Vnluxury

Chương mới của hội họa hiện đại: ngôn ngữ hội họa mới được sáng tạo từ âm nhạc


Hội họa và âm nhạc vốn khác biệt ở mức nền tảng, nhưng các nghệ sĩ đương đại như Wassily Kandinsky, Henri Matisse... đã thực hiện điều tưởng chừng không thể: "Tái tạo một cách trực quan những hiệu ứng sóng âm của âm nhạc," để từ đó đưa nền hội họa hiện đại qua một chương mới.


Nguồn: luxuryactivist.com


Ngày nay, không khó bắt gặp những tác phẩm đương đại lấy cảm hứng từ âm nhạc. Loạt tranh “Nocturnes” (Bóng đêm) vẽ bởi James McNeill Whistler vào cuối thế kỷ 19 liên quan đến bản độc tấu piano đình đám cùng tên của Chopin nhiều hơn là cảnh đêm mà chính những bức tranh thể hiện. Bức trừu tượng hình học của Paul Klee, Polyphony (1932), đã khắc họa niềm đam mê của người nghệ sĩ đối với các bản hợp xướng phức điệu polyphony của Bach. Khi nhạc jazz trở thành xu hướng, các kiệt tác thể hiện tinh túy của dòng nhạc này cũng ra đời như bức Swing Landscape (1938) của Stuart Davis, Broadway Boogie Woogie (1942-43) của Piet Mondrian hay Jazz Suite (1947) của Henri Matisse. Danh sách những cột mốc quan trọng của hội họa đương đại gần như gắn liền với những chuyển động của nền âm nhạc phương Tây.


Nocturne in black and gold, James McNeil Whistler, 1872-77


Nghệ thuật trực quan đã luôn được ảnh hưởng bởi âm nhạc, cũng như theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, khoảng từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, các nghệ sĩ phương Tây đã bắt đầu nỗ lực tiến thêm 1 bước nữa, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ cộng sinh giữa các loại hình nghệ thuật. Họ đã bắt đầu khơi gợi những nhịp điệu, kết cấu và âm điệu trong các tác phẩm của mình - nói cách khác là đưa tác phẩm mình vượt qua giới hạn giữa các loại hình nghệ thuật. Mặc dù đa số những tác phẩm tiên phong trong việc hợp nhất hội họa và âm nhạc chưa đạt được mục tiêu của mình, hay thậm chí trở nên vô nghĩa, tuy nhiên, ít có hành trình nào đã để lại nhiều kiệt tác thú vị như vậy trong lịch sử hội họa.


Bạn không thể nói về âm nhạc và chủ nghĩa hiện đại mà không nhắc đến Walter Palter, một cây viết rất ảnh hưởng vào thế kỷ 19, người nổi tiếng nhất với dòng chữ mà ông đã viết vào năm 1877: “Mọi tác phẩm nghệ thuật đều đang liên tục hướng đến trạng thái hiện tại của âm nhạc.” Có thể nhận định ý Pater muốn nói rằng âm nhạc là loại hình nghệ thuật duy nhất mà hình thái và nội dung của nó không chỉ không thể tách rời mà còn đồng nhất với nhau. Điều này khiến âm nhạc khác biệt hoàn toàn ở mức nền tảng so với hội họa truyền thống phương Tây, khi mà cùng một chủ đề có thể được biểu hiện ở hàng trăm hình dạng khác nhau. Lí do mà hội họa và âm nhạc khác biệt, theo Pater, là hội họa mang tính bắt chước. Nó cố gắng tái tạo lại vẻ bề ngoài của thế giới vật chất, còn âm nhạc thì không.


Jazz - Pierre Beres, Henri Matisse, 1959


L'Avaleur de Sabres (Jazz), Henri Matisse, 1947


Tuy nhiên, Pater viết những dòng đó khi cuộc cách mạng nghệ thuật hiện đại chỉ mới được khơi mào. Hiện nay, những hình ảnh tái tạo hiện thực bắt đầu bị bài trừ khỏi hội họa giống như cái cách côn trùng bị đuổi ra khỏi một căn nhà cũ kĩ, bẩn thỉu. Để tìm một góc nhìn mới thuần khiết, tách biệt khỏi thế giới vật chất, các họa sĩ trừu tượng đã phải tìm đến những cơ sở lý luận để thực hiện cuộc ‘thanh trừng’ của mình. Không quá bất ngờ khi rất nhiều trong số đó đã tìm đến âm nhạc.


Quảng cáo

Broadway Boogie-Woogie, Piet Mondrian, 1957


Khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật hiện đại, bạn sẽ phát hiện những giải pháp độc đáo cho các vấn đề không thể giải quyết: Tái tạo một cách trực quan những hiệu ứng sóng âm của âm nhạc. Họa sĩ người Thụy Sĩ Paul Klee từng là một thần đồng violin trước khi ông chuyển sang vẽ tranh, nhưng chính kiến thức nhạc lý đã ‘vẽ’ lên những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. May Picture (1925) Một bức tranh với bố cục dày đặc và dường như đang chuyển động đã gần như khơi gợi lên cảm giác khi nghe một buổi trình diễn Baroque. Những ô vuông mang gam màu rực rỡ giữa các ô vuông màu trầm hơn chính là những khoảnh khắc ‘bùng nổ’ ở đoạn điệp khúc khi giọng hát hài hòa và đan xen với các loại nhạc cụ khác.


Những năm 1910, Klee là một thành viên trung thành của nhóm The Blue Rider, các thành viên khác trong nhóm còn có Franz Marc, Albert Bloch, và Wassily Kandinsky. Mặc dù Kandinsky không phải là người tạo ra thuật ngữ “synesthesia (cảm giác kèm),” ông đã giúp nó trở nên nổi tiếng với quan điểm cho rằng tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất là tác phẩm có khả năng mang đến một trải nghiệm choáng ngợp, đa giác quan cho người xem.


May Picture, Paul Klee, 1925


Các tác phẩm của Kandinsky là những nỗ lực đầy tham vọng và ấn tượng nhất của công cuộc hợp nhất hội họa và âm nhạc. Nếu Victorian Pater coi mối quan hệ giữa hội họa và âm nhạc như một mối quan hệ thứ bậc, thì góc nhìn của Kandinsky đại diện cho sự hỗn loạn tuyệt đối: Các tác phẩm táo bạo của ông đã tạo nên một thứ ngôn ngữ mới trong đó âm nhạc, hội họa cũng như ngôn ngữ và văn học hòa tan và trở thành một khối hỗn loạn khổng lồ, rực rỡ. Đó chắc hẳn cũng là lí do mà tác phẩm minh họa một vở kịch sân khấu của ông được đặt tên là “The Yellow Sound” (Âm sắc màu vàng)


Hành trình đi tìm một loại ngôn ngữ hội họa mới của Kandinsky được truyền cảm hứng bởi một người bạn của ông, nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo, Arnold Schoenberg. Mặc dù những tác phẩm độc đáo của Schoenberg thời ấy bị đánh giá là “vô kỉ luật”, thực chất mọi âm thanh đều được kiểm soát kĩ lưỡng. Đột phá vĩ đại nhất của ông là phong cách soạn nhạc 12 tông, trong đó không có bất cứ tông nào được sử dụng lại trước khi cả 11 tông kia đã xuất hiện. Trong những bức họa như Composition 8 (1923) Kandinsky đã vẽ nên phong cách của người bạn Schoenberg: càng xem tranh, ta sẽ càng nhận ra rằng, những gì ban đầu trông như những mảng màu và hình khối ngẫu nhiên thì thực chất chúng lại được kết nối một cách chặt chẽ.


Composition 8 (Komposition 8), Wassily Kandinsky, 1923


Các họa sĩ đương đại chắt lọc rất nhiều từ những dòng nhạc nổi tiếng tại Mĩ, cũng như đối với các tác giả tiên phong khác ở châu Âu. Một điểm đáng chú ý là giai điệu của các cộng đồng người châu Phi - từ nhạc blues, jazz swing và bop - xuất hiện tràn lan trong nền hội họa Mĩ và châu Âu. Từ cách mà Stuart Davis miêu tả bức Hot Still-Scape for Six Colors - 7th Avenue Style (1940), bạn sẽ có cảm giác như anh ấy đang nói về một ban nhạc jazz 6 người thay vì một bức tranh “[6 gam màu] được sử dụng như những nhạc cụ trong một dàn hợp xướng, trong đó tác phẩm đầy màu sắc này chính là kết quả của việc cùng lúc kết hợp và đan xen những nhóm nhạc cụ với nhau.”


Hot Still-Scape for Six Colors - 7th Avenue Style, Stuart Davis, 1940


Bạn có thể - và nên - trách Davis khi chỉ đề cập tới nhạc jazz ở khía cạnh thẩm mỹ mà phớt lờ sự thật rằng dòng nhạc này được truyền cảm hứng từ các áp bức xã hội. Điều tương tự cũng có thể nói đối với các họa sĩ đương đại khác đã đưa âm nhạc Mỹ - Phi vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên Davis, Mondrian, Matisse… đã đủ khiêm tốn để thừa nhận sự thật: rằng đỉnh cao thẩm mỹ mà họ mong muốn các tác phẩm của mình chạm đến vốn đã được thực hiện bởi những nhạc sĩ người da màu điêu luyện.


Bài: Theo fashionnet.vn



Nguồn https://www.navigator.com.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm