Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo khoa học về định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức sáng 2/11, tại Hà Nội.
Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh nông sản Việt
Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Anh Phong - Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, ngành logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Dịch vụ logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản là một phân ngành dịch vụ lớn trong chuỗi dịch vụ cung ứng logistics.
Trong thời gian qua, dịch vụ logistics nói chung và logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản của Việt Nam nói riêng đã có sự phát triển quan trọng. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics, các nhà cung cấp đã không ngừng phát triển lớn mạnh hỗ trợ tốt cho việc cung cấp đầu vào đảm bảo sản xuất, cho sản xuất và thương mại nông sản.
Tuy nhiên, dịch vụ logistics nói chung và logistics nông nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế. Những tồn tại của hệ thống logistics ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.
Tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản cao từ 25 - 30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo.
"Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP; trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP", tiến sĩ Nguyễn Anh Phong nhấn mạnh.
Lý giải về điều này, theo bà Tạ Thu Trang - Trưởng phòng Tư vấn Thương mại và đầu tư - Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng và mất cân đối về lượng vận chuyển. Các dịch vụ đem lại giá trị gia tăng như, xử lý kiểm định thực vật còn thiếu và yếu. Chuỗi cung ứng lạnh hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Chưa có hệ thống thông tin logistics đầy đủ dịch vụ hỗ trợ tốt cho sản xuất và các vệ tinh kết nối vùng nguyên liệu đến các trung tâm lớn hơn; hệ thống logistics thương mại biên giới chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn, chưa có kho ngoại quan. Doanh nghiệp cung ứng logistics nông nghiệp còn nhỏ lẻ và phân bố không đồng đều theo vùng.
Mặc dù, luật pháp điều chỉnh các hoạt động logistics tại Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ. Các chủ trương, quy định chính sách đã được ban hành để tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thúc đẩy hoạt động logistics phát triển bền vững. Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc hình thành các trung tâm logistics/trung tâm đầu mối nông nghiệp và cả trung tâm thu gom nông sản. Tuy nhiên, chưa có chiến lược đề án tổng thể tích hợp về phát triển logistics nông nghiệp, cũng như chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn.
Chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn thiếu, chưa có những ưu tiên cho các nhà đầu tư vào dịch vụ logistics. Chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng chưa có hướng dẫn.
Xây dựng Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Hệ thống logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Singapore 300%Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nông sản nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, hiện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của cả nước giai đoạn 2023 - 2030.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong cho biết, dự thảo đề án đặt ra mục tiêu giảm trung bình 0,5 - 1%/năm tổn thất sau thu hoạch và 30% chi phí logistics nông sản khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản. Đảm bảo 100% nông sản qua hệ thống trung tâm logistics nông sản được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tại các vùng sản xuất nguyên liệu có các trung tâm dịch vụ logistics nông sản, 70% số hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và 100% hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực các kỹ năng liên quan đến dịch vụ logistics nông sản. Cơ bản hình thành hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng sản xuất kinh doanh trọng điểm và một số chuỗi cung ứng nông sản chủ lực ra thị trường quốc tế.
Dự thảo Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ như: Xây dựng và hình thành hệ thống dịch vụ logistics nông sản ở các vùng trọng điểm; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các trung tâm dịch vụ logistics nông sản và hạ tầng giao thông kết nối giữa các trung tâm;…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối điện tử trong hệ thống Trung tâm dịch vụ logistics nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế. Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống logistics nông sản. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ hệ thống logistics nông sản.
Đề xuất các giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ logistics trong nông nghiệp, bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, kinh nghiệm và xu hướng quốc tế cho thấy Chính phủ có vai trò to lớn trong việc giúp giải quyết các thách thức về logistics trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước. Do đó, cần có các chính sách khuyến khích phát triển logistics trong nông nghiệp theo hướng bền vững và tận dụng tốt nhất các lợi thế so sánh.
“Mặc dù đã có một số sáng kiến và sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực logistics trong nông nghiệp nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chính phủ nên xem xét phát triển các mô hình PPP để đẩy nhanh đầu tư cho cơ sở hạ tầng logistics trong nông nghiệp trong thời gian tới. Ngoài ra, cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào ngành này thông qua các ưu đãi thiết thực hơn về thuế, phí, tiếp cận vốn và hợp tác quốc tế về phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ”, bà Đinh Thị Bảo Linh khuyến nghị.