Kiến trúc Nhật Bản đã luôn nổi tiếng với sự thông minh trong cách tận dụng không gian. Với những quy luật nghiêm ngặt về quy hoạch đất cũng như giới hạn về diện tích đất, đặc biệt ở khu đô thị, các kiến trúc sư phải đối diện với những thách thức không nhỏ và cũng là tiềm năng để họ thể hiện sức sáng tạo vô hạn của mình. Sau đây là những thiết kế nhà ở và các công trình sáng tạo nổi bật với sự tối giản và hiện đại tại Nhật được thiết kế bởi các kiến trúc sư địa phương cũng như những công ty quốc tế.
Là dự án dân cư mới nhất của “Not Architect Studio”, dự án “The Weather House” tọa lạc ở góc đường trong khu ngoại ô Tokyo. Tách biệt hẳn với xu hướng kiến trúc tối giản của nhà ở Nhật Bản, xung quanh tòa nhà là thanh dầm chữ I thép mỏng kết nối với nhau bởi những hàng rào lưới bao trùm cả công trình. Đặc biệt, hàng rào này sẽ sớm được lấp đầy bởi những hàng cây leo xanh mướt, hài hòa với khu công viên đô thị gần đó.
Người kiến trúc sư miêu tả công trình “vừa là một công viên vừa là lối đi bộ.” Nằm cách một công viên mát mẻ vài bước chân, mục tiêu thiết kế là biến căn nhà thành một phần của không gian xanh đó. Những bậc thang bổ sung không chỉ để di chuyển giữa các tầng mà còn đóng vai trò chăm sóc cây xanh và những hàng dây leo để chúng phát triển, bám vào lớp hàng rào lưới xung quanh lên đến tận khu vườn trên mái, đưa không gian xanh hòa làm một với không gian sống bên trong.
Bằng cách này, không gian căn nhà cũng sẽ thay đổi theo từng mùa trong năm, tạo thêm cảm giác thư giãn, hài hòa với thiên nhiên. Ngoài ra, công trình này còn có nhiều không gian, cả kín và mở, để đảm bảo người sống bên trong luôn có sự riêng tư cần thiết. Công ty Not Architects có trụ sở chính tại Tokyo và được thành lập bởi Tetsushi Tominaga, Lisa Ono và Aoi Nahata. Riêng Tominaga còn có một studio nữa của riêng mình, Tetsushi Tominaga Architects & Associates.
Steel Frame house (Reiichi Ikeda Design)
Một căn nhà khung thép tại Tamatsukuri, Osaka, vừa trải qua một đợt trùng tu tối giản bởi công ty Reiichi Ikeda Design. Căn nhà dành cho một gia đình Nhật Bản không chỉ được thiết kế lại để có vẻ ngoài ấn tượng - gam màu xám nhạt tinh tế và hiện đại - mà không gian bên trong còn được làm lại hoàn toàn theo hướng tối giản.
Nằm trên một con đường rộng rãi và xô bồ của thành phố, căn nhà ban đầu có rất nhiều lợi thế cũng như bất lợi. Những điểm mạnh có thể kể đến là lượng ánh sáng tự nhiên dồi dào mà khu vực này có, một yếu tố mà các kiến trúc sư đã tận dụng tối đa bằng cách lắp đặt một cửa kính cách nhiệt cỡ lớn để đón ánh nắng ấm áp từ phía bắc. Những bất lợi có thể kể đến là chất lượng tòa nhà - nó không có đủ cách nhiệt để đảm bảo nhiệt độ ổn định bên trong, dẫn đến việc hệ thống sưởi ấm bị lạm dụng và kém chất lượng về mặt bền vững. Đội ngũ kiến trúc đã khắc phục điều này bằng cách cải thiện độ cách nhiệt cũng như chặn những ô cửa kính không hiệu quả (vai trò của chúng được thay thế bằng tấm kính cách nhiệt bên trên).
Đối với phần nội thất, kiến trúc sư Reiichi Ikeda thể hiện sở trường của mình khi đan xen những yếu tố mềm mại và cứng cáp với nhau. Lớp bề mặt bê tông thô khan được cân đối với những chi tiết gỗ gam màu tự nhiên và lớp màn cửa trắng bán trong suốt tinh tế. Bên cạnh đó ông còn cẩn thận chọn những sản phẩm nội thất và tác phẩm nghệ thuật để tạo thêm màu sắc và cảm xúc rải rác khắp căn nhà.
Nhìn chung, những gam màu nhẹ nhàng đã mang đến không gian nội thất tối giản, mát mẻ - mang đến cảm giác thư thả giữa lòng thành phố Osaka xô bồ, trở thành một “thánh địa” cho gia đình mỗi buổi tối trở về nhà. Trong khi đó, cấu trúc hình khối của căn nhà cũng mang đến vẻ ngoài đương đại nhưng vẫn thể hiện vai trò nhà ở, hài hòa với khu dân cư xung quanh.
Terada House (Naoki Terada)
Ngay trước khi bước vào căn nhà của kiến trúc sư người Nhật Naoki Terada tại khu dân cư Suginami ở Tokyo, bạn đã có thể cảm giác rằng căn nhà này (cũng như người chủ của nó) có điều gì đó đặc biệt. Đón tiếp bạn ở cổng vào là một bản sao chép của giao diện HAL 9000 từ bộ phim kinh điển ra mắt năm 2001 của Stanley Kubrick: A Space Odyssey, được lập trình để hoạt động như một chuông gọi cửa tiện dụng.
Gần như có thể thấy sự viễn cảnh tương lai của thập niên 60 qua căn nhà độc đáo này. “Tôi thích cái cách mọi người từng hướng đến tương lai với sự hào hứng. Trong khi ngày nay khi nhắc đến tương lai, họ thường nghĩ đến một bức tranh tăm tối hơn với vô vàn vấn đề về khí hậu, xã hội,” Terada chia sẻ.
Màu sắc rực rỡ và xu hướng thập niên 50 và 60 phủ đầy tầng đầu tiên của căn nhà. Chiếc ghế “Tulip” kinh điển năm 1956 của Eero Saarinen và chiếc bàn cẩm thạch cỡ lớn chiếm vị trí trung tâm ở tầng trệt, bên cạnh đó còn có chiếc sofa module đa sắc được Terada thiết kế riêng cho nhà mình. Nổi bật phía trên bậc cầu thang là tác phẩm sắp đặt đỏ rực “Living Tower”, thực hiện bởi nhà thiết kế Verner Parton năm 1969, tương phản mạnh mẽ với bức tường vàng chói phía sau.
“Tôi muốn xây một căn nhà nơi bạn sẽ luôn cảm thấy vui vẻ. Đối với tôi điều đó quan trọng hơn là chỉ tạo một không gian thư giãn,” người kiến trúc sư chia sẻ. Với bảng màu rực rỡ, màu tường tương phản khéo léo cùng với những thiết kế nội thất kinh điển được chọn lọc cẩn thận, chắc chắn rằng căn nhà này sẽ luôn tạo cảm xúc tích cực cho bất kì ai may mắn được ghé thăm.
House in Kyoto (07BEACH)
Căn nhà gỗ ấm cúng này được thiết kế cho một cặp đôi và ba người con của họ ở vùng phía nam Kyoto. Khách hàng đã chọn thiết kế không gian mở vì yêu thích sự đơn giản cũng như tiện lợi cho việc chăm sóc những đứa trẻ. Bên cạnh đó, vì không gian giới hạn và tầm nhìn bị khuất bởi những căn nhà hàng xóm, việc sắp đặt một khuôn viên sân vườn giữa nhà cũng thêm phần hiệu quả về mặt ánh sáng nhận được.
07BEACH còn trồng thêm một cây non giữa phòng khách cao 2 tầng, thứ sẽ lớn lên cùng những đứa trẻ theo thời gian. Trong khi đó, ở tầng trệt, phòng khách và phòng ngủ trẻ con sẽ có cửa kính trên đầu nhằm đón ánh sáng tự nhiên cũng như làm nổi bật phần bề mặt gỗ ấm áp.
Sakaushi House (Taku Sakaushi)
Căn nhà hoàn thiện năm 2019 được thiết kế bởi kiến trúc sư Taku Sakaushi dành cho chính mình và vợ ông.Với diện tích đất khiêm tốn 50 m2, bên cạnh đó còn phải đối diện với những quy luật nghiêm khắc về quy hoạch, trong đó giới hạn các tòa nhà chỉ có tối đa ba tầng và một tầng hầm dưới đất.
Ông đã dành thời gian nghiền ngẫm thiết kế của mình, thứ được ảnh hưởng bởi kinh nghiệm kiến trúc dày dặn mà ông đã viết trong quyết sách xuất bản năm 2010 mang tên “Architecture as Frame (Sankeisha)” cũng như học hỏi từ căn “House in Uehara” thiết kế bởi Kazuo Shinohara, người thầy đáng kính của ông.
Đối với thiết kế này, Sakaushi dựa trên 2 triết lý chính: “Kiến trúc nên tính đến “ sự chuyển động” và “sự lắng đọng” và “Kiến trúc nên có không gian Alpha,” tức là không gian công cộng trong đó cả chủ và khách có thể đi giày vào bên trong (điều rất bất thường ở Nhật) và dành thời gian tại đó. Để tận dụng tối đa không gian sẵn có, người kiến trúc sư đã phải tính đến vị trí của “không gian Alpha” trước. Ông đã quyết định đặt nó ở tầng trệt, và chuyển phòng khách lên tầng trên cùng để tạo cảm giác thư giãn với lượng ánh sáng tự nhiên dồi dào. Không gian làm việc - gồm một phòng nghiên cứu và phòng viết thư pháp cho vợ - được đặt ở tầng giữa.
Tiếp theo, để tạo “sự chuyển động”, Sakaushi đã không đẩy cầu thang vào một góc như cách thường thấy ở những căn nhà diện tích nhỏ. “Sự chuyển động của người ở là một thành tố quan trọng cấu thành nên căn nhà. Tôi tin rằng căn nhà sẽ mang đến nhiều năng lượng hơn nếu chúng tôi có thể di chuyển một cách thoải mái và hài hòa theo dòng chảy chuyển động của tòa nhà.”
Bên cạnh đó, việc tạo nên những “sự lắng đọng”, hay những “phong cảnh” trong khi chuyển động cũng quan trọng đối với Sakaushi. Phần nội thất được thiết kế sao cho tầm nhìn của người trong nhà có thể được phóng ra xa nhất có thể, mang đến sự thư giãn và năng động hơn trong hoạt động sống thường nhật. “Trong khi ngồi trên sofa ở tầng hầm, tôi có thể thấy phòng nghiên cứu mình qua một cái lỗ trên tường. Đứng ở cửa vào, tôi có thể thấy tầng hầm thông qua dãy bậc thang kết nối cửa vào và tầng hầm. Ngồi trên bậc thang dẫn đến phòng nghiên cứu của mình từ cửa, tôi có thể thấy một căn nhà nằm bên kia đường thông qua cổng vào. Trong lúc đi lên tầng 2, tôi lại có thể nhìn lên sân vườn trên mái hiên thông qua cửa kính phòng tắm,” người kiến trúc sư chia sẻ vài ví dụ. Thực chất việc phóng tầm nhìn ra xa đã được khoa học chứng minh là giúp thư giãn đôi mắt, cũng như việc phong cảnh thay đổi theo thời gian cũng sẽ luôn tạo sự tươi mới trong trải nghiệm thường nhật.
Với những bậc thang đặt khắp nơi, Sakaushi còn nửa đùa nửa thật thừa nhận rằng căn nhà này có thể đóng vai công cụ tập thể dục rất hiệu quả.
Nguồn: Wallpaper - Bài dịch: Fashionnet, Hình: ArchDaily