Vnluxury

LVMH bị soán ngôi vị số 1

Hermès vươn lên vị trí dẫn đầu tại thị trường thời trang cao cấp. Đồ hoạ: Linh Vũ.

LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co. và chuỗi mỹ phẩm Sephora, vừa đánh mất vị thế công ty xa xỉ có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu.

Theo CNBC, giá cổ phiếu LVMH giảm 7% trong phiên giao dịch ngày 9/4, kéo vốn hóa thị trường xuống còn 246 tỷ EUR, thấp hơn 1 tỷ EUR so với đối thủ Hermès.

Các nhà mốt ‘đổi ngôi’

Quá trình “đổi ngôi” này diễn ra sau khi LVMH công bố kết quả kinh doanh quý I không đạt kỳ vọng. Doanh thu mảng mỹ phẩm và rượu cognac tại thị trường Mỹ giảm, trong khi sức mua tại Trung Quốc tiếp tục yếu, dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi của ngành xa xỉ toàn cầu.

“Diễn biến thị trường phản ánh sự khác biệt về hiệu suất kinh doanh và kỳ vọng của nhà đầu tư giữa 2 công ty,” Jelena Sokolova, chuyên gia phân tích tại Morningstar, nhận định.

Sokolova cho rằng Hermès có lợi thế hơn nhờ nhóm khách hàng trung thành với khả năng chi tiêu cao. Trong khi đó, LVMH tiếp cận nhiều đến phân khúc xa xỉ tầm trung - phân khúc dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Screen_Shot_2025_04_15_at_16.30.jpg

Hermès vượt qua LVMH, vươn lên dẫn đầu ngành hàng xa xỉ trên thế giới. Ảnh: Hermès.

Hermès nổi tiếng với những chiếc túi Birkin và Kelly trị giá hơn 10.000 USD. Thương hiệu này luôn giữ chiến lược kiểm soát sản lượng chặt chẽ, chỉ tăng khoảng 6-7% mỗi năm. Chính sự giới hạn nguồn cung này giúp Hermès duy trì giá trị và ít bị ảnh hưởng hơn khi nhu cầu chung sụt giảm.

Ông Flavio Cereda, người điều hành chiến lược đầu tư vào các thương hiệu xa xỉ tại GAM, nhận xét việc Hermès vượt LVMH là điều tất yếu xảy ra trong giai đoạn hậu Covid-19. Các hãng thời trang như LVMH từng hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt sau đại dịch, nay bắt đầu đối mặt với thực tế mới.

“Đây chắc chắn là giai đoạn khó khăn trong tương lai gần,” ông Cereda nói. Ông cho rằng việc Louis Vuitton tập trung vào các dòng sản phẩm thuộc phân khúc xa xỉ tầm trung khiến LVMH chịu nhiều ảnh hưởng hơn khi nhu cầu tiêu dùng yếu đi.

Quảng cáo

Ngành xa xỉ gặp khó

Đà lao dốc của LVMH cũng kéo theo toàn ngành hàng xa xỉ. Cổ phiếu Kering - công ty mẹ của Gucci - giảm 2%, Hermès giảm 0,3%, Richemont (sở hữu Cartier) giảm 0,7%, còn Prada giảm 4,2%.

491440446_18516517936035121_444570730665022887_n.jpg

Thương hiệu Louis Vuitton thuộc tập đoàn LVMH tập trung khai thác phân khúc xa xỉ tầm trung, gặp khó trong bối cảnh hiện tại. Ảnh: Louis Vuitton.

Việc doanh thu quý I của LVMH giảm 3%, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 2%, càng củng cố dự báo ảm đạm cho ngành. Theo chuyên gia Piral Dadhania từ RBC, môi trường kinh doanh hiện tại trở nên “khó khăn hơn nhiều” với toàn ngành hàng xa xỉ. Ông hạ dự báo tăng trưởng doanh thu của LVMH từ 3% xuống mức bằng 0 trong năm nay.

Trước đó, giới đầu tư kỳ vọng thị trường xa xỉ sẽ phục hồi trong năm nay. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại toàn cầu sau chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những lo ngại về bối cảnh kinh tế ảm đạm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Deutsche Bank nhận định những dấu hiệu tích cực cuối năm 2024 chỉ là nhất thời, khi doanh thu mảng thời trang và đồ da - “trái tim” của LVMH với các thương hiệu như Louis Vuitton và Dior - đã giảm 5%.

Cổ phiếu ngành xa xỉ giảm mạnh kể từ cuối tháng 3. Cụ thể, LVMH, Kering và Burberry cùng giảm 14%, Richemont giảm 13%, còn Hermès giảm 5%.

Mới đây, Bernstein cũng điều chỉnh dự báo doanh thu của toàn ngành hàng xa xỉ trong năm nay từ tăng 5% xuống giảm 2%. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là giai đoạn suy thoái kéo dài nhất của ngành trong hơn hai thập kỷ qua.

Cơn địa chấn thuế quan Mỹ khiến thị trường xa xỉ lao dốc

Trước bối cảnh căng thẳng thuế quan Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, các chuyên gia dự báo ngành hàng xa xỉ toàn cầu sẽ phải chờ đến năm 2026 mới có thể phục hồi.

14:05 16/4/2025

Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng

Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.

Nguồn https://lifestyle.znews.vn/lifestyle-style.html Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm