Vnluxury

Linh thiêng đền Mẫu Đông Cuông

Đền Đông Cuông tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm dọc sông Hồng. Đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023...

Đền Đông Cuông tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng. Ngôi đền còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Đầu năm đi lễ hội đền Đông Cuông

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Ở đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…là những người từng lãnh đạo nhân dân nơi đây chống giặc Mông - Nguyên, bị tử trận. Ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên: “Những ngày đầu xuân này, du khách thập phương về huyện Văn Yên không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc mà còn để tham dự lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng. Về đây, du khách như được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co… Lễ hội đền Đông Cuông là lễ hội mang đậm nét văn hoá tâm linh, và cũng có ý nghĩa khơi dậy truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc ta.”

Quảng cáo

Ngày chính hội diễn ra nhiều nghi lễ đặc biệt và các hoạt động đặc sắc với nhiều nghi lễ đặc trưng, nhiều lễ hội độc đáo, mang đậm nét văn hóa tâm linh, huyền tích, linh thiêng.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh". Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Lễ hội đền Đông Cuông là lễ hội văn hóa tâm linh, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ hội đền Đông Cuông lại được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới với phần lễ được tổ chức tại đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống như: đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương; Phần hội đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền… Bên cạnh đó, du khách thập phương đến hành hương, chiêm bái trong dịp này còn được tham gia các hoạt động trong phần hội như: thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc, xe thư viện lưu động và tham quan mua sắm tại các gian hàng chợ quê và tham quan gian trưng bày báo xuân của Hội Nhà Báo tỉnh Yên Bái.Trên mảnh đất linh thiêng này, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên cùng muôn dân trăm họ từ mọi miền của Tổ quốc về đây để tỏ lòng thành kính dâng lên Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và các vị thần linh, các anh hùng, nghĩa sỹ phù hộ, chở che để muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Ngoài lễ hội đầu năm, đền Đông Cuông còn tổ chức 1 lễ hội cơm mới vào tháng 9 âm lịch.

Hầu đồng tại đền Mẫu Đông Cuông

Đồng chí Lã thị Liền - Phó chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban quản lý di tích lịch sử quốc gia đền Đông Cuông cho biết: “Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023 sẽ được huyện Văn Yên tổ chức trong 02 ngày, mùng 01, mùng 02/02/2023 (tức ngày 11 và ngày 12 tháng Giêng năm Quý Mão). Ngày chính hội diễn ra nhiều nghi lễ đặc biệt và các hoạt động đặc sắc với nhiều nghi lễ đặc trưng, nhiều lễ hội độc đáo, đó là Khai mạc Lễ hội với Chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc; Nghi lễ mổ trâu truyền thống tại cây Mít cổ thụ trước cửa Đền chính - Đền Đông Cuông; Lễ tế trâu cả con tại Đền chính - Đền Đông Cuông; Lễ dâng Chúc văn trước cửa Đền chính - Đền Đông Cuông; Nghi lễ rước Mẫu sang Sông; Nghi lễ cúng chính tiệc; Bên cạnh các nghi lễ theo truyền thống, tại Lễ hội đền Đông Cuông năm nay, huyện Văn Yên tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống như: bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, ném còn, vật dân tộc, đu tiên, bịt mắt bắt vịt…”

Từ lâu đền Đông Cuông đã trở thành điểm đến trên hành trình tìm về cội nguồn, du xuân đầu năm của đông đảo du khách thập phương.Thời điểm này, hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng lần lượt dâng hương lễ Mẫu, cầu mong những điều may mắn sẽ đến với đất nước, gia đình, người thân, bạn bè… Đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội.

Tự hào là mảnh đất mang dấu tích linh thiêng, nơi Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn tọa lạc, che chở; đồng thời nhận thức rõ giá trị văn hóa và ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội hàng năm nên huyện Văn Yên cũng như Ban quản lý di tích và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên luôn nỗ lực để mang đến cho du khách và nhân dân một lễ hội trang trọng, chu đáo, văn minh, đảm bảo an toàn và thân thiện.Trong tâm thức của người dân nơi đây, đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn đã gắn liền với sông núi, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho đồng bào các dân tộc trong vùng qanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành, hạnh phúc./.

Đoàn Tuấn - Thu Nhài
Nguồn vietnamhoinhap.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm