Vnluxury

Pha lê và nguồn năng lượng vĩnh cửu

Trong những năm gần đây, pha lê đã trở nên phổ biến hơn khi thường xuyên xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà còn trong những xu hướng sống khoẻ. Những người nổi tiếng như Adele hay Kylie Jenner không ngần ngại chia sẻ với công chúng về việc

Trong những năm gần đây, pha lê đã trở nên phổ biến hơn khi thường xuyên xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà còn trong những xu hướng sống khoẻ. Những người nổi tiếng như Adele hay Kylie Jenner không ngần ngại chia sẻ với công chúng về việc sử dụng pha lê trong cuộc sống hằng ngày để chữa lành và cân bằng cảm xúc. Tuy nhiên ít ai biết rằng, sự hấp dẫn và mê hoặc của pha lê thực chất đã xuất hiện từ ngàn năm về trước…

Pha lê

Lưỡi dao pha lê được tìm thấy ở vùng Iberia thời tiền sử, có niên đại khoảng 5.000 năm, dài gần 22 cm và nằm cạnh 10 đầu mũi tên, 4 lưỡi kiếm. Và tất cả đều chế tác từ đá pha lê.

Vũ điệu của các nguyên tử

Pha lê

Trong pha lê tự nhiên còn lẫn một số tạp chất nên một số loại được tìm thấy có màu trắng đục. Pha lê có độ tinh khiết càng cao thì giá trị của nó càng lớn.

Trong tự nhiên, vẻ đẹp tinh khiết nhiệm màu của Pha lê đến từ sự liên kết chặt chẽ của các nguyên tử. Mỗi nguyên tử (hoặc ion) trong nhóm đều có vị trí của nó và chính cách bố trí lặp đi lặp lại này đã tạo nên các tinh thể có thể thấy được bằng mắt thường. Điều này được tìm thấy trong mọi thứ; từ tinh thể muối đến tinh thể đường, than chì, tinh thể băng bên trong bông tuyết và tất nhiên là tinh thể pha lê.

Pha lê

Hang động pha lê nằm ở độ sâu 300 m bên dưới bề mặt núi Sierra de Naica ở Chihuahua, Mexico. Ảnh: Alexander Van Driessche/Wikimedia

Pha lê còn là một vũ điệu tuyệt vời giữa nghệ thuật và khoa học, giữa hiện thực và giấc mơ hiếm có. Ý tưởng về các nguyên tử phản ứng với sự thay đổi nhanh chóng bằng cách sử dụng năng lượng của chúng để dịch chuyển và liên kết thành một thứ gì đó mạnh mẽ và vĩnh cửu. Trong hàng triệu năm, pha lê đã xuất hiện trên bề mặt trái đất và là tập hợp những tinh tuý của mẹ thiên nhiên xuyên suốt một thời gian dài.

Pha lê

Thành lập năm 1764 dưới sự bảo chứng của vua Louis XV, xưởng chế tác pha lê Baccarat đã nhanh chóng tạo ra được tiếng vang toàn cầu với những tác phẩm pha lê tinh xảo với độ tinh khiết bậc nhất.

Vào thế kỷ 17 tại châu Âu, bằng phương thức giả kim và nung nóng các nguyên vật liệu ở nhiệt độ 1500°C, con người đã tái dựng lại sự liên kết của các tinh tuý tự nhiên và làm chủ được kỹ nghệ chế tác pha lê. Vào thời điểm này, mỗi xưởng sản xuất pha lê tại Pháp sở hữu một loại pha lê riêng biệt, tuỳ thuộc vào chất lượng của những vật liệu thô có sẵn trong khu vực. Tuy nhiên, thương hiệu Baccarat đã sớm đạt tới trình độ sản xuất pha lê tinh khiết bậc nhất với kỹ nghệ giả kim bậc thầy của mình. Dưới ánh sáng, chúng khúc xạ một cách lộng lẫy, và thể hiện rõ những tầng lớp của quang phổ.

Pha lê

Nghệ nhân tại xưởng chế tác Baccarat.

Khi tiếng chuông tại lò nung Baccarat ở vùng Lorraine miền Đông nước Pháp vang lên mỗi đêm, cũng là lúc những vũ điệu Ballet trong im lặng của những người đàn ông diễn ra. Bên trong những bộ quần áo bảo hộ, họ di chuyển một cách điềm tĩnh với một tinh thần tập trung cao độ. Trong quá trình nóng, các tinh thể Pha Lê rất dễ uốn, gần giống như kẹo dẻo bên trong các lò nung với nhiệt độ tương đương với nham thạch. Những tiếng gầm của máy móc, những tiếng kim loại va vào nhau, cho đến những khối pha lê được kéo dài tựa như dải ruy băng nóng nổi tựa như vầng thái dương bên trong không khí hoà quyện một cách nhịp nhàng cùng với những người nghệ nhân. Tất cả tạo ra một khung cảnh hùng vĩ bên trong xưởng chế tác với sức nóng khủng khiếp toả ra từ lò nung.

Pha lê

Mỗi tác phẩm Baccarat đều được chế tác thủ công, chúng chính là kết tinh của niềm đam mê và kỹ nghệ chế tác được tôi luyện qua nhiều năm của các nghệ nhân tại Baccarat.

Để thu thập pha lê, chúng sẽ cần một ống sắt rỗng dài. Bằng kỹ nghệ chế tác bậc thầy, những người nghệ nhân sẽ dùng hơi thở của mình để thổi vào ống sắt đó, hoặc đưa chúng vào những chiếc khuôn có sẵn để tạo hình. Có lẽ, đây chính là khởi nguồn cho sự nhiệm màu bởi chúng đòi hỏi sức mạnh bền bỉ để giữ vững và xoay các khối pha lê, cho đến những hơi thở đều để đảm bảo tạo nên hình hài hoàn mỹ nhất cho một tác phẩm mong manh và tinh tế còn nóng hổi.

Pha lê

Sự màu nhiệm bên trong mỗi tinh thể pha lê Baccarat đến từ sự dung hoà hoàn mỹ của lửa, nước, khí, và đất.

Sau khi các tác phẩm đạt được hình dạng mong muốn, chúng được để nguội trong vòng một đêm trước khi chuyển sang “quá trình lạnh”. Tại đây, những chi tiết trang trí trên bề mặt tác phẩm được hình thành.

Pha lê

Dù khối lượng lớn hay nhỏ, mỗi chi tiết đều phải được giữ chắc chắn bởi các nghệ nhân để tạo nên những nét cắt chuẩn xác nhất.

Những nét cắt phải đạt đến độ chuẩn xác đến từng mi-li-mét để tạo nên các khối hoa văn với khả năng phô diễn ánh sáng một cách lộng lẫy. Từ mặt cắt phẳng, kim cương, và góc xiên,…tất cả đều được dẫn dắt bởi đôi bàn tay, hơi thở, và kỹ nghệ lâu năm của các nghệ nhân. Tại Baccarat, sau khi những bước trang trí cuối cùng được hoàn thành, chúng sẽ được kiểm tra chất lượng đến từng chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo không có khuyết điểm nào tồn tại.

Từ thơ ca cho đến những nhà thờ nhiệm màu

Trong một nghiên cứu của mình, bà Marisa Galver – học giả tại trường đại học Stanford, Mỹ – đã tìm thấy hình ảnh của pha lê sớm được sử dụng những áng thơ văn của các thi sĩ thời Trung Cổ. Với vẻ đẹp tinh khiết, chúng được xem như một tượng đài của sự thanh tao và hoàn hảo. Tuy nhiên, trong một số tác phẩm, hình ảnh của pha lê cũng còn được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để bộc lộ ham muốn và những bí ẩn của tình yêu. Từ cảm xúc mãnh liệt dâng trào, cho đến cảm giác không an toàn, mong manh và dễ vỡ. Giống như thể phải nhìn qua một khối pha lê tuy lung linh nhưng nếu không cẩn trọng tất cả sẽ tan vỡ.

Quảng cáo
Pha lê

Bertran de Born là một nam tước tại vùng Limousin, Pháp vào thế kỷ 12-13, nổi tiếng với những ca khúc tình yêu và chính trị.

Không chỉ có những nhà thơ mà những nhà thiết kế nổi tiếng như Paul Scheerbart, Bruno Taut hay Ludwig Mies van der Rohe đều đam mê và bị quyến rũ bởi vẻ đẹp nhiệm màu của pha lê. Những tác phẩm văn học và các áng văn dường như chính là nguồn cảm hứng thôi thúc sự sáng tạo của họ, nơi mà họ mơ về những tòa nhà chọc trời và những thành phố lộng lẫy được làm hoàn toàn từ pha lê.

Pha lê

Bản phác hoạ ý tưởng thành phố pha lê của kiến trúc sư Bruno Taunt.

Pha lê

Công Trình Glass Utopia được lấy cảm hứng từ pha lê của hai kiến trúc sư Paul Scheerbart và Bruno Taunt.

Trong Công Giáo (Catholic), pha lê thường được đề cập trong những văn bản và sử dụng để trang trí trong những tín vật quan trọng như thể nó chính là cánh cổng sáng soi ánh sáng của thiên đường đến với trần thế. Những viên đá pha lê tượng trưng cho sự trong trắng, đức tin, và hoàn hảo. Vì thế, chúng thường được sử dụng để miêu tả sự trong sạch của Đức Mẹ Mary Đồng Trinh. Chúng còn được ứng dụng vào kiến trúc mà trong đó nhà thờ thánh Rémy tại vùng Lorraine nước Pháp chính là minh chứng sáng giá nhất.

Pha lê

Bị huỷ hoại vào năm 1944 trong cuộc giải phóng Paris khỏi sự quản lý của Đức Quốc Xã, Nhà thời Saint-Remy đã được xây dựng lại từ năm 1953 đến năm 1975 với một diện mạo hiện đại hơn, hoà hợp giữa các khối bê tông và pha lê Baccarat màu. Nhà thờ sở hữu một tháp chuông tam diện cao 55m và chứa ba quả chuông. Chạy dọc những bức tường chính là 20.000 tấm pha lê dày hơn 2,5cm từ 52 tông màu để tạo ra 150 sắc thái độc nhất vô nhị bên trong nhà thờ. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá và pha lê Baccarat tượng trưng cho 14 chặng đường của Thánh Giá chạy dọc hai dãy hành lang tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy thoát tục.

Pha lê

Ở mỗi bên của dàn hợp xướng, hai tác phẩm pha lê Baccarat màu đối xứng đại diện cho mười hai Tông đồ và các phẩm hạnh truyền thống của họ.

Pha lê

Ở lối vào của nhà thờ được đặt một chiếc đàn organ vĩ đại của Jacquot Lavergne (1958), nó bao gồm 3 bàn phím, một bàn đạp, 40 thanh ghi, và bộ âm thanh có 3.660 ống để đồng hành cùng những khúc ca Khải Hoàn vang vọng bên trong những buổi lễ.

Pha lê

Phần nội thất hoàn thiện bên trong nhà thờ Thánh Rémy bao gồm: 2 phông nước thánh với chậu đá được điêu khắc bởi các nghệ nhân Baccarat, đèn chùm, 2 lưới ngăn cách ở gian ngang, giảng đài, nhà tạm và các phiến pha lê của nó, nhà rửa tội cũng như chân thánh giá bằng gỗ cùng Đấng Christ. Hai bức tượng khác hiện diện ở lối đi bên cạnh, Thánh Remy và Trinh nữ và Trẻ em (ND de l’Offrande) của François Brochet

Vào thời Trung Cổ, pha lê còn được tin rằng chính là điểm kết nối giữa thế giới vật chất và tinh thần. Trải dài trên dòng chảy lịch sử, ta có thể dễ dàng thấy được sự mưu cầu đối với những vật chất thể hiện được đức tin và tâm linh của nhân loại. Và sự mưu cầu ấy vẫn luôn hiện hữu, kể cả trong xã hội hiện đại, khi chúng ta vẫn tìm đến pha lê trong thiền định hay để chữa lành thế giới nội tâm.

Chạm đến các giác quan và khai mở những xúc cảm

Những phẩm chất tương phản của pha lê luôn sở hữu một sự thu hút và lôi cuốn mạnh mẽ. Chúng tinh khiết và trong suốt nhưng không thể thực sự nhìn xuyên thấu được, cùng với khả năng hấp thụ và khúc xạ ánh sáng từ bên trong ra đến bề mặt mạnh mẽ. Vì thế, niềm tin rằng một nguồn năng lượng và các sức mạnh nhiệm màu ẩn chứa bên trong pha lê được chia sẻ rộng rãi tại các nền văn hoá và xã hội loài người xuyên suốt dòng chảy của thời gian.

Pha lê

Trong xã hội hiện đại, những bác sĩ và các nhà trị liệu tiên phong như Jennelle Kim, Kristin Petrovich, cho rằng pha lê phát ra những sóng với cường độ rung động cao, và gây ảnh hưởng lên tầng số rung động thấp của những nguồn năng lượng có trong cơ thể của con người. Những tần số và sự rung động ấy có thể được hiểu như là “Qi” (khí), một loại năng lượng quan trọng lưu thông xuyên suốt cơ thể. Bệnh tật hoặc các tình trạng khác chỉ xuất hiện khi có sự mất cân bằng hoặc thiếu hụt “Qi” trong cơ thể.

Pha lê

Nhà vật lý trị liệu Alexandra Trevisan tại Los Angeles giải thích thêm rằng: “Con người có khả năng điều chỉnh và hoạt động cùng với những tầng số rung động của năng lượng, cho dù đó là tăng hoặc giảm. Ta có thể hiểu được rằng những cảm xúc như yêu hoặc phấn khởi sẽ có biên độ rung động cao, trong khi đó, sợ hãi hay thù hận sẽ có biên độ thấp. Bằng việt sử dụng pha lê, ta có thể duy trì các biên độ cao và xoá bỏ những năng lượng với tần số thấp”.

Việc sử dụng pha lê trong những không gian và xu hướng sống khoẻ cũng chính là chào đón sự chữa lành và những rung động cao hơn vào cuộc sống của chúng ta.

Pha lê


Những tác phẩm pha lê như đèn chùm và những tác phẩm trang trí nội thất, ngoại trừ đáp ứng những nhu cầu nâng tầm các giá trị duy mỹ trong không gian sống thường ngày, chúng còn được xem như một chất kết dính mọi người lại với nhau. Đây sẽ là điểm bắt đầu hoàn hảo cho những câu chuyện và những khoảnh khắc sẻ chia cùng nhau sau những ngày làm việc mệt mỏi.


 

Nguồn knightsbridge.com.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm