Vnluxury

Tìm hiểu về hội họa hiện đại qua bài tiểu luận nổi tiếng của Clement Greenberg (P.2)

Franz Marc, Large Blue Horses, 1911

Trong khi đó, các tiêu chuẩn cơ bản khác của nghệ thuật hội họa, bắt đầu từ chủ nghĩa hiện đại, đã trải qua một sự biến đổi sâu xa, có thể nói là ngoạn mục. Nó sẽ khiến tôi mất nhiều thời gian hơn để chỉ ra quy chuẩn về hình dạng hoặc khung tranh đã được nới lỏng, rồi siết chặt, rồi nới lỏng một lần nữa, rồi lại siết chặt một lần nữa, bởi các thế hệ họa sĩ theo chủ nghĩa hiện đại tiếp nối nhau. Hoặc các tiêu chuẩn về mức độ hoàn thiện và kết cấu sơn vẽ cũng như độ tương phản về màu sắc đã được biến đổi như thế nào. Những rủi ro mới đã được chấp nhận với tất cả các quy chuẩn này, không chỉ vì lợi ích của sự biểu đạt mà còn để thể hiện chúng rõ ràng hơn như những quy chuẩn. Bằng cách thể hiện, chúng được kiểm định tính thiết yếu. Quá trình thử nghiệm chưa hề kết thúc, và thực tế là nó càng trở nên sâu sắc hơn khi tiếp tục giải thích cho sự giản hóa triệt để được thấy trong hội hoạ trừu tượng, và những phức tạp căn bản cũng được thấy trong đó.


Không có thái cực nào là thất thường hay tùy tiện. Ngược lại, các quy ước của một thể loại càng được xác định chặt chẽ thì chúng càng có ít khả năng cho phép sự tuỳ tiện. Các chuẩn mực hoặc quy ước cơ bản của hội họa đồng thời cũng là những điều kiện giới hạn mà một bức tranh phải tuân thủ để được trải nghiệm như một bức tranh. Chủ nghĩa hiện đại đã phát hiện ra rằng những giới hạn này có thể bị đẩy lùi hết mức - trước khi một bức tranh không còn là một bức tranh nữa và biến thành một vật thể tùy tiện; nhưng người ta cũng phát hiện ra rằng những giới hạn này càng bị đẩy lùi thì chúng càng phải được tuân thủ và được chỉ định rõ ràng hơn. Những đường viền đen và những ô màu trong tác phẩm của Mondrian dường như khó có thể tạo nên một bức tranh, nhưng chúng lại áp đặt dạng thức của bức tranh như một chuẩn mực được điều tiết với một sức mạnh mới mẻ và sự hoàn chỉnh bằng cách lặp lại dạng thức đó một cách chặt chẽ. Không hề gặp phải nguy cơ tùy tiện, hội hoạ của Mondrian chứng tỏ theo thời gian, gần như quá nguyên tắc, quá truyền thống và bị ràng buộc bởi quy chuẩn ở nhiều khía cạnh. Một khi đã quen với tính chất trừu tượng hoàn toàn của nó, chúng ta nhận ra rằng nó lại có vẻ bảo thủ hơn về màu sắc, cũng như phụ thuộc vào khung tranh, so với những tác phẩm thời kỳ cuối của Monet.

Maxine Albro, California (mural), 1934

Tôi hy vọng người đọc hiểu rằng khi vạch ra cơ sở lý luận của hội họa theo chủ nghĩa hiện đại, tôi đã phải cố gắng đơn giản hóa và cường điệu hóa. Tính chất phẳng mà hội họa hiện đại hướng tới không bao giờ có thể là phẳng tuyệt đối. Độ phẳng cao có thể không còn cho phép ảo giác về không gian ba chiều, hay trompe-l'oeil (ảo ảnh thị giác), nhưng nó có thể và phải cho phép các hiệu ứng quang học. Dấu vết đầu tiên được tạo ra trên mặt vải vẽ sẽ phá hủy độ phẳng theo nghĩa đen. Kết quả của những dấu vết do một nghệ sĩ như Mondrian tạo ra vẫn là một loại ảo ảnh gợi ý về chiều không gian thứ ba. Chỉ khác nó là một chiều thứ ba hoàn toàn từ hiệu ứng quang học. Các bậc thầy xưa đã tạo ra ảo giác về không gian có chiều sâu mà người ta có thể tưởng tượng mình đang bước vào, nhưng ảo giác tương tự do họa sĩ theo chủ nghĩa hiện đại tạo ra chỉ có thể được nhìn, thậm chí có thể được đi qua - theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng - chỉ bằng mắt.


Hội hoạ trừu tượng gần đây nhất cố gắng đáp ứng sự nhấn mạnh của trường phái ấn tượng về hiệu ứng quang học như ý nghĩa duy nhất mà một nghệ thuật biểu hình hoàn chỉnh và tinh túy có thể gợi lên. Nhận ra điều này, người ta cũng bắt đầu nhận ra rằng những người theo trường phái ấn tượng, hay ít nhất là những người theo trường phái tân ấn tượng, không hoàn toàn sai lầm khi đề cao khoa học. Sự tự phê phán của Kant, bây giờ đã được thể hiện đầy đủ nhất trong khoa học hơn là trong triết học, và khi nó bắt đầu được áp dụng trong nghệ thuật, hội hoạ đã được đưa đến gần khoa học hơn bao giờ hết - gần về mặt tinh thần hơn so với Alberti, Uccello, Piero della Francesca, hay Leonardo của thời Phục hưng. Nghệ thuật thị giác chỉ nên giới hạn ở những gì được đưa ra trong trải nghiệm thị giác và không đề cập đến bất cứ điều gì được đưa ra theo trải nghiệm khác, là một khái niệm mà sự biện minh duy nhất của nó nằm ở tính nhất quán khoa học.

Joseph Stella, Brooklyn Bridge, 1919–1920

Chỉ riêng phương pháp khoa học đã yêu cầu rằng một tình huống phải được giải quyết theo đúng những điều kiện mà nó được trình bày. Nhưng kiểu nhất quán này không hứa hẹn gì về chất lượng thẩm mỹ, và thực tế là những tác phẩm nghệ thuật thú vị nhất trong gần một thế kỷ vừa qua ngày càng tiến gần hơn đến tính nhất quán đó cũng cho thấy như vậy. Từ quan điểm của nghệ thuật, bản thân sự hội tụ của nó với khoa học chỉ là một sự tình cờ đơn thuần, và cả nghệ thuật lẫn khoa học đều không thực sự mang lại cho nhau hay đảm bảo cho nhau điều gì. Tuy nhiên, sự hội tụ ấy chứng tỏ nghệ thuật hiện đại và khoa học hiện đại thuộc về cùng một xu hướng văn hóa ở mức độ sâu sắc, và đó là một thực tế lịch sử.


Cũng nên hiểu rằng việc tự phê phán trong nghệ thuật hiện đại chưa bao giờ được thực hiện theo cách nào khác ngoài cách tự phát và phần lớn là trong tiềm thức. Như tôi đã nói, nó hoàn toàn là một vấn đề thực tiễn, gắn liền với thực tiễn và không bao giờ là một chủ đề lý thuyết. Người ta đã nghe nói nhiều về các chương trình liên quan đến nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại, nhưng thực tế là hội hoạ theo chủ nghĩa hiện đại có ít tính lập trình hơn nhiều so với hội họa Phục hưng hoặc hội hoạ hàn lâm. Với một vài trường hợp ngoại lệ như Mondrian, các bậc thầy của chủ nghĩa hiện đại không có ý tưởng cố định nào về nghệ thuật hơn Corot. Những khuynh hướng nhất định, những khẳng định và nhấn mạnh, cũng như những từ chối và tiết chế, dường như trở nên cần thiết đơn giản vì con đường dẫn đến nghệ thuật mạnh mẽ hơn, biểu cảm hơn nằm ở đó. Mục tiêu trước mắt của những người theo chủ nghĩa hiện đại vẫn mang tính cá nhân, và sự thật cũng như thành công trong các tác phẩm của họ cũng mang tính cá nhân hơn bất kỳ điều gì khác. Và phải mất nhiều thập kỷ, sự tích lũy của rất nhiều nỗ lực cá nhân mới bộc lộ xu hướng tự phê phán chung của hội họa theo chủ nghĩa hiện đại. Không có nghệ sĩ nào chưa nhận thức về nó, cũng như không có nghệ sĩ nào có thể làm việc tuỳ tiện khi đã nhận thức về nó. Ở mức độ này - và đó là một mức độ lớn - nghệ thuật được tiếp tục với chủ nghĩa hiện đại theo cách tương tự như trước đây.

Marc Chagall, I and the Village, 1911

Và tôi khẳng định rằng chủ nghĩa hiện đại chưa bao giờ, và không có nghĩa là bây giờ, có bất cứ điều gì giống như sự đoạn tuyệt với quá khứ. Nó có thể có nghĩa là một sự thoái hóa, một sự tháo gỡ truyền thống, nhưng nó cũng có nghĩa là sự tiến hóa hơn nữa. Nghệ thuật hiện đại tiếp tục quá khứ mà không có khoảng trống hay sự gián đoạn, và dù kết thúc ở đâu, nó sẽ không bao giờ ngừng quy chiếu về quá khứ. Việc tạo ra các bức tranh đã được kiểm soát ngay từ khi nó bắt đầu bởi tất cả các chuẩn mực mà tôi đã đề cập. Thợ vẽ hoặc thợ khắc thời đồ đá cũ có thể bỏ qua quy chuẩn của khung tranh và xử lý bề mặt với cung cách điêu khắc theo nghĩa đen, vì họ tạo ra hình ảnh chứ không phải vẽ tranh và làm việc trên một giá đỡ là một vách hang, một khúc xương, một cái sừng hoặc một hòn đá mà giới hạn và bề mặt của nó được thiên nhiên trao cho họ một cách ngẫu nhiên. Còn việc vẽ tranh lại có nghĩa là cố ý tạo ra hoặc lựa chọn một mặt phẳng cũng như cố ý khoanh vùng và giới hạn nó. Sự cố ý này chính xác là điều mà hội họa theo chủ nghĩa hiện đại hướng tới: thực tế là những điều kiện hạn chế của nghệ thuật chính là những điều kiện của con người.

Quảng cáo

Nhưng tôi muốn nhắc lại rằng nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại không đưa ra những minh chứng mang tính lý thuyết. Đúng hơn, có thể nói rằng nó tình cờ chuyển đổi những khả năng lý thuyết thành những khả năng thực nghiệm, qua đó nó kiểm tra các lý thuyết về mức độ phù hợp của chúng với thực tiễn và trải nghiệm thực tiễn về nghệ thuật. Chỉ riêng ở khía cạnh này, chủ nghĩa hiện đại có thể được coi là có tính chất lật đổ. Một số yếu tố mà chúng ta từng cho là cần thiết cho việc tạo ra và trải nghiệm nghệ thuật lại không phải như vậy, bởi thực tế là hội họa theo chủ nghĩa hiện đại đã có thể loại bỏ chúng mà vẫn tiếp tục mang lại trải nghiệm nghệ thuật ở tất cả những yếu tố cần thiết của nó. Thực tế nữa là chứng minh này đã giữ nguyên hầu hết các đánh giá cũ của chúng ta chỉ khiến nó trở nên thuyết phục hơn. Chủ nghĩa hiện đại có thể liên quan gì đó đến sự hồi sinh danh tiếng của Uccello, Piero della Francesca, El Greco, Georges de la Tour, và thậm chí cả Vermeer; và chủ nghĩa hiện đại chắc chắn đã xác nhận, nếu không phải là bắt đầu, sự hồi sinh danh tiếng của Giotto; nhưng cũng vì vậy nó không hạ thấp vị thế của Leonardo, Raphael, Titian, Rubens, Rembrandt hay Watteau. Điều mà chủ nghĩa hiện đại đã chỉ ra là, mặc dù quá khứ đã đánh giá cao những bậc thầy này một cách chính đáng, nhưng quá khứ cũng thường đưa ra những lý do sai lầm hoặc không liên quan để làm như vậy.


Vassily Kandinsky, On White II, 1923

Ở một khía cạnh nhất định, tình trạng này ngày nay hầu như vẫn thế. Phê bình nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật lạc hậu so với chủ nghĩa hiện đại vì chúng đã lạc hậu so với nghệ thuật tiền hiện đại. Hầu hết những gì viết về nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại vẫn thuộc về báo chí hơn là giới phê bình hay nghiên cứu lịch sử. Nó thuộc về báo chí - và thuộc về phức cảm lâu đời mà rất nhiều nhà báo đang phải gánh chịu hôm nay - rằng mỗi giai đoạn mới của nghệ thuật hiện đại nên được ca ngợi như sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, đánh dấu một bước đột phá mang tính quyết định so với những phong tục tập quán cũ. Đến nỗi mỗi lần xuất hiện một loại hình nghệ thuật được mong đợi, không giống như tất cả các loại hình trước đó và không bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực thực hành hoặc thị hiếu, là ai cũng có thể lên tiếng, bất kể có hiểu biết hay không hiểu biết. Và mỗi lần như vậy, kỳ vọng lại mang đến thất vọng, khi giai đoạn nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại được đề cập cuối cùng cũng diễn ra trong sự nhàm chán của thị hiếu và truyền thống.


Nhưng không gì có thể xa lạ hơn với nghệ thuật đích thực hơn ý tưởng về sự đứt gãy của tính liên tục. Nghệ thuật – cũng như mọi thứ khác - có sự kế thừa và không thể tưởng tượng được là không có điều đó. Thiếu nghệ thuật trong quá khứ cũng như nhu cầu và sự bắt buộc phải duy trì các tiêu chuẩn xuất sắc của nó, nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại sẽ thiếu cả nội dung và sự biện minh.

Grant Wood, American Gothic, 1930
Tái bút
Người viết đang cố gắng giải đáp một phần câu hỏi là nhờ đâu hầu hết những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trong hàng trăm năm qua đã ra đời, nhưng không ngụ ý rằng đó là cách nó phải xảy ra, chứ đừng nói đến chuyện đó là cách mà thứ nghệ thuật tốt nhất phải xảy ra. Nghệ thuật “thuần túy” là một ảo tưởng hữu ích, nhưng điều này không làm cho nó bớt ảo tưởng chút nào. Khả năng nó tiếp tục hữu ích cũng chẳng làm cho nó ít ảo tưởng hơn.
Đã có một số cách hiểu đến mức phi lý về những gì tôi đã viết: Rằng tôi coi độ phẳng và sự giới hạn của mặt phẳng không chỉ là những điều kiện hạn chế mà còn là tiêu chí về chất lượng thẩm mỹ trong hội họa; rằng một tác phẩm càng nâng cao khả năng tự xác định về loại hình thì tác phẩm đó chắc chắn sẽ càng giá trị. Triết gia hoặc sử gia nghệ thuật nào có thể hình dung ra tôi - hay bất cứ ai - đi đến những đánh giá thẩm mỹ theo cung cách như vậy, đang đọc trong chính đầu óc của họ nhiều hơn là đọc bài viết của tôi.

Nguồn: Clement Greenberg, “Modernist Painting”, in “Modern Art and Modernism: A Critical Anthology”, ed. Francis Frascina and Charles Harrison, SAGE Publications, 1982

Dịch giả: Phan Đan - Ảnh: Wikipedia


Nguồn https://www.navigator.com.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm