Mái nhà Thái Lan, nét kiến trúc truyền thống đặc trưng của đất nước Chùa Vàng
Kiến trúc có thể được xem là một ngôn ngữ của văn hóa, phản chiếu bối cảnh thiên nhiên và cuộc sống của con người của từng khu vực. Tại Thái Lan với khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của vùng Đông Nam Á và đạo Phật chiếm đa số, đã tạo nên một nét đặc trưng trong những công trình ở đó, dễ nhận biết nhất qua những mái nhà.
Mái nhà truyền thống của người Thái. Ảnh: rockyfordco
Mái nhà được xem là linh hồn của kiến trúc truyền thống Thái Lan với độ dốc cao đặc trưng,nhằm thích ứng với khí hậu nóng ẩm và nhiều mưa. Những lợi ích cụ thể của mái Thái là giảm nhiệt độ trong nhà vào mùa nắng, tối ưu hóa việc tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên và đảm bảo thoát nước nhanh chóng trong mùa mưa, thuận lợi cho việc tích trữ nước mưa cho sinh hoạt.
Mái Thái – một ví dụ điển hình khi kiến trúc trở thành công cụ điều hòa tự nhiên. Ảnh: Petrichor
Trong mùa mưa đỉnh điểm, Thái Lan hứng chịu lượng mưa với cường độ đo được trong một ngày lên đến 300mm. Để đảm bảo nước mưa thoát nhanh và không gây hại cho ngôi nhà, mái nhà được thiết kế với góc dốc ấn tượng, vượt quá 45o. Tuy nhiên, mái Thái vẫn có sự thay đổi hình dáng đôi chút để thích nghi với từng vùng miền. Thời tiết mát mẻ ở phía Bắc yêu cầu mái nhà có độ dốc nhỏ hơn và nằm ngang với cửa sổ. Trái lại ở miền Nam, nơi mùa mưa kéo dài, độ dốc thường lớn hơn để đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Mái nhà ở vùng đồng bằng trung bộ thường được xây dựng theo hướng Đông-Tây, giúp giảm lượng ánh nắng chiếu vào nhà và tận dụng tối đa luồng gió tự nhiên. Bên cạnh đó, việc xây dựng không trần cũng là một giải pháp thông minh giúp tạo điều kiện cho không khí nóng được dễ dàng thoát ra ngoài qua mái hiên.
Thời tiết ở miền Bắc Thái Lan phù hợp với kiểu mái có độ dốc nhỏ hơn. Ảnh: jorakay
Mái nhà ở phía Nam thường có độ dốc lớn để đứng vững trước mưa to, gió lớn. Ảnh: K-Property
Ở vùng đồng bằng trung bộ, mái nhà được xây dựng theo hướng Đông-Tây. Ảnh: iphotothailand
Ngoài sự khác biệt theo vùng miền, người ta còn phân loại mái Thái thành 4 loại chính dựa trên hình dáng của chúng:
- Mái chóp nhọn (Gabled roof): Là kiểu mái truyền thống, phổ biến ở khu vực trung tâm, với thiết kế lõm dốc đặc trưng, phù hợp với những cơn mưa ngắn nhưng dữ dội.
- Mái hình tháp (Hipped roof): Mang đậm dấu ấn của kiến trúc phương Tây, thường được sử dụng trong các công trình quan trọng như cung điện. Điểm nhấn của mái này là những tấm ván trang trí “panlom” ở đỉnh mái, thể hiện sự uy nghiêm và quyền lực.
- Mái hình tháp có đầu hồi (Hipped-gable roof): Phổ biến trong cộng đồng người Hồi giáo Thái, có thiết kế độc đáo với các mái dốc ở giữa, giúp tăng cường khả năng thông gió.
- Mái chóp nhọn đôi (Double-gable roof): Với hai mái khác nhau, kiểu mái này giúp bảo vệ ngôi nhà một cách tối ưu.
Kiểu đầu hồi của mái Thái góp phần tạo nên dấu ấn kiến trúc riêng. Ảnh: rawintanpin
Trong những công trình tôn giáo và hoàng gia, mái nhà cũng là một phần được chú trọng, về cấu trúc lẫn trang trí. Điểm chung của mái chùa Thái và cung điện là có nhiều tầng, nhiều chi tiết công phu và có tháp, tượng trưng cho trung tâm của vũ trụ, theo truyền thống gắn liền với quốc vương hoặc Đức Phật. Các nhà sử học đã phân loại các kiểu kiến trúc này dựa trên hình dạng của ngọn tháp, gồm có: Mondop, Prang, Monkut, Stupa, Phra Kiao.
Sảnh Ngai vàng Sutthaisawan Prasat trong Cung điện Thái Lan có phần mái chính giữa xây theo kiểu Mondop. Ảnh: Supanut Arunoprayote
Chùa Wat Phichai Yat với cấu trúc tháp Prang trên mái. Ảnh: Ice.thunchanok
Kiến trúc mái nhà Thái Lan đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Từ việc sử dụng vật liệu tự nhiên như ngói đất nung, gỗ tếch, gỗ dăm, lá cọ và cỏ khô cho những ngôi nhà dân cho đến những công trình kiến trúc đồ sộ, mái Thái vẫn luôn chứng minh được khả năng thích ứng tuyệt vời với điều kiện khí hậu nóng ẩm và nhiều mưa. Ngày nay, nó vẫn là một biểu tượng cho văn hóa nói chung và kiến trúc nói riêng của xứ sở Chùa Vàng vẫn được những kiến trúc sư nơi đây lấy cảm hứng cho những tòa nhà hiện đại.
Một tòa nhà của trường Vajiravudh do 49Group thực hiện. Ảnh: 49Group
Nhà hàng Keeree Tara do văn phòng IDIN Architects thiết kế. Ảnh: DOF Sky|Ground