
Thu Trang đã có cuộc “lột xác” đầy bất ngờ với Nụ hôn bạc tỷ – tác phẩm tạo nên cơn sốt phòng vé Tết 2025. Trong cuộc trò chuyện với Harper’s Bazaar, “hoa hậu làng hài” hé lộ hành trình đầy cảm xúc khi đánh cược với giấc mơ điện ảnh của mình: những đêm thức trắng hoàn thiện kịch bản, sự tin tưởng khi trao cơ hội cho dàn diễn viên trẻ và thách thức khi vừa cầm trịch vừa đóng chính trong tác phẩm đầu tay.
Bộ phim đánh dấu bước ngoặt Thu Trang trở thành nữ đạo diễn trăm tỷ đầu tiên của màn ảnh Việt. Để biết vì sao Nụ hôn bạc tỷ có cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục trong bảng xếp hạng doanh thu, hãy lắng nghe diễn viên Thu Trang chia sẻ cùng Harper’s Bazaar.
HARPER’S BAZAAR: Điều gì đã truyền cảm hứng để Thu Trang thực hiện Nụ hôn bạc tỷ?
THU TRANG: Thật ra, ý tưởng làm phim Nụ hôn bạc tỷ đến với tôi rất tự nhiên. Tôi thích kể những câu chuyện gần gũi, đời thường, đặc biệt là về tình cảm gia đình − điều mà ai cũng có thể đồng cảm. Một lần ngồi ăn cơm với gia đình, tôi chợt nghĩ đến mối quan hệ chị em, những lúc cãi vã, giận hờn nhưng cuối cùng vẫn yêu thương nhau. Từ đó, tôi muốn mang câu chuyện này lên màn ảnh, thêm chút hài hước và tình yêu để nó trở thành món quà cho khán giả dịp Tết.
Hơn nữa, sau nhiều năm làm diễn viên, tôi thấy mình cần thử thách mới để tạo ra dấu ấn riêng. Tôi nghĩ nếu không thực hiện bây giờ thì sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn để chỉ đạo một bộ phim, nên tôi quyết định lao vào, dù biết là sẽ không dễ dàng chút nào.
HARPER’S BAZAAR: Đâu là thử thách lớn nhất của chị khi chuyển từ diễn viên sang người cầm trịch một dự án điện ảnh?
THU TRANG: Làm diễn viên, tôi chỉ cần tập trung vào việc làm sao để diễn cho “đã”, cho đúng cảm xúc là được. Nhưng khi qua vai trò đạo diễn, mọi thứ hoàn toàn khác. Thử thách lớn nhất là tôi phải nhìn toàn bộ bức tranh, từ kịch bản, cách quay, ánh sáng, đến từng biểu cảm của diễn viên. Có những ngày tôi đứng trên phim trường, vừa chỉ đạo, vừa sản xuất mà đầu óc quay cuồng vì không biết mình có bỏ sót gì không.
Chưa kể, tôi phải học cách làm việc với cả một ê-kíp lớn, từ quay phim, âm thanh đến hậu kỳ – toàn những thứ tôi chưa quen. Ban đầu, tôi áp lực lắm, sợ mình không đủ sức, nhưng rồi kinh nghiệm diễn xuất giúp tôi rất nhiều. Tôi hiểu diễn viên cần gì để bung hết cảm xúc, nên đã dùng chính cái “đời” của mình để hướng dẫn họ. Dần dần, tôi thấy mình hợp với vai trò này hơn tôi tưởng.

HARPER’S BAZAAR: Quá trình phát triển kịch bản của chị diễn ra như thế nào?
THU TRANG: Quá trình viết kịch bản Nụ hôn bạc tỷ kéo dài nhiều tháng vì tôi làm việc chặt chẽ với đội ngũ biên kịch để mọi thứ thật chỉn chu.
Ban đầu, chúng tôi chỉ có ý tưởng đơn giản: Hai chị em với tính cách trái ngược, rồi từ đó xảy ra những tình huống hài hước, éo le. Tôi muốn phim vừa vui vừa có những khoảnh khắc khiến khán giả rưng rưng, kiểu như cười xong lại muốn ôm người thân ngồi cạnh mình.
Chúng tôi họp rất nhiều lần, viết đi viết lại không biết bao nhiêu bản nháp. Có đoạn tôi thấy hài quá, nhưng không hợp với mạch phim, nên đành cắt bỏ dù tiếc lắm.
Đến khi quay, tôi vẫn chỉnh sửa thêm, vì lúc ở phim trường mới thấy cảm xúc thật của diễn viên. Nói chung, làm kịch bản là cả hành trình dài, vừa mệt vừa thú vị.
HARPER’S BAZAAR: Chị gặp những thách thức lớn nhất nào trong quá trình sản xuất và đạo diễn bộ phim này?
THU TRANG: Thách thức thì nhiều lắm! Chúng tôi quay phim đúng lúc anh Tiến Luật bận rộn với Anh trai vượt ngàn chông gai, nên lịch trình của anh ấy kín mít. Có hôm anh vừa quay gameshow xong, bay về Đà Lạt ngay để kịp cảnh quay. Tôi thì vừa đạo diễn, sản xuất, đóng phim, nên có những ngày gần như không ngủ, mắt thâm quầng luôn.
Tôi muốn phim phải đẹp, cảnh quay phải mượt, nhưng kinh phí và thời gian thì có hạn, nên phải tính toán thật kỹ. Chưa kể, là người mới trong vai trò đạo diễn, nên đôi lúc tôi tự hỏi mình có làm tốt không, có đáp ứng được kỳ vọng của khán giả không.
Nhưng may mắn là cả ê-kíp rất đồng lòng, từ anh quay phim, chị hậu kỳ, đến các diễn viên trẻ − ai cũng hết mình. Nhờ vậy mà mọi thứ dần vào guồng, tôi cũng học được cách vượt qua áp lực.
HARPER’S BAZAAR: Bộ phim Nụ hôn bạc tỷ mang thông điệp gì mà chị muốn truyền tải đến khán giả?
THU TRANG: Tôi muốn gửi đến khán giả thông điệp về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình chị em. Cuộc sống có thể khó khăn, có những lúc cãi nhau, hiểu lầm, nhưng gia đình vẫn là nơi để ta trở về, là chỗ dựa vững chắc nhất. Phim cũng nói về cách chúng ta đối mặt với những lựa chọn trong tình yêu và cuộc sống − không cần hoàn hảo, không cần phải giàu sang, mà chỉ cần đúng với trái tim mình.
Tôi hy vọng khán giả xem xong sẽ thấy ấm áp, muốn gọi điện cho người thân, hoặc ít nhất là cười sảng khoái để quên đi những muộn phiền. Dịp Tết mà, tôi muốn mọi người có một trải nghiệm vừa vui vừa ý nghĩa.

HARPER’S BAZAAR: Hai nhân vật chính mang tên Thúy Kiều và Thúy Vân − có phải đây là sự gợi nhớ có chủ đích đến tác phẩm Truyện Kiều?
THU TRANG: Đúng là tôi cố ý đặt tên Thúy Kiều và Thúy Vân để gợi nhớ đến Truyện Kiều. Tôi chọn hai cái tên này vì nó rất quen thuộc với người Việt, dễ nhớ và tạo cảm giác gần gũi ngay từ đầu.
Ý nghĩa sâu xa là muốn xây dựng hai nhân vật đại diện cho hai kiểu phụ nữ khác nhau: Thúy Kiều mạnh mẽ, từng trải, có chút gai góc, còn Thúy Vân thì ngây thơ, dịu dàng, trong sáng.
Nhưng khác với truyện, hai chị em trong phim của tôi sống hiện đại, vui vẻ và luôn tìm cách vượt qua khó khăn cùng nhau. Tôi nghĩ cái tên này là cách để thu hút sự chú ý, vừa là một chút “chơi chữ” để khán giả thấy thú vị.
HARPER’S BAZAAR: Phim khai thác mối quan hệ giữa hai chị em, nhưng theo nhiều khán giả, mối quan hệ này “chưa tạo sức nặng cần thiết”. Chị nhìn nhận thế nào về nhận xét này?
THU TRANG: Tôi rất trân trọng ý kiến của khán giả, vì mỗi người xem sẽ có cảm nhận riêng. Tôi luôn muốn nghe để học hỏi. Mối quan hệ giữa Thúy Kiều và Thúy Vân không căng thẳng mà là sự gắn kết của chị em. Có thể vì tôi muốn cân bằng giữa hài hước và tình cảm, nên một số khán giả cảm thấy chưa đủ sâu.
Tôi cũng nhìn lại và thấy những chỗ có thể đẩy cảm xúc mạnh hơn. Ví dụ như thêm một vài cảnh hai chị em chia sẻ sâu sắc hơn về nỗi lòng của họ. Đây là kinh nghiệm quý giá để tôi điều chỉnh trong các dự án sau, nhưng tôi tự hào vì đã mang đến câu chuyện chân thật theo cách của mình.
HARPER’S BAZAAR: Làm thế nào chị chọn được dàn diễn viên phù hợp cho các vai chính trong phim?
THU TRANG: Tôi tuyển chọn diễn viên cho Nụ hôn bạc tỷ rất kỹ lưỡng, không chỉ nhìn ngoại hình, mà còn xem họ có toát lên được tinh thần của nhân vật không, có “hợp tần số” với tôi không.
Với vai Thúy Vân, tôi cần một người vừa đẹp hiện đại, vừa dịu dàng. Hoa hậu Đoàn Thiên Ân làm tôi ấn tượng ngay từ vòng đầu vì sự tự nhiên của em ấy. Ma Ran Đô thì mang năng lượng bùng nổ, rất hợp với vai chàng trai trẻ trung, hơi “tăng động”. Lê Xuân Tiền lại có chiều sâu trong ánh mắt, đúng với nhân vật cần sự điềm tĩnh.
Sau khi chọn tôi làm việc với họ trước khi quay, nói chuyện, tập thoại để hiểu tính cách từng người, từ đó điều chỉnh kịch bản cho hợp hơn. Nói chung, tôi chọn bằng cả lý trí và cảm xúc.
HARPER’S BAZAAR: Điều gì khiến chị tin tưởng và “đánh cược” với dàn diễn viên trẻ này?
THU TRANG: Tôi không xem việc chọn họ là “đánh cược”, mà là tin tưởng và trao cơ hội. Tôi luôn tin rằng mỗi diễn viên, dù mới hay cũ, đều có tiềm năng riêng, miễn là đặt họ đúng chỗ và hỗ trợ hết mình.
Ma Ran Đô có năng lượng trẻ trung, rất hợp với vai hài trong phim, dù trước đây em ấy từng bị chê là diễn hơi “lố”. Tôi chỉ cần hướng dẫn một chút là em ấy làm tốt ngay. Đoàn Thiên Ân thì tự nhiên, không gượng gạo, rất hợp với Thúy Vân. Còn Lê Xuân Tiền, lại có ánh mắt và cảm xúc mà tôi thấy rất hợp với nhân vật.
Tranh cãi trước đây không làm tôi lo lắng, vì tôi tin mỗi vai diễn là một lần để họ chứng minh. Trên phim trường, tôi dành nhiều thời gian tập luyện, chỉ đạo từng người, nên khi quay xong, tôi hài lòng tuyệt đối với quyết định của mình. Họ không chỉ làm tốt mà còn vượt kỳ vọng của tôi nữa.

HARPER’S BAZAAR: Làm thế nào chị cân bằng giữa việc đạo diễn và vào vai của chính mình − nhân vật Thúy Kiều?
THU TRANG: Thúy Kiều là nhân vật tôi đặt rất nhiều tâm huyết, vì vừa là vai diễn của tôi, vừa có một phần tính cách giống tôi − mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng cũng rất tình cảm và dễ tổn thương.
Để cân bằng, tôi phải tách bạch rõ ràng: Khi làm đạo diễn, tôi đứng ngoài nhìn Thúy Kiều như nhân vật độc lập, không để cái “tôi” của mình lấn át. Khi đóng phim, tôi cố gắng để Thúy Kiều có không gian riêng, không phải là Thu Trang mà là một người phụ nữ với câu chuyện của cô ấy. Điều khó nhất là vừa phải làm tròn vai, vừa phải nhìn tổng thể để không ảnh hưởng đến các diễn viên khác. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi học cách làm việc đa nhiệm, vừa là diễn viên, vừa là người kể chuyện.
HARPER’S BAZAAR: Chị có kỷ niệm đáng nhớ nào trong quá trình làm phim Nụ hôn bạc tỷ?
THU TRANG: Kỷ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là lúc anh Tiến Luật phải di chuyển liên tục giữa Đà Lạt và TP. HCM vì lịch trình quá dày.
Có hôm anh ấy vừa quay gameshow xong, còn mệt mỏi, vậy mà vẫn bay về ngay để kịp cảnh đại gia tán tỉnh tôi. Cả đoàn phim cười nghiêng ngả vì anh ấy vừa mệt vừa cố “diễn sâu”, kiểu như “em ơi, anh giàu lắm, yêu anh đi” mà giọng thì khàn khàn vì thiếu ngủ. Tôi vừa thương vừa buồn cười, nhưng cũng thấy rõ sự đồng hành của anh Luật với mình.
Còn một kỷ niệm nữa là lúc quay cảnh hai chị em cãi nhau ở Đà Lạt, trời lạnh buốt, mà Thiên Ân với tôi cứ phải hét qua hét lại, xong rồi ôm nhau khóc. Quay xong, cả hai đứa run cầm cập, nhưng cảm xúc thì “đã” lắm. Những khoảnh khắc đó làm tôi thấy yêu nghề hơn bao giờ hết.
>>> ĐỌC TIẾP: CHƯA KỊP “VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI”, TIẾN LUẬT CÙNG THU TRANG ĐÃ KHAI MÁY PHIM MỚIHARPER’S BAZAAR: Phản hồi của khán giả có làm chị bất ngờ không? Phản hồi nào khiến chị ấn tượng nhất?
THU TRANG: Phim được đón nhận nồng nhiệt hơn tôi tưởng. Phản hồi tích cực từ khán giả làm tôi vui lắm, nhưng cũng có những góp ý mà tôi rất trân trọng. Ấn tượng nhất là một khán giả nhắn tôi rằng họ xem phim 15 lần để tìm cái kết mình thích nhất. Tôi đọc mà vừa bất ngờ vừa hạnh phúc, vì ý tưởng hai cái kết ngẫu nhiên của phim lại tạo được hiệu ứng mạnh đến vậy. Có người nói xem phim xong họ gọi điện về cho chị mình ngay, điều đó làm tôi thấy phim đã chạm được vào trái tim khán giả, đúng như điều mình mong muốn từ đầu.
HARPER’S BAZAAR: Sau Nụ hôn bạc tỷ, chị có những suy nghĩ gì về đạo diễn và làm phim?
THU TRANG: Tôi thấy mình đam mê đạo diễn hơn bao giờ hết. Làm phim không chỉ là công việc, mà là cách để kể những câu chuyện và chia sẻ cảm xúc với khán giả. Tôi nhận ra mình còn nhiều thứ để học, ví dụ như làm sao để đẩy cảm xúc nhân vật sâu hơn, để câu chuyện có sức nặng hơn mà vẫn tự nhiên.
Nếu làm phim tiếp theo, tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào kịch bản, chọn một câu chuyện mới mẻ, có thể thử sức với thể loại khác như tâm lý hoặc hành động pha hài, để thử thách bản thân. Tôi cũng muốn trau chuốt kỹ xảo và hình ảnh hơn. Nhưng phong cách hài hước, gần gũi thì sẽ giữ nguyên, vì đó là “chất” của tôi, là thứ mình muốn khán giả nhớ đến khi nhắc tới Thu Trang. Nói chung, tôi muốn những tác phẩm sau sẽ là một bước tiến, không chỉ cho tôi mà còn cho cả ê-kíp của đoàn phim và khán giả.
PHIM CỦA THU TRANG:- NHỮNG BỘ PHIM ĐIỆN ẢNH HAY NHẤT CỦA “CHỊ MƯỜI BA” THU TRANG
- NHỮNG LẦN HỘI NGỘ CỦA THÁI HÒA VÀ THU TRANG TRONG VŨ TRỤ ĐIỆN ẢNH
Harper’s Bazaar Việt Nam