Những ngày gần đây, Địa đạo đang trở thành hiện tượng có một không hai tại thị trường nội địa, khi lần đầu tiên có một tác phẩm chiến tranh tiến sát cột mốc trăm tỷ doanh thu. Trước đó, những bộ phim mang đề tài tương tự dù có chất lượng tương đối tốt, giành nhiều giải thưởng, song lại không nhận được sự quan tâm của khán giả, chịu cảnh ế ẩm tại phòng vé.
Thực chất, việc Địa đạo được đón nhận là điều nằm trong dự đoán, bởi tác phẩm đã thu hút nhiều sự chú ý ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Tuy nhiên, doanh thu hơn 90 tỷ đồng chỉ trong 6 ngày vẫn là con số gây bất ngờ lớn, vượt xa mọi kỳ vọng ban đầu. Điều này càng trở nên đặc biệt trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng phân cực rõ ràng giữa những tác phẩm dễ tiếp cận như gia đình, kinh dị, hài và những thể loại khác.
"Địa đạo" bội thu
Không quá khi xếp Địa đạo vào hàng "bom tấn" của điện ảnh Việt năm 2025. Với mức kinh phí lên đến 55 tỷ đồng, đây rõ ràng là một trong những dự án điện ảnh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Tính đến tối ngày 9/4, tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên đã dắt túi hơn 90 tỷ đồng sau gần 6 ngày chiếu chính thức (và 2 buổi tối chiếu sớm). Với trung bình khoảng 28,6 vé mỗi suất chiếu, tỉ lệ lấp rạp của Địa đạo có thể xem là tương đối ấn tượng, đặc biệt là với một đề tài kén khán giả như phim lịch sử.
Do mức đầu tư lớn, Địa đạo cần chạm tay vào cột mốc trăm tỷ để nhà sản xuất có thể thu hồi vốn. Song với tốc độ kiếm tiền hiện tại, giới quan sát nhận định tác phẩm khả năng cao sẽ vượt mốc 200 tỷ, lọt vào top những phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời. Mục tiêu này càng trở nên khả thi trong bối cảnh phim không phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh và hiệu ứng mà tác phẩm tạo ra trên các nền tảng mạng xã hội vẫn đang lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thành công của Địa đạo có thể xem là hiện tượng hiếm có trong lịch sử dòng phim chiến tranh Việt Nam. Trước đó, bài toán phòng vé luôn là “cơn đau đầu” không chỉ với các đạo diễn tâm huyết với đề tài này, mà cả những nhà sản xuất lẫn giới quan sát cũng không khỏi trăn trở khi nhiều tác phẩm có chất lượng liên tiếp “chết yểu” tại rạp.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối thu hơn 90 tỷ đầu sau 6 ngày.
Một trong những dự án để lại tiếc nuối lớn nhất chính là Mùi cỏ cháy (2012). Bộ phim của NSƯT Nguyễn Hữu Mười nhận nhiều giải thưởng quan trọng trong nước, thậm chí còn đại diện Việt Nam tham dự Oscar 2013. Song khi thử sức tại phòng vé, tác phẩm lại chịu cảnh ế ẩm với số suất chiếu nhỏ giọt và lượng người xem ít ỏi.
Tương tự, Sống cùng lịch sử (2014) vào thời điểm ra mắt cũng nhận được nhiều sự chú ý khi có mức đầu tư lên tới 21 tỷ đồng, con số kỷ lục bấy giờ. Tác phẩm ban đầu được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử, song cuối cùng lại nhanh chóng rời rạp sau vài ngày vì không bán được vé.
Gần hơn, ngoại trừ hiện tượng Đào, phở và piano (2024), hàng loạt phim nhà nước về đề tài lịch sử đều có doanh thu thấp, không nhận được sự ủng hộ của khán giả. Hồng Hà nữ sĩ (2024) chỉ thu về vỏn vẹn 191 triệu đồng sau thời gian ngắn ra rạp. Truyền thuyết về Quán Tiên (2020) – tác phẩm từng đoạt giải tại Liên hoan phim Việt Nam – cũng chỉ đạt doanh thu 877 triệu đồng. Trong khi đó, Bình minh đỏ (2022) không công bố doanh thu, nhưng theo ghi nhận từ thị trường, lượng người xem rất thấp.
Không chỉ phim do nhà nước đầu tư, ở địa hạt tư nhân, không ít nhà làm phim khi lựa chọn đề tài lịch sử cũng phải đối diện với thất bại. Ra mắt 2007, Dòng máu anh hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn được đầu tư 1,5 triệu USD. Song khi ra rạp, phim chỉ thu 10 tỷ đồng, bằng một nửa kinh phí sản xuất.
Đồng cảnh ngộ, Thiên mệnh anh hùng (2012) của Victor Vũ, lấy cảm hứng từ thảm án Lệ Chi Viên gắn với gia tộc Nguyễn Trãi, ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán nhưng cũng không thể thu hồi vốn. Nhà sản xuất sau đó xác nhận bộ phim thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng.
Hầu hết phim lịch sử do nhà nước sản xuất đều có doanh thu ảm đạm.
"Địa đạo" mở ra chương mới cho phim lịch sử?
Bên cạnh Địa đạo, một phim lịch sử/chiến tranh khác cũng từng tạo nên cơn sốt phòng vé là Đào, phở và piano. Dù chỉ phát hành giới hạn tại một số cụm rạp, phim vẫn thu về hơn 16 tỷ đồng, tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Bàn về thành công thương mại của hai tác phẩm trên, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng chính hiệu ứng lan tỏa trên truyền thông là yếu tố then chốt giúp Đào, phở và piano và Địa đạo tạo dấu ấn tại phòng vé – điều mà nhiều tác phẩm cùng đề tài trước đó chưa làm được.
"Sau thành công của hai dự án trên, các nhà làm phim buộc phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của việc đầu tư ngân sách hợp lý cho khâu truyền thông, tiếp thị và phát hành", ông nói.
Theo nhà sản xuất, phim lịch sử/chiến tranh là cuộc chơi khó nhằn, vì cần ngân sách rất lớn mới có thể làm được. Đó là lý do các năm gần đây, các hãng phim thương mại phía Nam đều tránh chủ đề này, chỉ còn lại các tác phẩm do nhà nước đặt hàng. Chất lượng những bộ phim này cũng khá tốt, nhưng lại thiếu cơ chế phát hành và không có đủ ngân sách để làm truyền thông tiếp thị.
"Hiện nay chúng ta có hơn 200 cụm rạp toàn quốc, chỉ riêng ngân sách tiếp thị và phát hành tối thiểu phải hơn 4 tỷ đồng. Đây là điều mà các phim ngân sách nhà nước khó có được", NSX lấy ví dụ.
Về trường hợp của Địa đạo, Nguyễn Cao Tùng nhận định ê-kíp đã triển khai một chiến lược truyền thông bài bản, nhắm đúng tệp khán giả trẻ, định hướng nội dung thảo luận trên mạng xã hội và kiểm soát tốt các ý kiến trái chiều về phim. Ngoài ra, tác phẩm còn tạo hiệu ứng lan tỏa khi chú trọng truyền thông trải nghiệm đến giới chuyên môn như đạo diễn, nhà sản xuất, phê bình phim và báo chí – những người có ảnh hưởng trong cộng đồng yêu điện ảnh.
Bên cạnh chiến lược truyền thông hiệu quả, Nguyễn Cao Tùng còn nhấn mạnh chất lượng cũng là yếu tố quan trọng giúp Địa đạo ghi điểm. Theo ông, một bộ phim được làm tử tế, chỉn chu và thể hiện rõ tâm huyết, sự tôn trọng khán giả như Địa đạo sẽ khiến người xem khó có thể mạnh miệng chê bai.
Tác phẩm nhận được sự đón nhận của khán giả lẫn giới chuyên môn.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Hồ Khánh Vân (Trường ĐH KHXH Nhân Văn - ĐHQG TP. HCM) - chuyên gia trong lĩnh vực lý luận và phê bình điện ảnh, chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng không chỉ về mặt truyền thông và phát hành, chất lượng của Địa đạo cũng tương đối khác biệt so với những tác phẩm lịch sử trước đây. Thậm chí từ bộ phim của Bùi Thạc Chuyên, khán giả hoàn toàn có thể hy vọng, trông chờ vào sức bật mạnh mẽ của dòng phim này.
"Những bộ phim chiến tranh gần đây dù được đánh giá là có chất lượng, nhưng chưa thu hút được giới trẻ là vì phim làm theo lối mòn, phần lớn lặp đi lặp lại cách nhìn về chiến tranh, cách biểu đạt bằng ngôn ngữ điện ảnh quen thuộc. Với Địa đạo, cách khám phá và tái hiện lịch sử mới mẻ, vừa có tính khách quan của dạng thức phỏng theo phong cách tài liệu, vừa có sự hấp dẫn của thể loại hư cấu, đã thúc đẩy dòng phim về đề tài chiến tranh ở Việt Nam sang một lối rẽ mới, hợp với xu hướng thời đại", bà kết luận.