Vé vào cửa các điểm tham quan ở Ấn Độ thường có giá trung bình 250 rupi (120.000 đồng) cho người nước ngoài. Mặc dù Ấn Độ là quê hương của đạo Phật nhưng giờ chỉ thấy đền thờ Hồi giáo và Hindu, tìm đỏ mắt chẳng thấy một mái chùa. Người Ấn thì mua với giá… 10 rupi (4000 đồng), rẻ hơn 25 lần. Lang thang Dehli một ngày thì sẽ mất đứt cả triệu tiền vé.
Từ lúc đến Dehli, thấy nơi nào cũng có sóc nâu lưng sọc nhơn nhơn chạy trên các bãi cỏ, và quạ, và bồ câu béo múp đập cánh phành phạch trên nóc các pháo đài. Không hiểu sao pháo đài cổ thường cứ phải đi liền với quạ. Không hiểu sao lại thế, nhưng tôi đã liên tục bắt gặp hình ảnh ấy trong sách từ thuở nhỏ rồi.
Đây cũng là một mâu thuẫn nữa của Dehli. Người nghèo khổ, người vô gia cư, người đói gần chết thì nhiều, vậy mà giống vật hoang con nào con nấy béo núc. Bồ câu nhởn nhơ hàng đàn như ở trời Âu, nơi con người đủ đầy và giàu có nên không thèm thịt chim chóc làm gì. Người Ấn thì dù chết đói cũng không ăn bồ câu hay bò, lợn. Đến Pháo đài Đỏ hay Qutab Minar, hay lăng mộ Hymayun đều thấy động vật hoang trên xứ sở này sống chan hòa và yên bình biết bao, số phận có lẽ còn thanh thản hơn lắm kiếp người.
Nguồn: InternetPháo đài đỏ (Lal Qila)
Người đến New Dehli, bận mấy cũng cố chụp một tấm ảnh với Pháo đài đỏ (Lal Qila), coi như đánh dấu thêm một nước nữa trên bản đồ, như đến Mỹ là phải bắt Nữ thần Tự do đứng sau lưng mình ấy.
Pháo đài Đỏ, mà tác giả của nó là hoàng đế Shah Jahan - người đã cho xây dựng lăng mộ Taj Mahal, lúc nào cũng đỏ rực lên dù dưới nắng trời gay gắt hay những ngày đông ủ ê giá rét. Vật liệu xây dựng chính của hầu hết các công trình cổ trên lãnh thổ Ấn là sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng nên sắc trắng và đỏ là vô cùng quen mắt.
Nguồn: InternetPháo đài Đỏ hùng vĩ, tường thành chạy dài hai cây số rưỡi có hào nước bao quanh giờ mọc đầy cỏ sậy. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 17 thuộc triều đại Mughal (kéo dài từ thế kỷ 16-18) sau khi Shah Jahan rời đô từ Agra về Dehli, công trình vĩ đại này là nơi ở vô cùng xa xỉ của hoàng gia.
Nó là kết tinh của phong cách kiến trúc Mughal (hỗn hợp kiến trúc Ấn Độ, Hồi giáo, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Byzantine), nên cảm giác đứng trước những tòa nhà thời Mughal là rất lạ lùng. Âu chẳng ra Âu, Á chẳng ra Á, không kín đáo, âm u mà cũng chẳng hề tự do, phóng khoáng.
Tuy nhiên, nơi mà tôi nhớ nhiều nhất về Dehli lại không phải Pháo đài Đỏ mà là Jama Masjid (có nghĩa là Nhà thờ Lớn) - thánh đường Hồi giáo lớn nhất Ấn Độ. Jama Masjid nằm ngay đối diện Pháo đài Đỏ, phía bên kia đường. Chúng tôi chỉ việc đi bộ một quãng là đến nơi.
Kiệt tác lừng danh của hoàng đế Shah Jahan giờ nằm sau một khu chợ trời vô cùng nhộn nhạo và bẩn thỉu. Ngoài đường cái, Pháo đài Đỏ đẹp đẽ bao nhiêu với hàng rào sắt bao quanh những hecta cỏ xanh mướt thì trong con ngõ hẹp gồ ghề đường đất này, những đống rác lưu cữu ngày nọ qua tháng kia dưới mặt trời hầm hập.
Những sạp hàng bán quần áo, đồ điện tử rẻ tiền bày ngổn ngang, cả những miếng xoài, dứa tẩm ướp được bày bán dưới nắng nóng đến phát ươn người đang thu hút hàng đống ruồi nhặng hứa hẹn một căn bệnh cần được điều trị bằng Berberin. Một bài nhạc Ấn với những giai điệu vui nhộn phát ra ầm ĩ từ chiếc loa rè và một gã chập cheng đang nhảy múa giữa chợ. Thánh đường nằm cao ngất trên những bậc thang dốc đứng, nhưng xếp kín người hành khất đang dập đầu van xin khách vài đồng rupi.
Nguồn: InternetTôi phải đi chân trần vào bên trong. Luôn phải thế khi vào đền thờ ở Ấn Độ. Điều này nhằm bày tỏ lòng thành kính với thánh Alah chứ không phải nhằm giữ cho đền được sạch sẽ theo nghĩa đen, bởi dường như những người coi đền chưa bao giờ có ý định quét sàn nền. Màu bàn chân của bạn lúc bước ra khỏi cửa đền sẽ chứng minh cho điều đó.
Mặt trời tháng sáu giúp bạn có thể tráng trứng ngay trên sàn gạch nên người ta trải những tấm vải bố ở một số quãng cho đỡ nóng chân, chỉ là đỡ thôi chứ thiếu đường khách nhảy tưng tưng vì chịu bỏng. Nghe nói ở đây có tòa tháp nhìn được toàn cảnh Dehli nên tôi bất chấp cái nóng mà leo lên tầng hai, mua thêm một vé 30 rupi nữa (ngoài vé 300 rupi mua từ cửa vào) mới được leo lên đỉnh tháp.
Cậu trực tháp đang dán mắt vào bài báo về trận lũ quét làm 5.000 người thiệt mạng ở bang Uttarakhand hôm 24/6 (cách đó hai ngày), vội dừng đọc để thu tiền và tỏ ra hào phóng: Người khác thì chỉ được lên 15 phút thôi nhưng các anh chị thì cứ thoải mái. Rút cục tôi chẳng hiểu cậu ta nói gì, đã mua vé rồi thích xem đến bao giờ thì xem chứ.
Những bậc thang trong tháp dốc đứng và chỉ rộng có 50 phân, xoáy tròn trôn ốc theo một trục đá. Tôi cũng cắm đầu cắm cổ mà xoáy tròn theo. Được dăm chục bậc thì mệt lả. Bên trong tháp bật đèn đỏ quạch. Bậc thang hẹp với cấu trúc “bám trụ” kiểu này khiến người leo vừa hoa mày chóng mặt vừa không thể nhìn thấy gì ngoài cái trụ tròn bên cạnh. Mỗi khi có người leo xuống, tôi phải ép rệp vào tường để nhường đường cho họ, càng cảm thấy ngạt thở và mơ hồ khi ngẩng lên chỉ thấy chừng ba bậc đá xoáy, nhìn xuống cũng vậy, biết lúc nào mới lên được tới trên.
Và rồi hành trình lên trời mà như xuống địa ngục này cũng kết thúc. Tôi nghe thấy tiếng người nói lao xao, cảm được chút gió trời mát mẻ và ánh sáng ở… cuối đường hầm. Trên đỉnh, là một viền tròn bằng đá với đường kính chưa đầy một mét và cái lỗ sâu hoắm chính là cầu thang mà tôi vừa chật vật bò lên.
Chỗ ngoạn cảnh này chỉ dành cho hơn chục người chen chúc đứng bám rào để ngắm thành phố, lúc nào cũng lo ngay ngáy sẽ ngã lộn cổ xuống dưới thang xoắn. Hèn chi người trực tháp bảo Người khác thì chỉ được lên 15 phút thôi nhưng các anh chị thì cứ thoải mái. Khách muốn tham quan tháp phải luân phiên, vì không có chỗ đâu mà đứng (giống như tháp Galata ở Istanbul).
Nhưng trên đỉnh cao nhất của Jama Masjid, gió ngọt ngào mát lịm khiến người ta có thể tạm quên cái không gian hỗn độn của khu chợ tạp bên dưới kia, cả chỗ bon chen từng xentimet mà ta đang đứng...