Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024 chính thức khép lại.
“Lấy “chông” làm vương miện, dùng “gai” làm áo choàng. Biến chông gai thành cơ hội, người đàn ông trường thành mãnh mẽ tiến lên!”
Khi nghe khẩu hiệu này trong những tập đầu hành trình “vượt chông gai” của 33 Anh Tài, tôi tin rằng bạn và tôi, chúng ta đều nhìn nhận đây là lời hứa hẹn về những màn trình diễn mãn nhãn – mãn nhĩ, nơi những nghệ sĩ sẽ chinh phục thử thách là những điều họ chưa từng dám làm trên sân khấu.
Bản thân Anh Tài Binz cũng cho biết trong trailer của tập đầu tiên:
“Có những hình tượng mọi người biết về tôi và có thể là suốt đời mình phải nuôi dưỡng hình tượng đó để mình luôn luôn ở trong mắt mọi người. Nhưng đôi khi để trưởng thành như một người đàn ông thì không chỉ đo đếm bằng những thứ mình có thể làm tốt mà còn có thể đo đếm bằng những thử thách mà mình có thể vượt qua được. Chính tại sân khấu này mình sẽ đón nhận thử thách mới, để mình vượt qua nó và trưởng thành hơn.”
Tựu chung, khán giả đều có thể hiểu “chông gai” của chương trình gói gọn trong những thứ thuần về nghệ thuật trình diễn, phô diễn tài năng bằng cách vượt qua các thử thách trên sân khấu.
Băng qua 15 tập, hãy tự tin khẳng định: Chương trình không chỉ đem tới những màn trình diễn đáp ứng đúng lớp nghĩa trên của khẩu hiệu, mà những thứ “chưa từng làm” đó còn là cho khán giả được thấy một góc nhìn rất khác về tính nam, về sự cạnh tranh giữa những người đàn ông, mà sau khi kết thúc thời lượng mỗi tập, chữ “mạnh mẽ tiến lên” lại dày lớp nghĩa, giàu giá trị hơn trong lòng mỗi người.
Sau đêm chung kết và sau concert tại Thành phố Hồ Chí Minh, hành trình “vượt chông gai” xem như tạm khép lại cho đến khi concert tại Hà Nội diễn ra. Đó sẽ thực sự là cái kết cho một mùa hè sang thu vô cùng đáng nhớ, lấy nước mắt của hàng triệu khán giả. Chúng ta biết rằng đây sẽ không phải là sự chia ly, bởi mỗi Anh Tài sau chương trình, đã có một sự kết nối bền chặt với nhau, với khán giả, và cái tên Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã trở thành một biểu tượng trong địa hạt truyền hình thực tế. Song, không thể không bồi hồi bởi sẽ không còn cảm giác hào hứng vào mỗi tối thứ 7, chờ đợi các kênh của YeaH1 phát sóng livestream, hay xem trên đài VTV.
Trước lời chia tay chính thức sẽ sớm được nói ra trong concert tại Hà Nội vào tháng 12/2024, cùng ngồi lại và ngẫm nghĩ về những điều đã hằn sâu trong khán giả của chương trình, những điều hay chỉ có trong hình ảnh của 33 Anh Tài trên sân khấu đã góp phần khiến khán giả trao tặng cho chương trình danh hiệu “nơi lưu giữ mùa hè đáng nhớ” của họ.
“Ân huệ” của các nghệ sĩ trong vũ đài danh tiếng khắc nghiệt
Sự đào thải của mỗi ngành nghề đã khắc nghiệt, nhưng không bao giờ có thể khắc nghiệt bằng vũ đài danh tiếng, nơi đổi thay rất nhanh chỉ sau vài năm, thậm chí là vài tháng.
Một số nghệ sĩ nổi lên rồi vụt tắt dần theo thời gian khi không thể liên tục tạo hit để giữ lửa với khán giả; một số đưa ra liên hoàn hit, nhưng thứ bật lên không phải tên tuổi của họ vì không được trao nền tảng phù hợp; một số có khán giả trung thành nhưng khép kín, nên hào quang đối với họ cũng rất khác biệt. Chỉ có một lượng rất ít nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đồng đều, luôn được thảo luận sau một, hai thập kỷ.
Ngay cả những người vô cùng xuất sắc như Sơn Tùng M-TP, sau một thập kỷ hoạt động, bây giờ cũng được nhắc đến như tay lão làng với nhiều băn khoăn liệu ai sẽ có thể kế vị anh. Dấu hiệu cho thấy một bộ phận công chúng đang chuyển hướng sự quan tâm, mặc dù Sơn Tùng M-TP vẫn đang hoạt động nồng nhiệt và chưa hề hạ hỏa nhiệt huyết.
Nỗ lực giữ sự quan tâm của công chúng cũng vì thế mà khó khăn, đôi khi không được quyết định bằng tài năng hay sự kính nghiệp. Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024, Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng 2023 (sắp tới là Chị Đẹp Đạp Gió 2024) – chuỗi 3 chương trình của YeaH1 đều có cùng một sứ mệnh đi ngược lại với thực tế khắc nghiệt đó, cho thấy rằng dù ánh hào quang có lúc sáng, có lúc mờ dần, thì tài năng của những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm này vẫn trường tồn, vẫn luôn đáng để các khán giả khám phá bất chấp tuổi tác.
Những tên tuổi vang bóng từ nhiều thập kỷ trước vẫn luôn sẵn sàng làm mới bản thân của họ. Những tên tuổi trẻ hơn vẫn có cả một kho tàng kinh nghiệm, tài năng đáng phô diễn. Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Chị Đẹp Đạp Gió đã trở thành phương tiện, cầu nối cần thiết để kết nối những nghệ sĩ nhiệt huyết sục sôi ấy với khán giả.
Với Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng 2023, đó là lời khẳng định đanh thép nhất rằng: Với phụ nữ, đặc biệt là các nữ nghệ sĩ, 30 không nên là độ tuổi kết thúc danh tiếng! Dẫu rằng những năm tuổi 20 được xem là thời điểm vàng về sắc vóc của họ, và phụ nữ luôn bị gắn mác là sẽ mất đi sức hút khi đến ngưỡng 30, nhưng chương trình và các Chị Đẹp đã vô cùng nỗ lực khẳng định không bao giờ có chữ “hết” cho hương sắc, tài năng và những điểm thu hút của người phụ nữ bằng loạt khoảnh khắc bùng nổ dưới hào quang sân khấu, khả năng làm việc, phối hợp ăn ý. Tuổi 30, 40 hay 50, họ đều vẫn có sức trẻ, luôn đón đầu mọi thử thách, luôn là những con người nên có hào quang chiếu rọi.
- CHỊ ĐẸP ĐẠP GIÓ RẼ SÓNG: 30 CHƯA PHẢI LÀ HẾT
Ta có Diva Mỹ Linh, tượng đài giọng ca giàu cảm xúc, vừa khiến khán giả rung động khi hát Diễm Xưa, lại có thể làm họ ấn tượng khi thực hiện vũ đạo, chơi nhạc cụ trong Mây và Núi – điều trước đây cô hiếm khi làm. Ta có Diệp Lâm Anh, từng hoạt động nghệ thuật rồi tạm gác để chăm lo cho gia đình, công việc kinh doanh, đến sân khấu của Chị Đẹp để chứng minh đam mê chưa bao giờ dứt, sẵn sàng học hỏi và hết mình với cái mới dù cô đã qua cái tuổi “vàng” của phụ nữ, và thành công khi toả sáng trên sân khấu cùng LUNAS.
Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024 cũng có câu chuyện gần tương tự. Đàn ông trong độ tuổi 30 đến 50 được tin là nên đạt đến những thành công cao nhất về mặt tài chính, danh tiếng. Nhưng bạn đã biết, với vòng xoay danh tiếng khắc nghiệt, nhưng nghệ sĩ, vận động viên nam đã hoạt động từ độ tuổi 20 rất khó để giành hay giữ được điều này. Và thế là, chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã nỗ lực tìm ra tổ hợp 33 Anh Tài đầy kinh nghiệm và thành tựu trong độ tuổi U30-U60, trở thành chiếc loa phóng thanh cho họ đưa ra những tuyên ngôn về tài năng, danh tiếng không bao giờ nên giảm sút của mình.
Các Anh Tài ở độ tuổi U60 vẫn có thể nhiệt huyết hết mình, lăn xả và không ngại dèm pha để tạo ra những cái mới
Ta có danh thủ Hồng Sơn, chân sút “vàng” của làng bóng đá Việt khi anh ở độ tuổi 20, giải nghệ khỏi sân cỏ vào năm 35 tuổi, để quay lại sân khấu ở tuổi 54, để chinh phục một lĩnh vực hoàn toàn khác, vừa nối lại sự quan tâm với các khán giả của bóng đá, vừa chiếm tình cảm của các khán giả truyền hình giải trí. Ta có “Mr.Dee” Đinh Tiến Đạt, rapper hàng đầu của làng rap Việt trong thập niên 2000 khi anh mới 21, sau khi rút khỏi làng giải trí 10 năm, đã quay trở lại đầy mạnh mẽ trên sân khấu “chơi rap” với những câu hát để đời mới, khi anh đã 43 tuổi.
Phạm Khánh Hưng.
Tăng Phúc.
Kay Trần.
Ta cũng có Thiên Minh, chàng hotboy đình đám những năm 2007-2008, rời khỏi showbiz 14 năm để quay lại Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và cho biết anh không chỉ có vẻ bề ngoài. Ta cũng có Soobin Hoàng Sơn đa tài, đa hit nhưng lại vô cùng “lowkey” trong việc giành lấy danh tiếng, nay đã có Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai thúc đẩy anh phô diễn bản thân mình nhiều hơn. S.T. Sơn Thạch và Jun Phạm không ngại lăn xả để một lần nữa cho biết vì sao 365 DaBand là một trong những nhóm nhạc thành công hiếm hoi trong làng giải trí Việt. Cũng là những nhạc sĩ HuyR, Bùi Công Nam… đã đến lúc đưa tên tuổi của họ nổi bật như các ca khúc triệu view mà họ đã sáng tác.
Thiên Minh.
S.T Sơn Thạch.
Bùi Công Nam.
Như Soobin Hoàng Sơn nói vào tập 15, chương trình là một “ân huệ”. Ân huệ là bởi vì Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đem đến hào quang cho những người xứng đáng qua loạt công diễn giúp họ chứng minh tâm huyết với nghề. Cũng qua chương trình, có những Anh Tài đầu tiên biết đến cảm xúc có một fanclub. Chương trình cũng có khả năng kết nối và khiến mỗi fanclub hoạt động có trình tự và tập trung hơn.
Cường Seven, từ Anh Tài nghĩ mình không có fanclub, trở thành Thủ Lĩnh Toàn Năng.
Chẳng hạn như Anh Tài Cường Seven, lần đầu lập kênh trò chuyện với fan sau 18 năm hoạt động nghệ thuật, đã nhắn: “Ôi, anh cũng được lập FC (Fanclub) à”. Những người hâm mộ rải rác khắp nơi của anh lần đầu tập trung lại, qua các fanpage có tổ chức, khẳng định tài năng bị “lãng quên” của Cường Seven một thời đang được yêu quý hơn bao giờ hết bằng chuỗi dự án fan làm vô cùng hoành tráng như trạm đồ ăn vặt ủng hộ cho anh tại trường quay.
Anh Tài Hồng Sơn và màn vũ đạo dưới cát như Soobin.
Duy Nhất hoá trang thành Cường Seven.
Đinh Tiến Đạt và Hà Lê.
Với khán giả như tôi, tôi cũng có cảm nhận chương trình là một ân huệ. Mùa hè 2024, làm sao quên được màn hoá thân của danh thủ Hồng Sơn thành Soobin Hoàng Sơn khi nhảy dưới cát, một màn kết hợp không thể nào tưởng tượng đến? Làm sao quên được ngày bộ đôi hiphop đời đầu Đinh Tiến Đạt – Hà Lê “song kiếm hợp bích” thực hiện vũ đạo? Làm sao nghĩ được sẽ có một ngày ta lại được nghe Đôi Mắt của nghệ sĩ quá cố Wanbi Tuấn Anh vang lên trên sân khấu?
Nhờ chương trình, khán giả tìm ra người nghệ sĩ yêu thích, truyền lửa, truyền động lực cho mình qua sự nghiệp và sản phẩm của họ qua những khoảnh khắc tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra.
“Chiêu trò” khuấy động dư luận là bài học về tinh thần cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng văn hoá, dân tộc
Siêu phẩm Trống Cơm với điểm tựa là văn hoá, là dân tộc.
Lục lại trí nhớ về hành trình “vượt chông gai”, bạn có thể chỉ điểm một nhân vật được chương trình sử dụng làm thành tố “cọ nhiệt” bằng thị phi? Một vài gương mặt gây tranh cãi khi tham gia?
Thực sự sẽ rất khó cho bạn để nêu được.120 phút phát sóng của mỗi tập đều là những thìa nêm nếm sự tích cực cho khán giả. Mâu thuẫn chắc chắn có – một điều dường như không bao giờ có thể tránh khỏi khi 33 con người làm việc nhóm cùng nhau. Song, tổ chế tác không bao giờ xoáy sâu vào những khoảnh khắc này để thu hút khán giả.
Từ trailer tập 1, tức là thứ dễ nắm được sự quan tâm nhất, chương trình cũng không có những màn edit cắt xén vào mâu thuẫn. “Drama” của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai được định nghĩa bằng những màn đấu giá, nơi mà chương trình dù có cố gắng “evil edit” cũng không thể đổi được những nụ cười và tinh thần cạnh tranh lành mạnh của các Anh Tài. “Lắm trò” thể hiện qua những chiến lược tính toán kỹ càng của mỗi cá nhân, không phải qua những cuộc đấu đá, tấn công cá nhân “lên gân”.
Vậy nếu không có “drama” – đặc sản muôn đời của truyền hình thực tế, thì Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai có gì để nắm giữ vị trí nổi bật trong lòng khán giả, có lẽ không chỉ trong năm 2024 mà nhiều năm sau đó nữa?
Khẳng định: Họ có những bài học khó phai về tinh thần đoàn kết, họ có sự tích cực mang tác dụng chữa lành tâm hồn, có sự kế thừa và biết ơn với văn hoá, nghệ thuật mà khán giả rất cần trong giai đoạn phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội, mỗi ngày một tin tức tiêu cực, tranh cãi.
Sự gắn kết đa thế hệ.
An ủi lẫn nhau trên sân khấu.
Cho đến hậu trường.
“Khuấy động” dư luận bằng những yếu tố lành mạnh, lắng đọng từng là một điều khó hơn rất nhiều so với việc đính kèm các yếu tố gây tranh cãi, bởi đó từng là nền tảng mà khán giả dùng để “bơm” thêm adrenaline cho cuộc sống đời thường, đôi khi có phần lặp lại, thiếu sự mới lạ, giật gân của mỗi người. Song, hiện tại, dù sự quan tâm cho drama của mỗi khán giả không giảm sút nhiều, nhưng họ đang dần quen với những liều lượng adrenaline mỗi ngày qua những câu chuyện trên mạng mà không cần sự góp phần của các show thực tế.
Ngược lại, “chữa lành” đang là điều mỗi người rất cần, nhưng lại chỉ có thể có được bằng các chuyến du lịch, tác phẩm văn học, kỷ niệm cá nhân và hoàn toàn thiếu hụt về phương diện chương trình thực tế.
Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai nhanh chóng nắm bắt và thành công khai thác chỗ trống cần điền khuyết đó. “Chữa lành” mọi người bằng những giai điệu hoài niệm được làm mới, bằng nụ cười và sự đoàn kết vượt qua thử thách của 33 người đàn ông vốn được tin là đến chương trình để “chiến đấu”. Sự tôn trọng đối thủ, nhìn nhận công bằng về đối thủ luôn là tiêu chí hàng đầu. Cả chương trình, dường như không bao giờ có một Anh Tài nào nói rằng họ “không phục” chiến thắng của đội khác. Thất vọng, tự trách thì luôn có, nhưng tất cả dựa trên tinh thần “fair play”, tôn trọng quyết định của 350 khán giả trên trường quay.
Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và sân khấu an ủi những người trẻ nỗ lực đến cạn kiệt.
Nhà Xương Rồng tiếp lửa cho những người lính.
Đọng lại trong khán giả là khoảnh khắc những “lão làng” nhảy, trình diễn như Cường Seven, Kay Trần, (S)TRONG Trọng Hiếu giúp đỡ cho các “tân binh” như Neko Lê, Liên Bỉnh Phát thực hiện vũ đạo. Là Thanh Duy giúp BB Trần “lên note”, là Tự Long “mắng yêu” các Anh Tài, ekip như người anh cả trong gia đình và chia sẻ với họ bản lĩnh sân khấu của một người Nghệ sĩ Nhân dân. Giây phút căng não và xuýt xoa vì “drama” trở thành những tiếng cười giải trí, những giọt nước mắt xúc động trước các sân khấu hoành tráng, ý nghĩa vào đêm Thứ Bảy hàng tuần.
Và thay vì những cuộc thảo luận về “drama” sục sôi sau mỗi tập phát sóng tràn lan mạng xã hội, ta lại có những bài phân tích về ý nghĩa văn hoá cài cắm trong mỗi màn trình diễn, về tài năng không ngờ tới của mỗi nghệ sĩ, về những bạn fan trổ tài tái hiện lại sự hoành tráng của sân khấu qua các hình ảnh thiết kế và những tương tác đáng yêu của mỗi Anh Tài.
Tính nam không độc hại hiếm thấy trong lịch sử truyền hình thực tế
“Có phụ nữ là có drama, có đàn ông là phải đấu đá tranh giành quyền thống lĩnh” là điều đã được thể hiện quá nhiều trong các chương trình thực tế, đến mức, đó trở thành một định kiến mỗi khi ta làm ấm ghế ngồi, bắt đầu nhấn nút “play” cho bất kỳ một show nào. Không hẳn là khán giả mong muốn được thấy những điều đó, nhưng những định kiến độc hại trên về tính nữ, tính nam phổ biến đến mức khán giả có cảm giác họ không thể thay đổi và đành phải chấp nhận những hiểu biết đó về tính nam, tính nữ trong xã hội.
Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai chính là tia hy vọng để thay đổi nhận thức của khán giả về tính nam độc hại.
Chưa một lần trong chương trình, ta cảm thấy bất kỳ Anh Tài nào cố “gồng”, cố trở nên hung hăng để thị uy với đối thủ, như những điều mà người ta nghĩ đàn ông cần phải thể hiện nếu muốn được tôn trọng, khiếp sợ.
Chương trình hoàn toàn không cần đến những điều đó, nhưng những Anh Tài của chương trình không hề mất đi bản lĩnh đàn ông, sự gai góc của nam giới.
Thay vì tuyên bố tôi là một người đàn ông có thể tự mình làm tất cả, thì họ lại cho thấy một bản lĩnh rất khác vì sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp, hỗ trợ từ các Anh Tài khác khi cần – điều mà khi soi chiếu với định kiến về tính nam, đó là sự “hạ mình”, “mất mặt”. Họ cũng không phải là những chiến binh “bất khả chiến bại” hay “hoàn hảo” mọi lúc. Họ có thể mắc sai lầm, có thể thua cuộc và tìm lối ra khỏi thất bại đó bằng sự học hỏi, tiến bộ chứ không phải bằng những tranh cãi, chứng minh mình đúng.
Sự gắn kết, cùng nhau học những điều mới được chứng minh qua tất cả thử thách của chương trình.
Những người đàn ông của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai cũng không cần kiềm lại nước mắt. Chương trình tạo ra bối cảnh, môi trường an toàn để khiến các anh thoải mái khóc trên sân khấu, trong không gian chung trước sự chứng kiến của nhiều người khác, của ekip mà không bị bó hẹp trong suy nghĩ rằng nước mắt là biểu hiện ngược lại của sự nam tính.
Đúng như Anh Tài Bằng Kiều nói: “Chương trình đi sâu về tâm lý, về góc khuất của đàn ông”. Những người có tính nam không độc hại, và tự hào về nó, có thể rơi nước mắt khi cảm thụ nghệ thuật, khi thấy sự ủng hộ to lớn từ khán giả, khóc vì những giá trị trong gia đình, những giá trị về văn hoá, lịch sử hào hùng của dân tộc mà không việc gì phải giấu diếm.
Với tôi, tôi chưa bao giờ thấy những người đàn ông khóc nhiều như vậy, trong những khoảnh khắc “nhỏ nhặt” như vậy, và điều đó thật đẹp, thật đúng, và nên được lan toả nhiều hơn để khẳng định thông điệp: Nước mắt không có vạch định giới.
Thiên Minh xúc động khi biểu diễn ca khúc Đôi Mắt, tri ân Wanbi Tuấn Anh. Ảnh: Vuong Thien Minh
Jun Phạm tri ân hình ảnh người mẹ trong tập cuối Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Anh rất xúc động trước thông điệp của bài hát.
Duy Khánh xúc động khi nhập tâm vào màn trình diễn, không ngại rơi nước mắt.
Đinh Tiến Đạt trong màn trình diễn Thu Hoài. Ngày hôm đó, tất cả thành viên đều khóc trong màn trình diễn.
Cũng tại 15 tập của chương trình và trong concert của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024, họ dành sự tôn trọng cho sự khác biệt của BB Trần, của Thanh Duy, và những Anh Tài có cách thể hiện khác với những tiêu chuẩn cứng nhắc, đầy định kiến về “một người đàn ông thực thụ”. Chương trình chuẩn bị những trang phục, đạo cụ phù hợp với mong muốn thể hiện các anh, và không thể bỏ qua những phần thể hiện trên sân khấu solo của Thanh Duy có văn hoá ballroom, vốn phổ biến với cộng đồng LGBTQ+, và nhận được tràng pháo tay vang dội của các Anh Tài.
Anh Tài BB Trần có biệt danh là “mẹ bé Kay” trong chương trình. Các Anh Tài đều hưởng ứng. Ngoài ra, chương trình không hạn chế BB Trần khỏi phong cách phi giới tính của anh, như để BB Trần diện các trang phục có phần mềm mại hơn, hay để anh đội tóc giả ưa thích.
Anh Tài Thanh Duy mang văn hoá ballroom đến chương trình, những trang phục của anh cũng có điểm nhấn mềm mại để phù hợp với phong cách trình diễn đặc trưng của anh.
Ngày 19/10 vừa qua, hành trình “vượt chông gai” mùa đầu tiên đã bắn cú pháo hoa cuối cùng, tạm khép lại hành trình rực rỡ. Với những thứ giàu giá trị mà chương trình đưa ra cho khán giả, cho 33 Anh Tài, chúng ta đều có thể yên tâm rằng chương trình dù đã dừng lại, nhưng mối quan hệ của các Anh Tài vẫn sẽ tiếp diễn.
Từ nay về sau, có thể không phải trên sân khấu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nhưng tên gọi “Anh Tài” sẽ gắn liền với 33 gương mặt từ chương trình, và khán giả sẽ luôn chờ đợi những màn tái hợp của các anh, để nhớ về một mùa hè “đỉnh nóc, kịch trần” của năm 2024. Đồng thời, nếu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai có mùa 2, khán giả sẽ có rất nhiều kỳ vọng về một chương trình đủ sức so kè với mùa 1.
Tiết mục mãn nhãn, ý nghĩa.
ÔN LẠI MÙA HÈ ĐẸP NHẤT BÊN ANH TRAI VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI 2024:- CHUNG KẾT ANH TRAI VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI: 17 ANH TRAI TOÀN NĂNG LỘ DIỆN
- TẮC KÈ HOA BB TRẦN TẠI ANH TRAI VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI
- NEKO LÊ MANG ẢO THUẬT LÊN SÂN KHẤU SOLO ANH TRAI VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI
Harper’s Bazaar Việt Nam