
Dù đã để lại dấu ấn ở hầu hết hệ thống sáng tạo của điện ảnh, song ít ai tin rằng một ngày nào đó, Bùi Thạc Chuyên sẽ bước vào hàng ngũ đạo diễn trăm tỷ. Bởi lẽ, những tác phẩm vừa mang đậm phong cách cá nhân, vừa vượt ngoài những tiêu chuẩn giải trí thông thường của anh, rõ ràng khó lòng trở thành món ăn thu hút số đông khán giả.
Tương tự, việc một bộ phim lịch sử/chiến tranh gây sốt phòng vé, kiếm bộn tiền cũng là điều chưa từng diễn ra tại thị trường nội địa. Trước đó, điện ảnh Việt chứng kiến hàng loạt tác phẩm đầu tư lớn nhưng không được khán giả ủng hộ, chịu cảnh ế ẩm.
Tuy nhiên, hai điều tưởng chừng bất khả thi đó đã cùng nhau thành hiện thực qua Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
Cách một ngày sau khi Địa đạo vượt mốc trăm tỷ, Bùi Thạc Chuyên có dịp ngồi với Tri Thức - Znews để nhìn lại những gì đã diễn ra trong tuần qua, khoảng thời gian mà bộ phim của anh càn quét phòng vé.
‘Tôi làm Địa đạo không phải để kiếm tiền’
- Đó nay, cái tên Bùi Thạc Chuyên thường gắn liền với dòng phim nghệ thuật, vốn không đặt mục tiêu doanh thu lên hàng đầu. Sau cột mốc mà 'Địa đạo' thiết lập, tâm thế của anh ra sao?
- Doanh thu cao dĩ nhiên là đáng mừng, nhưng điều khiến tôi vui nhất là nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn. Với riêng cá nhân, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm phim này để kiếm tiền.
Ngay từ đầu, mọi người trong ê-kíp đều xác định đây là một bộ phim làm ra để tưởng nhớ những người đã hy sinh cho đất nước, nhân dịp 30/4 sắp tới. Khi có nhiều người ra rạp, điều đó có nghĩa là thông điệp và ý nghĩa của bộ phim đã được lan toả, chạm được đến khán giả. Xa hơn, doanh thu Địa đạo có thể mở ra hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư dám đặt niềm tin vào dòng phim lịch sử.
- Anh nhắc rất nhiều về nhà đầu tư, có phải do áp lực hoàn vốn của 'Địa đạo' rất lớn?
- Nhà đầu tư nói rất rõ ngay từ đầu: đây là đầu tư mạo hiểm. Nhưng anh ấy tin vào đề tài này, tin rằng đây là một câu chuyện hấp dẫn, có thể mở ra chương mới cho dòng phim chiến tranh Việt Nam.
Ban đầu tôi nghĩ sẽ dùng tiền nhà nước, và đây cũng là một phim mà nhà nước sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên, mức độ ngân sách được duyệt khó đáp ứng yêu cầu phim. Khi viết xong kịch bản, tôi nghĩ nhất định phải làm phim này đến nơi đến chốn, nếu không thì có lỗi với các anh hùng liệt sĩ.

Bùi Thạc Chuyên mất 11 năm để chuẩn bị cho Địa đạo.
Sau đó, tôi mới tính xem có cách nào để nhà nước và tư nhân kết hợp với nhau không. Song, điều này là không thể vì quá phức tạp. Để tốt cho bộ phim, tôi đã quyết định đi tìm nguồn đầu tư hoàn toàn từ tư nhân. Dù biết bỏ tiền vào phim này rất rủi ro, và những nhà đầu tư cũng hoàn toàn chấp nhận chuyện đó. Nhưng tôi nghĩ cũng phải công bằng với họ.
- Những nhà đầu tư phản hồi thế nào về bộ phim?
- Họ bảo rằng nó trông đắt hơn rất nhiều so với số tiền thật (cười). Thật ra phim này vẫn thiếu vốn, phải cố gắng lắm mới tạm đủ. Suýt chết!
Nhưng phải nói rằng, việc đầu tư tư nhân vào cuộc đã tạo điều kiện để Địa đạo được thực hiện một cách tốt nhất có thể.
‘Tôi không muốn diễn viên khóc'
- Bên cạnh thành công, phim vẫn tạo ra một số ý kiến trái chiều, đặc biệt là về hai cảnh nóng. Rất nhiều chuyên gia và cả anh cũng đã giải thích về phân đoạn này. Nhưng cảm giác của anh thế nào khi những dụng ý của mình bị hiểu khác, thậm chí bị chỉ trích?
- Không sao cả. Bộ phim là của khán giả, và họ có quyền tranh luận. Bản thân phim này thực chất dành rất nhiều khoảng trống để khán giả tự điền vào. Tôi không dẫn dắt khán giả, không bắt họ phải nghĩ theo mình. Đó là cách để phim có độ lùi, có một sự khách quan nhất định. Khán giả có thể có tranh luận, và điều đó cũng tốt thôi.
- Nhưng lỡ khán giả không thể tự điền vào những khoảng trống mà anh tạo ra?
- Có một phong cách mà tôi vẫn giữ từ trước tới giờ, qua tất cả các bộ phim, đó là sự khiêm nhường trong cách kể chuyện. Tôi luôn muốn kể câu chuyện một cách giản dị, không khoa trương.
Tôi rất đề cao khán giả. Trong tất cả các bộ phim, tôi luôn nghĩ khán giả là những người ngang hàng với mình. Tôi kể một câu chuyện, và để họ cũng có quyền kể lại câu chuyện đó bằng cảm nhận, suy nghĩ, và đánh giá của họ. Tôi không ép họ phải nghĩ giống mình.
- Một số ý kiến cho rằng phim của anh thiếu cảm xúc, và đó là hạn chế, anh phản hồi thế nào?
- Nhiều người cũng nói với tôi: “Em muốn khóc, nhưng sắp đến điểm xúc động thì phim bỗng dừng lại”. Với tôi, đó là điều tốt. Khi cảm xúc được giữ ở mức vừa đủ, thì chúng ta còn giữ được sự tỉnh táo để suy nghĩ và xét đoán. Phong cách của tác phẩm này là phỏng theo phim tài liệu. Thay vì đẩy cảm xúc lên mức bi lụy, tôi muốn khán giả tỉnh táo để học một điều gì đó từ lịch sử và có chính kiến cá nhân khi nhìn lại những câu chuyện trong phim.

Tính đến tối 11/4, Địa đạo dắt túi 107 tỷ đồng.
Ví dụ có đau khổ, thì cũng không được diễn tả một cách quá rõ ràng. Nỗi đau phải được giữ lại bên trong. Ngay cả khi nhân vật tức giận cũng không thể bộc lộ hết ra ngoài. Đó là sự khiêm nhường trong cách kể lại lịch sử, trong cách tái hiện những gì đã diễn ra. Tôi không muốn diễn viên khóc. Con người trong chiến tranh sống và cảm nhận khác con người thời bình, phải nói như thế.
- Điều gì khiến anh tin chắc đó là thế giới nội tâm, cảm xúc của con người thời chiến khác bây giờ?
- Tôi không sống trong chiến tranh, nhưng tôi có sự tưởng tượng. Đọc nhiều sách, hồi ký về chiến tranh, và trên cơ sở ngưỡng cảm xúc, tôi nghĩ rằng: trong một hoàn cảnh quá đáng sợ, con người sẽ có cơ chế tự bảo vệ. Nghĩa là bằng một cách nào đó để cảm xúc không bao giờ vượt quá mức độ chịu đựng. Ngay cả khi đối mặt với những điều khủng khiếp nhất, họ vẫn phải cố giữ sự bình thản.
Tôi từng đọc hồi ký của một bác ở Củ Chi, đó là ông ngoại của vợ Thái Hòa. Bác kể lại một mẩu đối thoại mà mình từng nghe được khi nằm trên võng trong địa đạo. Hầm bên cạnh là các cô gái đang trò chuyện với nhau, bàn xem chồng chết buồn hơn hay con chết buồn hơn. Một cô nói: “Tất nhiên là con chết buồn hơn”. Cô kia thì bảo: “Không, chồng chết buồn hơn, vì con chết thì còn có thể sinh con khác”.
Đó là một mẩu đối thoại rất thật, và nó thể hiện rõ rằng với người Củ Chi, cái chết là chuyện bình thường. Người ta nói về cái chết một cách thản nhiên, không bi lụy, có thể cân đo đong đếm.
- Tuy nhiên, khi làm một tác phẩm mà không có những cao trào cảm xúc như vậy, anh không sợ ảnh hưởng đến doanh thu phim?
- Mục đích của tôi là kể lại một câu chuyện lịch sử, nên phim mang phong cách của tài liệu. Nếu làm theo hướng hư cấu thì cũng sẽ rất hấp dẫn, nhưng khán giả sẽ dễ bị cuốn vào cảm xúc, không còn tỉnh táo để nhìn nhận. Họ sẽ xúc động, nhưng rồi rời khỏi rạp mà quên đi những chi tiết quan trọng. Tôi muốn để lại hậu vị, một điều gì đó khiến người ta phải nghĩ tiếp sau khi bộ phim đã hết.
Còn về doanh thu, tôi nghĩ thế này, chuyện hay dở, ăn khách hay không thuộc về số phận. Rất nhiều đạo diễn tài năng nhưng làm phim mãi vẫn không bán được. Ngay cả những nhà sản xuất giỏi nhất thế giới cũng không thể đảm bảo điều đó. Trước đây hay là bây giờ, tiền không phải ưu tiên hàng đầu của tôi.
'Đó là cái kết mang tinh thần Củ Chi'
- Đâu là thử thách lớn nhất khi làm "Địa đạo"?
- Thú thật, phim này rất khó, khó đến nỗi nếu không tập trung sẽ dẫn tới những sai lầm khủng khiếp, liên quan tới những thứ nằm ngoài khả năng của mình. Bom đạn, cháy nổ, lửa, nước,… Quá nhiều rủi ro, tai nạn có thể xảy ra.
- Anh vượt qua điều đó như thế nào?
- Tất cả những yếu tố có thể kiểm soát thì tôi đã chuẩn bị từ trước. Hai tháng trước khi bấm máy, chúng tôi đã bắt đầu tập dượt toàn bộ. Có đạo cụ, có tình huống; từ tâm lý cho đến cách thể hiện nhân vật, mọi thứ đều được dựng như thật.
Các bạn diễn viên trẻ đã được làm quen từ sớm, nên khi bước vào quay chính thức, họ rất tự tin. Còn với những gương mặt kỳ cựu như anh Thái Hòa hay Quang Tuấn, tôi đã có niềm tin ngay từ đầu, và họ cũng không bỏ lỡ cơ hội để tỏa sáng.
- Đến lúc này, có điều gì còn khiến anh tiếc nuối?
- Ban đầu, bản dựng đầu tiên của phim này lên tới 3 tiếng rưỡi, sau đó bị cắt xuống còn khoảng 2 tiếng 8 phút như hiện tại. Thật ra tôi không tiếc vì cắt nhiều, chỉ tiếc là không có đủ thời lượng để làm cấu trúc phim tốt hơn.

Nhân vật của Thái Hòa bị cắt đi nhiều cảnh xúc đông.
Dù vậy, có một cảnh bị cắt khiến tôi vô cùng đau đớn, đó là cái kết cho nhân vật của Thái Hòa. Cảnh đó rất nhiều cảm xúc. Lúc quay, tôi ngồi xem mà khóc suốt, vậy mà cuối cùng lại phải cắt. Trong bản dựng ban đầu, Bảy Theo vẫn sống dậy, nói chuyện với Ba Hương và Tư Đạp, lo lắng cho mọi người xong rồi mới chết. Cảnh đó rất cảm xúc.
- Lý do anh cắt cảnh đó là gì?
- Tôi phải lựa chọn, vì cấu trúc chung của phim lúc đó có quá nhiều cái kết. Cảnh làm tình là một cái kết rất mạnh, nói về sức sống của con người, chủ đề trọng tâm của phim. Thật ra phim này vốn dĩ không có nhân vật chính nào cả. Nhân vật lớn nhất là địa đạo, và những con người ở trong nó.
Sự hy sinh thầm lặng của Bảy Theo trên phim vì thế vẫn là một cái kết rất đẹp. Sau khi đã bịt tất cả các đường xuống địa đạo, anh nằm xuống , âm thầm như bao nhiêu người du kích Củ Chi trước đó.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Có thể nói là tôi áy náy, đau đớn khi phải cắt bỏ một cảnh rất cảm xúc. Nhưng cuối cùng, tôi chọn giữ lại một cái kết đúng với tinh thần của Củ Chi: những con người bình thường, không phải anh hùng, không cần lưu danh, lặng lẽ hy sinh vì đất nước.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.
Hồ Thu Anh: 'Chị Thanh Hằng không nói dối'
"Mọi người mới gặp sẽ thấy tôi lạnh lùng, khó gần. Nhưng tiếp xúc lâu sẽ cảm nhận khác. Tôi cũng có trái tim nồng nhiệt, còn khi yêu sẽ lý trí", nữ chính "Địa đạo" chia sẻ.
06:00 11/4/2025
Thái Hòa: 'Vợ bạc tóc vì tôi'
Thái Hòa kể anh từng trải qua hai năm khủng hoảng vì stress. Sau biến cố “chết đi sống lại”, anh học cách chấp nhận, buông bỏ những thứ bản thân không thể kiểm soát.
06:00 8/4/2025
Địa chấn của 'Địa đạo'
“Địa đạo” thu hơn 90 tỷ sau chưa đầy một tuần công chiếu. Thành tích này đánh dấu bước ngoặt chưa từng có cho dòng phim chiến tranh Việt Nam.
07:06 10/4/2025