
Nữ doanh nhân khởi nghiệp Hương Lưu (vest trắng), founder của Grandma Lu’s, và Shark Tillman Schulz cùng Shark Minh Beta. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Từ năm 2000 đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên (2000–2006), giai đoạn thứ hai (2007–2014) và giai đoạn thứ ba (2015 đến nay). Sau năm 2015 đến hiện tại, tinh thần khởi nghiệp vẫn mạnh mẽ với tỷ lệ 20 doanh nghiệp/một triệu dân, khá cao so với các quốc gia trong khu vực.
Không riêng gì nam giới, nữ giới cũng là những người khởi nghiệp mạnh mẽ. Tại Việt Nam, xu thế phụ nữ khởi nghiệp cũng phản ánh rõ nét khi số doanh nghiệp do nữ giới làm chủ tăng từ 21% (2011) lên 24% (2021). Các chương trình truyền hình thực tế khởi nghiệp như Shark Tank Việt Nam cũng phần nào cho thấy sự dịch chuyển này.
Đã trải qua bảy mùa ghi hình với nhiều mô hình kinh doanh huy động vốn thành công, mùa bảy của Shark Tank Việt Nam, tỷ lệ các founder nữ doanh nhân và nam doanh nhân tham gia và gọi vốn khởi nghiệp thành công là 50/50, theo nhà sản xuất.

Shark Nguyễn Phi Vân. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Shark Nguyễn Phi Vân nhận xét:
“Điều này cho thấy founder nữ không hề kém cạnh chút nào về khả năng và cơ hội. Trên thực tế, đối với các ngành cần quản trị chi tiết và đòi hỏi mức độ chăm sóc khách hàng, đối tác cao như bán lẻ, nhượng quyền, founder nữ lại còn có nhiều lợi thế hơn.
Trong hệ sinh thái đầu tư Go Global của tôi hiện tại, tỷ lệ founder nữ là 60%. Trong đó, tỷ lệ founder nữ đang dẫn dắt doanh nghiệp thành công, hoạt động hiệu quả và phát triển quốc tế chiếm 75%. Tôi không cố ý phân biệt giới tính trong kinh doanh nhưng hiện thực trong hệ sinh thái đầu tư của tôi đang là như thế”.
Cơ hội chia đều cho hai giới

Thương hiệu bút máy BLUSAIGON của nữ doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên
Trong bảy mùa Shark Tank Việt Nam, nhiều nữ doanh nhân khởi nghiệp để lại dấu ấn. Chẳng hạn như Hương Lưu, nhà sáng lập Grandma Lu’s với mô hình kinh doanh bánh mì cấp đông. Đến Shark Tank Việt Nam, Grandma Lu’s kêu gọi số tiền đầu tư 3,3 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Mùa bảy còn chứng kiến nhiều tên tuổi khởi nghiệp nữ như Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương sản xuất hồng vành khuyên treo gió Lạng Sơn; Vũ Thị Tần, Tiến sĩ Hóa học với 17 bằng sáng chế tại Tây Ban Nha, mong muốn khởi nghiệp với sản phẩm tẩy rửa đa năng T-Clean. Trước đó, ở mùa bốn, Shark Tank cũng chứng kiến nhiều thí sinh gọi vốn thành công như Đoàn Thị Anh Thư – CEO Vua Cua và Tôn Nữ Xuân Quyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BLUSAIGON.
Năm 2022, BLUSAIGON ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Fibo Capital Vietnam, là cột mốc đưa thương hiệu phát triển vượt bậc. Hiện tại, BLUSAIGON, thương hiệu bút khảm ngọc trai mỹ nghệ Việt vẫn phát triển, xuất khẩu sang nhiều quốc gia là minh chứng cho sự phát triển của thương hiệu Việt, mà Shark Tank Việt Nam là bệ phóng hiệu quả cho các mô hình khởi nghiệp.

Thảo Nhi Lê và Romain LeClef, hai nhà đồng sáng lập dự án nước hoa Nimai. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Tuy nhiên, Shark Nguyễn Phi Vân nhận định:
“Gọi vốn thành công và phát triển thành công trên thực tế là hai điều rất khác nhau. Khi gọi vốn, điều quan trọng là bạn bán giấc mơ và khả năng thực thi của bản thân và đội ngũ. Trên thực tế, bạn có thể làm được điều đó hay không lại là câu chuyện khác.
Do đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua một bức tranh đẹp trên ý tưởng. Còn việc bức tranh đó có được vẽ ra như giấc mơ và ý tưởng hay không thì đòi hỏi cả quá trình hiện thực hóa. Vì vậy, cũng có nhiều trường hợp gọi vốn thành công nhưng kinh doanh thất bại”.

Phạm Thị Thu Hằng, nhà sáng lập Pơ Lang, thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên từ đặc sản Đắk Lắk. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Khi khởi nghiệp, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, các nguồn lực hay kể cả là các vấn đề bình đẳng giới trong kinh doanh. Tuy nhiên, với các ngành dịch vụ cần sự chăm chút, tỉ mỉ, quản trị chi tiết thì nữ giới lại còn có nhiều lợi thế hơn. Đây là cơ hội để thể hiện nhiều hơn bản lĩnh và khả năng lãnh đạo của phụ nữ Việt Nam, vốn sẵn có nhưng chưa được thể hiện hết mức.
PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP TRÊN SHARK TANK VIỆT NAM:“Đối với tôi và đặc biệt là tại Việt Nam, cần phải có một sự cộng tác chặt chẽ giữa nhà đầu tư và đội ngũ startup. Điều các bạn startup cần ở nhà đầu tư không chỉ và không nên dừng lại ở đầu tư tài chính. Điều các bạn cần hơn hết từ nhà đầu tư là sự cố vấn, dẫn dắt, quan hệ và khả năng kết nối để phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, chúng ta không nên dừng lại ở việc thương vụ thành công trong ký kết và xuống tiền.
Cả nhà đầu tư và đội ngũ startup cần cân nhắc rất kỹ giá trị của sự cộng tác mà tôi hay gọi là all-in (góp hết tất cả nguồn lực vào để cùng phát triển). Với riêng tôi, đó là công thức thành công”, Shark Nguyễn Phi Vân đúc kết.
- CELINE VENTALON, NHÀ SÁNG LẬP THƯƠNG HIỆU NỘI Y NGUYỆT SAN ÉMER
- CEO TÔN NỮ XUÂN QUYÊN TÔN VINH VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM
- THẢO NHI LÊ RA MẮT NƯỚC HOA TỪNG BỊ CÁC SHARK TỪ CHỐI ĐẦU TƯ
Harper’s Bazaar Việt Nam