Vũ Cát Tường - The Outsider:

Vũ Cát Tường - The Outsider: "Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ"

 

Vũ Cát Tường đứng ngoài những ồn ào náo nhiệt của làng giải trí, nhưng lại luôn đứng trong thế giới sáng tạo của riêng mình.

Là một trong những nhân vật đầu tiên tham gia phỏng vấn cho tuyến bài #sayREALnews để cùng lan tỏa những giá trị thật - #sayREAL đến với độc giả, Vũ Cát Tường có điều gì thật nhất? Nếu nhận được câu hỏi này, thiết nghĩ những ai theo dõi hành trình của Vũ Cát Tường đều có thể bật ra câu trả lời: Âm nhạc. Như Vũ Cát Tường khẳng định ngay từ đầu cuộc trò chuyện: "Tôi có một thế giới âm nhạc của riêng mình, khán giả của riêng mình. Nó xuất phát từ chuyện tôi không quan tâm đến việc người ta nhìn mình như thế nào, mà tôi chỉ quan tâm mình có thật với chính mình hay chưa". 

Cách đây 7 - 8 năm, Vũ Cát Tường bất ngờ nổi tiếng khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, mà như Tường nói đó là "một đêm thi có thể thay đổi cuộc đời của rất nhiều người mà không ai có sự chuẩn bị trước, trong đó có tôi". Nhưng trải qua quãng thời gian dài lăn lộn trong showbiz, Vũ Cát Tường vẫn tự nhận mình là một The Outsider - người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ. Vũ Cát Tường đứng ngoài những ồn ào náo nhiệt của làng giải trí, nhưng lại luôn đứng trong thế giới sáng tạo của riêng mình: từ thời gắn với ballad Yêu Xa, Vết Mưa, Mơ hay thời điểm nổi loạn với Stardom, sâu sắc cùng Inner Me và gần đây nhất là Hành Tinh Ánh Sáng.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Vũ Cát Tường từng chia sẻ ở một số bài phỏng vấn trước đây rằng mình không có kế hoạch cho sự nổi tiếng, những bản hit như Đông, Vết Mưa hay Yêu Xa là sự may mắn. Đến thời điểm nào, Tường thấy mình đã hết "may"?

Đó là khoảnh khắc tôi biết mình phải dựa vào chính mình, quyết định làm theo trực giác của mình và nghĩ tới chuyện đầu tư đi đường dài như làm album, tổ chức concert. Ngày đầu tiên tôi viết Đông và được 4 vị huấn luyện viên quay lại, tôi cảm thấy sao tự nhiên mình may quá vậy? Viết thêm Vết Mưa, Yêu Xa, tôi vẫn nghĩ chắc mình ăn may thiệt rồi. Nhưng con người tôi có một cái tính là, cái gì tôi không thể phân tích được vì sao lại được như vậy, tôi lại lo sợ nếu bên cạnh không có ai, không còn cơ may nào, tôi có sống sót được hay không? 

Khi thời tới, một ánh mắt thôi cũng có thể làm bạn trở nên nổi tiếng, một cái liếc nhìn hay hắt xì cũng tự nhiên được lên báo. Nhưng nếu không còn một cái thời nào hết, bạn có sống được với âm nhạc không? Tôi đã trả lời được câu hỏi đó. Với tôi, quan trọng nhất là sự kết nối thật với khán giả của mình, những lời khen chê, ca tụng hay phán xét từ bên ngoài, không đụng vô tôi được nữa.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ
 

Vậy cột mốc nào khiến Tường tin rằng mình đã sống được với âm nhạc, mà không còn nhờ "thời" nữa? 

Khi tôi làm concert, bởi việc thuyết phục một khán giả mua tấm vé mấy triệu với một nghệ sĩ trẻ như tôi là không dễ dàng. Tất cả phải dựa vào thực lực và bản lĩnh của mình khi hát live, tự sản xuất một liveshow riêng, không có khách mời. Đó là cuộc chơi rất lớn, rất rủi ro nếu bản thân không có thực lực. Concert cho tôi cảm giác năm nay làm, năm sau muốn làm nữa, và cứ thế tôi muốn kết nối với nhiều người hơn, khiến nhiều người muốn mua vé và tới concert của tôi hơn. Từ đó, khán giả không còn thói quen nghe nhạc, xem nhạc, "enjoy" âm nhạc "free" nữa, để chất xám và sự sáng tạo của nghệ sĩ được tôn trọng. 

Có bao giờ Tường thấy mình cô đơn trên hành trình âm nhạc không? Vì đã chơi "một cuộc chơi rất lớn, rất rủi ro", thậm chí đi ngược với thị trường ở thời điểm đó? 

Chắc chắn. Sự cô đơn luôn chực chờ trong tôi. Tôi không dám nói mình giỏi hơn người khác, nhưng trên hành trình của mình, tôi luôn đi kèm hai cảm giác: Một là phải cực kì ý chí và bản lĩnh vì đang làm những điều không ai làm; Hai là sự sợ hãi và hoang mang. Nhưng nếu cảm giác sợ hãi lấn át, tôi sẽ không đưa ra được ý tưởng mới. 

Thử đặt trường hợp tôi không làm album, concert trong 3 năm liền, có lẽ người ta đã quên Vũ Cát Tường rồi, hoặc tôi sẽ ra Music Video rồi chạy đua ở một chỗ nào đó mà không được là mình đến vậy trong âm nhạc. Không chỉ cho bản thân, cho khán giả của mình, tôi muốn những thành công của mình sẽ cho các bạn trẻ khác niềm tin rằng họ cũng làm được.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Nhưng bên cạnh sự cô đơn trên hành trình âm nhạc, Vũ Cát Tường còn là một  nhân tố khác lạ ở làng giải trí Việt. Khi tên tuổi của mình liên tục gắn với những tin đồn, nghi án suốt một thời gian khá dài, đó có phải là một nỗi sợ hãi khác? 

Quan trọng là sự chú ý của mình va vào đâu thôi. Hồi tôi nhận được Forbes 30 Under 30, nhiều bạn trẻ bảo là "Em rất đam mê, dạy em hát, sáng tác được không?". Tôi mới hỏi lại đam mê cái gì mới được? Họ bảo đam mê âm nhạc. Nhưng đam mê cái gì trong âm nhạc mới được? Tiếng tăm, quyền lực hay âm nhạc cũng là một chữ đam mê đúng không… Nếu bạn đam mê tiếng tăm và quyền lực, khi ai đó nói đụng tới những cái đó của bạn, bạn sẽ ra sức bảo vệ. Nhưng không, tôi đam mê âm nhạc. 

Và tôi thực sự đam mê âm nhạc. Tôi nghiêm túc với nó, yêu nó say đắm và cống hiến cho nó. Khi sự tập trung của tôi va vào âm nhạc, tôi không bị xao nhãng bởi những chuyện khác. Muốn sao nhãng cũng không được nữa vì tôi quá bận sáng tạo, bận quan tâm đến những khán giả thực sự trân trọng âm nhạc của mình. Tôi tin khi mình đi đến cuối con đường, những món quà về vật chất hay danh tiếng, những gì mọi người có thể sờ, nắm, nhìn thấy được đều sẽ tới. Nhưng trước đó, mình không nên xao nhãng vì thị phi ngoài kia.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ
Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Nhưng nếu như những thị phi không chỉ hướng về Vũ Cát Tường mà còn liên quan đến những người khác nữa thì sao? 

Nếu đó là tin đồn liên quan đến uy tín của tôi, một giá trị mà tôi bảo vệ, chắc chắn tôi phải lên tiếng. Không phải lên tiếng chỉ vì mình, mà còn vì biết bao nhiêu người đã yêu thương mình, im lặng không khác nào tự đạp đổ những gì mình đã xây. Tôi không phải người thích im lặng vào lúc mình phải lên tiếng. Nếu một thị phi về tôi còn gây ảnh hưởng đến người khác, mình lại càng phải lên tiếng, càng phải bảo vệ họ trước khi bảo vệ mình, bắt buộc phải có trách nhiệm đừng để họ dính líu vào. Con đường của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Một trong những giá trị mà Vũ Cát Tường bảo vệ, tôi nghĩ chắc chắn có âm nhạc. Vậy nếu dính vào nghi án đạo nhạc, chuyện không lạ ở Vpop, nên im lặng hay lên tiếng? 

Vấn đề đạo nhạc có thể do cố ý hoặc vô tình. Nhưng cố ý hay vô tình thì chỉ có người viết ra bài đó mới biết thôi, mình không biết được. Dĩ nhiên không thể nào biện minh nốt nhạc chỉ có bao nhiêu đó, giống là điều hiển nhiên. Trên thế giới, kể cả giống bạn cũng phải xin phép nếu bạn đã biết chuyện đó, nên dù vô tình thì về lý, bạn cũng sai. Nhưng tôi nghĩ, nhạc sĩ và những người định hướng giới trẻ, khi đã nổi tiếng, đã có sức ảnh hưởng, thậm chí là một sức ảnh hưởng lớn, thì phải có trách nhiệm với những gì mình làm, chứ không phải làm như vậy để nổi tiếng. Nếu bạn sai, bạn phải cúi đầu xin lỗi. Nếu bạn im lặng, đạo nhạc thành một cái "trend" thì tất cả mọi người đều vịn vào đấy để có được tiếng tăm và như vậy gây ảnh hưởng tới những thế hệ sau.

Có thể tôi bao đồng, nhưng thực sự một cảm giác rất sâu trong tôi không chịu được chuyện đạo nhạc và tôi sẽ lên tiếng. Có một câu rất hay của Đạt Lai Lạt Ma là: "Điều sai vẫn là sai cho dù tất cả mọi người đi theo. Và điều đúng vẫn là đúng dù cho không ai đi theo cả". Tôi nghĩ quan trọng là người làm ra sản phẩm phải thực sự có trách nhiệm từ trước khi họ viết ca khúc, còn đã để sản phẩm đó đến với công chúng thì có thể nó là chiến lược để có được sự chú ý chẳng hạn. Nhưng nếu làm vậy, tức là họ đã bỏ qua những hàng rào bảo vệ, kiểm định với chính lương tâm của mình.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Sự im lặng, giữa những ồn ào, nghi án về đạo nhạc có vẻ là "con dao hai lưỡi" - im lặng có thể là công nhận, cũng có thể là không làm nên không cần lên tiếng...

Tôi không thích những người biết sai mà vẫn im. Im lặng có nhiều ý nghĩa. Nó có thể là bạn đang tổn thương, nhưng cũng có nghĩa là sự lì đòn. Im lặng đôi khi cũng là biết lỗi, đôi khi cũng là thách thức người khác. Nếu gặp tôi, chắc chắn làm sai thì tôi sẽ xin lỗi và sẵn sàng gỡ bài hát đó. Chỉ cần mình còn thở, mình có thể sáng tạo được tiếp, nên bỏ một bài chẳng có vấn đề gì, thậm chí bài sau mình phải làm hay hơn để thuyết phục khán giả. Người Việt Nam vẫn vị tha lắm đó, quan trọng là bạn có nhận sai hay không.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Tường nói khán giả Việt Nam vị tha, liệu sự vị tha đó có đến từ việc được thưởng thức âm nhạc miễn phí? Bởi vì có những trường hợp mà khán giả từng tranh cãi rất nhiều, nhưng sau đó MV vẫn được nhiều view, thậm chí còn "viral" nhanh hơn trước…

Chính xác. Bởi vì miễn phí nên sao cũng được, có nghe là được. Khi khán giả bỏ tiền, họ có quyền: "Tôi thích cái này và không thích cái này". Và họ có quyền ủng hộ cho âm nhạc của bạn hay không, nếu âm nhạc của bạn vấy bẩn, tôi không ủng hộ bạn nữa. Khán giả của Vũ Cát Tường đã nuôi Vũ Cát Tường, họ bỏ tiền cho concert của tôi, album của tôi, nên tôi có trách nhiệm đưa ra những sản phẩm khiến họ cảm thấy được trân trọng, được chữa lành và thoả mãn. 

Thị trường quảng cáo vẫn đang rất "béo bở" ở Việt Nam. Nghệ sĩ có những con số đẹp chắc chắn sẽ gây được ấn tượng với nhãn hàng và quảng cáo sẽ "nuôi" họ. Những người làm quảng cáo cần những con số, cần sự bùng nổ cho tên tuổi, đó là một thị phần khác. Nhưng càng ngày, tôi nghĩ nghệ sĩ Việt Nam càng muốn xây dựng thế giới âm nhạc của riêng mình và khán giả của riêng mình. Đó là Music Business - kinh doanh âm nhạc: làm nhạc, bán album, concert, merchandise dựa theo tệp khán giả của mình. 

Vậy việc khán giả trả phí để giải trí, hay như Tường nói, khán giả nuôi Vũ Cát Tường, sẽ khiến cho nghệ sĩ có trách nhiệm phải "thật" hơn trong lời nói, hành động? 

Không phải thật hơn, mà là chăm chỉ hơn. Bản chất của một người nghệ sĩ là phải luôn thật với cảm xúc của mình, với khán giả của mình.

Vũ Cát Tường - The Outsider: Người đứng ngoài cuộc của tất cả mọi thứ

Điều gì đã giữ cho Vũ Cát Tường luôn "thật", và sẽ không đi chệch giá trị ấy dù có xảy ra chuyện gì trên hành trình này? 

Ý bạn là không đánh mất chính mình đúng không? Đã từng có lúc những gì tôi xây bị đập bỏ hết và tôi làm lại từ đầu. Điều gì khiến tôi có được sức mạnh đó, nói hơi sáo rỗng nhưng đúng là đi bằng niềm tin. Mỗi ngày bạn thức dậy lại thấy thêm thông tin xấu, không ai tin bạn, hoặc có những người đứng ở vị trí trung lập, tôi cũng không quan tâm mà chỉ biết đi tiếp. Trên đường đi, cũng có thể gặp được những người hiểu mình, nhưng không ai có thể thấy được cái mà mình thấy ở phía trước. 

Tới thời khắc này, có một thứ và cũng là thứ duy nhất đi chung với tôi, chính là âm nhạc. Dù có người đến, kẻ đi hay như thế nào chăng nữa, Vũ Cát Tường vẫn có hai người bạn đồng hành: bản thân tôi và âm nhạc của tôi.