Du lịch kết hợp với ẩm thực là sự trải nghiệm sống động, thực tế của du khách. Khi thưởng thức những đặc sản của vùng miền, quốc gia nào đó, sẽ hiểu rõ hơn về nếp sống, tập tục, về nét văn hóa đặc trưng của nơi ấy. Sự hấp dẫn, mới lạ và ngon miệng ở mỗi điểm đến du lịch, sẽ là động lực để du khách không chỉ trở lại một lần mà còn giới thiệu cho nhiều người khác tìm đến.
Cầu Rồng - Điểm nhấn đặc biệt trong du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Dương Hùng
Ẩm thực của mỗi quốc gia, vùng miền đều là những nét văn hóa riêng biệt, đặc trưng của mỗi quốc gia và vùng miền đó. Riêng ẩm thực Việt Nam của chúng ta, nó mang những nét văn hóa riêng biệt và rất đa dạng, phong phú ở ba miền Bắc, Trung và Nam. Để tìm hiểu văn hóa của bất kỳ vùng miền nào của đất nước, chúng ta không thể quên được văn hóa ẩm thực. Qua ẩm thực, người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống...
Mỗi vùng miền, địa phương nước ta đều có có những đặc sản về ẩm thực đã trở thành “thương hiệu” của mình, chẳng hạn Đà Nẵng và Quảng Nam thì có mì Quảng, Hội An là Cao lầu, Hà Nội là phở, Huế là bún bò, Nam bộ thì Hủ tiếu, lẩu mắm v.v… Chi tiết hơn nữa là những cái tên quán cụ thể ở mỗi địa phương gắn với những món ngon chẳng hạn như “ Bún bà A”, “Phở ông B”, “Hủ tiếu cô C” v.v và v.v…
Tâm lý của nhiều du khách khi đến du lịch ở địa phương nào đó đểu muốn tìm hiểu, thưởng thức “của ngon vật lạ” nơi địa phương mình đến. Chẳng hạn du khách từ các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là những tỉnh thành không tiếp giáp với biển, rất muốn đến Đà Nẵng, Hội An để thưởng thức “đồ biển” vừa tươi, vừa rẻ; du khách miền Trung vào TPHCM, miền Tây thích được thưởng thức món Hủ tiếu “chính gốc”…Người ta đi du lịch đến một nơi nào đó không phải tìm đến quán ăn mà ở đó có những món ăn mà ở địa phương họ đã được thưởng thức thường xuyên, và cũng như chưa chắc tìm đến những nhà hàng, quán ăn sang trọng. Tất nhiên, cũng chẳng mấy ai mang theo mì gói, thức ăn sẵn để đi du lịch tại những điểm đến đã trở thành “thương hiệu”, ngoại trừ đi du lịch theo kiểu “đi phượt” (trekking). Đơn cử như du khách các tỉnh phía Bắc, người ta vào Đà Nẵng rất ít người tìm đến đến quán phở Hà Nội để ăn mà họ muốn được thưởng thức mì Quảng hay bún chả cá…Người miền Nam cũng không phải đến Đà Nẵng để tìm quán hủ tiếu để thưởng thức mà là tìm quán mì Quảng ếch, Bánh tráng cuốn thịt heo v.v…
Mì Quảng. Ảnh: Linh Sea
Ngoài yêu tố về chất lượng (ngon, bổ) thì an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cũng là một vấn đề được nhiều du khách quan tâm. Đi du lịch được ăn ngon mà cái bụng cũng yên ổn, sức khỏe không bị ảnh hưởng thì còn gì vui bằng. Để thu hút khách du lịch thông qua ẩm thực, bên cạnh yếu tố chất lượng còn là cảnh quan, vệ sinh nơi thưởng thức cũng như thái độ phục vụ của các chủ quán ăn, nhà hàng. Như đã đề cập ở trên, đi du lịch kết hợp với tìm hiểu, trải nghiệm về “Văn hóa ẩm thực” của nơi mình đến cũng là sở thích của không ít du khách. Còn gì thú vị bằng khi vừa được khám phá, thực hành lại vừa được thưởng thức chính sản phẩm do mình làm ra. Đây cũng là một nội dung mà những ai làm du lịch cộng đồng cần quan tâm, nó cũng là thể hiện mối “lương duyên” giữa du lịch và “Văn hóa ẩm thực”.
Về yếu tố “quốc tế”, việc xuất hiện nhiều những quán ăn món Hàn, món Nhật, món Trung Hoa… để phục vụ khách của những quốc gia đó chưa hẳn là điều đáng mừng, vì điều đó chứng tỏ ẩm thực Việt chưa có sức hút với du khách đến từ các quốc gia đó. Cái thành công là những quán ăn Việt Nam thuần túy, có chú thích mà bảng hiệu có phụ đề tiếng nước ngoài thu hút được đông đảo khách của một quốc gia nào đó đến thưởng thức. Bên cạnh đó, nên quan tâm chọn ẩm thực là cơ hội để giao lưu giữa các vùng miền, quốc gia. Cách đây chưa lâu, Sở Du lịch Tp Đà Nẵng đã lần đầu tiên đứng ra tổ chức khá thành công “Lễ hội ẩm thực quốc tế Đà Nẵng 2019”, quy tụ được 13 đầu bếp của 13 quốc gia từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, Úc…Du khách gần xa đã có dịp được thưởng thức các món ăn của nhiều quốc gia và các vùng miền của nước ta. Đây cũng là cách làm du lịch lấy ẩm thực làm chủ đề và mang tầm quốc tế, tạo được sự mới lạ, hấp dẫn đối với du khách khi họ đến Đà Nẵng, rất cần duy trì thành một sự kiện mang tính thường niên, tạo thêm một sản phẩm du lịch độc đáo cho thành phố.
Bánh tráng thịt heo. Ảnh: TL
Khai thác giá trị ẩm thực để phát triển du lịch ở Đà Nẵng cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến nghệ thuật ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Du lịch Đà Nẵng. Để làm được điều đó, ngành du lịch cần tích cực quảng bá ẩm thực “xứ Quảng” thông qua các cuộc thi, liên hoan ẩm thực, đưa vào nội dung quảng bá tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố, ngành Du lịch thành phố cần đề ra những nhiệm vụ và phương hướng để nâng tầm văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc; tổ chức quy hoạch sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực, trong đó quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp thiết kế tour khai thác hiệu quả truyền thống nghệ thuật ẩm thực Xứ Quảng; động viên, khuyến khích các nhà hàng trên địa bàn đăng ký “Cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”…
Đà Nẵng - thành phố du lịch ao ước của bao người. Ảnh: Dương Hùng
Hi vọng trong thời gian tới, bên cạnh những thế mạnh vốn có về biển, rừng, danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng, Đà Nẵng sẽ có thêm một sảm phẩm du lịch mới qua “Con đường ẩm thực”, đủ sức hấp dẫn bạn bè, du khách gần xa mỗi lần ghé lại thành phố xinh đẹp và mến khách này./.
DIỆP DÂN HÙNG
Nguyên Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng
...