Vnluxury

Hai thế kỷ phát triển kỹ nghệ chế tác Đồng hồ cao cấp - đồng hồ điểm chuông


Được sáng chế vào cuối thế kỷ 17, những chiếc đồng hồ điểm chuông sở hữu kết cấu cơ học tinh vi khiến ta có thể ví von chúng như những nhạc cụ đầy đặc biệt. Năm 1740, là điểm mốc khi người sáng lập công ty Maison chính là Jean-Marc Vacheron tự mình chế tác ra chiếc đồng hồ báo thức đầu tiên của ông cho kỳ kiểm tra tốt nghiệp. Cho đến 1806 khi mẫu thiết kế đồng hồ điểm đầu tiên được ghi nhận cũng chính là do Vacheron Constatin tạo ra, mẫu đồng hồ lúc này là loại đồng hồ bỏ túi bằng vàng với bộ lặp theo khắc. Từ ấy suốt hơn hai thế kỷ rưỡi, công ty Maison đã luôn nổi danh với những chiếc đồng hồ chỉ báo âm thanh đi cùng bộ máy cơ học siêu mỏng và tinh tế.





Nguồn gốc của đồng hồ điểm chuông

Trong thế giới của nghệ thuật chế tác đồng hồ, những tạo tác điểm chuông thường được nhìn nhận như những kiệt tác kết hợp giữa khoa học cơ khí với chất lượng âm học của nhạc cụ để cô đọng thời gian thành âm thanh, hay hơn nữa là giai điệu. Quay ngược thời gian lại những ngày mà điện còn là một điều gì đó xa lạ, những chiếc đồng hồ điểm chuông đã xuất hiện với một lý do thực tế: nắm bắt thời gian trong bóng tối. Trong số những chiếc đồng hồ điểm chuông lâu đời nhất, chiếc đầu tiên sở hữu một bộ lặp khắc, xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ 17. Tiếng chuông đầu tiên này vang lên nhờ phát minh năm 1675 về lò xo cân bằng, giúp đảm bảo độ chính xác cao hơn, cũng như sự ra đời của kim phút. Đồng hồ không còn chỉ giờ, mà còn chỉ phút – hoặc ít nhất là chỉ khắc. Do đó, các nhà sản xuất có thể nghĩ đến việc sử dụng chúng trong bóng tối, một thử thách mà Vacheron Constantin đã chinh phục vào năm 1819 với một chiếc chiếc đồng hồ với bộ lặp khắc cũng như cơ chế kim giây giật độc lập.


Đồng hồ đầu tiên với Grande và Petite Sonnerie (Ref. Inv. 10715) - 1827

Mặc dù những chiếc đồng hồ với bộ lặp phút đầu tiên đã ra đời ở Đức vào khoảng năm 1710, nhưng chúng chỉ được hoàn thiện vào cuối thế kỷ đó với sự thay thế những chiếc chuông không quả lắc bằng cồng lò xo. Việc sử dụng những lưỡi xoắn này, vẫn được sử dụng trong đồng hồ điểm chuông ngày nay, giúp giảm đáng kể độ dày của vỏ, cũng như thu được âm thanh rõ ràng hơn. Kỹ thuật này đã được Vacheron Constantin nắm giữ hoàn hảo, và cho ra đời chiếc đồng hồ với bộ lặp phút đầu tiên vào năm 1806. Đồng hồ Grande Sonnerie – được coi là vị vua của những cơ chế báo âm – ra đời sau đó hai thập kỷ. Vào năm 1827, thương hiệu giới thiệu chiếc đồng hồ đầu tiên với cơ chế Grande và Petite Sonnerie. Nghệ thuật chế tác đồng hồ đã chạm đến một đỉnh cao mới với những chiếc đồng hồ này – được đánh giá rất cao trong giới quý tộc và tư sản, nhưng cũng đồng thời rất hiếm vì sự khó chế tạo của chúng. Việc phát minh ra diêm vào năm 1845 (và những đóng góp vào khả năng nhìn trong đêm) đã làm cho việc sản xuất những chiếc đồng hồ này trở nên hiếm hơn, củng cố hào quang của chúng như những huyền thoại thực sự



Bộ lặp phút, một cơ chế của màn đêm


Một chiếc đồng hồ có bộ lặp phút sở hữu cơ chế cho biết thời gian theo yêu cầu. Điều này trái ngược với khái niệm “điểm chuông theo giờ”, được tự động kích hoạt khi tới giờ hoặc các khắc như trên đồng hồ. Trong một bộ lặp phút truyền thống, hai búa sẽ gõ vào hai cồng với các âm sắc khác nhau, cho biết giờ với âm trầm, khắc với chùm đôi âm cao và âm trầm, cuối cùng báo phút với âm cao. Một cơ chế như vậy bao gồm một miếng bu lông trượt chuyên dụng, một trống và một hệ điều tiết, thường là độc lập với cơ chế chỉ giờ. Kích hoạt bu lông trượt sẽ kéo theo hệ giá đỡ trống lò xo của cơ chế báo âm, đưa vào trạng thái sẵn sàng. Sau khi được giải phóng, năng lượng được truyền qua một hệ bánh răng, điều chỉnh bởi một bánh đà để duy trì nhịp điệu liên tục.


Bộ gõ được cấu tạo từ một hệ nhớ cơ học, với búa và cồng. Khi xoay quanh trống cót của bộ gõ, bu lông trượt đồng thời giải phóng ba trục xoay để nhận thông tin từ các bánh cam giờ, khắc và phút. Các bánh cam “ốc” xoáy hình xoắn ốc này được dùng để điều chỉnh số lần đánh mà búa phải thực hiện. Bánh cam đầu tiên cho giờ có mười hai “bước”, cam thứ hai có bốn bước cho bốn khắc, và chiếc cuối cùng, hình ngôi sao, có 14 bước trên mỗi nhánh trong bốn phần cho số phút giữa mỗi khắc. Đồng thời khi chúng lấy thông tin, vị trí các trục xoay sẽ định vị giá đỡ hoặc đầu kéo ở phía kia của tay đòn ở khoảng cách sao cho khi được nhả ra, chúng sẽ kích hoạt búa theo trật tự tương ứng với số răng, với tần suất quy định.



Grande Sonnerie – cơ chế và bài toán năng lượng

Grande Sonnerie là một trong những cơ chế đồng hồ phức tạp nhất phải chinh phục. Sự khác biệt về mặt tính năng của nó nằm ở khả năng điểm báo giờ và các khắc, với việc nhắc lại giờ ở đầu mỗi khắc. Hầu hết những chiếc đồng hồ này cũng sẽ đi cùng cơ chế Petite Sonnerie, bỏ đi âm nhắc giờ ở mỗi khắc, cũng như cơ chế im lặng để tạm dừng vũ điệu cơ học của những chiếc búa. Chuông Westminster, cơ chế phức tạp nhất trong số các cơ chế Grande Sonnerie, tái tạo giai điệu của chuông Big Ben – tháp đồng hồ ở đầu cánh trái toà nhà Quốc hội Anh ở London – bao gồm bốn khuông với bốn nốt mỗi khuông, được chơi ở các tần số khác nhau. Thiết kế này, do đó, đòi hỏi số lượng cồng và búa lớn – bốn, thậm chí năm - ở những thiết kế giàu âm điệu nhất.


Nguyên lý cơ học của Grande Sonnerie, về cơ bản, cũng giống nguyên lý của bộ lặp phút. Thường thì bộ lặp phút sẽ đi cùng để bổ sung cho cơ chế Grande và Petite Sonnerie. Sự khác biệt chính nằm ở cách quản lý năng lượng. Không như các cơ chế bộ lặp, với chốt trượt để cuộn lò xo theo yêu cầu, các mẫu Grande Sonnerie phải dùng lực chuyển động để báo thời gian 96 lần một ngày. Đáp ứng này càng đòi hỏi tinh vi hơn khi nó liên quan đến việc kích hoạt búa đánh vào cồng sao cho tác động vừa đủ để làm cho hoạt động này – lặp đi lặp lại 366 lần một ngày – có thể nghe rõ ràng nhất có thể. Vì lý do đó, những chiếc đồng hồ sở hữu cơ chế này thường đi cùng hai trống cót, một dành cho bộ chuyển động, một dành riêng cho cơ chế điểm chuông.


Les Cabinotiers Symphonia Grande Sonnerie – The Sixth Symphony - 2019

Chất lượng âm học của một chiếc đồng hồ điểm chuông phụ thuộc vào vô số yếu tố, từ hình dạng và hướng của búa, chất liệu, chiều dài và hình dạng của cồng, cũng như điểm gắn của chúng trong đồng hồ. Các yếu tố quyết định khác cần được xem xét đến là vật liệu và cấu trúc của vỏ, có thể chứa một buồng cộng hưởng, thậm chí có các lỗ hở ở mặt sau, hoặc một lưới kim loại được thiết kế để tăng cường khả năng truyền âm. Cuối cùng, chính sự thành thạo của người nghệ nhân và kiến thức thực nghiệm của anh ta sẽ tạo nên sự khác biệt. Chịu trách nhiệm điều chỉnh các bộ phận cấu thành của bộ chuyển động, điều chỉnh cơ cấu âm học, chi tiết trang trí riêng từng bộ phận và lắp ráp bộ chuyển động nhiều lần để đạt tới kết quả hoàn hảo – chuyên môn của người nghệ nhân là một điều không thể thay thế.


Cho rằng chất lượng âm thanh là một phần giúp xác định cá tính của một chiếc đồng hồ, vào năm 2019, Vacheron Constantin đã giao cho Abbey Road Studios thực hiện một bản ghi âm độc đáo cho từng mẫu thiết kế của bộ sưu tập "La Musique du Temps®”. Lần đầu tiên, những chiếc đồng hồ với bộ lặp sở hữu một bản nhạc của riêng mình, được ghi lại và chứng nhận bởi Abbey Road Studios.



Vacheron Constantin và những chiếc đồng hồ điểm chuông: danh vọng từ thuở ban sơ

Những chiếc đồng hồ điểm chuông đã là một phần di sản của Vacheron Constantin ngay từ những ngày đầu thành lập. Khi kết thúc quá trình học việc của mình – bắt đầu vào năm 1744 – Jean-Marc Vacheron được yêu cầu chế tạo một chiếc đồng hồ báo thức có thể mang theo như một phần của bài thi tốt nghiệp, điều kiện tiên quyết để được gia nhập vào cộng đồng chế tác đồng hồ vào thời điểm đó. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến Maison nghiêng nhiều về những chiếc đồng hồ có chỉ báo âm thanh, bao gồm các bộ lặp, các mẫu Grande Sonnerie, cũng như đồng hồ báo thức? Dù vì lý do nào, trong suốt 266 năm của mình, Vacheron Constantin đã phát triển niềm đam mê và tiếp nạp chuyên môn trong việc tạo ra những cơ chế phức tạp này – vốn được coi là thành tựu đỉnh cao của nghệ thuật chế tác đồng hồ. Để phù hợp với ưu tiên về độ sang trọng, Maison đã hướng chuyên môn chế tác đồng hồ của mình vào những bộ máy siêu mỏng, một thách thức kỹ thuật bổ sung cho thử thách vốn đã phức tạp của cơ chế điểm chuông, và – dĩ nhiên – cũng không bỏ qua những chiếc đồng hồ đặc biệt với những cơ chế phức tạp tinh tế phi thường.


Các xưởng của Maison, do vậy, đã tham gia vào lịch sử chế tác của những thế hệ đồng hồ có bộ lặp đầu tiên, với ghi chép đầu tiên của công ty về mẫu tham chiếu có niên đại từ 1806. Biên niên sử của Charles Constantin (1887 – 1954) cho thấy, vào năm 1811, họ đã gửi đến Pháp “một chiếc đồng hồ với bộ lặp âm nhạc tuyệt đẹp” sở hữu “kỹ năng thủ công đỉnh cao, chơi hai giai điệu theo yêu cầu và vào thời điểm xác định”. Kể từ thời điểm đó, danh tiếng của Vacheron Constantin về việc chế tác những mẫu tương tự đã được khẳng định. Những thư từ trong kho lưu trữ đã tiết lộ, Maison thường xuyên được liên hệ vào nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với những đơn đặt hàng đồng hồ điểm chuông cho các khách hàng danh giá như Nữ hoàng Romania và Trưởng Công chúa Isabel Clara Eugenia. Những sáng tạo này cũng bao gồm các mẫu Grande Sonnerie, chẳng hạn như tạo tác năm 1827 trong bộ sưu tập riêng của Vacheron Constantin.



Các mẫu đồng hồ điểm chuông với cơ chế siêu phức tạp

Sự ra đời của đồng hồ đeo tay không làm giảm bớt mong muốn của khách hàng với những mẫu đồng hồ bỏ túi với khả năng báo giờ. Tuy nhiên, nhu cầu trở nên phức tạp hơn, khi Vacheron Constantin phát triển chuyên môn đặc biệt về những chiếc đồng hồ siêu phức tạp. Một số thiết kế đã thực sự trở thành dấu mốc lịch sử của Maison, khi phản chiếu kỷ nguyên vàng son vào đầu thế kỷ 20. Có thể kể đến chiếc đồng hồ được uỷ quyền bởi chính quyền thuộc địa Thuỵ Sỹ ở Ai Cập để tặng cho Vua Fouad vào năm1929, cũng như chiếc được con trai của ông – Vua Farouk – mua vào năm 1946 thông qua người anh rể của mình sau một chuyến thăm Thuỵ Sỹ. Kiệt tác hoàng kim này cần tới 5 năm phát triển bởi sở hữu đến 14 cơ chế, bao gồm bộ lặp phút với hệ chuông, cơ chế Grande và Petite Sonnerie ba cồng, cũng như đồng hồ báo thức, bộ bấm giờ tách giây, lịch vạn niên và chỉ báo lịch mặt trăng. Hai năm sau, Vacheron Constantin đã hoàn thành một đơn hàng danh giá khác cho Bá tước Guy de Boisrouveray, một chiếc đồng hồ lớn bằng vàng với bộ vỏ kiểu thợ săn, chứa đựng bộ lặp phút ba cồng có cơ chế báo thức, lịch vạn niên và bấm giờ tách giây. Cho đến tận năm 2015, đây vẫn là chiếc đồng hồ phức tạp thứ ba từng được sản xuất bởi Vacheron Constantin.


Vào năm 2005, nhân kỷ niệm một phần tư thiên niên kỷ, công ty đã trình làng chiếc đồng hồ đeo tay Tour de l'Île, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới có 16 cơ chế, được điều khiển bởi 834 bộ phận, đọc trên hiển thị hai mặt. Vào năm 2015, nhân kỷ niệm 260 năm thành lập, Vacheron Constantin giới thiệu Reference 57260, là chiếc đồng hồ phức tạp nhất trên thế giới vào thời điểm đó với 57 chức năng. Trong số nhiều chức năng thời gian, lịch và thiên văn của cả hai chiếc đồng hồ này, cơ chế điểm chuông hiển hiện đầy tự hào dưới dáng hình bộ lặp phút, được bổ sung trong Reference 57260 với cơ chế Grande và Petite Sonnerie với chuông Westminster năm cồng và chức năng báo thức. Sự đam mê của nhà chế tác hàng trăm năm tuổi đối với những chiếc đồng hồ cực kỳ phức tạp được nuôi dưỡng trong bộ phận Les Cabinotiers, nơi phụ trách các sản phẩm độc đáo và những chiếc đồng hồ được đặt làm riêng tại Vacheron Constantin.



Trong những năm qua, Les Cabinotiers đã thiết kế các sáng tạo kết hợp các cơ chế nổi bật, chẳng hạn như chiếc đồng hồ đeo tay Astronomica vào năm 2014 với 15 cơ chế, kết hợp bộ lặp phút, tourbillon với các chỉ báo kiểu thiên văn. Vào năm 2020, các nghệ nhân bậc thầy của bộ phận Les Cabinotiers đã phát triển một số mẫu đồng hồ điểm chuông có một không hai với chủ đề “The Music of Time”. Trong số đó có chiếc Symphonia Grande Sonnerie - The Sixth Symphony, với phần giữa vỏ chạm khắc một bức phù điêu của Bản giao hưởng số Sáu của Beethoven. Thiết kế này mang theo âm hưởng của chiếc Symphonia Grande Sonnerie 1860 ra đời năm 2017, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên trong lịch sử Vacheron Constantin có tính năng Grande Sonnerie. Trong phiên bản ra đời sau này, kỳ công nằm ở việc tập hợp 727 bộ phận của cơ chế Grande Sonnerie và bộ chuyển động có cơ chế lặp phút trong một bộ máy đường kính 37mm và dày 9,1mm.



Những kỷ lục về độ mỏng

Số tham chiếu Ref.4261 đại diện cho một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển đồng hồ điểm chuông của Maison. Với sáng tạo ra đời vào đầu thập niên 1940 này, Vacheron Constantin đã không chỉ chinh phục thách thức kỹ thuật của một bộ lặp phút, mà còn tìm được cách để tạo ra một bộ máy siêu mỏng chỉ dày 3,28mm. Với vỏ dày 5,25mm và đường kính 36mm, các vấu hình giọt nước, đây là một trong những chiếc đồng hồ huyền thoại của thương hiệu, được sản xuất chưa tới 40 chiếc.


Vào thập niên 1990, với cảm hứng từ Ref.4261 họ đã thiết kế những tạo tác mới được trang bị Calibre 1755, có bộ lặp phút với độ mỏng tương đương – 3,28mm (Ref.30010), cũng đi cùng mô đun lịch vạn niên (Ref.30020) hoặc trong phiên bản lộ cơ (Ref.30030). Chỉ có tổng cộng 200 chiếc đồng hồ của cả ba phiên bản này được sản xuất, ngay lập tức đạt kỷ lục thế giới với bộ máy 1755, mỏng nhất trong các bộ máy có cùng tính năng vào thời điểm đó.


1. Đồng hồ đeo tay mã tham chiếu 4261 (Ref. Inv. 11420) - Đầu thập niên 1940

2. Đồng hồ đeo tay Patrimony Traditionelle (Ref. 80172) - 2007

3. Đồng hồ đeo tay Patrimony Contemporaine (Ref. 30110) - 2013


Năm 2007, trước khi một lần nữa khẳng định chính mình trong lĩnh vực đồng hồ điểm chuông siêu mỏng, Vacheron Constantin đã giới thiệu chiếc Patrimony Traditionelle Calbre 2755, lấy cảm hứng từ những nghiên cứu đã thực hiện cho Tour de l'Île vào năm 2005. Chiếc đồng hồ tourbillon này, cũng có lịch vạn niên, là chiếc đồng hồ có bộ lặp phút đầu tiên từ Maison sở hữu bộ điều chỉnh lực đánh hướng tâm hoàn toàn im lặng giúp cân bằng tốc độ búa gõ. Hệ thống khéo léo này gồm hai quả nặng được thiết kế để hoạt động như một phanh trên trục quay của bộ điều chỉnh, do đó loại bỏ năng lượng từ trống cót.


Đồng hồ đeo tay mã tham chiếu 30010 - thập niên 1990


Quảng cáo

Phát minh này được sử dụng trong bộ máy của chiếc Patrimony Contemporaine Calibre 1731, thiết lập kỷ lục mới về độ mỏng vào năm 2013, trong một bộ vỏ có kích thước 41mm và 8,09mm. Với trữ năng lên đến 65 giờ, bộ máy với cơ chế lặp phút này là thành quả của bốn năm phát triển, dày hơn một chút so với người tiền nhiệm của nó - ở mức 3,90mm so với 3,28mm của Calibre 1755 ra mắt vào năm 1992.



Đá quý và đồng hồ điểm chuông

Hầu hết những chiếc đồng hồ điểm chuông đương đại đều có tỉ lệ đường kính rộng rãi để vỏ có thể hoàn thành tốt nhất vai trò của mình như một màn hướng âm. Yêu cầu này cũng đồng nghĩa với việc, nói chung, những mẫu đồng hồ này không phù hợp lắm với cổ tay nữ giới và thường được quan tâm nhiều hơn bởi phái mạnh.


Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng trong trường hợp của những chiếc đồng hồ bỏ túi, cũng là những chiếc đồng hồ với bộ lặp phút đầu tiên. Xưa kia, đồng hồ của phụ nữ thường được coi là đồng hồ trang sức, đeo trên dây chuyền dài hoặc dạng mặt dây, không bị che khuất khỏi tầm nhìn như nằm trong túi áo gilet của nam giới. Những chiếc đồng hồ cơ khí có khả năng thông báo thời gian, có sự hấp dẫn gấp đôi đối với những tín đồ của chế tác đồng hồ cao cấp, cho phép họ biết thời gian vào ban đêm, và đồng hành với họ ban ngày như một vật trang trí lộng lẫy chứa đựng cả tinh hoa khoa học về thời gian và kỹ nghệ trang trí tinh xảo.


Đồng hồ bỏ túi bằng vàng hồng, bộ lặp khắc báo nhạc (Ref. Inv. 10468) - 1816


Bởi lẽ đó, Vacheron Constantin đã sản xuất một số mẫu đồng hồ bỏ túi với cơ chế điểm chuông dành cho đại diện của giới quý tộc, cũng như một tầng lớp thượng lưu có năng lực tài chính nhất định. Với vỏ vàng được chạm khắc, mặt số tráng men hoặc bằng bạc, với bộ máy có bộ lặp hay thậm chí Grande Sonnerie, những chiếc đồng hồ được trang trí lộng lẫy này là một trong những báu vật của phụ nữ thượng lưu, được phản ánh qua thư từ trong tàng thư của Maison. Nói như vậy không phải họ không cần đến sự thực dụng, nhất là sau khi bước sang thế kỷ 20. Trong một bức thư viết vào năm 1937, nữ Hầu tước Riencourt đã yêu cầu Vacheron Constantin: “Sau khi hoàn toàn mất đi thị lực, tôi lại cần một chiếc đồng hồ với bộ lặp, đặc biệt là vào ban đêm (…) Bằng vàng hoặc bạc, điểm chuông báo khắc và nửa giờ”.



Cận cảnh một vài tạo tác


Đồng hồ bỏ túi bằng vàng hồng với bộ lặp khắc âm nhạc – 1816


Đồng hồ bỏ túi bằng vàng hồng, bộ lặp khắc báo nhạc (Ref. Inv. 10468) - 1816

Lịch sử của các cơ chế âm nhạc được tích hợp trong đồng hồ có khởi điểm từ năm 1976, với sáng chế ra ngành đàn hồi bằng thép, và đến năm 1811 thì bộ lặp âm nhạc lần đầu được ghi nhận. Chiếc đồng hồ bỏ túi năm 1816 này, với cơ chế lặp khắc âm nhạc, đại diện cho một trong những mẫu đầu tiên của loại đồng hồ này. Nó được chế tác đầy tinh xảo với vỏ và mặt số bằng vàng hồng, mặt số được chạm khắc và guilloché khảm các họa tiết tráng men làm cọc số. Bộ lặp âm nhạc được dựa trên một đĩa có răng quay, gắn liền với trống cót của cơ cấu lưỡi kim loại.


Đồng hồ bỏ túi bằng vàng đỏ với cơ chế lặp khắc và giây giật – 1819

Chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng hồng với bộ lặp khắc này đi cùng mặt số tráng men, các kim hình rắn với kim giây giật, một cơ chế hiếm có vào thời điểm đó, sớm định hình cho sáng chế của cơ cấu bấm giờ.


Đồng hồ bỏ túi bằng vàng đỏ, bộ lặp khắc và kim giây giật (Ref. Inv. 12085) - 1819

Đồng hồ đeo tay bằng vàng ref.3620 “Don Pancho” – 1935

Mã tham chiếu 3620 là một trong ba chiếc đồng hồ đeo tay được biết đến trước năm 1940 có bộ lặp phút và chỉ báo lịch – trong trường hợp này được biểu thị bởi kim hồi. Phải mất đến vài năm để chế tạo chiếc đồng hồ này, được gửi đi vào năm 1940 và sở hữu những cơ chế - ở thời điểm đó – thường được dùng cho đồng hồ bỏ túi. Được biết đến với tên gọi Don Pancho, chiếc đồng hồ vàng này nổi bật với dáng tonneau, núm vặn ở vị trí 12 giờ và bộ lặp phút âm trầm, khởi động với cần gạt tay phải. Cơ chế lịch cho biết thứ trong tuần với mặt số phụ, cùng chỉ báo ngày với kim hồi trung tâm.


Đồng hồ đeo tay "Don Pancho" bằng vàng, tham chiếu 3620 (Ref. 3620) - 1935

Đồng hồ đeo tay bằng vàng hồng mã tham chiếu Ref.4261 với bộ lặp phút – 1941

Bởi sự phức tạp của cơ chế lặp phút trên đồng hồ đeo tay vào thời điểm giữa thế kỷ 20, chỉ có rất ít tạo tác ra đời. Với sự ra đời của Ref.4261 vào đầu thập niên 1940, Vacheron Constantin đã vượt qua song trùng thử thách kỹ thuật qua việc chế tác bộ chuyển động lặp phút siêu mỏng. Bộ máy Calibre 4261 siêu mỏng chỉ có độ dày 3,28mm. Với đường kính vỏ 36mm, kết cấu dạng cong và núm tích hợp vào giữa thân, tạo tác này là một trong những chiếc đồng hồ đeo tay với bộ lặp phút thanh nhã nhất từng được chế tạo. Thiết kế này được sản xuất đến năm 1951, và chỉ có 36 chiếc từng được chế tạo.


Đồng hồ đeo tay mã tham chiếu 4261 (Ref. Inv. 11420) - Đầu thập niên 1940

Đồng hồ bỏ túi King Farouk Grand Complication bằng vàng – 1946


Đồng hồ bỏ túi bằng vàng, King Farouk Grand Complication - 1946

Vacheron Constantin đã chế tác một trong những chiếc đồng hồ phức tạp nhất vào thời điểm đó cho vua Farouk Ai Cập. Tạo tác tráng lệ này, với đường kính 80mm và mất hơn 5 năm để hoàn thành, được trang bị 13 kim. Bộ máy của nó bao gồm 820 bộ phận điều khiển 14 tính năng. Được sản xuất từ năm 1930 đến năm 1935, chiếc đồng hồ vàng 18K này nằm trong bộ sưu tập của vua Farouk đến năm 1954. Nó bao gồm một bộ lặp phút với bộ chuông, cơ chế Grande và Petite Sonnerie ba cồng ba búa, bấm giờ tách giây với bộ đếm 30 phút, một lịch vạn niên, một chỉ báo lịch mặt trăng, đồng hồ báo thức và hai chỉ báo dự trữ năng lượng.


Đồng hồ đeo tay Ref.30020 bằng bạch kim – 1993

Với sự hồi sinh của đồng hồ cơ khí vào cuối thập niên 1980, Vacheron Constantin một lần nữa giới thiệu cơ chế huyền thoại, bộ lặp phút, trên cơ sở bộ chuyển động siêu mỏng đã tạo ra danh tiếng vào thập niên 1940. Calibre 1755 được ra mắt với ba phiên bản: Ref.30010 với cơ chế lặp phút dày 3,28mm, Ref.30030 lộ cơ và Ref.30020 với bộ lặp phút và mô đun lịch vạn niên. Mẫu này sở hữu bộ vỏ bạch kim 36mm vấu giọt nước, Calibre 1755 QP với độ dày 4,9mm.


Đồng hồ đeo tay bạch kim mã tham chiếu 30020 (Ref. Inv. 11586) - 1993

Đồng hồ đeo tay Tour de l'Île bằng vàng hồng – 2005


Đồng hồ đeo tay Tour de l'Île bằng vàng hồng (Ref. Inv. 11474) - 2005

Vacheron Constantin kỷ niệm 250 năm thành lập vào năm 2005 với sự kiện mang tính chiến lược trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mở đầu bởi quyết định chế tác một chiếc đồng hồ trác tuyệt. Dự án cho ra đời chiếc Tour de l'Île, chứa đựng 834 bộ phận của Calibre 2750. Chỉ có bảy chiếc tương tự được bán ra từ năm 2005 đến 2007, bao gồm phiên bản đầu tiên với mặt số đen trong cuộc đấu giá nhân kỷ niệm 250 năm thành lập thương hiệu. Ở thời điểm ra đời, chiếc Tour de l'Île là chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất thế giới, với bộ vỏ hai mặt hiển thị 12 kim cho 16 tính năng, bao gồm bộ lặp phút với chỉ báo điểm chuông.


Ref.57260 bằng vàng trắng – 2015


Đồng hồ vàng trắng mã tham chiếu 57260 - 2015

Được hé lộ ngày 17 tháng 9 năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 260 năm thành lập Maison, chiếc Reference 57260 là chiếc đồng hồ phức tạp nhất từng được chế tác. Là thành quả của tám năm lao động, nó chứa đựng 57 tính năng tổng cộng. Được uỷ quyền bởi một nhà sưu tầm đầy nhiệt huyết, 57260 thể hiện chuyên môn của xưởng Les Cabinotiers, nơi duy trì truyền thống xuất sắc và kỹ thuật thủ công tỉ mỉ. Về mặt chỉ báo âm thanh, nó được trang bị cơ chế Grande và Petite Sonnerie năm cồng để phát ra giai điệu của chuông Big Ben. Để có thể kích hoạt chuông bất cứ lúc nào, cơ chế này cũng đi cùng một bộ lặp phút, cùng chức năng báo thức. Mỗi chức năng này có trữ năng riêng với chỉ báo dạng xoắn cho báo thức – có thể được kích hoạt bình thường hoặc dạng chuông.


Les Cabinotiers Sonnerie Westminster – Tribute to Johannes Vermeer bằng vàng – 2021

Được khởi động vào năm 2013, chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng này là kết quả của một dự án được đặt làm riêng, một minh chứng về chuyên môn độc đáo trong chế tác đồng hồ cơ học cao cấp và nghệ thuật trang trí. Nó được trang bị bộ chuyển động Manufacture Calibre 3761 mới, được phát triển chính bởi đội ngũ đã chế tạo Reference 57260. Bộ máy 806 bộ phận lên cót tay này được điều chỉnh bởi một tourbillon, với các cơ chế Grande và Petite Sonnerie Westminster, và một bộ lặp phút. Nắp lưng kiểu sĩ quan của bộ vỏ 98mm được trang trí bởi một bức tiểu hoạ tráng men mô phỏng bức Vermeer Girl with a Pearl Earring. Các đường gờ được chạm khắc thủ công tô điểm cho các mặt của vỏ máy, trong khi viền bezel được trang trí với hai đầu sư tử gầm được điêu khắc từ một khối vàng.


Les Cabinotiers Sonnerie Westminster - Tribute to Johannes Vermeer bằng vàng - 2021

Được thành lập năm 1755, Vacheron Constantin là Nhà chế tác đồng hồ lâu đời nhất Thế giới với hơn 265 năm hoạt động không ngừng nghỉ, luôn trung thành với bí quyết thủ công tinh xảo và phong cách thẩm mỹ giàu tính nghệ thuật được lưu truyền qua các thế hệ nghệ nhân bậc thầy. Ở đỉnh cao nghệ thuật chế tác Đồng hồ Cao cấp và sự thanh lịch tinh tế, Maison đã tạo nên những cỗ máy đo thời gian độc đáo về kỹ thuật và thẩm mỹ, với những chi tiết hoàn thiện vô cùng hoàn hảo. Vacheron Constantin mang tới cuộc sống một di sản không gì so sánh được và tinh thần đổi mới thông qua các bộ sưu tập của mình: Patrimony, Traditionnelle, Métiers d’Art, Overseas, Fiftysix, Historiques và Égérie. Thương hiệu này cũng mang đến cho những người chơi đồng hồ sành sỏi cơ hội hiếm có để sở hữu những chiếc đồng hồ độc đáo được thiết kế theo yêu cầu thông qua bộ phận “Les Cabinotiers”. 

Bài: Navigator Media







Nguồn https://www.navigator.com.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm