Khi Upcycling - "Thời trang tái chế" - lên ngôi

Khi Miu Miu ra mắt bộ sưu tập “Upcycled” với hơn 80 thiết kế tạo nên từ những bộ trang phục cũ từ chính nhà mốt này cũng là lúc giới mộ điệu nhận định tái chế sáng tạo không chỉ dừng lại ở một định nghĩa, mà trở thành xu hướng của công nghiệp thời trang.

Xu hướng manh nha

Thuật ngữ tái chế sáng tạo – “upcycling” mới chỉ xuất hiện trong ngành công nghiệp thời trang cách đây không lâu, nhưng đã nhận được sự chú ý của thế giới thời trang bởi những tiềm năng xu hướng này mang lại. Không giống với trang phục đã qua sử dụng, tái chế sáng tạo mang đến giải pháp thú vị hơn với những sản phẩm thời trang bị xem là lỗi thời bằng cách sử dụng những chi tiết, vải vóc… của bộ trang phục để tạo nên thiết kế mới hoàn toàn.

Thời trang vốn đã xoay vòng, nhưng những vòng xoay này không nhất thiết có quỹ đạo giống nhau, các nhà thiết kế và nhãn hàng sớm đã tiếp cận thời trang tái chế sáng tạo từ chính nhận thức này. Vào tháng 9/2019, bộ sưu tập Maree Noire của nhà thiết kế Marine Serre ra mắt, được xem là bộ sưu tập đầu tiên áp dụng phương thức tái chế sáng tạo. Nhà thiết kế người Pháp sử dụng vải thừa từ những bộ sưu tập cũ của mình cho những thiết kế mới, dù quá trình này không hề dễ dàng, mất nhiều thời gian thu thập và sản xuất hơn. Tiếp bước nhà mốt Pháp, Banana Moon cũng biến những mảnh vải thừa thành đồ bơi để ra mắt trong bộ sưu tập Hè 2020.

Thời trang tái chế

Tái chế sáng tạo thúc đẩy sự "thay máu" trong quá trình sản xuất thời trang truyền thống, cũng như nhà thiết kế buộc phải đối mặt với áp lực tạo nên những thiết kế chất lượng từ vải tận dụng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bộ sưu tập có thể thành công về mặt doanh thu. Nhà thiết kế Gabriela Hearst, giám đốc sáng tạo mới nhận chức của Chloé thậm chí còn nhận phải hàng loạt ý kiến trái chiều khi sử dụng vật liệu tái chế vào năm 2017, từ ngữ “vải thừa” từng được coi là “tối kị” với ngành công nghiệp thời trang cao cấp.

Nhưng cuối cùng, chính thế giới thời trang phải thừa nhận, tái chế sáng tạo là một sân chơi ai cũng có thể tham gia, bởi có hàng trăm cách các nhà mốt có thể áp dụng để lặp lại vòng đời của vải vóc, trang phục: từ tận dụng vải thừa đến sử dụng chính phần lấy ra từ trang phục từ những bộ sưu tập cũ.

Thời trang tái chế Giày của addidas nắm bắt xu hướng thời trang tái chế

Hướng đi mới của thời trang cao cấp

Được nhận định là xu hướng lớn nhất trong mùa thời trang Xuân/Hè 2021, tái chế sáng tạo tiếp cận những nhà mốt danh tiếng nhất. Balenciaga ra mắt áo choàng rộng làm từ lớp lông lót giày, Marni sử dụng vải thừa từ bộ sưu tập cũ cho những thiết kế ngoài trời, Coach sử dụng chất liệu từ túi sản xuất từ những năm 1970… Bộ sưu tập Upcycled của Miu Miu ra mắt mới đây tuy sinh sau đẻ muộn nhưng lại gây tiếng vang lớn bởi cả khía cạnh sáng tạo, thẩm mỹ lẫn lịch sử.

Thời trang tái chế Bộ sưu tập Marni mùa Xuân/Hè 2020 với những thiết kế đã được upcycle
Quảng cáo

Hiện nay, những hạn chế xuất hiện do đạI dịch đã khiến các nhà thiết kế phải tận dụng mọi vật liệu mà họ có sẵn trong studio, thay vì nhập về lượng vải vóc mới như trước đây. JW Anderson cũng vừa ra mắt bộ sưu tập mới, Made in Britain, bao gồm 6 thiết kế được làm hoàn toàn từ vải thừa và mảnh vụn từ các mùa trước. “Made in Britain bắt nguồn từ ý đồ tạo ra một bộ sưu tập thời trang mới từ những gì chúng tôi đang có ngay tại nơi chúng tôi sống và làm việc,” giám đốc sáng tạo Jonathan Anderson chia sẻ, anh cũng từng thiết kế những sản phẩm upcycle cho các bộ sưu tập Loewe’s Eye/ Loewe/ Nature. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy xu hướng upcycle ngày càng lan rộng trong tương lai.”

thời trang tái chế Bộ sưu tập mới nhất Made in Britain của nhà thiết kế Jonathan Anderson.

Tái chế là "hiển nhiên"

Trong khi người yêu thời trang ngày càng nâng cao nhận thức về môi trường, tái chế sáng tạo đại diện cho một phương pháp phát triển bền vững cụ thể và thiết thực nhất với các hãng thời trang cao cấp hiện nay. Thổi linh hồn mới cho những chất liệu cũ và biến nó thành một thiết kế hợp mốt là cách làm khôn ngoan: vừa chứng minh sự xoay vòng liên hồi của chất liệu, vừa tôn vinh chính chất liệu ấy, đây cũng là lực đẩy buộc các nhà thiết kế vận dụng khuynh hướng sáng tạo của mình để phát huy tối đa những chất liệu đã có.

Thời trang tái chế Kaia Gerber trong BST mùa Xuân/Hè 2021 của Coach, diện chiếc váy được làm lại từ một thiết kế năm 2018 của nhà mốt Mỹ.

Đồng thời các nghiên cứu cho thấy lượng khí thải từ việc sản xuất vải vóc chiếm phần lớn nhất trong tổng lượng khí thải ra của ngành công nghiệp thời trang. Chính vì vậy, chúng ta nên ưu tiên tái sử dụng những vật liệu có sẵn và phổ biến xu hướng này ra toàn cầu. “Chúng ta đã có đủ lượng vải vóc để thiết kế bộ sưu tập mới, nhưng lại tiếp tục sản xuất thêm một lượng vật liệu khổng lồ mỗi mùa,” Sara Arnold, người đồng sáng lập nhóm chiến dịch Fashion Act Now chia sẻ.

Thời trang tái chế Ảnh hậu trường show diễn Gucci mùa xuân 2020 tại Milan. Nhà mốt Ý vừa công bố sự hợp tác với The RealReal, trang web bán đồ second-hand với hơn 17 triệu người sử dụng cho đến thời điểm hiện tại.

Đương nhiên, việc tái chế vẫn chưa đủ. Vấn đề quan trọng nhất của ngành công nghiệp thời trang là sản xuất dư thừa vẫn cần phải được giải quyết. “Các nhà bán lẻ lớn cần phải cân nhắc lượng quần áo khổng lồ mà họ thu mua hằng năm,” Lantink nhận định. “Họ cần phải thay đổi tư duy của mình.”

Theo nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm