Những hoạt động trực tuyến đã phát triển rực rỡ giữa thời đại công nghiệp 4.0 như Zoom, Coursera, Spotify, và đặc biệt lượng đăng ký tài khoản Netflix tăng vọt trong mùa giãn cách bởi Covid-19 trên toàn thế giới.
Hàng trăm đầu phim đa dạng của Netflix, khán giả sẽ được thăng hoa cảm xúc với những bộ phim chính kịch hoặc được giải phóng lượng adrenaline trong cơ thể với những thước phim hành động. Tuy nhiên có những poster vẫn âm thầm tỏa sáng giữa hàng loạt danh sách gợi ý, một cái click chuột vào phim sẽ là liều thuốc giải hoàn hảo trong mùa đại dịch: một cảm giác dễ chịu, thoát ra sự hoảng sợ để bước vào thế giới thiên nhiên hùng vĩ... Và sau khi xem ta sẽ thay đổi hoàn toàn nhận thức về hành tinh mà ta đang sống.
Nguồn: InternetOur Planet (2019)
Để hoàn thiện công trình 8 tập phim đồ sộ với sự đóng góp của hàng trăm cá nhân, nhà sản xuất đã trải qua hơn 3.500 ngày gặp gỡ, làm việc cùng các nhà bảo tồn và thực hiện hành trình quay phim để vẽ lên một bức tranh toàn diện - chi tiết về hệ sinh thái trên Trái Đất.
Nguồn: InternetBộ phim đã đoạt giải Emmy nhờ đội ngũ ekip công phu. Những khoảnh khắc thiên nhiên được nắm bắt đúng thời điểm, mang đến cái nhìn cận cảnh sắc nét về các loài động vật trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Bất kể hệ sinh thái nào: đại dương, lãnh nguyên Siberia, vùng khắc nghiệt băng giá hay rừng nhiệt đới đầy mưa gió…, tất cả đều bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu và các hoạt động con người gây ra.
Không quá nặng trĩu với đề tài phim tư liệu, Our Planet tinh tế đắm chìm khán giả trong vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nhưng đồng thời cảnh báo mức độ khẩn cấp của môi trường. Qua những cảnh tượng đau lòng của các loài động vật, bộ phim đưa ra thông điệp rõ ràng: bàn tay con người sẽ tiếp tục hủy hoại sự đa dạng tự nhiên nếu chúng ta không hành động cải thiện ngay lúc này.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Cowspiracy (2014)
Nếu bạn nghĩ ăn thịt không liên quan gì đến môi trường, bộ phim tài liệu Cowspiracy: The Sustainability Secret sẽ cho bạn nhiều khoảnh khắc được khai mở.
Cowspiracy mang cho khán giả một cái nhìn tiệm cận nền công nghiệp thịt động vật đã ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến môi trường. Trung bình 1 kilogram thịt chúng ta ăn hằng ngày sẽ tác động lên mọi thứ, từ nạn phá rừng, các vùng biển chết trên đại dương cho đến việc chế biến thực phẩm sẽ liên quan đến chính nguồn nước chúng ta sử dụng. Các nhà làm phim đứng sau Cowspiracy, Kip Andersen và Keegan Kuhn đã tiếp tục thực hiện What the Health vào năm 2017, bộ phim về tác động của việc ăn các sản phẩm từ động vật lên sức khỏe con người (có trên Netflix).
Nguồn: InternetChasing Coral (2017)
Đa số vùng biển trên khắp bản đồ Việt Nam đều có những rạn san hô tuyệt đẹp. Nhưng có thể trong tương lai, chúng sẽ bị tẩy trắng cùng hàng loạt rạn san hô khác trên thế giới vì sự nóng lên toàn cầu. San hô chết sẽ ảnh hưởng nặng nề lên hệ sinh thái đại dương và đương nhiên cũng tác động gián tiếp lên đời sống con người.
Được quay trong suốt ba năm, Chasing Coral có hơn 500 giờ quay dưới nước mô tả việc tẩy trắng san hô có tác động tàn phá ở quy mô rất lớn, vì đấy là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật biển quý hiếm. Vô số hồ sơ từ tình nguyện viên tại hơn 30 quốc gia cũng như sự hỗ trợ từ hơn 500 người trên khắp thế giới đã giúp bộ phim mô tả chi tiết về cái chết của san hô trên phạm vi toàn cầu. Sự biến mất diện rộng ở các rạn san hô đã đạt đến mức báo động và Chasing Coral đã gửi thông điệp hành động lên toàn thế giới.
Nguồn: InternetMy Octopus Teacher (2020)
Giống như lợn, bạch tuộc là loài động vật thông minh. Cũng giống như lợn, bạch tuộc bị nguyền rủa bởi lớp thịt của chính nó mà con người luôn thèm thuồng.
Bộ phim cảm động một cách kỳ lạ đã được đề cử giải Oscars 2021 là hành trình nhà làm phim và thợ lặn tự do Craig Foster - người có mối quan hệ đặc biệt với một con bạch tuộc ngoài khơi bờ biển Nam Phi. My Octopus Teacher đã tạo tiếng vang toàn cầu, đặc biệt là giới học giả, trong những bài báo từ đại học Harvard có đề cập “chúng ta đã luôn hiểu sai những tương tác của chó mèo vì ta áp đặt suy nghĩ con người so với thú vật lên chúng, và điều tương tự đã xảy ra trong phim. Nếu ta cảm nhận rõ một mối quan hệ xã hội lên các loài động vật, nhiều khả năng chúng ta sẽ thấu hiểu và ủng hộ chúng hơn.” Bộ phim sẽ thay đổi người xem nhận thức hoàn toàn khác về thế giới động vật.
Nguồn: InternetA Plastic Ocean (2016)
Nếu Gone With The Wind là một trong những bộ phim kinh điển của dòng chính kịch, James Bond cho dòng hành động thì A Plastic Ocean là một bộ phim kinh điển về môi trường.
A Plastic Ocean năm 2016 ghi lại những tác động tàn phá của rác thải nhựa lên mọi đại dương trên khắp thế giới. Bộ phim báo động con người về việc sử dụng thứ vật liệu gây tranh cãi của chính con người tạo ra. Nhà sản xuất đã đưa ra các giải pháp có thể để chống lại khủng hoảng rác thải nhựa, từ những công nghệ tiên tiến nhất đến các khả năng mà mỗi cá nhân đều có thể hành động ngay tại nhà.
Nguồn: InternetSeaspiracy (2021)
Sau thành công của Cowspiracy 2014 đã truyền cảm hứng cho làn sóng khán giả chuyển đổi hoàn toàn sang chế độ ăn chay, các nhà làm phim tiếp tục cố gắng sản xuất thêm một thước tài liệu về đại dương - Seaspiracy.
Người xem sẽ được đối mặt với những sự thật đằng sau những thớ cá biển mà ta đang tiêu thụ qua rất nhiều sự kiện và số liệu đáng sợ, và cả cách mà con người đối xử với đại dương. Từ việc các thương hiệu giả mạo sự bền vững, đánh bắt hải sản không bền vững, sử dụng bừa bãi rác thải nhựa lên biển cho đến mặt tối đáng khinh của chế độ nô lệ trong thời hiện đại… tất cả chỉ để cung cấp hải sản rẻ tiền mỗi năm.
Seaspiracy như một bản cáo trạng không khoan nhượng cho các hoạt động lên môi trường đại dương hiện nay.
Nguồn: InternetVà còn rất nhiều những bộ phim tài liệu đáng xem trên Netflix, dẫn khán giả đến mọi ngóc ngách của thiên nhiên mà giữa thời đại Covid-19 chúng ta khó thể nào chạm đến, nhưng đồng thời cũng đem đến một nhận thức hoàn toàn khác về môi trường sinh thái ngay tại quả đất chúng ta sinh sống.
Nguồn: InternetMọi bộ phim trên đều dẫn đến một kết luận mà ai cũng nhận ra nhưng lại thường lãng tránh và không thực hiện. Tất cả các sinh vật và môi trường xung quanh chúng ta là một vòng quần thể tuần hoàn, mất đi một phần thì cả hệ sinh thái đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mỗi cá nhân đều phải ý thức bảo vệ môi trường sống của chính mình bằng những hành động dù nhỏ nhất.
Nguồn: InternetNhưng vì tính "ỷ lại" của chúng ta, rằng sẽ “có ai đó" chịu trách nhiệm việc này thì sẽ chẳng bao giờ "có ai" cả. Nếu không phải tại đây thì tại đâu? Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì bao giờ?