Các nền văn minh và những vùng văn hóa lớn đều khởi nguồn từ những dòng sông. Nếu như văn minh Ai Cập đi cùng sông Nile thì văn minh Lưỡng Hà từ sông Tigris và Euphrates, văn minh lục địa Ấn Độ từ sông Hằng và sông Ấn, tương tự là Hoàng Hà và Trường Giang làm nên văn minh Trung Hoa.
Và nước Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ, hình hài vóc dáng và tinh thần dân tộc được hun đúc, thành hình từ những dòng sông. Bộ sách Câu chuyện dòng sông gồm người mẹ sông Hồng, em gái sông Hương, chàng trai Cửu Long của tác giả Thủy Nguyên sẽ giúp cho bạn đọc hình dung trọn vẹn và rõ hơn về điều này.
Bộ sách dẫn người đọc hành hương về ba dòng sông tiêu biểu cho ba miền Bắc - Trung - Nam, là nguồn mạch gắn bó với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt. Nếu như sông Hồng là dòng sông mẹ, làm nên Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng đất cổ cội nguồn văn hóa Việt, thì sông Hương hiền hòa êm dịu như người em gái, giữ hồn thiêng của miền cố đô cổ kính, và sông Cửu Long như chàng trai mạnh mẽ, trẻ trung, hào sảng của vùng đất Tây Nam bộ.
Mỗi con sông chảy trong lòng nước Việt đều có thể kể cho chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện đặc sắc. Thông qua từng câu chuyện với thông tin cô đọng, từng bức tranh minh họa sống động và gần gũi, tác giả Thủy Nguyên đã để cho 3 dòng sông hóa thân thành người kể chuyện, tự cất lên tiếng nói bộc bạch về mình.
Theo đó, bạn đọc như đang trôi trên dòng sông, để hiểu, khám phá những câu chuyện lịch sử kỳ thú, các địa danh, lễ hội, tinh hoa văn hóa, âm nhạc, ẩm thực của văn hóa đồng bằng Bắc bộ, văn hóa kinh kỳ xứ Huế, văn minh miệt vườn sông nước phương Nam. Từ đó khơi gợi ở bạn trẻ mong muốn tìm hiểu xa hơn, đưa ra những phát hiện mới mẻ trong từng lĩnh vực mà dòng sông như một yếu tố gợi hứng và dẫn đường.
Thực tế, hiện nay, chúng ta vẫn đau đầu khi các bạn nhỏ, người trẻ ngại ngùng với những kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa khô khan, dẫn đến một thế hệ trẻ xơ xước về tâm hồn, thì bộ sách Câu chuyện dòng sông sẽ là “công cụ” phù hợp, mang đến một cách tiếp cận những kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý tự nhiên về dân tộc nhẹ nhàng và nhiều hứng khởi, thông qua việc lắng nghe câu chuyện được kể từ chính mỗi dòng sông.
Năm tháng trôi qua, những đổi thay không ngừng tiếp diễn, nhưng dòng chảy của mỗi con sông vẫn thế, như dòng sữa mẹ nuôi lớn bao thế hệ, và chưa bao giờ ngừng khúc hoan ca về một nền văn minh rực rỡ. Khép lại bộ sách, người đọc sẽ mở ra cuộc du khảo của riêng mình, lắng nghe tiếng hát dòng sông đỏ nặng phù sa, tự mình có những khám phá và trải nghiệm mới mẻ.
Sau cùng, thế kỉ 21, với sự biến đổi khí hậu, với ảnh hưởng của phát triển công nghiệp, với sự tàn phá thiên nhiên và môi trường đang trở thành vấn nạn, chúng ta cần suy nghĩ về những dòng sông theo góc nhìn mới. Hãy sống như hạt phù sa bồi đắp cho quê hương. Hãy bảo vệ, giữ gìn, làm giàu thêm cho dòng sông – nguồn sống của đất đai quê hương xứ sở. Và bộ sách Câu chuyện dòng sông sẽ giúp người đọc kể tiếp câu chuyện về dòng sông yêu thương của riêng mình bằng chính hiểu biết và trải nghiệm của mỗi người.
Tác giả Thủy Nguyên là cử nhân Văn học, thạc sĩ Văn hóa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Chị cũng chính là tác giả phần lời của artbook "Thiện và ác và cổ tích".
Thủy Nguyên chia sẻ: "Nếu Thiện và Ác và Cổ tích là thế giới cổ tích dung dị thì ba cuốn sách trong “Câu chuyện dòng sông” là một chuỗi kiến thức về văn hóa vùng miền qua lời kể của sông.
Với những bé đang ở độ tuổi bắt đầu tập đọc, mình nghĩ sách là lựa chọn phụ huynh có thể tham khảo. Con sẽ được dẫn dắt qua các hành trình: tìm về nguồn gốc bí hiểm của sông, lịch sử vùng sông xưa, con người 2 bên bờ sông nước, sắc màu lễ hội,… Những trẻ lớn hơn, mình kỳ vọng các con sẽ say mê tìm về một trong những con sông nguồn cội, dòng sông lớn của đất Việt mến yêu.
Dù rằng thiên nhiên, môi trường đang kêu cứu, nhưng hãy cứ nghe sông kể về hành trình đẹp đẽ nơi mình đi qua, để thêm yêu và thêm ý thức giữ gìn, bảo vệ, thêm tình yêu dành cho thiên nhiên và con người 3 vùng miền trên mảnh đất hình chữ S".