JUMP, đĩa đơn trở lại của BLACKPINK sau hơn hai năm vắng bóng kể từ BORN PINK, không hề giống những gì BLACKPINK từng mang đến trước đây. Đây không phải là ca khúc chiều chuộng tai nghe thị trường. Ca khúc theo style hardstyle gắt gỏng, một MV như bản vẽ graffiti tăm tối, ca từ kêu gọi những người phụ nữ hãy nhảy lên – không chỉ trên sàn nhảy mà nhảy ra khỏi mọi ranh giới bị áp đặt.
Với JUMP, BLACKPINK không đơn thuần phát hành một bài hát. Họ kiến tạo lại chính hình ảnh mình, không còn là những nàng thơ mặc haute couture trong sa mạc hồng hay băng rừng trong lụa là. Thay vào đó là những chiến binh thành thị, đẫm mồ hôi, bụi bặm, và đầy bản năng. Trên nền tiếng synth chát chúa và guitar cowboy bụi bặm, họ tuyên bố điều mà ít nhóm nữ dám nói: Chúng tôi không cần phải đáng yêu, không cần phải hoàn hảo. Chúng tôi chỉ cần đúng với mình.
Từ BORN PINK đến JUMP: BLACKPINK từ bỏ vẻ đẹp hoa lệ để chạm đến tầng bản năng

BLACKPINK lần đầu tiên tự tháo bỏ lớp hào quang được may đo hoàn hảo vốn theo họ suốt gần một thập kỷ. Từ hình ảnh các cô gái couture của Pink Venom (2022) đến bản nhạc bubble-pop dễ tiếp cận như The Girls (2023), nhóm luôn xuất hiện đầy chỉn chu, nữ tính, một chút girl boss pha lẫn với hình ảnh nàng thơ thời trang.
Ngược lại, JUMP không có những đường melody mềm mại. Ca khúc theo phong cách hardstyle, một thể loại nhạc điện tử thường bị xem là thô ráp, thậm chí kén tai với công chúng mainstream.
Sự lựa chọn ấy không ngẫu nhiên. Nhà phê bình âm nhạc Kim Dohoon viết trên Korea JoongAng Daily: “Hardstyle từng bị xem là vùng âm nhạc phi chính thống tại Hàn Quốc. Khi BLACKPINK chọn nó, họ không tìm kiếm một bản hit, họ thách thức thị hiếu khán giả.”
Quyết định không làm vừa lòng thị hiếu thị trường cho thấy bước tiến từ nhóm nhạc thần tượng đến nghệ sĩ có thẩm mỹ đặc thù, điều mà chỉ những nhóm ở đỉnh cao như BLACKPINK mới dám thực hiện.
“Let it go, we jump” giải phóng mọi giới hạn

BLACKPINK đã lặp lại chữ “jump” đến 18 lần trong bản hoàn chỉnh. Sự lặp lại nhiều lần và liên tục này chính là triết lý của ca khúc. Nếu Kill This Love là tuyên ngôn chống lại tình yêu hủy hoại bản thân, thì JUMP là tuyên bố thoát ly hoàn toàn khỏi hệ thống ràng buộc. Lời hát như mệnh lệnh cho chính họ và khán giả nữ toàn cầu:
“All my girls in the zone
We gon’ ride till the morning light
Ain’t no fear when we jumpin’ high.”
Câu nói “ain’t no fear” sử dụng ngữ pháp tiếng Anh không chuẩn mực. Việc áp dụng tiếng lóng vào ca từ cũng là cách BLACKPINK muốn phá vỡ chuẩn mực, khuôn mẫu, không ngoan hiền. Ca khúc kêu gọi một cộng đồng nữ giới đoàn kết, cùng thoát khỏi những định kiến mà xã hội đặt ra. Ca từ này cũng lặp lại hình ảnh đã từng thấy ở Pretty Savage của nhóm, nhưng lần này trưởng thành hơn: từ “tôi đẹp và độc lập” thành “chúng tôi không cần xin phép ai để sống hết mình.”
Dave Meyers biến BLACKPINK thành chiến binh hậu hiện đại

Việc lựa chọn Dave Meyers, đạo diễn đứng sau những MV như HUMBLE (Kendrick Lamar) hay No Tears Left to Cry (Ariana Grande), cũng góp phần giúp BLACKPINK giải cấu trúc chính biểu tượng của mình.
Trong MV JUMP, Dave Meyers xây dựng một thành phố hậu tận thế, đặc trưng của phong cách dystopia fragmentation. Hình ảnh từng thành viên xuất hiện chập chờn trên những billboard lỗi tín hiệu, lặp đi lặp lại như một hệ thống tuyên truyền cũ kỹ. Cách dùng graffiti và biển hiệu bong tróc, bên cạnh việc nhấn mạnh vào phong cách hậu tận thế, cũng củng cố cảm giác gai góc của ca từ và chất liệu âm nhạc hardstyle.
Outfit da đen bụi bặm, ánh đèn neon xanh tím, và bố cục cắt cảnh gắt gỏng tạo nên một cảm giác liên tục bị đập vỡ cả về thời gian, không gian lẫn bản ngã nghệ sĩ. Hình ảnh này gợi nhớ đến MV Loyalty (Kendrick Lamar ft. Rihanna, 2017), nơi nhân vật chính giằng co giữa hai thế giới: một bên là quyền lực biểu tượng được dựng sẵn, một bên là khát vọng tự chủ thẩm mỹ.
BLACKPINK cũng đã mang ánh sáng xanh tím lập loè trong MV đấy lên sân khấu. JUMP không có hook quen thuộc của pop, không lời ca để cất giọng hát theo. Nhịp drop dồn dập khiến cả hàng chục nghìn người dưới sân khấu hòa chung vào động thái cùng nhảy, một phản xạ đầy bản năng. Với lối biển diễn này, BLACKPINK kéo fan vào một trạng thái đồng bộ cảm xúc phi ngôn ngữ. Họ khiến khán giả không chỉ nghe nhạc mà phải hòa vào màn biểu diễn với adrenaline, bằng tiếng hét, bằng việc đứng bật dậy mà không lý giải được vì sao. Đó là khi âm nhạc vượt ra khỏi cấu trúc giải trí và chạm vào vai trò nguyên thủy của nó: gây chấn động sinh học và tái định nghĩa sự kết nối.