Vnluxury

Doanh nhân thay đổi phong cách: Hãy bắt đầu từ… “đôi giày”

Khi doanh nhân thay đổi về quan điểm thời trang, bắt đầu từ… “đôi giày”, thì cũng là lúc thời trang không chỉ còn là “vật để trưng diện” nữa, mà nó còn là phong cách của người “thay đổi thế giới”.

Chuyện Tổng giám đốc Google Sundar Pichai giới thiệu khả năng mới nhất của “trợ lý ảo” – có thể tự gọi điện thoại trao đổi với các đối tác như người thật để sắp xếp lịch hẹn đã làm bùng nổ cả thế giới công nghệ. Thế nhưng có một thứ cũng được quan tâm không kém “trợ lý ảo”, đó chính là đôi giày mà Pichai mang. Khi doanh nhân thay đổi về quan điểm thời trang, bắt đầu từ … “đôi giày”, thì cũng là lúc thời trang không chỉ còn là “vật để trưng diện” nữa, mà nó còn là phong cách của người “thay đổi thế giới”.

Phong cách người đứng đầu

Chuyện về đôi giày đối với nhiều người Việt Nam có lẽ còn xa lạ. Bởi cái mà người Việt ta quan tâm từ trước tới nay vẫn là “cái răng, cái tóc, là góc con người” hay bộ quần áo nói lên tính cách người mặc. Nhưng khi gia nhập giới chính trị gia hoặc học ngành kinh doanh, quy tắc chuẩn mực ứng xử và phong cách đối thoại qua ngôn ngữ cơ thể được đặc biệt chú trọng, những người mới vào nghề sẽ được “chỉ bảo” rất kỹ. Ăn mặc lúc này không chỉ là làm đẹp cho mình mà phải cân đo đong đếm cho đúng vai trò, không gian, thời gian… Ông Phạm Phú Ngọc Trai – cựu chủ tịch của PepsiCo Đông Nam Á kể lại chuyện gặp gỡ ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng Singapore trong một lần sang thăm công ty ông. Theo tâm lý chung khi gặp nguyên thủ quốc gia, ai cũng cố gắng mặc bộ trang phục chỉnh tề nhất có thể. Và khi ông Lý Quang Diệu đến với áo sơ mi, đeo cà vạt và xắn tay áo thì cựu chủ tịch của PepsiCo Đông Nam Á cũng nhanh ý cởi áo vest và xắn tay áo sơ mi của mình cho phù hợp. Tại sao vậy?

Đó là nguyên tắc quan trọng trong giao tiếp với người lãnh đạo, người đứng đầu hay to lớn hơn là nguyên thủ quốc gia: “Người có vai trò to nhất phải là người mặc đồ trang trọng nhất” và nguyên tắc thứ hai là “nguyên tắc phù hợp với vai trò”, ông Lý Quang Diệu là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu cả một đất nước ăn vận như vậy, trong khi ông Ngọc Trai so về thứ bậc thì kém hơn, nên sự tinh ý của ông là một nước cờ thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát và biết sử dụng phong cách một cách chính xác, phần nào ông Ngọc Trai đã lấy được thiện cảm từ người đứng đầu Singapore.

Đó là câu chuyện về phong cách ăn mặc. Tại Mỹ, phong cách con người lại được đặc biệt chú trọng vào đôi giày, ngoài trang phục. Theo văn hóa của đất nước này, đôi giày nói lên nhiều điều: sự tỉ mỉ, óc tinh tế, mức độ sạch sẽ, khả năng thẩm mỹ và quan trọng nhất chính là “đẳng cấp” của đôi giày. Dưới góc nhìn từ cuộc sống, đôi giày là nơi nâng đỡ toàn bộ cơ thể, giày tốt mới đưa chúng ta đến những nơi tốt, giày tốt mới có khả năng bám trụ với ta trong suốt giai đoạn khó khăn của đường trường. Vì vậy, đôi giày có ý nghĩa định hình phong cách doanh nhân, đẳng cấp của người lãnh đạo là như thế.

Xưa, đôi giày phong cách Oxfort – bằng da, đế cứng, dây buộc sát vào nhau là lựa chọn hàng đầu để thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc và thể hiện sự tôn trọng đối tác. Hiện nay, nó vẫn là dòng sản phẩm ưa chuộng của giới cầm quyền, chính trị gia, “dân tài chính-kinh doanh” vì sự sang trọng nó mang lại. Chúng ta quen với hình ảnh bộ âu phục comple màu đen, kết hợp cà vạt, sơ mi trắng, giày đen cùng với mái tóc vuốt keo gọn gàng … là hình ảnh nhận diện của doanh nhân thành đạt, của các vị lãnh đạo uy quyền.

BN-LF084_Sneake_8S_20151111125210.jpg Một hình ảnh tái hiện lại những thói quen khi xưa của các quý ông với xu hướng hiện đại ngày nay.
(Ảnh: Internet)

Phong cách doanh nhân hiện đại

Sự vươn lên mạnh mẽ của các ông trùm công nghệ của các công ty khỏi nghiệp trong thời kỳ 4.0 đã bùng lên một phong cách hoàn toàn mới, phá vỡ khuôn phép về trang phục của giới kinh doanh cũ: thư giãn, thoải mái với những đôi giày thể thao (sneaker), đi cùng với quần Jeans, áo phông không cổ và những cái áo khoác có mũ trùm đầu.

Câu chuyện thời trang giờ lại lẽ sang một ngã khác cũng giống như cái cách làm ăn của giới tỷ phú ngày nay vậy, nó đã biến chuyển theo hướng khác hoàn toàn cách làm của giới doanh nhân xưa. Máy móc hiện đại, thông minh đã mở cửa cho các tỷ phú tạo ra những phi vụ lợi nhuận khổng lồ mà chỉ trong thời gian ngắn, một doanh nhân bình thường bước chân vào thế giới triệu đô.

Quảng cáo

Thế nhưng những người đã gây dựng nên các đế chế như Google, Facebook hay Tesla có phải là những người không biết nguyên tắc ăn mặc của doanh nhân hay không chịu đầu tư cho trợ lý hình ảnh, ngoại hình. Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ như vậy. Nhóm chuyên gia Flight Club – trang web chuyên kinh doanh các thương hiệu Sneaker khác nhau, chỉ ra rằng, cách chọn lựa thương hiệu, kiểu dáng và màu sắc phức tạp của Sneaker giúp định vị hình ảnh cá nhân của những người ở Silicon Valley không khác gì những cái đồng hồ đao tay siêu đắt tiền của dân tài chính phố Wall ở New York hay những túi xách hàng hiệu chục ngàn đô la Mỹ của những nhà sản xuất số 1 thế giới.

Sức lan tỏa thương hiệu từ doanh nhân nổi tiếng

mark-zuckerberg-new-year-365-running.jpg Mark Zuckerberg và đôi giày Nike có giá $150
(Ảnh: Internet)

Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, giữ khoảng cách rất gần với người hâm mộ bằng một đôi giày Nike dòng Wolf Grey có giá khoảng 150 USD. Tuy cái giá này tương đối “mềm” so với một đôi giày của tỷ phú thế giới, nhưng chỉ vì Mark đã chọn, nên số lượng sản xuất ra đã được bán sạch sẽ, hiện chỉ còn vài đôi đang rao bán đấu giá trên ebay mà thôi.

Khi mà Satya Nadella, tân tổng giám đốc của Microsoft xuất hiện trước công chúng, bất kỳ một tín đồ thời trang nào cũng hiểu rằng ông là một người “biết cách ăn mặc”. Bởi vậy, khi gia nhập “câu lạc bộ giày thể thao của giới thượng lưu”, ông vẫn chọn một đôi sneaker của thương hiệu có tiếng Lanvin, đó là đôi giày da mềm Lanvin Suede & Patent với giá gần 500 USD. Và đôi giày này nhanh chóng làm mưa làm gió với gốc gác của một nhà thiết kế lừng danh tại Pháp.

170519-ceos-sneakers-satya-nadella.jpg Satya Nadella đi đôi giày Lanvin yêu thích
(Ảnh: Internet)

Và Nadella không phải là người nổi tiếng duy nhất trong giới công nghệ chọn thương hiệu Lanvin này. Hai nhân vật hàng đầu của Google là nhà sáng lập Larry Page cũng chọn một đôi, rẻ hơn chút, khoảng 300 USD và tổng giám đốc Pichai thì chọn đôi Lanvin Men;s Cap toe với giá 495 USD.

Dorsey, CEO của trang mạng Twitter thì hay được xem là người “đỏm dáng” ở Silicon Valley. Anh chọn nhà thiết kế thời trang Rick Owens là người thể hiện được nhiều nhất cá tính của mình. Đôi giày của nhà thiết kế đoạt nhiều giải thưởng quốc tế này từng có giá lên đến 969 USD, nhưng sau đó để mở rộng thị trường theo đúng kiểu Mỹ thì đã giảm xuống còn 484 USD.

Wojcicki, tổng giám đốc YouTube, thì không mấy kén chọn. Anh theo đuổi dòng giày chạy bộ của thương hiệu New Balance – một cái tên khá “bình dân” với mức giá được các chuyên gia “gọi tên ngay” là 81 USD, tất nhiên là đã sau giảm giá, trước đó nó khoảng hơn 100 USD một chút.

Một chuyện thú vị khác ít người quan tâm, là CEO của Apple, Tim Cook, lại là thành viên hội đồng quản trị độc lập của Nike. Có lẽ vì thế, ông có thể tha hồ mang bất kỳ sản phẩm mới nhất hoặc độc đáo nhất mà hãng giày này tạo ra. Thế nhưng hầu hết các lần xuất hiện, Cook đều chọn những dòng sản phẩm đâu đó 100 USD là tối đa.

Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến “người sắt” Elon Musk. Đôi giày mà ông thường mang, hơi khó để xác định nguồn gốc một chút, nhưng các chuyên gia giày của Flight Club đoán rằng đây là dòng Nike “mặt trăng” - được sáng tác bởi cảm hứng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Đôi giày này từng có giá khoảng 500 USD, nhưng hiện đã biến mất khỏi thị trường và người ta phải trả khoảng 700 - 800 USD trên ebay nếu muốn sở hữu nó…

Quên đi những khái niệm cổ hủ cho rằng chú tâm ăn mặc là “làm đỏm” hoặc “cầu kỳ quá”. Ngày nay, khi thương hiệu cá nhân ngày càng thức tỉnh và trở thành một loại năng lực cạnh tranh thì việc doanh thủ yêu cầu khắt khe cho ngoại hình trước khi xuất hiện trước công chúng là một việc làm vô cùng cần thiết. Đừng mải mê so sánh nước ta với nước ngoài mà hay tìm cách để vận dụng, tham khảo và làm tỏa sáng thương hiệu doanh nhân Việt trên trường quốc tế, bắt đầu bằng việc thể hiện vị trí của mình để được nhắc đến như những cá nhân có phong cách nổi bật: cả về thời trang lẫn quản trị, đó là cách doanh nhân Việt Nam khẳng định và vươn tầm ra xa.

Tư liệu từ Khoahocphattrien.vn

Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm