Thời trang giải cấu trúc nét thẩm mỹ của sự bất toàn
Ra đời từ những năm 1980, kỹ thuật giải cấu trúc đã làm thay đổi cách nhìn nhận của giới mộ điệu về cái đẹp trong thời trang. Mang tư tưởng vượt ra khỏi những quan điểm truyền thống, lối thiết kế này đã thổi làn gió mới vào haute couture, lãnh địa thời trang tưởng chừng chỉ tuân theo chuẩn mực.
“Thời trang giải cấu trúc” (Deconstruction Fashion) là thuật ngữ nghe có vẻ vừa quen vừa lạ đối với giới mộ điệu. Thuật ngữ này không mấy khi được các nhà thiết kế hay các tạp chí thời trang đề cập đến. Khái niệm “giải cấu trúc” được triết gia người Pháp Jacques Derrida đưa vào các lý luận triết học của ông từ những năm 60 nhằm chỉ quá trình phá vỡ các tiêu chuẩn đã thiết lập sẵn.
Năm 1989, nhiếp ảnh gia Bill Cunningham là người đầu tiên đưa thuật ngữ “giải cấu trúc” vào thế giới thời trang mỹ miều. Ông dùng thuật ngữ này để mô tả phương pháp tạo ra bộ trang phục bằng cách thay đổi vị trí các bộ phận. Cho tới nay, “giải cấu trúc” đã và vẫn đang hiện diện trên các sàn diễn thời trang lớn dưới nhiều cách thức khác nhau.
Các thương hiệu theo đuổi lối thiết kế này có thể tự do sáng tạo phom dáng mới lạ cho trang phục bằng cách xô đổ những khuôn mẫu cũ kỹ của thời trang. Hãy tạm quên đi những gì chúng ta từng biết về tỉ lệ và kết cấu trang phục. Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo và Martin Margiela là ba nhà thiết kế tiên phong đưa giải cấu trúc bước lên sàn diễn thời trang cao cấp. Trong suốt thập niên 80, giai đoạn mà nền thời trang ghi nhận sự thống trị của âu phục vừa vặn hay đầm dạ hội quyến rũ, Yamamoto và Kawakubo là hai nhà mốt đã tạo nên cơn địa chấn trong nền thời trang với loạt thiết kế avant-garde lạ mắt. Những mối may chưa hoàn chỉnh, đường viền thô, vải lồng nhiều lớp hay vết sờn rách trở thành những điểm nhấn đặc sắc trên trang phục, thách thức quan niệm về trang phục tiêu chuẩn của phương Tây lúc bấy giờ. Họ là những tên tuổi tiên phong làm nên cuộc cách mạng thời trang giải cấu trúc, mở đường cho các nhà thiết kế lừng lẫy sau này tìm kiếm nguồn cảm hứng. Trong đó, nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela đã góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng này diễn ra sôi nổi hơn.
Martin Margiela tạo dựng tên tuổi của mình trên bản đồ thời trang thế giới bằng cách chơi đùa với tỉ lệ, đường may, đường viền và đường khâu. Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của Margiela là giày bốt Tabi. Sau khi được giới thiệu tại show diễn năm 1988, bốt Tabi không được giới mộ điệu đánh giá cao bởi phần mũi chia ngón thô kệch, khiến người mang mất đi sự nữ tính. Tuy nhiên, trải qua 35 năm, Tabi đã trở thành biểu tượng của nhà mốt Maison Margiela. Giờ đây, phom dáng giải cấu trúc lạ mắt của Tabi tiếp tục được biến tấu mới mẻ trên nhiều chất liệu và kiểu giày đa dạng như sneakers, giày tây, giày cao gót… của Maison Margiela.
Ở mảng ready-to-wear, ngoại trừ những thương hiệu chọn thời trang giải cấu trúc làm bệ phóng để xây dựng dấu ấn, đa số các nhãn hàng chỉ ứng dụng giải cấu trúc trên trang phục trình diễn, tức là những bộ đồ không dành để bán. Ở lãnh địa haute couture, nơi tôn vinh những kỹ thuật thủ công thượng thừa, trường phái này được sử dụng nhiều hơn. Tại Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris Thu Đông 2023 diễn ra vào 3/7-6/7 vừa qua, giới mộ điệu đã được chiêm ngưỡng nhiều góc nhìn mới mẻ về “hàng thửa” qua lăng kính giải cấu trúc.
Kết cấu trang phục trông như chưa được hoàn thiện với đường may hở, mép thô và kết cấu bất đối xứng là một trong những kỹ thuật giải cấu trúc xuất hiện nhiều nhất tại Tuần lễ Thời trang Haute Couture Thu Đông 2023. Giám đốc sáng tạo Pierpaolo Piccioli của Valentino ứng dụng kỹ thuật cắt may giải cấu trúc trên nhiều mẫu trang phục, trong đó, chiếc đầm bằng lụa satin màu đỏ vermilion nổi bật hơn cả với phần cổ áo nới rộng thành mũ trùm đầu, phần thân tạo hiệu ứng xoắn nhằm triệt tiêu các mối may và để lộ phần mép thô tự nhiên. Rũ bỏ kết cấu áo cổ nơ bourgeois quen thuộc với phần thân và tay tách biệt rõ ràng, nhà thiết kế Alexandre Vauthier đem đến chiếc áo sơ mi mang dáng dấp áo choàng lạ mắt trong BST Haute Couture Thu Đông 2023. Còn ở Fendi, giám đốc nghệ thuật Kim Jones chơi đùa với cấu trúc của chiếc đầm lệch vai bằng nhiều lớp lụa xếp chồng lên nhau, quấn quanh cơ thể một cách ngẫu hứng theo đường chéo, phần gấu chưa viền tạo độ rủ tự nhiên.
Hoán đổi chức năng của các chi tiết hoặc món đồ thời trang cũng là một điểm nhấn khác của kỹ thuật giải cấu trúc được các nhà mốt sử dụng trong mùa Haute Couture Thu Đông năm nay. Nhiều thiết kế có mặt trong lộn ra bên ngoài, mặt sau chuyển về đằng trước, áo thành váy… Thom Browne đã biến phong cách Preppy từ trang nhã, thanh lịch sang táo bạo, phóng khoáng. Điều đó được thể hiện trên mẫu chân váy mô phỏng hình dạng của áo blazer, áo khoác dáng dài được nhấn nhá với tay phồng hay chiếc áo giấu tay mang mô-típ bạch tuộc. Ở Jean Paul Gaultier, những chiếc cà vạt không còn là món phụ kiện đi kèm áo sơ mi nữa, chúng được nhà thiết kế khách mời Julien Dossena nối với nhau để tạo thành chiếc áo trễ vai điệu đà.
Cuối cùng, xu hướng Gender-fluid được xem là hiện thân tự do và bình đẳng của thời trang giải cấu trúc. Tuần lễ Thời trang Haute Couture Thu Đông 2023 cho thấy phi giới tính không còn dùng để chỉ những bộ tuxedo dành cho nữ hay váy dành cho nam, nó còn thể hiện sự tinh tế của nhà thiết kế trong việc kết nối hai kỹ thuật may đồ nam và nữ lại với nhau. Ở Elie Saab, bộ suit nữ thêu hoa được dựng phom cứng cáp, mang đường cắt sắc bén đem đến phong thái quyền lực cho người mặc; còn áo sơ mi nam được nữ tính hóa với phần cổ cách tân thành nơ bướm, áo choàng nam cũng được thêu đính hoa văn điệu đà.
Những nỗ lực của các nhà thiết kế trong việc mang đến góc nhìn đa diện về cái đẹp thông qua ngôn ngữ giải cấu trúc chứng tỏ rằng: cỗ máy thời trang lâu đời đã chuyển mình để bắt kịp hệ tư tưởng hiện đại.