
Phim ngắn Đàn cá gỗ có lẽ đã đi một hành trình xa tới mức chính những người đứng sau nó cũng không ngờ tới. Từ một dự án tốt nghiệp vốn dễ bị “cất kho”, đứa con tinh thần của Nguyễn Phạm Thành Đạt bất ngờ giành giải nhất tại Cánh diều vàng 2024, sau đó được biết đến rộng rãi nhờ sự viral của nhạc phim Phép màu.
Tận dụng sức hút này, Đàn cá gỗ chính thức ra rạp giữa tháng 7, trở thành phim ngắn hiếm hoi được chiếu thương mại, thậm chí còn tạo bất ngờ lớn khi vươn lên dẫn đầu phòng vé.
Tuy nhiên, việc tác phẩm được chiếu rộng rãi cũng kéo theo không ít tranh luận. Bởi khi thực hiện, Nguyễn Phạm Thành Đạt có lẽ không lường trước chuyện Đàn cá gỗ được phát hành, phục vụ số đông khán giả.
Kịch bản nhiều điểm yếu
Đàn cá gỗ lấy bối cảnh tại một làng chài nhỏ ở Quỳnh Lưu - Nghệ An, nơi hầu hết công việc mưu sinh đều gắn liền với biển cả. Phim theo chân Cường (Nguyễn Hùng), một chàng trai trẻ có niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt, song buộc phải gác lại mọi thứ để lênh đênh trên biển, lo chuyện sinh kế cho gia đình.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, vùng biển từng đủ sức nuôi sống cả làng chài giờ đã cạn kiệt cá. Những chuyến ra khơi thường lỗ nhiều hơn lãi, khiến Cường chìm trong áp lực cơm áo gạo tiền. Trong lúc vật lộn với mọi thứ, Hoa (Minh Hà) - vợ Cường - không ngừng động viên anh quay lại với âm nhạc, thậm chí thuyết phục chồng bán tàu để lên thành phố theo đuổi giấc mơ còn dang dở.
Thế nhưng, lựa chọn ấy không hề dễ dàng, bởi với Cường, con thuyền không chỉ là công cụ mưu sinh, mà còn là mối liên kết duy nhất còn lại giữ anh với gia đình sau cái chết của người cha.

Đàn cá gỗ có kịch bản vụng về. Ảnh: BTC.
Với thời lượng 29 phút - độ dài tiêu chuẩn của một phim ngắn, Đàn cá gỗ không có đủ không gian để ôm đồm nhiều thông điệp, ý tưởng. Thay vào đó, tác phẩm tập trung khai thác một lát cắt duy nhất, đó là xung đột nội tâm của nhân vật chính xoay quanh việc tiếp tục theo đuổi đam mê hay gắn bó với nghề biển và con thuyền.
Thực chất, việc Đàn cá gỗ không nhận được nhiều phản hồi tích cực cũng là điều không quá khó hiểu. Bởi khi thực hiện dự án này, ê-kíp gần như không có chủ đích xây dựng nội dung hướng đến việc chiếu rộng rãi. Chính vì vậy, cách kể chuyện của Đàn cá gỗ mang nhiều tính thử nghiệm cá nhân, đôi khi lệch khỏi kỳ vọng thưởng thức một bộ phim mạch lạc, giàu cảm xúc mà khán giả thường tìm kiếm khi ra rạp.
Phim được kể theo lối tuyến tính, song để khắc hoạ trọn vẹn bối cảnh, đạo diễn đã cố gắng đan cài thêm nhiều lớp lang tình tiết, như mối quan hệ vợ chồng không đồng điệu của Cường, quá trình bán tàu, hay ký ức về người cha quá cố. Những yếu tố này phủ dày lớp nghĩa cho bộ phim , khiến Đàn cá gỗ có chiều sâu nhất định trong câu chuyện.
Tuy nhiên, do thời lượng hạn chế, hầu hết đều không được phát triển trọn vẹn, thậm chí bị cắt giữa chừng một cách khá vụng về, khiến cảm xúc người xem dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng.
Bên cạnh đó, phần dựng phim cũng bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý. Trong khi thiếu thời lượng để đào sâu những tình tiết quan trọng, đặc biệt là xung đột nội tâm của Cường, thì tác phẩm lại dành khá nhiều thời gian cho các cảnh vụn vặt, thiếu trọng tâm. Điển hình như phân đoạn mất đến gần một phút chỉ để thủy thủ đoàn đưa cột lưới vào khoang tàu, hay cảnh nhân vật do Lãnh Thanh thủ vai mân mê miếng bọt biển.
Một số hành động của nhân vật chính thiếu nhất quán. Đơn cử như việc Cường từ bỏ âm nhạc để theo nghề chài lưới diễn ra khá đột ngột, không được lý giải rõ ràng về mặt tâm lý hay hoàn cảnh; hay như phân đoạn anh tuyên bố sẽ bán thuyền, nhưng chỉ vài giây sau đã đổi ý. Đôi lúc, người xem bị bỏ lại trong những khoảng cảm xúc mơ hồ, do thiếu sự dẫn dắt cần thiết từ kịch bản và nhịp dựng.

Phân đoạn được khán giả khen ngợi trong phim. Ảnh: BTC.
Điểm sáng hiếm hoi về hình ảnh
Song, không phải Đàn cá gỗ không có những điểm tốt. Về mặt kỹ thuật, tác phẩm gây ấn tượng về phần nhìn với việc kiểm soát tốt ánh sáng và góc quay, từ đó tạo nên những hình ảnh thơ mộng, gợi được cảm xúc cho người xem.
Là một đội ngũ sáng tạo còn rất trẻ, ê-kíp làm phim xứng đáng được ghi nhận khi lựa chọn một hướng đi đầy mạo hiểm, đó là quay phim trực tiếp giữa biển. Nhờ vậy, tác phẩm sở hữu khung hình sống động và chân thực, với các góc máy tĩnh gợi được cảm giác chông chênh, mong manh của con người trước thiên nhiên biển cả rộng lớn.
Bố cục khung hình 4:3 được sử dụng với nhiều dụng ý, tạo cảm giác chật chội, như thể nhân vật đang bị bó buộc, giam cầm trong chính hoàn cảnh của mình. Đồng thời, tỷ lệ khung hình này cũng mang đến nét lãng mạn và hoài niệm ở một số cảnh, đặc biệt là đoạn after credit - khi câu chuyện được tua ngược. Cách làm này từng được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh áp dụng trong Em và Trịnh (2022).
Bù lại, bộ đôi Nguyễn Hùng và Minh Hà vẫn tạo được thiện cảm nhờ ngoại hình hợp vai. Nam chính mang nét rắn rỏi, bụi bặm, phần nào truyền tải được tinh thần của những người đàn ông lênh đênh ngoài biển. Trong khi đó, Minh Hà toát lên vẻ dịu dàng, nhẫn nại của người phụ nữ làng chài xa chồng, chịu thương chịu khó. Đặc biệt, cả hai vẫn thể hiện được hình ảnh những con người đang chật vật mưu sinh nhưng trong lòng vẫn đau đáu một điều gì đẹp đẽ hơn.
Dễ thấy, làn sóng phản ứng trái chiều dành cho Đàn cá gỗ phần lớn bắt nguồn từ những hạn chế trong khâu kịch bản và phát triển nội dung - vốn là yếu tố dễ tiếp cận nhất với phần đông người xem.

Diễn xuất của dàn diễn viên không đồng đều. Ảnh: BTC.
Bên cạnh đó, việc khán giả ra rạp với tâm thế sẽ được xem một phiên bản mở rộng của Phép màu cũng khiến trải nghiệm xem phim trở nên lạc nhịp. Trước đó, ca khúc nhạc phim từng gây sốt nhờ câu chuyện tình yêu lãng mạn, mộc mạc. Thế nhưng, Đàn cá gỗ lại gần như không khai thác nhiều yếu tố tình cảm, dẫn đến không ít sự hụt hẫng nơi người xem.
Sau cùng, đứa con tinh thần của Nguyễn Phạm Thành Đạt chắc chắn không đáng nhận những chỉ trích nặng nề, khi không ít khung hình của phim cho thấy được tay nghề cũng như tâm huyết của đạo diễn trẻ. Song, cũng không thể phủ nhận việc Đàn cá gỗ tồn đọng nhiều hạn chế, thậm chí có phần không phù hợp với việc chiếu thương mại rộng rãi.
Có lẽ, việc trình làng khán giả đại chúng vào thời điểm này vẫn còn tương đối sớm đối với đạo diễn sinh năm 2002.
Sự lôi cuốn của thanh âm
Cuốn sách Lược sử âm nhạc của nhà nghiên cứu âm nhạc bậc thầy thế giới Robert Philip, dẫn dắt độc giả trên hành trình khám phá cực kỳ lôi cuốn mọi hình thái âm nhạc. 40 chương sách đưa người đọc đi từ dạng thức sơ khai của âm nhạc đến khi con người sử dụng âm nhạc, qua giai đoạn sự lên ngôi của các nhạc cụ, dàn nhạc, đến khi âm nhạc tạo ra những cơn bão trong tâm trí con người thời cách mạng, cuối cùng là âm nhạc trong nhịp sống hiện đại và âm nhạc hướng về tương lai.
Cuốn sách làm nổi bật rằng, âm nhạc không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là một hiện tượng xã hội phức tạp. Nó phản ánh cấu trúc xã hội, các mối quan hệ quyền lực và những thay đổi trong xã hội. Âm nhạc phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau trong các nền văn hóa.
Diệp Lâm Anh bị công kích
Trang cá nhân của Diệp Lâm Anh đang bị tấn công bởi hàng loạt bình luận tiêu cực. Nữ ca sĩ sẵn sàng đáp trả.
44:2658 hôm qua
Hùng Thuận đưa vợ đi trăng mật ở Đà Nẵng
Sau lễ cưới, vợ chồng Hùng Thuận hưởng tuần trăng mật ở Đà Nẵng. Cả hai ghé thăm nhiều địa danh nổi tiếng và thưởng thức các món ngon ở đây.
44:2665 hôm qua
Ảnh đời thường của con gái chưởng môn phái Vịnh Xuân
Katleen Phan Võ vừa trở lại với điện ảnh sau nhiều năm vắng bóng. Ở tuổi 28, cô cũng vừa được bạn trai cầu hôn.
48:2857 hôm qua