Vnluxury

Cuộc sống an yên của gia đình anh chị bỏ phố lên núi và vườn hồng trĩu quả mùa thu sang

Phố núi Đà Lạt với tiết trời se lạnh, không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng có cảnh sắc tươi đẹp quanh năm mà còn ưu ái ban tặng cho nơi này những vườn hồng đỏ cành lúc thu về.

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 1

Trong ảnh là vườn hồng của vợ chồng Trần Việt Anh và Hoàng Việt Anh (cùng 34 tuổi). Đi từ đường Hùng Vương hướng đi qua chùa Ve Chai, sau đó đi thẳng đường Tự Phước thêm 5 km là đến vườn, tọa lạc tại xã Xuân Thọ, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12 km.

Hơn 10 năm nay, năm nào vợ chồng anh chị Việt Anh từ TP HCM lên Đà Lạt du lịch, nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh trang trại. Tháng 5/2020, khi Covid-19 bùng phát, cả gia đình 10 người của anh chị Việt Anh, gồm cha mẹ và anh chị hai bên quyết định lên định cư ở Đà Lạt. Hiện gia đình kinh doanh, kết hợp làm du lịch trang trại, quán cà phê, vườn hồng Mama Dala, trong đó vườn hồng diện tích 2.000 m2, với hơn 50 gốc.

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 2

Cây hồng là cây ăn quả đặc thù của vùng cao nguyên, với diện tích trồng trên 370 ha tập trung ở vùng ngoại ô các phường, các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung, Đà Lạt và thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương lân cận. Việt Anh cho biết vợ chồng chị từng đi Nhật đúng vào mùa quả này, mê mẩn trước khung cảnh đẹp như tranh với những cây hồng chín đỏ nép mình bên các nhà gỗ ở Kyoto. Sau này, cơ duyên đến với gia đình và hiện sở hữu một vườn cây đẹp không thua kém bên Nhật.

Vườn không cần tốn nhiều công chăm sóc, nơi này là xứ hồng, thổ nhưỡng thích hợp trồng nên cả năm chỉ cần bón phân hữu cơ, cứ đến mùa là thu hoạch. Ngoài làm lại lối đi vào vườn, anh chị còn dựng căn nhà gỗ, vài túp lều mộc mạc dưới tán cây già và bố trí các sàn gỗ để khách trải nghiệm hái hồng, chụp ảnh như đúng với cảm giác, kỷ niệm vợ chồng chị từng có ở Kyoto.

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 3

Cậu con trai theo chị Việt Anh trải nghiệm hái hồng. Đầu tháng 9, những cây đầu tiên trong vườn đã bắt đầu chuyển từ xanh sang vàng. Vào thời điểm này các năm trước, nhiều du khách ghé thăm vườn, thích được check-in hoặc tự tay hái quả chín ăn liền. Năm nay giãn cách kéo dài, vườn vắng khách, nên quả được hái sớm hơn, ủ hơi làm hồng giòn và gửi bán đi khắp các tỉnh. "Quả chín đến đâu chúng tôi tự hái đến đó, các quả màu vàng còn cứng được ủ hơi trong bao nylon 10 ngày hoặc để treo gió", chị nói.

Năm nay, dự tính cả vườn thu hoạch được hơn 2 tấn, không nhiều bằng năm ngoái do một phần quả rụng khi mưa bão đến sớm. Du khách đến tham quan có thể hái hồng, ăn thoải mái và giá bán mang về là 150.000 -180.000/túi 5 kg tuỳ thời điểm.

Quảng cáo

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 4

Trước đây, người Đà Lạt chưa biết cách treo gió thì quả hồng đến mùa mất giá, chín rụng đầy vườn, chỉ thu hái ủ vôi cho hết chát. Bây giờ có nhiều cách sử dụng ngoài khai thác quả chín nên giá hồng khá hơn mang đến thu nhập cơ bản ổn định.

Quả hồng muốn ăn chín cây không chát thì phải chọn quả đỏ mọng mềm, mỏng vỏ, khi cắn vào sẽ cảm nhận được vị ngọt lịm. Ngoài ra, có thể ủ quả trong lu gạo theo cách truyền thống để chín đỏ mềm tự nhiên mang đến vị ngọt đậm đà, còn nếu ủ khí đá thì khi chín có vị ngọt nhạt, không ngon bằng.

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 5

Chia sẻ về cách ủ hồng trứng, chị Việt Anh chọn quả tròn bóng, cứng, không dập, có màu hơi vàng, lau sạch cho vào túi nylon, cứ xếp một lớp giấy báo một lớp quả, ủ trong 10 ngày không mở thì quả sẽ hết chát, ngọt giòn tự nhiên.

Chị còn chia sẻ cách làm hồng treo gió, cách chọn quả như ủ giòn, nhưng khi hái phải cả cuống để cột dây treo lên. Đầu tiên là gọt vỏ, cho quả vào nước muối pha loãng ngâm 10 phút để quả không thâm đen, nhúng sơ quả qua rượu trắng có độ cồn cao. Sau cùng treo quả ở nơi có nắng và gió, lưu ý nắng không bị gắt và không bị tạt mưa trong 20 - 30 ngày sẽ được thành phẩm.

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 6

Những cành hồng quả chín đẹp còn được đem về cắm bình tạo không gian thêm ấn tượng và đầy sắc màu vào dịp Trung Thu. Cắm cành được 10 ngày là trái rụng hơi héo, lúc đó lấy ủ lu gạo cho chín mềm.

Vườn hồng trĩu quả của vợ chồng 'bỏ phố lên núi' - 7

Sau những chia sẻ tỉ mỉ về mùa thu hoạch, làm hồng giòn và treo gió, chị Việt Anh còn tư vấn cách phân biệt hồng của Đà Lạt và của Trung Quốc. Mùa quả này ở Đà Lạt kéo dài từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12, trong khi ở Trung Quốc bán nhiều thời điểm trong năm.

Hồng Đà Lạt khi chín chỉ cần 1 - 2 ngày là bắt đầu mềm, ăn không kịp sẽ bị thối nhanh, còn hàng Trung Quốc mua về để cả tuần vẫn không bị hư do dùng chất bảo quản. Đối với giống hồng trứng Đà Lạt tròn thon như quả trứng gà không có rãng, khi chín sẽ vàng ngả cam, không đỏ lừ và sáng bóng như quả Trung Quốc. Ngoài ra, hồng Đà Lạt ủ hơi quả vẫn giòn ngọt, thơm ngon, trong khi quả của Trung Quốc vị nhạt không ngon bằng.

Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm