Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến với vùng đất biên giới Tây Ninh nắng gió và hoang hoải. Trong những hành trình nhỏ lẻ, chúng tôi đã từng đi chùa Bà trên núi Bà Đen, ghé thăm rừng cao su mướt mát dọc đường, từng xuyên rừng Lò Gò – Xa Mát, tham quan hồ Dầu Tiếng, Tòa thánh Tây Ninh,… Trong chuyến đi ngắn lần này, chúng tôi chọn những địa danh cả hai cùng chưa từng ghé qua để làm chốn dừng chân, tham quan dọc đường.
Tây Ninh chỉ cách TP.HCM khoảng 90km. Khoảng 6h thì chúng tôi hẹn nhau xuất phát, theo đường Cộng Hòa, rồi quốc lộ 22, chúng tôi thẳng tiến về hướng thành phố Tây Ninh. Vì cả hai cùng ăn chay trường, khi tới địa phận Hóc Môn, chúng tôi đã ghé vào một quán chay bình dân gặp trên đường và giải quyết nhanh gọn chiếc bụng đói.
Nguồn: InternetHôm đó là một buổi sáng tươi đẹp với những cụm mây trắng giăng đầy trên bầu trời. Trời không nắng nóng lắm nên hành trình khá suôn sẻ, rất nhanh, chúng tôi đã đến được thành phố Tây Ninh mà không quá mất sức vì chạy xe máy.
Nguồn: InternetKhi đã đến Tây Ninh, chúng tôi ghé quầy hàng dọc đường mua một ít bánh tráng – đặc sản Tây Ninh, cả một ít nhãn tiêu vì đang vào mùa nhãn. Ngoài nhãn, đất Tây Ninh còn nổi tiếng với mãng cầu rất ngon.
Nguồn: InternetTheo bản đồ của Google, chúng tôi tiếp tục chạy xe về hướng núi Bà Đen, nhưng không phải lên núi Bà, mà vòng ra con đường phía sau chân núi.
Nguồn: InternetĐến đây, chúng tôi cùng ồ lên hứng khởi vì được nhìn thấy vài cây thốt nốt dọc đường, loài cây tưởng như chỉ ở An Giang – thủ phủ thốt nốt của Việt Nam mới có.
Nguồn: InternetTôi phải chạy xe thật cẩn thận dọc con đường ruộng nhỏ và sình lầy để đến được điểm dừng chân đầu tiên…
Nguồn: Internet… Đó chính là thốt nốt Tình Yêu Kvan. Đây là một điểm “check-in” khá mới mẻ ở Tây Ninh, gồm hai cây thốt nốt cong cong đứng bên nhau không rời. Ở đây có một căn chòi nhỏ nơi dân địa phương dựng lên làm điểm gửi xe, bán quán nước, nơi nghỉ chân của những vị khách có nhu cầu chụp ảnh cùng thốt nốt Tình Yêu.
Nguồn: InternetMột điều đáng tiếc là điểm “check-in” này gần đây đã bị mưa gió quật ngã, bật gốc một cây thốt nốt. Tuy sau đó được người dân dựng lại, nhưng không chắc là sau khi phục hồi, cảnh quan còn giữ được như lúc ban đầu.
Từ thốt nốt Tình Yêu, chúng tôi men theo con đường ruộng đi bộ tới một cái cây chơ vơ giữa cánh đồng gần đó. Chúng tôi tạm gọi đây là điểm “check-in” cây cô đơn của Tây Ninh.
Nguồn: InternetSau khi chụp ảnh chán chê với cánh đồng, cây cối, thốt nốt Tình Yêu, và dừng uống nước, đung đưa võng nghỉ ngơi bên chiếc chòi nghỉ, chúng tôi quay trở ngược về hướng thành phố Tây Ninh.
Nguồn: InternetQuá trưa, chúng tôi tấp vào một quán bánh canh chay ở gần Tòa thánh Tây Ninh để làm đầy chiếc dạ dày trống rỗng. Quán ăn ở đây phục vụ kèm muối ớt, thiệt thú vị!
Nguồn: InternetTiếp tục hành trình, chúng tôi rẽ về hướng huyện Hòa Thành để tham quan chùa Thiền Lâm (với tên dân dã là chùa Gò Kén) nằm ở địa phận ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, cách thành phố Tây Ninh chừng 6km. Từ con đường quê vắng vẻ đã có thể thấy tượng Phật Quan Âm lộ thiên của chùa hiện ra sau cánh đồng xanh mơ màng.
Nguồn: InternetChùa Thiền Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tây Ninh, được khởi xây vào đầu thế kỷ XIX (khoảng năm 1904) với vật liệu ban đầu bằng tre lá giản dị. Trong ảnh là cổng chào cổ kính và rêu phong của chùa.
Nguồn: InternetVề cái tên Gò Kén, sở dĩ ban đầu chùa nằm ở vị trí trên một gò đất cao mọc đầy dây kén, chính vì vậy mà dân gian đã quen gọi chùa bằng cái tên là chùa Gò Kén.
Nguồn: InternetMột điều đặc biệt ở chùa Gò Kén nữa, rằng tuy đây là ngôi chùa Phật giáo, nhưng vào năm 1926, nhà chùa đã cho hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc mượn không gian chùa một thời gian để làm nơi khai đạo Cao Đài, bởi trong thời gian đó Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh vẫn chưa được xây dựng.
Nguồn: InternetTrời cũng đã về chiều, chúng tôi tạm biệt chùa Gò Kén, tạm biệt xứ Tây Ninh nắng gió và hoang sơ để trở về lại TP.HCM. Hẹn một ngày thật gần, khi dịch bệnh đã được kiểm soát để được quay trở lại đây, cùng khám phá thêm nhiều địa danh hấp dẫn và thú vị của mảnh đất vùng biên xinh đẹp này.