CHUYÊN ĐỀ "12 CHIẾC ĐỒNG HỒ THIÊN VĂN THỜI TRUNG CỔ" (Bài 5)
Thủ đô Bern* (Thụy Sĩ) khá nhỏ bé và khiêm nhường so với phần lớn các thủ đô khác của Châu Âu, tuy nhiên đây là một trong những cái nôi, là cội rễ để những ai có cùng đam mê khám phá về nguồn cội, lịch sử lâu đời của kỹ nghệ chế tác đồng hồ thời Trung Cổ & xa hơn nữa để đến với tận cùng văn hóa, tìm thấy ánh sáng của Tổ Nghiệp. Bern cổ kính và yên bình bên dòng sông Aare kiều diễm, hiền hòa trôi... Bern mang nét quyến rũ lạ thường lắm!
Tản bộ trên con phố Marktgasse là điều thú vị nhất đối với gã Muggle như tôi, mang đến cảm giác như lạc vào xứ sở thần tiên của Alice, hay đúng hơn là con Hẻm Xéo trong ngôi làng Hogsmeade được hư cấu trong bộ truyện Harry Potter của nữ nhà văn J. K. Rowling vậy. Hai bên đường là những tòa nhà cổ kính với mái vòm chạy dọc các cửa hàng, trung tâm mua sắm gần gũi nhau. Nhờ có những mái vòm này mà kể cả những ngày trời nắng chói chang hay mưa tầm tã cũng không cản bước những ánh mắt hiếu kì. Nhưng có lẽ, điều ấn tượng nhất về khu vực phố cổ lại là những con đường lát đá mài thủ công. Cách bố trí những đường phố từ thời Trung cổ** với những mái vòm, đài phun nước trên đường phố và những ngọn tháp cổ đã thuyết phục được UNESCO công nhận Bern là một trong những di sản văn hóa thế giới, cùng với những thành phố huyền thoại khác như Florence, Petra hay Taj Mahal.
Zeitglockenturm hay còn gọi Zytglogge là một trong những biểu tượng dễ nhận biết của thủ đô Bern, Thụy Sĩ. Tháp đồng hồ nằm trên phố Kramgasse của thành phố cổ, gần đài phun nước Zahringen. Zytglogge được xây dựng trong giai đoạn 1218 - 1220.
Ban đầu, tháp Zytglogge chỉ cao 16 mét, được coi như tháp cổng của pháo đài phía Tây thành Bern. Với sự phát triển nhanh chóng của thành phố và việc mở rộng thêm các pháo đài, tháp đã được nâng cao thêm 7 mét để quan sát khu vực lân cận. Sau này, Zytglogge bị chuyển thành một nhà tù dành cho phụ nữ. Cuộc hỏa hoạn năm 1405 đã phá hủy nghiêm trọng cấu trúc tháp. Các gian nhà tù bị bỏ hoang và một chiếc đồng hồ được lắp đặt lần đầu tiên phía trên cổng vào đầu thế kỷ XV, bao gồm một đồng hồ thiên văn học đơn giản và cỗ máy nhạc.
Vào năm 1527-1530, chiếc đồng hồ đã được kiến trúc sư Kaspar Brunner xây dựng lại hoàn toàn, phần cổng được uốn thành vòm, cung cấp hệ thống trụ cột an toàn nhằm “tải” được cỗ máy hạng nặng vô cùng phức tạp bên trên.
Tháp đồng hồ Zeitglockenturm có tổng chiều cao lên đến 54,4 mét, thân chính tháp được chia thành bệ hai tầng, bên ngoài được làm bằng đá vôi núi cao, vỏ ngoài chế tác bằng đá sa thạch. Có khoảng 130 bước cầu thang xoắn ốc cổ dẫn từ chân tháp đến đài quan sát - nơi cung cấp tầm nhìn toàn cảnh thành phố cổ, dãy Alps & đỉnh Jungfraujic Interlacken (Top of Europe). Hai tầng gác mái được bao phủ bởi chóp nón lợp ngói đỏ mang kiến trúc Gothique Trung cổ.
Mặt đồng hồ được bao phủ bằng chữ số La Mã và các ký hiệu cung hoàng đạo với hình trôn xoắn ốc và vòng quay số phức tạp, hiển thị ngày tháng, hệ số chiêm tinh và chu kỳ nhật nguyệt. Những bức phù điêu họa hình linh hồn các nhân vật thần thoại và các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khác nhau của hàng trăm nghệ sỹ nổi tiếng được gắn bao quanh tháp. Chấm phá trên phần mặt số đá sa thạch là các vị thần La Mã như Venus, Mars và Jupiter được vẽ trên tường cùng với các linh vật độc đáo. Đặc biệt, những ô cửa sổ tấu nhạc được trang trí sinh động ở phần bên phải của mặt số.
Mặt số của đồng hồ thiên văn Zeitglockenturm được thiết kế dưới dạng một kính trắc tinh. Nó được hỗ trợ bởi một bản đồ địa cầu khắc nổi được chia thành ba khu: Bầu trời đêm đen, Vùng bình minh pháp lam xanh sẫm và bầu trời ban ngày màu xanh ngọc bích.
Cứ đến đúng 12 giờ trưa, tất cả người dân lại tập trung dưới chân tòa tháp để lắng nghe tiếng chuông thánh thót cũng như sự xuất hiện của những chú rối tinh nghịch nhảy ra từ phía trong mặt đồng hồ. Tiếng chuông lớn của tháp Zeitglockenturm vang lên mỗi giờ nhờ một chiếc búa từ pho tượng jaquemars hình nhân mạ vàng đang di chuyển cánh tay để mô phỏng gõ chuông.
Đến nay, chiếc đồng hồ trên tháp đã bước sang tuổi 802, nhưng vẫn chưa ai giải thích được vì sao sau ngần ấy năm, nó vẫn chạy một cách chính xác tuyệt vời đến vậy?! Thật là một sự ngạc nhiên đầy thú vị!
Bài: Phong Huỳnh - Watches Columnist - s.t & trải nghiệm thực tế.
Cre: Phong Huỳnh & Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử - Make Christianity Great As Always
Chú thích:
* Là một thành phố tự do, khi công tước Berthold V mất, không có người thừa kế, Bern đã được mở mang với những con phố xa hoa rộng rãi hơn, trải dài dọc theo mũi đất nhô ra biển. Năm 1353, Bern sáp nhập vào Liên bang Thụy Sỹ và trở thành thủ đô của Thụy Sỹ vào năm 1848.
** Middle Ages - Thời Trung Cổ (hay Thuật ngữ "Trung Đại" xuất hiện lần đầu trong tiếng Latin là Media Tempetas (dịch nghĩa đen là "Mùa Trung Gian") là giai đoạn trong lịch sử châu Âu bắt đầu từ sự sụp đổ của Đế Chế La Mã vào thế kỷ V kéo dài tới thế kỉ XV, hòa vào thời Phục hưng và Thời đại khám phá. Thời Trung Cổ là thời đại thứ hai trong ba thời đại lịch sử theo cách phân kỳ truyền thống của lịch sử phương Tây, cùng với Cổ Đại và Hiện Đại. Thời kỳ Trung Cổ tự nó chia làm ba giai đoạn: Sơ - Trung và Hậu Kỳ (Early - High và Late Middle Ages).
Các nhà văn thời Trung Cổ chia lịch sử làm các thời kì khác nhau như "Sáu Thời Đại" hay "Bốn Đế Chế" và xem thời họ sống là giai đoạn cuối cùng trước buổi diệt vong của thế giới.
Trong thế kỉ XIX, toàn bộ thời Trung Cổ thường được gọi bằng tên "Thời Kỳ Tăm Tối - Dark Ages”, nhưng với sự tiếp nhận cách phân kỳ ba giai đoạn, việc dùng thuật ngữ Thời Kỳ Tăm Tối hạn chế lại, chỉ để nhắc đến thời Sơ Kỳ Trung Đại, ít nhất là trong số các sử gia...
Xem các bài khác cùng chuyên đề: Bài 1: Chiếc đồng hồ thiên văn bên trong nhà thờ Lund, Thụy Điển
Bài 2: Đồng hồ thiên văn Prague Orloj thời Trung Cổ hơn 600 năm tuổi
Bài 3: Những họa tiết ngụ ngôn tráng lệ của đồng hồ Thiên văn The Gros Horloge
Bài 4: Tháp đồng hồ Torre dell'Orologio ở Quảng Trường San Marco, Venice
#Watches