Quần - giày - tất, với mối quan hệ khăng khít và bổ trợ lẫn nhau, chính là “bệ đỡ” vững vàng giúp tổng thể trang phục đạt được sự hài hòa, cân đối đồng thời thể hiện tính kỹ lưỡng, tinh tế của người mặc.
Nền tảng một bộ trang phục luôn được quyết định bởi phần dưới, từ giày, lên tới tất, tới quần, sau mới tới sơ-mi và áo khoác. Tại sao lại như vậy, bởi theo nguyên tắc trọng lực, phần bệ đỡ chân đế luôn cần thể hiện tính vững vàng, ổn định thì tổng thể mới đạt sự hài hòa và cân đối.
Vì lẽ đó, một cách phổ biến, giày và quần dài luôn nên tổng thể cần mang sắc trầm, hài hòa liền khối, tạo một hiệu ứng thị giác vững vàng cho phần bệ đỡ của cả cơ thể (vì những màu trầm tối sẽ cho cảm giác nặng, chắc, phù hợp với phần chân móng, bạn rất ít thấy những ngôi nhà có phần móng sơn sáng, nhạt màu và phần trên cùng màu đen hoặc xám, bởi như vậy dễ gây hiệu ứng chông chênh cho tổng thể cả kết cấu).
Cũng vì lẽ đó, việc chọn một bộ trang phục cho một ngày hoặc một sự kiện nên bắt đầu bằng câu hỏi: Hôm nay đi giày gì? Kiểu dáng giày bạn chọn cho ngày ấy đã ngấm ngầm mặc định phù hợp, hài hòa với không gian bạn tới, môi trường bạn vận động, những đối tượng con người bạn sẽ tiếp xúc trong ngày.
Do vậy, khi quyết định được đôi giày của mình, bạn đã có một nền móng vững vàng đủ để xây trên đó tổng thể trang phục thực sự phù hợp cho một ngày cụ thể. Trong thời gian gần đây, giày thường có xu hướng được giản lược hóa thành 2 nhóm chính, đó là giày tây (bao gồm tất cả các hệ giày da và đế cứng nói chung: oxford, derby, boots, loafer…) và giầy đế mềm (có thể bằng da hoặc không) là sneaker. Hầu hết mọi người sẽ lựa chọn 1 trong 2 nhóm giầy này cho một ngày hoạt động của mình, và từ đó bộ trang phục sẽ được xây dựng phù hợp.
Kế tiếp, tùy thuộc theo giày và kiểu dáng trang phục, mỗi người sẽ có một sở thích cá nhân về độ dài và rộng của ống quần, chúng ta đều có hành trình riêng (vận động, đi xe máy – đi bộ, ngồi ghế – ngồi bệt…) để tìm ra chìa khóa của sự phù hợp với bản thân, để thuần túy tự tin bởi sự hợp lý, hài hòa của chiếc quần với chính mình.
Tuy vậy, vẫn có những nguyên tắc chung cho sự lựa chọn này, để đảm bảo hành trình của bạn an toàn và bằng phẳng hơn, mà bạn nên lưu tâm đến những điều sau đây:
Gấu quần dài tới mắt cá chân
Điều này nhằm đảm bảo phù hợp với đại đa số loại giày, phù hợp với đa số thời gian và tư thế vận động của bạn, không trùm một cách thủ cựu và già nua (được gọi là fullbreak) lên giày (điều duy nhất lợi thế là khi đi xe máy sẽ trở thành vừa), cũng như đừng quá ngắn để trở thành tiệm cận với quần ngố, hở ra phần ống chân một cách vô duyên (nhất là khi bạn không có tỉ lệ chân/người thực sự lý tưởng).
Ống quần đủ rộng để kéo tới đầu gối
Gấu quần quá hẹp sẽ làm quần mắc lại trên tất khi bạn di chuyển hoặc cử động, chưa kể việc mặc quần quá bó chặt vào bắp chân không làm tăng thêm vẻ nam tính cho bạn, ngược lại gấu quần quá rộng và thùng thình sẽ khiến bạn trông thấp hơn chính mình khoảng 20 cm. Ngoài ra, ống quần phù hợp sẽ cho bạn cảm giác dễ dàng hơn khi đi tất, điều chỉnh khi đứng lên ngồi xuống trong suốt cả ngày dài.
Lai quần hay không lai quần?
Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua từ khi vua Edward VII lần đầu tiên trình diện đôi gấu quần xắn tới công chúng. Công năng ban đầu được thuyết mình là dùng để tránh bùn đất bám sâu vào mặt vải khi bước đi trong thời tiết mưa gió, nhưng sau đó gấu lơ-vê (cuff) nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự thanh lịch và thủ công trong từng bộ trang phục.
Chiều cao của lai quần thấp nhất là 3 cm và thông thường nhất trong khoảng 4-5 cm. Nó đặc biệt phù hợp và góp phần tạo dáng với quần có xếp ly, ống quần dài và rộng. Nếu ống quần không đủ dài, hay không xếp ly, lơ-vê gấu sẽ trở thành con dao 2 lưỡi khi mà nó phá hỏng sự liền mạch của cả chiếc quần, khi phần gấu gấp lên sẽ là nếp nhăn duy nhất.
Tất là tất cả
Việc coi nhẹ tất như một thứ phụ kiện có thể mua theo lố trong bất kỳ một nhãn hiệu thời trang sẽ khiến trang phục của bạn “tuột” mất đi sự kỹ càng. Tất mang nhiều ý nghĩa hơn thế, đó là một thế giới riêng với muôn vàn chất liệu, màu sắc và họa tiết. Hãy bỏ qua những nguyên tắc tất trùng màu giày hoặc màu quần.
Nếu chưa thật sự làm chủ được màu sắc, bạn hoàn toàn có thể chọn những tông màu an toàn như Charcoal, Navy, Burgundy, Olive hay Cafe. Những màu sắc tuyệt đẹp này trên những nền chất liệu cotton và lụa Ai Cập, linen Pháp, Cashmere Himalaya, len lông cừu Úc... được dệt phẳng (plain), họa tiết nhỏ như Houndstooth, hay kẻ sọc (pinstripe)... sẽ trình diễn được sự kỹ càng của bạn lên tối đa. Và mặc nhiên chẳng thể quên.
Bài: Thiem Nguyen - Style Columnist