Tiếp nối phần 1, sau đây là danh sách những thiết kế kiến trúc Nhật Bản hiện đại đã khéo léo vận dụng sự sáng tạo để hài hòa với môi trường xung quanh, tạo nên vẻ ngoài độc đáo và thực hiện hoàn hảo chức năng của một ngôi nhà.
House in Toyonaka ( FujiwaraMuro Architects)
Sự riêng tư là trọng tâm trong yêu cầu khách hàng dành cho căn nhà bê tông này tại Toyonaka. Để có lượng ánh sáng tự nhiên tối ưu mà không để lộ quá nhiều không gian bên trong, đôi ngũ FujiwaraMuro Architects đã lắp đặt một khu vực “bắt nắng” kéo dài từ mái nhà đến nhà kho ở tầng trệt, xuyên qua qua không gian nhà bếp/phòng khách ở tầng 1. Thêm một đường cắt dọc giữa hai bên mặt tiền và một đường cắt ngang phía trên nhà kho tạo nên phong cảnh ấn tượng hướng ra bầu trời và đường phố, đồng thời nhận thêm lượng ánh sáng cần thiết cho hoạt động hằng ngày.
Nằm trong một khu dân cư đông đúc với những dãy nhà san sát nhau, những đường cắt này vừa đảm bảo sự riêng tư của hộ gia đình, vừa tạo điều kiện để họ nhận thức được thời gian thông qua sự thay đổi của ánh sáng xuyên suốt một ngày. Bên cạnh đó, chúng còn là hệ thống thông gió hiệu quả, không tạo cảm giác ngột ngạt cho dù không có bất kì cửa sổ nào hướng ra đường phố. Ánh nắng mặt trời phủ sáng lớp bê tông và gỗ bên trong, tạo nên một khung cảnh yên bình, thư giãn ở khu vực tiếp khách ở tầng 1 và phòng ngủ ở tầng trệt.
Stone House (Hiroshi Sambuichi)
Tọa lạc ở giao lộ của ba tỉnh (Hiroshima, Yamaguchi và Shimane), căn nhà “Stone House” hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh nó. Kiến trúc sư Hiroshi Sambuichi luôn tự hào với khả năng thiết kế sử dụng những vật liệu tự nhiên và tái chế. “Stone House” là một kiệt tác tối giản với khả năng chống chịu mùa đông lạnh giá địa phương, khi mà nó bị dồn dập bởi những cơn gió bão táp và chìm ngập trong tuyết. Đồng thời nó cũng phải đảm bảo độ mát mẻ vào những mùa hè nóng nực. Sambuichi đã chọn phương pháp rất sáng tạo là phủ căn nhà dưới một lớp đá vững chải, được thu thập từ dòng sông gần đó. Vào mùa đông, “tấm mền” bằng đá này sẽ bảo vệ căn nhà khỏi cơn bão tuyết, đến mùa hè chúng vẫn có thể kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm bên trong.
Tầng trệt và cửa vào của căn nhà được đặt chung độ cao với lớp đá. Mái nhà là một lớp kính dốc được nâng đỡ bởi những thanh gỗ mỏng tinh tế, đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho hộ gia đình vào ban ngày. Để giảm thiểu số lượng vách ngăn không cần thiết, Sambuichi đã sắp đặt khu vực phòng ngủ cho khách - theo truyền thống sẽ là một gian phòng tách biệt - nằm trong không gian chung của căn nhà. Theo truyền thống Nhật Bản, đồ trang trí nội thất sẽ không quá xa xỉ. Anh đã sử dụng những loại vật liệu tự nhiên, bao gồm gỗ và đá vôi, để tạo không gian nội thất đơn giản và hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng như đa số căn nhà Nhật Bản hiện đại khác, còn có một phòng “washitsu” - một căn phòng trải bạt tatami truyền thống. Cuối cùng, khu vực sân hiên trong nhà bao quanh bởi cửa kính vừa là nơi tắm nắng vào mùa đông, khu vực phơi đồ vào mùa mưa và đồng thời là không gian hoàn hảo cho những bữa tiệc vào mùa hè.
Hiroishi Sambuichi nổi tiếng với những thiết kế cấp tiến, luôn ưu tiên sử dụng vật liệu bền vững và hạn chế tối đa việc sử dụng các hệ thống làm ấm và điều hòa. “Chúng ta đã đến giai đoạn phải theo đuổi mối quan hệ thông minh hơn với môi trường xung quanh,’ anh chia sẻ với tờ Wallpaper. “Mục tiêu là không để lại bất kì hợp chất nhân tạo này lại trên mặt đất.” Thậm chí với mỗi thiết kế anh luôn tính đến thời điểm khi nó bị dỡ bỏ - một hiện tượng thường thấy ở Nhật Bản - để đảm bảo rằng nó sẽ để lại ít rác thải nhất có thể khi không còn tồn tại. Một lý tưởng đầy thách thức - thậm chí là bất khả thi - nhưng người kiến trúc sư Nhật Bản luôn nỗ lực mỗi ngày.
Rokko house (Yo Shimada)
Đội ngũ Tato Architects đã thiết kế căn nhà Rokko House trên sườn núi thành phố Kobe ở phía Bắc Nhật Bản. Tọa lạc ở khu vực đồi núi, máy móc hạng nặng không thể được sử dụng vì thế bắt buộc đơn vị thi công phải đào đất một cách thủ công để đặt nền móng, và họ cũng phải mang từng thanh thép lên để lắp thành bộ khung cho căn nhà. Công trình hoàn thiện gồm 2 tầng với tầng trệt bao quanh bởi cửa kính cách nhiệt và tầng trên sử dụng những tấm kim loại để đảm bảo độ riêng tư.
Khu vực tầng dưới bao gồm phòng khách, phòng ăn cũng như nhà vệ sinh cho khách và nhà kho. Không gian tầng dưới thông thoáng, hài hòa với môi trường xung quanh đồng thời cũng đủ riêng tư để những người dân bên dưới đồi không nhìn thấy được, tạo nên một khu vực lý tưởng cho những hoạt động giải trí. Tầng trên được lắp đặt cửa sổ và cửa kính để tạo nên một hệ thống thông gió tự nhiên. Ngoài ra còn có hệ thống trữ nhiệt trong lớp sàn bê tông tầng trệt và lớp phim giữ ấm hồng ngoại ở sàn nhà tầng trên để đảm bảo độ ấm cần thiết trong nhà. Vào mùa hè, phần mái hiên và ban công sẽ đóng vai trò ngăn cản ánh sáng mặt trời, còn những cơn gió thoang thoảng từ ngọn núi Rokko sẽ là hệ thống điều hòa tự nhiên hiệu quả.
Kiến trúc sư người Nhật Yo Shimada thành lập văn phòng của mình, Tato, vào năm 1997 và đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều thiết kế công trình dân cư trước khi nhận dự án Rokko. Tuy không được qua đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng tại Nhật Bản nhưng các công trình của ông luôn có sự hài hòa với môi trường xung quanh cũng như trở thành điểm nhấn để nâng tầm chính địa điểm đó.
Pettanco House ( Yuji Tanabe Architects)
Với những giới hạn về mặt tài chính, kiến trúc sư Yuji Tanabe và đội ngũ của ông đã định hướng căn Penttanco House là một không gian mở hiện đại với mái thấp và những chi tiết tối giản. Tòa nhà nằm ở khu vực đồi núi Matsumoto, nơi còn được biết đến là dãy Alps của Nhật Bản và nổi tiếng với ngành gỗ phát triển mạnh mẽ từ thời Edo.
Sử dụng nhiều chất liệu gỗ từ địa phương, trong đó có gỗ tùng Nhật Bản được sử dụng làm khung tòa nhà, quá trình thi công còn được góp sức bởi chính tay người chủ - cũng là một thợ gỗ mỹ nghệ địa phương - để đặt dấu ấn của riêng mình lên phần cửa vào, mái hiên và những cột đỡ. Kiến trúc 2 tầng được tính toán theo đơn vị ken - một đơn vị thường được sử dụng trong ngành kiến trúc Nhật Bản (1 ken tương đương với 1.82m).
Thiết kế hoàn thiện là một không gian đa chức năng đáp ứng nhiều nhu cầu cùng một lúc. Nó vừa là một căn nhà gia đình thực tiễn và rộng rãi, với hai căn phòng ngủ và một phòng tắm tầng trệt nằm ở mặt sau của tòa nhà, vừa bao gồm cả xưởng làm việc ở tầng 1. Đồng thời, khu vực mặt tiền của tầng trệt được trưng dụng làm không gian trưng bày những tác phẩm mỹ nghệ của người chủ; cả phòng bếp và phòng khách của gia chủ cũng được đặt tại khu vực này. Căn nhà có 2 lối vào tách biệt, một ở phía nam chủ yếu dành cho khách hàng và một ở phía tây dành cho các thành viên gia đình.
Phần mái hồi của căn nhà được lắp đặt một cửa mái cỡ lớn để phủ đầy không gian làm việc với ánh sáng và không khí tự nhiên. Ngay bên dưới, ở phần trung tâm của công trình, là lò sưởi của gia đình, một giải pháp vừa tiết kiệm vừa bền vững để cung cấp độ ấm cần thiết cho một không gian mở diện tích lớn .
Window House (Muji)
Tọa lạc ở thành phố biển Kamakura, cách 30 dặm về phía Tây Bắc của Tokyo, thiết kế của căn Window House được lấy cảm hứng từ phiên bản “Muji house” do kiến trúc sư Kengo Kuma thực hiện vào năm 2008. Window house nằm trên mảng đất rộng 80m2, cao 2 tầng và được thiết kế để đảm bảo độ linh hoạt nhằm đáp ứng những yêu cầu về quy hoạch khi cần. Với không gian mở và những chi tiết nội thất trắng tối giản, kết cấu căn nhà được truyền cảm hứng bởi nhà nông thôn truyền thống của nước Anh. Ở mọi mặt của căn nhà đều có cửa sổ. Bằng cách xóa bỏ đi phần khung nhà, những ô cửa sổ tạo nên sự “trơn tru” mà Muji hướng đến, đồng thời cũng khéo léo đón ánh sáng, đóng vai trò thông gió và cung cấp góc nhìn hướng ra sân vườn phía trước.
Muji bắt đầu tham gia lĩnh vực nhà làm sẵn vào năm 2014 với thiết kế “Vertical House” - cung cấp một giải pháp thông minh, gọn gàng để vừa vặn trong khu đô thị đông đúc của Nhật Bản. Các thiết kế sau này đã từng được trưng bày trong Tuần lễ Thiết kế Tokyo. Tuân theo cốt lõi thương hiệu là tiết kiệm vật liệu và chi phí, các thiết kế làm sẵn của công ty luôn bám theo những ý tưởng được viết trong quyển “Super Normal: Sensation of the Ordinary” chắp bút bởi Morrison và Fukasawa vào năm 2008. Quyển sách xoay quanh ý tưởng rằng những thiết kế đơn giản, minh bạch được làm sẵn xứng đáng được hoan nghênh và thiết kế về cơ bản chỉ là sáng tạo ra những thứ làm tốt chức năng của mình và mang lại niềm vui cho người sử dụng.
Nguồn: Wallpaper - Bài dịch: Fashionnet
Hình: ArchDaily