Ngày càng có nhiều du thuyền hiện đại được trang bị sân bay dành cho trực thăng. Nhất là khi hiện nay máy bay trực thăng đang được xem như một phương tiện di chuyển tiện lợi và tiết kiệm thời gian, cũng như là phương tiện sành điệu bên cạnh độ an toàn cao. Khả năng hạ cánh của máy bay trực thăng thực tế khá thuận tiện, cho phép nó dễ dàng đưa rước hành khách trực tiếp từ du thuyền đến các sân bay hoặc thành phố gần du thuyền. Chính việc di chuyển bằng đường bay này sẽ giúp du khách giảm thời gian khi họ phải chuyển qua lại giữa các phuơng tiện tham gia giao thông đường bộ như trước đây.
Ngoài ra, việc sở hữu trực thăng ngày nay còn làm thoả mãn một số người đam mê thể thao mạo hiểm có sở thích trượt sóng bằng cách kết nối dây với máy trực thăng đang bay, hay thậm chí nhiều người còn muốn trải nghiệm việc tự lái trực thăng vi vu trên mặt biển. Đặc biệt trực thăng còn là một phương án dự phòng để nhanh chóng sơ tán hay cấp cứu các hành khách trong các trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó thực tế cho thấy máy bay trực thăng còn là một trong những phương tiện vận hành êm ái và thân thiện nhất với môi trường tự nhiên.
Để tuân thủ các quy tắc hàng không, các công ty chế tạo máy bay trực thăng phải làm việc một cách chặt chẽ với các nhà thiết kế du thuyền. Nhờ thế họ có thể nghiên cứu ra vị trí tốt nhất trên thuyền để tích hợp sân bay cho trực thăng ngay từ giai đoạn phác thảo thiết kế.
Nhìn chung kích thước sân bay mà các trực thăng tư nhân cần thiết để đáp xuống trên các du thuyền là tương đương nhau. Do đó nếu du thuyền đủ chỗ để xây bãi đáp trực thăng thì nó có thể đón trực thăng của bất kỳ hãng nào. Trước đây, du thuyền Buckpasser dài 36,6 mét (được đóng vào năm 1985 tại nhà máy đóng tàu Hitachi-Zosen) là một trong những du thuyền đầu tiên có bãi đáp sở hữu đầy đủ chức năng để đón các trực thăng bay đến.
Có hai cách để hạ cánh trực thăng trên du thuyền.
Cách đầu tiên được mô tả là touch-and-go (hạ cánh trả khách và bay ngay chứ không dừng lại). Những sân bay trực thăng này chỉ được sử dụng cho hoạt động phi thương mại và không có tiêu chuẩn và quy tắc nào cho chúng.
Tuy nhiên, cách thứ hai, được gọi là fully-certified hoặc commercially-certified (hạ cánh dừng hẳn trên các sân bay đủ tiêu chuẩn) được thương mại hoá, phổ biến hơn nhiều.
Các quy tắc cơ bản này được liệt kê trong Bộ luật Du thuyền Thương mại của Cơ quan Hàng hải và Tuần dương, chúng gồm: các quy định về điều chỉnh thiết kế, xây dựng và vận hành các sân bay. Quy định hàng không quốc tế còn yêu cầu tất cả các máy bay trực thăng vận tải hàng không thương mại phải hạ cánh trên các sân bay trực thăng đã được chứng nhận bởi tổ chức uy tín, hoặc trong trường hợp du thuyền thì sân đón trực thăng phải được xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng.
Với cách này, việc hạ cánh đòi hỏi một không gian khá rộng trên du thuyền. Trong nhiều trường hợp, hàng rào gấp, cũng như lưới an toàn có thể tháo rời và hệ thống chiếu sáng âm dưới sàn đáp cũng được sử dụng để phục vụ việc hạ cánh. Đôi khi, để phục vụ cho việc sử dụng máy bay trực thăng, bản thân du thuyền sẽ tích hợp thêm nhiều công năng hiện đại. Ví dụ, mui cứng trên du thuyền dài 50m Westport Vango có thể gập lại 90 độ để tạo thêm khoảng trống, đồng thời hệ thống gập này cũng chặn sự tương tác của các luồng không khí giữa cánh quạt của máy bay trực thăng lên các cột đứng của du thuyền.
Vị trí của sân bay trực thăng thường được xác định đầu tiên là trên nguyên tắc thiết kế và thẩm mỹ của riêng từng chiếc du thuyền, chứ không xét đến các nguy cơ tiềm ẩn của sóng, gió và sự di chuyển của thuyền. Cho dù chủ tàu chọn vị trí ở mũi tàu hay ở đuôi tàu, vị trí sân bay đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc bố trí các boong khác. Vị trí mũi tàu thì ít ảnh hưởng đến cấu trúc hơn, khi đó, sàn đuôi tàu được sử dụng để làm nơi thư giãn cho khách. Tuy nhiên, trực thăng thường không thể hạ cánh xuống sân đáp ở mũi tàu nếu lúc bấy giờ tàu đang di chuyển.
Về kích thước tối ưu của sân bay trực thăng, theo quy định sân bay trực thăng có thể được trang bị trên du thuyền có LOA (chiều dài trung bình) không ngắn hơn 45 mét. Đối với sân bay trực thăng, các nhà thiết kế đã đặt ra thuật ngữ "chiều dài không chướng ngại vật", nghĩa là sân bay trực thăng phải dài hơn 1,25 lần cánh quạt đuôi và cánh quạt chính của máy bay trực thăng.
Nhìn chung, điều quan trọng nhất lúc này đối với các nhà thiết kế và đóng tàu là tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia hàng không càng sớm càng tốt để tránh những khó khăn hoặc thay đổi tốn kém. Điều cần ghi nhớ cho các chủ sở hữu du thuyền đang có dự định sử dụng máy bay trực thăng là liệu khách của họ có cần bay vào ban đêm hay không? hoặc máy bay trực thăng có yêu cầu đặc biệt gì về cơ sở bảo dưỡng hoặc các quy trình tiếp nhiên liệu trên máy bay hay không?
Bài: Nguyễn Tâm - theo yachtharbour