Cuối tuần qua, mạng xã hội nổi sóng xoay quanh chiếc ly Starbucks phiên bản giới hạn.
Theo truyền thống, hàng năm, Starbucks đều thiết kế nên các mẫu ly đặc biệt cho những dịp lễ lớn như Halloween, Giáng sinh, Năm mới… Thiết kế đặc biệt của mùa Giáng sinh vừa được đưa về Việt Nam trong cuối tuần qua.
Bạn Anh Lê, một fan ruột của Starbucks đã xếp hàng tại cửa hàng Starbucks New World từ tận 4h30 sáng Chủ Nhật, 12/12, để chờ được mua chiếc ly phiên bản giới hạn này. Tuy nhiên, do nhân viên Starbucks không giới hạn lượng ly mỗi khách được mua, đã xảy ra tình trạng reseller mua sạch số lượng ly phiên bản giới hạn có tại cửa hàng. Bạn Anh Lê cho biết, sau đó, reseller ngang nhiên bày bán sản phẩm ngay trước mặt tiền cửa hàng, với mức giá đội gấp nhiều lần giá bán chính thức.
Starckbucks VietnamTrong phần nhận xét, nhiều người không thể hiểu được lý do vì sao nhiều người sẵn sàng chi tới hàng triệu đồng để sở hữu một chiếc ly giữ nhiệt của Starbucks. Một số người khác lại bảo vệ cho thú chơi này, xem nó như một đam mê sưu tầm.
Thực chất, không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu có một cộng đồng chuyên săn lùng các sản phẩm phiên bản giới hạn của Starbucks, tạo nên thị trường chuyển nhượng các mặt hàng này, với mức giá đội lên gấp nhiều lần, không kém cạnh gì những sản phẩm hypebeast từ những thương hiệu thời trang xa xỉ nhất! Vì sao? Hãy cùng Harper’s Bazaar giải mã thú sưu tầm hypebeast này.
Nguồn gốc của những chiếc ly phiên bản giới hạn của Starbucks
Năm 1997, Starbucks lần đầu tiên giới thiệu chiếc ly cà phê Giáng sinh của mình. Lúc ấy, nó chỉ là chiếc ly giấy bình thường. Màu của nó cũng hồng magenta chứ không thật sự đỏ.
Chị Sandy Nelson, người đã thiết kế nên mẫu ly đầu tiên này, nhớ lại: “Lúc ấy là tháng Tám, và tôi vừa bắt đầu làm việc ở bộ phận sáng tạo của công ty. Chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng cho mùa lễ hội cuối năm. Các thiết kế ly, phải đến hàng trăm mẫu, được gắn khắp nơi trên tường. Và tổng giám đốc Howard [Schultz] đến thăm phòng ban chúng tôi, nhìn qua các mẫu thiết kế, và chọn mẫu của tôi. Thật không thể tin được!”.
Phải đến năm 1999, Starbucks mới tìm ra màu đỏ biểu tượng của hãng. Theo Jon Cannell, trưởng ban phòng sáng tạo, cả êkíp đã mang vào văn phòng hàng tá mã màu đỏ khác nhau để cùng lựa chọn. “Màu đỏ của lễ hội là gì? Đỏ trầm, hay đỏ như ngọc ruby?” Và mọi người đã đồng lòng chọn nên sắc đỏ kẹo mà Starbucks vẫn sử dụng đến ngày nay.
Dựa trên những chiếc ly cà phê giấy đầu tiên này, Starbucks đã nảy ra ý tưởng phát triển những món quà để sưu tầm trong những dịp đặc biệt. Đó là những tấm thẻ quà tặng (gift card), ly giữ nhiệt, tách uống cà phê, poster, thậm chí là cả quần áo, mũ nón. Hãng gọi nó là dòng Starbucks Collectibles.
Khi phát triển nên dòng quà tặng, Starbucks đã rất khôn ngoan trong việc thiết kế và quảng bá chúng. Hãng không tạo nên sản phẩm đại trà bày bán khắp nơi, mà phân chia theo từng khu vực nhỏ.
Những cửa hàng ở những thành phố lớn như New York, Boston, San Francisco, Tokyo, Thượng Hải… đều có sản phẩm thiết kế theo văn hóa địa phương. Cửa hàng Starbucks trong các công viên Disney, Universal Studio… cũng có thiết kế độc quyền. Bạn chỉ có thể mua được thiết kế ấy khi đến thăm cửa hàng Starbucks địa phương. Điều này đã góp phần tạo nên làn sóng đi săn lùng vật phẩm hiếm của Starbucks khắp các thành phố ở Mỹ và toàn cầu.
Vậy, trong trường hợp bạn không thể đi chu du khắp nơi để săn lùng vật phẩm Starbucks? Chắc chắn là phải lên Internet tìm thử xem có ai rao bán nó không!
Starbucks lần đầu tiên phát triển dòng quà tặng này năm 2001. Tính đến mùa hè 2013, người ta ước lượng có khoảng từ 26.000 đến 37.000 vật phẩm của Starbucks được rao bán trên eBay, nền tảng buôn bán và rao vặt cá nhân. Qua đến mùa hè năm 2017, con số này đã tăng lên thành 134.000 vật phẩm.
Các sản phẩm Starbucks đều được tăng giá khi chào bán qua mạng. Những sản phẩm hiếm thậm chí được tăng giá gấp nhiều lần. Điều này khiến chúng không khác gì những sản phẩm hypebeast như giày dép, hay túi xách hàng hiệu quý hiếm.
Chiếc ly Starbucks phiên bản giới hạn đang gây sóng gió mạng xã hội Việt là mẫu Cold Cup SS Holiday Bling in Crystal. Đây là một chiếc ly được gắn pha lê khắp bề mặt. Người đã giúp Starbucks nảy ra ý tưởng trang trí ly pha lê chính là siêu sao ca nhạc gốc Latin Jennifer Lopez.
JLo là một người cực kỳ nghiện cà phê Starbucks. Tháng 08/2017, siêu sao bị bắt gặp vừa đi vừa uống nước từ một chiếc cốc Starbucks gắn đầy pha lê. Sản phẩm của JLo lúc ấy không phải là một tạo phẩm chính thức từ Starbucks, mà là một thiết kế làm tay của chị Teneka Moore, chủ shop TaylorMade Bling ở tiểu bang Missouri, Mỹ.
Đến nay, JLo vẫn đặt hàng chị Teneka Moore thiết kế nên những chiếc ly pha lê độc nhất vô nhị cho mình. Hàng loạt cửa hàng chế tác ly dát pha lê cũng mọc lên như nấm. Chính Starbucks cũng nhanh chóng bắt kịp làn sóng săn lùng ly pha lê và tung ra những mẫu ly phiên bản giới hạn mỗi năm.
Lợi thế duy nhất của Starbucks là những chiếc ly pha lê phiên bản giới hạn của hãng có mức giá rẻ hơn nhiều lần so với phiên bản được làm tay. Ví dụ, chiếc ly TaylorMade Bling của JLo có mức giá khoảng 600 đô-la Mỹ (khoảng 12 triệu đồng). Trong khi đó, mẫu ly Cold Cup SS Holiday Bling in Crystal của Starbucks chỉ 1.800.000 đồng – nếu bạn có thể mua nó trực tiếp từ các cửa hàng.
Năm 2021, những mẫu ly phiên bản giới hạn của Starbucks đặc biệt được săn lùng, vì năm nay kỷ niệm 50 năm sinh nhật của chuỗi cà phê nổi tiếng toàn cầu này. Có thể hiểu lý do vì sao các khách hàng ruột của Starbucks đặc biệt phẫn nộ khi dù xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ vẫn không mua được sản phẩm yêu thích của mình. Không rõ liệu Starbucks Việt Nam sẽ giải quyết những khiếu nại này ra sao. Nhưng dù hãng có hay không giải quyết các vấn đề, có lẽ thú sưu tầm ly phiên bản giới hạn của Starbucks sẽ vẫn không bị ảnh hưởng, khi được sự ủng hộ của một cộng đồng quốc tế và ngôi sao lớn như Jennifer Lopez.