Vincent van Gogh (1853–1890) là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của lịch sử nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng. Mặc dù sự nghiệp bị dừng lại một cách bi thương và không được công nhận trong suốt cuộc đời của mình khi ông còn sống, nhưng những bức tranh của ông giờ đây được đánh giá lá một phần trong kho tàng những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất từng được tạo ra của nhân loại.
Van Gogh là một thiên tài mơ mộng kỳ lạ, một nhà tạo màu tuyệt vời, một nghệ sĩ đã biến cây cối thành ngọn lửa và một đêm đầy sao thành một màn trình diễn pháo hoa lạ kỳ… Nhưng, một trong những nghịch lý lớn nhất trong lịch sử, khi trong suốt cuộc đời của mình, ông không thể mua nổi một miếng bánh mì và bây giờ các bức tranh của ông được bán với giá hàng trăm triệu đô.
Vì sao tôi si mê Van Gogh và các tác phẩm của ông?

Tôi là một người đam mê hội họa và nghệ thuật nói chung. Tôi đã đến Ý, cố gắng thỏa mãn cơn khát nghệ thuật từ thời kỳ phục hưng, phong cách baroque, trần nhà của Michaelangelo và tất cả sự hùng vĩ ở Rome. Tôi cũng đã đứng trong ngôi nhà của danh họa Monet ở Pháp, chiêm ngưỡng bức tranh thực tế "Water Lillies" của ông và nhiều bức tranh khác. Sự “tiếp xúc” của tôi với trường phái ấn tượng và các họa sĩ trường phái này gần như đầy đủ. Tôi đã xem các nghệ sĩ và các tác phẩm chính của họ trong các bảo tàng nghệ thuật trên khắp thế giới. Nhưng sau tất cả, người tôi ngưỡng mộ nhất vẫn là Van Gogh.
Tôi đã chiêm bái rất nhiều tác phẩm của ông tại bảo tàng nghệ thuật ở Amsterdam hay ở New York. Từ những đêm đầy sao đến những bông hoa hướng dương tuyệt diệu. Lần đầu tiên đến Bảo tàng Van Gogh là ở Amsterdam vào năm 2016, tôi đã bị choáng váng bởi màu sắc, kết cấu và nét vẽ đối diện với tôi từ mọi hướng, đến mức tôi phải ngồi xuống, hít thở sâu. Trước đó rất lâu, tôi nhớ mình đã nhìn chằm chằm vào “Đêm đầy sao” trong một cuốn sách nghệ thuật cũ từ những năm 1985 mà tôi sưu tầm được, và bị cuốn vào những vòng xoáy ma thuật của nó.
Tôi nghĩ cách giải thích của ông về ánh sáng khác nhiều so với các họa sĩ ấn tượng khác. Tôi nghĩ ông khắc họa ánh sáng và bóng tối theo cách chỉ có ở mình ông. Nó có ý nghĩa, đẹp, nhưng khó đoán nhất. Nếu Van Gogh không lý giải cho chúng ta cách nhìn của ông về “Đêm đầy sao”, chúng ta sẽ không thể đoán “ngôn ngữ”, phương thức ông tạo ra hình ảnh này. Ông có một khả năng tuyệt vời khi có thể tạo ra một tác phẩm mang lại tầm nhìn ba chiều trong hai chiều thông qua phối cảnh và bóng tối tạo ra ảo ảnh 3D, nhưng vẫn cố gắng mang lại sự cân bằng và chuyển động tinh tế, tự nhiên.
"Đêm đầy sao" không chỉ là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh, nó là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất còn tồn tại. Bầu trời đêm xoáy ngoạn mục, chứa đầy những hình xoắn ốc, thu hút phản ứng cảm xúc mạnh mẽ từ người xem cho đến ngày nay.

"Đêm đầy sao" (1889) có thể sẽ đứng đầu danh sách khi nhắc đến những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Van Gogh

"Đêm đầy sao trên sông Rhône" (1888) tương tự, cũng nổi bật trong việc miêu tả bầu trời đêm với Starry Night nhưng có ít hình xoắn ốc, bức tranh này mang lại cảm giác yên bình hơn
Nghệ thuật của Van Gogh “trò chuyện” với tôi như cách nó “trò chuyện” với rất nhiều người. Nhưng Vincent mà tôi đã yêu trong vài năm qua không phải là Vincent theo văn hóa đại chúng thường nói đến. Ông phức tạp hơn thế. Vì tai ông bị cắt ư? Chỉ là một phần của câu chuyện. Thiên tài điên cuồng cô độc tát sơn lên vải trong một căn gác cô đơn ư? Chủ yếu là “thần thoại” hóa.
Vậy Vincent "thật" trong mắt tôi là ai? Tôi có những trải nghiệm thực tế đầy xúc động đối với tác phẩm của Van Gogh mà tôi không nhận được cùng cường độ từ bất kỳ họa sĩ nào khác. Nó liên quan đến cách ông sử dụng màu sắc và tạo ra tác phẩm như ở một thế giới khác. Đó là một thực tế được biến thành một giấc mơ.

Chân dung tự họa (1889) với mô hình xoáy ảo giác tương tự như "Đêm đầy sao" với cảm giác hỗn loạn.
Việc khám phá về ông đến từ những lá thư ông để lại. Hàng trăm trong số đó còn tồn tại, những trang suy nghĩ của ông về nghệ thuật và cuộc sống. Từ những bức thư này, tôi biết rằng Van Gogh thông thạo nhiều ngôn ngữ; rằng ông sở hữu một trí nhớ phi thường, ông có thể nhớ lại một cách sống động về những điều ông đã thấy một thập kỷ trước đó. Trái ngược với hình ảnh người họa sĩ điên cuồng cầm cọ, những lựa chọn nghệ thuật của ông đều có chủ ý và suy tính kỹ lưỡng. Và như bao người, ông cũng cần tình yêu. Hơn bất cứ điều gì, ông muốn có một gia đình của riêng mình. Một trong những điều hối tiếc sâu sắc nhất của cuộc đời ông là ông chưa bao giờ có vợ con, hay một mái ấm thực sự. Van Gogh, người có thể cứng đầu và thậm chí ích kỷ, nhưng cũng mang trong mình sự dịu dàng và lòng trắc ẩn. Bên cạnh bóng tối và bệnh tật, tôi còn thấy có sự lạc quan và ánh sáng trong cuộc sống của ông - những ý tưởng lớn và ước mơ lớn từ mỗi bức thư tôi đọc và mỗi bức tranh tôi xem. Đó là lý do vì sao tôi hoàn toàn si mê tác phẩm của Van Gogh.

Hoa hướng dương (1888)
Tại sao lại có một trong những nghịch lý lớn nhất trong lịch sử, khi trong suốt cuộc đời của mình, Van Gogh không thể mua nổi một miếng bánh mì và bây giờ các bức tranh của ông được bán với giá hàng trăm triệu đô?
Đặc biệt là thế, nhưng chỉ duy nhất một bức tranh của ông đã được bán trong suốt cuộc đời. Mặc dù ông đã vẽ khoảng 900 bức tranh và khoảng 1100 bức phác thảo, tương đương trung bình 4 tác phẩm nghệ thuật mỗi tuần trong sự nghiệp nghệ thuật kéo dài 10 năm của mình.

Ông chỉ bán một bức tranh trong suốt cuộc đời của mình, và đó là bức tranh “Vườn nho đỏ gần Arles”, 1888
Đôi khi tôi tự hỏi đâu là giới hạn đam mê của một người nghệ sĩ? Cho đến khi họ có thể tự đẩy mình đến giới hạn khi đang sống trong lớp vỏ bọc của sự vô danh? Khi họ cảm thấy trống rỗng, không có gì trong mắt thế giới? Van Gogh thực sự là một điển hình về sự kiên cường. Ngày nay, bức “Đêm đầy sao” là một trong những bức tranh được nhiều người biết đến nhất trên toàn cầu, nhưng rất ít người biết rằng ông đã vẽ nó bên cửa sổ căn phòng của mình trong một viện điều trị tâm thần. Ông bị chê cười, bị coi là một vết nứt, tự cắt xẻo bản thân và kết thúc bằng cách tự tử. Theo lời của chính Van Gogh, “Tôi thà chết vì đam mê còn hơn chán nản.”
Van Gogh đã vẽ theo một phong cách không phổ biến ở thời điểm đó. Vào thời của ông, những sáng tạo của ông được xem là tác phẩm của một người điên và không ai đánh giá cao về chúng cả. Những bức tranh của ông rất dễ nhận thấy bởi những nét cọ dài dẹt, những vòng xoáy sâu hun hút. Nó rất nội tâm và kỳ lạ. Đặc biệt trong giai đoạn 1888-1890, tác phẩm của ông rất khác so với các nghệ sĩ trước đó, không ai vẽ như ông. Thế giới nghệ thuật thời ấy khá bảo thủ, không mấy cởi mở với những bức tranh khác lạ như của Van Gogh

Bức cây dâu tằm năm 1889
Trong cuốn sách của mình về Chủ nghĩa hậu Ấn tượng ở thế kỷ 19, nhà sử học nghệ thuật John Rewald đã mô tả Vincent van Gogh là “họa sĩ của thời kỳ thu hút công chúng ngày nay một cách mạnh mẽ nhất”. Nhận định đó được viết vào năm 1956. Sáu thập kỷ sau, nó vẫn đúng. Trong những năm gần đây, sức hấp dẫn của Van Gogh đã lớn đến mức hiện nay ông được coi là họa sĩ được yêu thích nhất mọi thời đại.
Toàn thế giới ngưỡng mộ tài năng của ông. Mọi người yêu quý Vincent van Gogh. Ông thu hút hàng triệu người đến các viện bảo tàng và triển lãm, hàng triệu tác phẩm remake được bán, sản phẩm thời trang, chưa kể đến hàng loạt đồ gia dụng in hình Van Gogh, hình ảnh ông xuất hiện trên loạt bộ phim nổi tiếng… Hầu hết mọi người đều nhận ra những bức tranh kinh điển nhất của ông.
Nghệ thuật đích thực của Van Gogh dạy chúng ta cách cảm nhận và đam mê. Ông cho chúng ta thấy rằng không thể hoàn thành việc sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đáng mơ ước nếu không có cảm xúc và sự kiên trì. Ông hiểu được vẻ đẹp của thiên nhiên và đắm mình trong màu sắc rực rỡ và kỳ lạ.

"Hoa diên vĩ" (1889) của Van Gogh có lẽ là ví dụ điển hình nhất về việc nghệ sĩ tạo ra tác phẩm có khiếu thẩm mỹ cực cao; bức tranh tràn ngập ánh sáng, cuộc sống và vẻ đẹp tự nhiên
Một thiên tài thường được coi là người có tài năng hoặc khả năng đặc biệt, vượt trội và đi trước thời đại so với các đồng nghiệp cùng thời của họ và cả công chúng. Thiên tài hầu như luôn không được công nhận ngay lập tức. Để công nhận một điều gì đó phi thường, một xã hội, một quần thể phải trưởng thành, và đôi khi không phải chỉ một thế hệ mà là nhiều thế hệ nữa.

“Cánh đồng lúa mì với quạ” (1890)
Thật đáng buồn khi người nghệ sĩ thiên tài ấy đã chọn cái kết như chính bức tranh của mình - “Cánh đồng lúa mì với quạ bay” (1890)
Trong những ngày cuối cùng, Van Gogh đã vẽ một số bức tranh mô tả về những cánh đồng lúa mì xung quanh ông. Nó cho thấy một cảm giác cô lập và cô đơn, với một con đường kết thúc ở giữa cánh đồng, không đi đâu cả, xung quanh là quạ. Một hình ảnh u ám buồn bã. Bức tranh này được hoàn thành vào đúng tháng mà Van Gogh tự bắn vào ngực mình, giữa cánh đồng lúa mì được ông vẽ nên. Thật không thể nhìn vào bức tranh này mà không có cảm nhận nghiệt ngã trong lòng.
Đã hơn một thế kỷ trôi qua rồi, tôi vẫn ngưỡng mộ và trân trọng mọi tác phẩm đến từ một trong những họa sĩ phi thường nhất của nhân loại - Vincent van Gogh. Một thiên tài với cuộc đời đầy bi kịch, nhưng nghệ thuật mà ông để lại luôn là di sản sở hữu giá trị bất biến đời đời.
Bài: Dung Trần - Art Columnist / Travel Columnist