
Một trong những tác phẩm đắt giá đầu tiên trên sàn đấu giá cuối thế kỷ 20 là bức “Chân dung bác sĩ Gachet” của Vincent van Gogh. Không quá lời khi nói rằng thế giới đã choáng váng khi bức tranh được bán tại Christie's năm 1990 với giá 82,5 triệu USD. Bây giờ, so với số tiền hơn 400 triệu USD của bức “Salvator Mundi” được cho là của Leonardo da Vinci, thì con số 82,5 triệu USD có vẻ bé nhỏ.
Nhưng hãy quay trở lại năm 1990 - khi bức tranh “Chân dung bác sĩ Gachet” lên sàn, đó là một khoảnh khắc đột phá, phá vỡ mọi kỷ lục về tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từng được bán. Chính khoảnh khắc ấy là biểu tượng về hình thức của một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ. Có lẽ không ai ngạc nhiên trước mức giá như vậy hơn chính hoạ sĩ nếu ông sống lại - một thiên tài mắc bệnh tâm thần cùng nỗi cô đơn và thất vọng về nghề nghiệp. Chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng sau khi chết, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ được yêu mến nhất thế giới.
Van Gogh tiếp tục thu hút và mê hoặc hàng triệu người ngày nay, là nghệ sĩ bom tấn nhất trong số các nghệ sĩ bom tấn. Nhưng trong suốt cuộc đời, ông không thành công trong việc bán tác phẩm, triển lãm và sự nổi tiếng nói chung, cho đến khi qua đời vào tháng 7 năm 1890. Vài tháng - hoặc chỉ vài tuần - trước cái chết, Van Gogh đã ở trạng thái tinh thần suy sụp. Và đó là thời điểm một người bước vào cuộc đời ông: bác sĩ Paul Gachet - người được em trai ông là Theo giới thiệu để theo dõi bệnh tình và hỗ trợ Vincent về sức khỏe.
Vincent cũng chuyển đến Auvers-sur-Oise để ở gần Gachet, lúc đó đã trở thành bạn và người bảo trợ nghệ thuật của hoạ sĩ. Trong hầu hết tháng 5 năm 1890, hoạ sĩ có vẻ khỏe mạnh, tạo ra nhiều tác phẩm hơn bất kỳ khoảng thời gian nào khác trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Và chính Gachet là người mẫu của hai bức chân dung - Vincent thường thích vẽ cảnh vật xung quanh và cả con người.
Bức chân dung bác sĩ Gachet được giới thiệu ở đây là một trong hai bức tương tự nhưng không giống hệt nhau. Trong cả hai cảnh, Van Gogh vẽ Gachet ngồi bên chiếc bàn màu đỏ trước nền xanh trừu tượng, cùng với những bông hoa mao địa hoàng màu tím, loại cây thường được sử dụng để điều trị nhiều căn bệnh vào cuối thế kỷ 19 mà có lẽ Gachet đã kê đơn cho Vincent. Cả hai bức tranh được hoàn thành trong cùng một khoảng thời gian - tháng 6 năm 1890, chỉ một tháng trước cái chết bất ngờ của hoạ sĩ.
Điều đặc biệt nằm ở cách xử lý màu sắc nhưng cũng ở cách diễn đạt trạng thái tinh thần nhân vật, một cái nhìn trống rỗng vào nỗi buồn sâu thẳm. Có thể đây là bức chân dung cuối cùng mà Van Gogh vẽ, thấm đẫm xúc cảm. Bạn có thể cảm nhận được nỗi lo âu và sự tuyệt vọng của Gachet khi nhìn vào khuôn mặt ấy. Đó là một bức chân dung phản ánh tâm lý của chính người vẽ. Tuy nhiên, vị bác sĩ vẫn là người có ảnh hưởng đến cuộc đời Van Gogh, là người chăm sóc ông lúc ông hấp hối. Tại đám tang của Van Gogh, Gachet đã đọc điếu văn, gọi ông là "một con người trung thực và một nghệ sĩ vĩ đại…, người chỉ có hai mục tiêu, nghệ thuật và nhân loại."
Cuộc hành trình từ bức chân dung giản dị đến một siêu sao phá kỷ lục đấu giá là một chặng đường dài, quanh co. Sau cái chết của Van Gogh năm 1890, nhiều tác phẩm nghệ thuật của ông thuộc về người em dâu, Johanna, góa phụ của Theo van Gogh, khi Theo theo anh trai xuống mộ chỉ sáu tháng sau đó. Johanna ủng hộ hoạt động nghệ thuật của người anh chồng, đưa tác phẩm của ông đến với các nhà sưu tầm và phê bình nghệ thuật sau khi anh em nhà Van Gogh qua đời.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Johanna bán bức “Chân dung bác sĩ Gachet”, sau đó bức tranh đã được đổi chủ ít nhất hai lần trước khi được Städel Galerie ở Frankfurt mua lại vào năm 1911. Giám đốc nghệ thuật của Städel là một trong những người đầu tiên ở Đức hiểu được giá trị các tác phẩm của Van Gogh, đặc biệt là trong bối cảnh Galerie đang xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại. Nhưng đây là những năm đen tối của Thế chiến II.
Sau khi lên cầm quyền ở Đức năm 1933, Hitler đã tuyên bố một cuộc tấn công vào bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào mà ông ta coi là “suy đồi”. Lo ngại về bức “Chân dung bác sĩ Gachet”, các quan chức của Städel đã giấu nó trong một căn phòng bí mật bên trong bảo tàng, nhưng rồi những kẻ đột kích vẫn tìm thấy năm 1937. Từ đây, tác phẩm được trao đổi giữa các đặc vụ Quốc xã và một số nhà sưu tầm, và khi có cuộc di cư của nhiều người châu Âu gốc Do Thái đến Hoa Kỳ, Siegfried Kramarsky, một nhà từ thiện Đức đã mang bức tranh đến New York.
Gia đình Kramarsky giữ bức tranh trong phần lớn thời gian còn lại của thế kỷ 20. Thỉnh thoảng họ cho mượn để triển lãm, và vào thập niên 1980, những người thừa kế của Siegfried Kramarsky đã đem bức tranh cho mượn dài hạn tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Sự quan tâm của công chúng đối với Van Gogh tăng lên từ những năm 1930, và bức “Chân dung bác sĩ Gachet” trở nên vô cùng nổi tiếng.
Chứng kiến sự nổi tiếng của Van Gogh - cũng như thị trường nghệ thuật đang bùng nổ - khiến gia đình Kramarsky quyết định bán tài sản quý giá của mình và giao nó cho nhà đấu giá Christie's năm 1990. Lúc ấy có một thành phần đặc biệt đặc biệt nhiệt tình với việc sưu tầm các tác phẩm của Van Gogh: giới thượng lưu Nhật Bản. Dường như người Nhật đổ xô đến Van Gogh do mối quan tâm của ông trước đây đối với các tranh khắc gỗ Nhật.
Van Gogh không phải là nghệ sĩ duy nhất vào thời điểm này bị ám ảnh bởi cái được gọi là “tinh thần Nhật Bản” (Japonisme). Chỉ ba năm trước, bức tranh “Hoa hướng dương” của Van Gogh đã được bán với giá 37,9 triệu USD tại Christie’s London cho một công ty bảo hiểm Nhật. Và sức mạnh vào thời điểm đó của đồng yen Nhật chắc chắn không bị hoài nghi. Nhưng cả Christie’s lẫn gia đình Kramarsky đều không mong đợi nhiều ở kết quả cuộc đấu giá ngày 15/5/1990.
Dựa trên mức độ phổ biến của các tác phẩm của Van Gogh vào thời điểm đó, Christie’s định giá bức “Chân dung bác sĩ Gachet” khoảng từ 40 đến 50 triệu USD. Khi người bán đấu giá đưa ra mức giá 50 triệu USD - kỷ lục thế giới về số tiền cao nhất tại một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật lúc ấy, khán giả bắt đầu vỗ tay vì biết đang chứng kiến một thời khắc lịch sử. Mức giá đưa ra mỗi lúc một cao cho đến khi một người mua bí mật trả giá, và chiếc búa đã gõ xuống ở kỷ lục mới: 82,5 triệu USD, khoảng 165 triệu USD theo tỷ giá hiện nay.
Người mua không được tiết lộ ngay lập tức, nhưng công chúng nhanh chóng biết đó là Ryoei Saito, chủ tịch Công ty Giấy Daishowa, nay là Nippon Paper Industries. Chỉ hai ngày sau khi mua Gachet, ông lại bỏ ra 78,1 triệu USD để mua một tác phẩm của Pierre-Auguste Renoir tại nhà đấu giá Sotheby's. Nhưng bức tranh của Van Gogh được ông đặc biệt yêu quý. Ông giữ gìn nó một cách nghiêm ngặt, không cho mượn để triển lãm mà chỉ cho mấy người bạn và đối tác kinh doanh thân thiết được thấy. Và đây chính là vướng mắc trong câu chuyện.
Trong mấy chục năm vừa qua, nhiều người đã cố gắng xác định nơi lưu giữ bức “Chân dung bác sĩ Gachet”, sau cái chết của chủ sở hữu Ryoei Saito vào năm 1996. Ngay cả con trai của Saito cũng tuyên bố rằng chưa bao giờ nhìn thấy tác phẩm đó và cũng không biết nó nằm ở đâu.
Trước đó, năm 1990, Ryoei Saito đã tỏ ra tức giận trước số tiền thuế phải nộp cho hai bức tranh của Van Gogh và Renoir mà ông mua. Rồi ông tuyên bố rằng những bức tranh này sẽ được hỏa táng cùng thi hài ông khi ông qua đời, để những người thừa kế không phải chịu gánh nặng thuế. Như vậy, có nỗi sợ hãi rằng một trong những tác phẩm ý nghĩa nhất của Van Gogh sẽ biến mất. Với nỗi sợ hãi ấy, một cuộc tìm kiếm trên toàn thế giới đã bắt đầu.
Phần lớn việc tìm kiếm bức “Chân dung bác sĩ Gachet” được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bảo tàng Städel ở Frankfurt, nơi đã tuyên bố bức tranh là một trong những trọng điểm thu hút người xem của họ trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20. Năm 2019, bảo tàng phát hành một loạt podcast có tên “Đi tìm Van Gogh”, với sự cộng tác của nhà báo Johannes Nichelmann, trình bày chi tiết về cuộc tìm kiếm bức tranh.
Nichelmann đã nói chuyện với nhiều người, tuy vẫn không có câu trả lời rõ ràng nhưng cũng được xác nhận ở mức độ nào đó về nơi cất giữ bức tranh sau cái chết của Ryoei Saito, và may mắn thay đó không phải là lò hỏa táng. Sau cái chết của Saito, có vẻ như tài sản của ông đã được một ngân hàng Nhật Bản xử lý, bao gồm hai bức tranh của Van Gogh và Renoir.
Một cách bí mật vào cuối những năm 1990, nhà đấu giá Sotheby's được mời đến để môi giới việc bán bức “Chân dung bác sĩ Gachet” cho một người mua ẩn danh – có giả thuyết là Wolfgang Flöttl, một chủ ngân hàng đầu tư người Áo. Tuy nhiên, Nichelmann đã được thông báo rằng Flöttl không còn giữ bức tranh nữa mà nó đã nằm trong tay một nhà sưu tầm bí mật khác. Và cũng có tin đồn về chủ sở hữu hiện tại của bức tranh là gia đình một nhà sưu tầm người Ý đã qua đời.
Nhưng đến nay, công chúng vẫn chưa hề thấy lại “Chân dung bác sĩ Gachet”. Không ai biết hiện giờ nó ở đâu, nhưng hy vọng là nó vẫn an toàn - và có khả năng là, thông qua một vụ mua bán hào nhoáng hoặc một lần cho mượn để triển lãm bất ngờ, một lần nữa chúng ta sẽ lại thấy khuôn mặt của bác sĩ Gachet qua nét cọ của Vincent van Gogh.
Bài: Nhà thơ, Nhà nghiên c Phan Đan