Chi phí sinh hoạt cao là một trong những lý do khiến Hồng Kông (Trung Quốc) trở thành thành phố đắt đỏ nhất đối với người lao động ở nước ngoài trong 3 năm liên tiếp.
Mới đây, công ty tư vấn Mercer (Mỹ) đã công bố kết quả cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt hàng năm ở các thành phố trên thế giới. Và Hồng Kông (Trung Quốc) một lần nữa chiếm danh hiệu thành phố đắt đỏ nhất đối với người lao động ở nước ngoài. Đây là lần thứ ba liên tiếp, “thiên đường mua sắm châu Á” dẫn đầu danh sách.
Trong khi đó, Singapore xếp ở vị trí thứ hai. Các vị trí thứ ba, tư và năm lần lượt thuộc về các thành phố Zurich, Geneva và Basel (đều của Thụy Sĩ).
Báo cáo đã khảo sát 226 thành phố dựa trên chi phí so sánh của hơn 200 mặt hàng ở mỗi địa điểm, bao gồm giao thông, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất đối với người lao động ở nước ngoài – Ảnh: Mercer
Lee Quane – Giám đốc khu vực châu Á của công ty cung cấp dữ liệu ECA International – chia sẻ về lý do Hồng Kông là thành phố đắt đỏ: “Chi phí hàng hóa và dịch vụ ở Hồng Kông luôn tăng ở mức cao trong nhiều năm, điều này khiến thành phố không tránh khỏi làn sóng lạm phát mà chúng ta đã thấy trên khắp thế giới trong năm qua”.
Bên cạnh đó, đồng HKD (đô la Hồng Kông) tăng giá mạnh ở thời điểm hầu hết các đồng tiền khác suy yếu cũng góp phần khiến thành phố duy trì vị thế là nơi đắt đỏ nhất trên toàn thế giới.
Mercer cho biết chi phí nhà ở tăng cao cùng với xu hướng lạm phát không ổn định của thành phố cũng gây căng thẳng cho người lao động.
Dẫu là thành phố đắt đỏ nhất đối với người lao động ở nước ngoài, tuy nhiên Hồng Kông vẫn thu hút lượng khách du lịch cực lớn trong năm 2024.
Ngày 17/6, Tổng cục Du lịch Hồng Kông công bố thống kê mới cho thấy hơn 18 triệu lượt du khách đã ghé thăm thành phố trong 5 tháng đầu năm 2024, đánh dấu mức tăng 77% so với cùng kỳ năm 2023. Không chỉ nổi tiếng với những tòa tháp chọc trời thẳng đứng, thành phố còn được yêu thích những con phố ẩm thực rộng lớn và những khu mua sắm sầm uất, hiện đại.
Bài: Navigator Media