Chắc chắn khi hỏi đến du lịch Pleiku, hay du lịch Gia Lai, người ta thường hay nghĩ ngay đến “Đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy” theo lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Hiện tại Biển Hồ được xem là biểu tượng của du lịch Gia Lai, và cũng nằm trong quần thể quy hoạch điểm du lịch quốc gia “Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya” trong “quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam vùng Tây Nguyên 2020 đến 2030.
Một chút lịch sử quá trình hình thành Biển Hồ Gia Lai.
Theo khoa hoc, ngàn năm trước, nơi đây là miệng núi lửa trải qua hàng ngàn thế kỷ thì hiện nay đã không còn hoạt động, cũng như qua thời gian sự biến đổi khí hậu, lượng mưa lớn đã lấp đầy lượng nước của miệng núi lửa nơi đây, đó cũng là tiền thân của Biển Hồ Gia Lai ngày nay.
Theo truyền thuyết, tương truyền rằng việc hình thành miệng hồ gắn liền với một truyền thuyết bi thương của người dân Jrai bản địa xa xưa từng sinh sống phồn thịnh ở trung tâm miệng hồ, nhưng vì làm phật ý thần linh nên đã bị phạt, tất cả người dân trong ngôi làm bị chôn vùi sâu trận động đất lớn.
Hiện tại thì người dân địa phương nơi đây gọi Biển Hồ Gia Lai với cái tên là hồ Ia Nueng hay hồ Tơ Nưng gắn liền với truyền thuyết của cộng đồng dân tộc Jrai sống cạnh Biển Hồ và ngôi làng đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Tên gọi Biển Hồ bắt nguồn từ đâu?
Có rất nhiều giả thuyết và nhận định về tên gọi Biển Hồ Gia Lai, nhưng câu trả lời được lựa chọn nhiều nhất là vì Biển Hồ hình thành trên một miệng núi lửa, xung quanh bao bọc bởi các dãy núi, nó thực chất là một cái hồ nhưng vì hồ này quá mênh mông không thể thấy được bờ bên kia bằng mắt thường, nên người dân ví von như là biển. Ngoài ra tại nơi hay có những đợt gió lớn đánh mạnh vào hồ tạo ra các đợt sóng mạnh đập vào bờ từ đó người dân địa phương truyền tai nhau và cái tên Biển Hồ Gia Lai cũng bắt nguồn từ đây.
Ngoài ra thêm một giả thuyết nữa được rất nhiều người yêu thích, cho rằng cái tên bắt nguồn từ sự khát vọng của con người nơi đây, bạn có thể thấy cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả ngàn mét, theo các nhà khoa học thông thường thì sẽ chẳng có một giọt nước nào tồn tại được trên độ cao này. Và khi con người sống trên đây khao khát nước, nên họ đã thần tượng hóa quá lên, đây cũng là một giả thuyết khá hợp lý nếu tính theo niềm tin của con người.
Biển hồ Gia Lai là điểm du lịch không thể bỏ qua khi bạn có dịp đến với Tp. Pleiku
Với diện tích lớn hơn 300 hecta, cùng với độ cao trên 800 mét so với mặt nước biển, với bầu không khí trong lành được bao bọc bởi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, cũng dễ hiểu khi nơi đây được gọi là Hồ tự nhiên lớn nhất khu vực “Tây Nguyên”
Biển Hồ Gia Lai cách trung tâm thành phố khoảng 10km về hướng Đông Bắc của thành phố, ẩn mình trong rừng thông đại ngàn với làn nước quanh năm xanh mướt, được ví von như viên ngọc quý của đại ngàn Trường Sơn hay là đôi mắt Pleiku.
Từ cổng vào, có một dải đất trải dài dọn đường cho du khách dễ dàng di chuyển đến trung tâm hồ, đưa tầm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Con đường ấy uốn lượng như tranh vẽ, hai bên là hàng thông đại ngàn, xanh ngắt.
Đến cuối đoạn đường sẽ có một bật tam cấp, dẫn đến tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch trắng cao trên 15m được khánh thành vào năm 30/11/2018, trước đây là một vọng đài để du khách nhìn ngắm đò, nhưng bây giờ vừa trở thành một địa điểm du lịch sinh thái kiêm luôn cả điểm du lịch tâm linh.
Vào buổi sáng sớm khi mặt trời vừa lên, du khách có dịp được thiên nhiên nơi đây ưu đãi bầu không khí trong lành, cảnh quan mỹ miều, đưa tầm mắt ngắm nhìn những giọt sương mai còn động trên những chiếc lá, với những làn gió nhẹ nhàng của vùng đất Tây Nguyên tạo ra cảm giác mát cả da thịt. Sự phẳng lặng của mặt hồ vào buổi sáng tạo ra cảm giác yên bình, êm ái chắc chắn sẽ chiều cho những vị khách khó tính nhất.
Hiện tại Biển Hồ Gia Lai còn mở rộng thêm những con đường giúp cho du khách có thể tiến gần mặt hồ hơn, cũng như tạo ra những cảnh quan để du khách thỏa sức check in.
Nếu một lần đến với thành phố Pleiku, thì các bạn nên dành thời gian của mình đến khám phá Biển Hồ Gia Lai, sẽ được chiêm ngưỡng với làn nước trong veo như đang trực tiếp chìm vào đôi mắt của người con gái Pleiku. Với sự thơ mộng ấy mà trong bài hát Đôi mắt Pleiku nhạc sĩ Nguyễn Cường đã đắm chìm vào vẻ đẹp qua 2 câu hát “Em đẹp lắm Pleiku ơi! Trái tim anh đã vỡ tan rồi, anh đâu dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku – Biển Hồ đầy”.