun nấu thức ăn hoặc nấu thuốc đều giữ nguyên được hương vị vốn có của nó! Thậm chí, người làm gốm ở đây còn cho biết người ta còn dùng nồi đất của Trù Sơn để nấu vàng.

Làng nồi đất Trù Sơn là một điểm đến lý thú cho những ai muốn tìm về vẻ đẹp của làng quê yêu dấu. Đơn sơ, mộc mạc, giản dị, gần gũi, bình yên là chưa đủ, phải cần rất nhiều tính từ mới có thể nói hết được chất quê kiểng đầy nét duyên của ngôi làng này.

Làng cá nướng diễn vạn

Từ những mẻ cá tươi được đánh bắt về, người dân làng Diễn Vạn qua nhiều công đoạn chế biến vất vả đã cho ra đời những mẻ cá nướng thơm ngon. Nướng cá đã là nghề truyền thống lâu đời của làng, không chỉ là một đặc sản khó quên mà đây còn là nghê nuôi sống hàng trăm gia đình tại vùng quê Diễn Vạn.

Nếu ai một lần đặt chân đến làng cá nướng này thì bất kể mùa mưa hay mùa nắng, mùi cá nướng lẫn trong mùi khói than hồng luôn ngào ngạt bên sống mũi, đậm đà hương vị của biển. Quê hương có mùi vị mặn nồng như thế.

Làng ăn trầu Quỳnh Yên

Dân gian có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện". Quả cau nho nhỏ miếng trầu xanh đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thường xuyên bắt gặp hình ảnh cụ già, các vị trung niên và thậm chỉ cả những thanh niên bỏm bẻm nhai trầu tại Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nơi đây còn có những lão làng được mệnh danh là kiện tướng ăn trầu.

Không têm cánh phượng cầu kì như người Bắc, người dân Quỳnh Yên mời trầu có phần đơn giản nhưng chính bởi cách mời duyên dáng, nhẹ nhàng khiến cho những vị khách khó tính nhất cũng khó lòng từ chối. Không chỉ có mặt trong lễ nghi, cưới hỏi, miếng trầu, quả cau hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày của con người nơi đây.

Bánh đa Đô Lương

Nhắc đến bánh đa miền Trung là nhớ ngay tới bánh đa Đô Lương của xứ Nghệ. Bánh đa Đô Lương nổi tiếng thơm ngon bởi người dân làm nghề luôn chú trọng khâu chọn gạo, bánh cho nhiều vừng đen và gia vị tiêu, tỏi tạo nên hương vị đặc trưng. Những chiếc bánh nhỏ nhắn, có đường kính khoảng 20cm, bên trên rắc nhiều vừng đen nên khi ăn rất bùi và thơm.

Nghề làm bánh đa vừng Đô Lương không chỉ giúp người dân có việc làm ổn định mà còn lưu giữ được nét đẹp của làng nghề truyền thống với món ăn đậm đà chất quê. Mỗi hạt gạo, hạt vừng, chiếc bánh chứa đựng cả tình cảm người làm trao gửi.

"Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người."

Trên hành trình lớn lên, mỗi chúng ta đều đi qua tuổi thơ, đi qua những miền kí ức xa xôi. Miền kí ức đó có bóng dáng của quê hương, của gia đình, của cha mẹ, của những người mà ta trân quý. Ai đã về vùng đất Nghệ thân thương chắc chẳng thể quên dư vị mặn mòi của biển, màu xanh bạt ngàn của đổi chè, màu vàng rực rỡ của cánh đồng hoa hướng dương, mùi thơm làng cá nướng, nét mộc mạc làng nồi đất Trù Sơn, hương sen, hương lúa... Một lần đến với xứ Nghệ để về với quê hương với vô vàn những điều để nhớ để mong.

Bài: Vietpictures
Ảnh: Nghệ An
Thiết kế: AICMS