Nét đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng đặc sắc tại cung điện Potala
Cung điện Potala và những dấu ấn Phật giáo Tây Tạng đặc sắc
Cung điện Potala nằm ở Lhasa, thủ đô truyền thống và thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Đây từng là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lưu vong sang Dharamsala, Ấn Độ sau khi quân Giải phóng Nhân dân xâm nhập Tây Tạng vào năm 1959.
Ngày nay cung điện Potala là một bảo tàng lịch sử và là một Di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1994. Tên của nó được đặt theo ngọn núi Potalaka là nơi ở huyền thoại của Quán Thế Âm Bồ Tát. Cung điện Potala được xây dựng vào năm 637, để đánh dấu mốc cuộc hôn nhận của vua Tùng Tán Cán Bố và công chúa Văn Thành, vị vua vĩ đại này đã cho xây dựng một cung điện nguy nga và đồ sộ.
Cung điện Potala đã bị phá hủy hầu hết vào thời Trung cổ và đến năm 1654 mới được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, Lozang Gyatso cho trùng tu và xây dựng cung điện Potala trên nền tảng của một cung điện khác trên Đồi Đỏ. Phải mất thêm hơn 50 năm công trình mới hình thành quy mô như ngày nay.
Cung điện Potala có hai nhà nguyện ở góc phía tây bắc để bảo tồn các khu vực còn lại của cung điện ban đầu. Một là nhà nguyện Phakpa, nhà nguyện còn lại có tên Chogyel Drupuk và là hang thiền định của Songsten Gampo. Cung điện Potala sở hữu vị trí trung tâm khi nằm giữa các tu viện Drepung và Sera.
Đến thăm quần thể cung điện này, du khách sẽ lần lượt tham quan ba công trình kiến trúc tiêu biểu là cung điện mùa đông Potala, đền Jokhang và cung điện mùa hè Norbulingka. Các tòa nhà được xây dựng bằng gỗ và đá, lối kiến trúc nổi bật cho phong cách Phật giáo Tây Tạng, mang đậm nét ảnh hưởng Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal.
Nằm trên đỉnh Hồng Đồi (Marpori) hướng ra thung lũng Lhasa, cung điện Potala cao 170m, từ Đông sang Tây có chiều dài 360m, chiều rộng theo trục Bắc – Nam là 270m. Công trình gồm 13 tầng, bên trong chia thành hơn 1.000 căn phòng nhỏ. Tọa lạc ở độ cao 3.600m so với mực nước biển. Nơi này được xem là cung điện đồ sộ và nguy nga bậc nhất trong tất cả các kiến trúc cung điện ở Tây Tạng.
Người dân đến cầu nguyện trước cung điện.
Cung điện Potala gồm ba phần: khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi và khu hồ phía sau núi. Khu cung thành có ba cửa, cửa Đông, cửa Nam và Tây cùng hai gác lầu, nơi đặt các cơ quan quản lý phục vụ cung thành, như viện in kinh sách, nơi ở của các quan viên, tăng ni. Leo hết con đường bằng đá là tới khu cung thất trên đỉnh núi.
Kiến trúc bên trong.
Cung điện Potala lưu trữ 698 bức tranh tường, gần 10.000 cuộn tranh cùng nhiều tác phẩm điêu khắc và một bộ sưu tập tài liệu lịch sử quan trọng. Nhiều hiện vật về Phật giáo và các báu vật cũng được tìm thấy trong khuôn viện, bao gồm các tác phẩm bằng vàng, kinh sách Phật giáo từ nhiều thế kỷ trước, đồ cổ Trung Hoa và những món quà tặng cho các nhân vật tôn giáo bởi các quan chức và hoàng đế. Những bức tượng điêu khắc hình sư tử tuyết canh gác lối ra vào của cung điện làm tăng thêm vẻ huyền bí cho nơi đây.
Các bức tranh được tìm thấy trong cung điện.
Các bức vẽ trang trí bên trong cung điện.
Cung điện Potala là một nơi thiêng liêng, chính người dân Tây Tạng ít khi gọi hẳn cái tên Potala. Họ thường gọi “đỉnh Potala” hay phổ biến nhất là “đỉnh”. Giờ đây, cung điện Potala được hoàn cải thành bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, không chỉ mang giá trị lịch sử, tôn giáo và kiến trúc lâu đời, đây còn là mái nhà của nhiều kho báu vô giá cũng như các tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại.