Cuối năm nay, chiếc đồng hồ Patek Philippe của vua Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) sẽ được Phillips đưa ra đấu giá. Sự kiện này đang thu hút sự quan tâm của những người say mê đồng hồ, lẫn giới sử học và những đại gia say mê thế giới của hoàng gia Đông Á.
Chiếc đồng hồ Patek Philippe cổ điển được giám định thuộc về Hoàng đế Phổ Nghi sắp được ra mắt trong phiên đấu giá do Phillips tổ chức, thời gian từ 18 đến 31/3 ở Hồng Kông. Trong sự kiện này Phillips cũng đấu giá nhiều đồ vật khác trong tài sản riêng của vị Hoàng đế Trung Hoa này, trước đó bộ sưu tập cũng sẽ được mang giới thiệu tại New York, Singapore, London, Đài Bắc và Geneva dành cho đại chúng chiêm ngưỡng.
Theo thông tin nhà đấu giá Phillips chia sẻ thì mẫu đồng hồ được đấu giá là chiếc Patek Philippe Ref. 96 Quantieme Lune, đây là kỷ vật đã gắn bó với Phổ Nghi suốt 5 năm bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ và giam cầm trong trại tù binh ở Siberia. Trong hồi ký của mình Phổ Nghi chép lại thời gian này là hết sức đáng nhớ vì ông đã có thể trở thành bạn thân với Georgy Permyakov (người phiên dịch tiếng Nga của ông). Đến 1950 khi được Liên Xô trao trả lại Trung Quốc thì vị Hoàng đế đã tặng nhiều kỷ vật cho Permayakov, trong đó gồm một ấn bản Luận ngữ của Khổng tử, sổ chép tay của Hoàng đế, một quạt giấy đỏ, và dĩ nhiên có cả chiếc đồng hồ này.
Cháu trai Hoàng đế Phổ Nghi tiết lộ là ngoài chiếc đồng hồ thì kỷ vật đáng giá nhất có lẽ là chiếc quạt giấy thắm đỏ, bởi trên đó có đề bài thơ được chính vị vua này viết lên để kỷ niệm tình bạn và những năm tháng khó khăn sống cùng Permyakov. Theo SCMP, gia đình của Permyakov sau này đã bán lại gần như tất cả các di vật kể trên cho một nhà sưu tập Châu Âu ẩn danh và từ đó đến cuối năm nay… người ta không biết chắc chắn chúng đã trải qua những câu chuyện gì.
Chính câu chuyện giàu thăng trầm lịch sử này đã khiến Phillips phải tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, tra vấn để xác tín về độ đáng tin của chiếc đồng này. Cuối cùng sau hơn 3 năm nghiên cứu, Aurel Bacs – chuyên gia đồng hồ tại sàn đấu giá Phillips và các cộng sự đã xác nhận tính đúng đắn về nguồn gốc của cổ vật, cũng như xác định được số serial và ngày bán ra của nó từ kho lưu trữ của Patek Philippe xưa kia.
Tuy nhiên giá sàn của chiếc đồng hồ của vua Phổ Nghi vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Thứ nhất bản thân mẫu đồng hồ này giờ đây cũng thuộc vào hàng hiếm có, nó ra mắt từ 1937 và là mẫu sở hữu chức năng lịch tuần trăng, lịch thường niên ở rìa mặt số chỉ báo qua một kim chức năng và cửa sổ biểu thị thứ – tháng tại hướng 12 giờ với công nghệ rất giới hạn vào thời điểm đó. “Patek Philippe Ref. 96” được xem như một trong những dấu mốc lịch sử về thành tựu cơ khí trong thập niên 1930, vì việc thu nhỏ các bộ phận để phù hợp các chức năng phức tạp trong đồng hồ là một điều cực kỳ phức tạp và tinh vi, đòi hỏi tay nghề điêu luyện mà chỉ những nghệ nhân lành nghề nhất mới có thể thực hiện. Thứ hai và trên hết… nó còn là chiếc đồng hồ được chính tay Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của đế chế Trung Hoa tuyển lựa, cũng như đồng hành với ông qua những tháng ngày gian khó.
Nhiều chuyên gia quả thực không tượng được giá trị của chiếc đồng hồ này sau khi kết thúc phiên đấu giá vào năm nay, trong đó có cả Bacs (người đã có quá nhiều kinh nghiệm thẩm định đồng hồ cổ): “Ref. 96 là một trong những chiếc Patek Philippe đắt đỏ nhất được sản xuất trong cùng thời. Chiếc đồng hồ này được trang bị bộ vỏ bạch kim và bộ máy do Victorin Piguet sản xuất, nhưng tới 1937 công nghệ này mới được hoàn thiện. Về ghi chép thì chỉ có 8 chiếc Ref. 96 được xuất xưởng trên toàn bộ thế giới, và chỉ có 3 xuất hiện cùng mặt số bằng bạc và cọc số tráng men như chiếc này.”
Cuộc đời Hoàng đế Phổ Nghi
Phổ Nghi sinh năm 1905 và số phận đưa ông trở thành Hoàng đế nhà Thanh khi mới ba tuổi.
Song ông chỉ tại vị đến 1912, khi Dân Quốc thành lập thì Phổ Nghi bị buộc thoái vị nhưng theo Điều kiện ưu tiên mà hoàng thất nhà Thanh ký với chính phủ bấy giờ. Trong đó điều lệ quan trọng là cho phép ông không phải bỏ đế hiệu và tiếp tục được sống trong Tử Cấm Thành, cũng như chính phủ phải cung cấp chi phí nhất định để Hoàng đế được sinh hoạt theo nếp cũ.
Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng bị đuổi khỏi cung điện của tổ tiên mình và tự ông chọn việc lưu vong sang Nhật Bản, và kế đó ông trở thành Hoàng đế mang tính biểu tượng cho Mãn Châu quốc.
Tiếc thay đến 1945, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ.
Năm 1950, Phổ Nghi được Liên Xô trao cho Trung Quốc và được đặc xá vào tháng 12/1959. Ông qua đời tại Bắc Kinh năm 1967.
Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist, theo Phillips