
Loạt phim khủng long Jurassic Park và Jurassic World tái hiện sống động các sinh vật từ thời kỷ tiền sử. Ảnh: @EddiePavisic
Gần 32 năm trước, vào năm 1993, bộ phim Jurassic Park đã khiến khán giả toàn cầu choáng ngợp khi đưa những loài khủng long tiền sử lên màn ảnh rộng với độ chân thực đáng kinh ngạc. Nhờ sự kết hợp đột phá giữa CGI tân tiến và kỹ xảo mô hình thực, bộ phim không chỉ thay đổi cách điện ảnh khắc họa khủng long, mà còn khiến cái tên như Tyrannosaurus rex, Velociraptor, Triceratops hay Brachiosaurus trở thành một phần của văn hóa đại chúng.
Từ đó đến nay, thương hiệu Jurassic Park đã mở rộng thành một trong những loạt phim ăn khách nhất mọi thời đại, với tổng cộng bảy phim, thu về hơn 6 tỷ USD toàn cầu. Nhưng yếu tố tạo nên sức hút lớn nhất lại chính là những sinh vật khổng lồ, dữ dội – đặc biệt là T. rex, “nữ hoàng” khủng long, đã gieo rắc nỗi kinh hoàng và phấn khích cho người xem suốt hơn ba thập kỷ.
Vậy, đâu là loài khủng long đáng sợ nhất trong Jurassic Park và Jurassic World? Dưới đây là bảng xếp hạng từ “nhẹ đô” đến “cơn ác mộng thực sự” của vũ trụ điện ảnh này:
Pteranodon: Ác điểu thống trị bầu trời

Ảnh: @TrashxPunky
Dù không chính xác là một loài khủng long mà thuộc nhóm bò sát bay cổ đại gọi là pterosaur, Pteranodon vẫn thường được nhắc đến trong thế giới điện ảnh của khủng long như một trong những sinh vật đáng sợ nhất bầu trời kỷ Phấn Trắng. Với sải cánh rộng đến 10 mét, gần bằng chiều dài một chiếc xe buýt – Pteranodon có phần mỏ sắc nhọn như thanh kiếm và có thể lao xuống bắt mồi trong tích tắc.
Chúng lần đầu được giới thiệu trong phần phim Jurassic Park III. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất là khi Pteranodon bất ngờ bắt cóc cậu bé Eric Kirby (do Trevor Morgan thủ vai), khiến người xem rợn tóc gáy trước sự hung hãn và khả năng tấn công không cần cảnh báo trước.
Tuy nhiên, khủng long Pteranodon thực sự gây ám ảnh khi trở lại trong Jurassic World (2015). Sau khi khu công viên sụp đổ, chúng tràn ra và gây ra thảm họa hỗn loạn, đỉnh điểm là cảnh một con Pteranodon mang Zara (Katie McGrath) bay lơ lửng trên không, chỉ để rồi cả hai bị quái vật biển Mosasaurus lao lên nuốt chửng trong một cú đớp kinh hoàng giữa không trung.
Carnotaurus: Loài bò sát ăn thịt có sừng

Ảnh: @timAcatsoftpaws
Trong vũ trụ Jurassic Park, Carnotaurus thường được ví như một đấu sĩ sừng ngắn. Loài khủng long này thuộc chi hai chân, có vóc dáng mạnh mẽ và vẻ ngoài dễ nhận biết nhờ cặp sừng nhỏ phía trên mắt. Tên gọi Carnotaurus mang nghĩa “bò tót ăn thịt”, phản ánh bản chất tàn bạo và dáng vẻ đầy cơ bắp của loài khủng long này.
Lần đầu xuất hiện trong phần Fallen Kingdom, Carnotaurus đã khiến người xem phải nín thở khi bất ngờ lao ra tấn công và sẵn sàng lao vào trận chiến với những đối thủ to lớn hơn. Sang đến Jurassic World Dominion, khủng long Carnotaurus cùng Allosaurus gây ra cảnh tượng hỗn loạn giữa phố Malta, đuổi bắt con mồi giữa chợ đông người, cắn xé mọi thứ trên đường đi. Không phải là loài lớn nhất, nhưng sự dữ tợn, tốc độ và ngoại hình đặc biệt giúp Carnotaurus ghi dấu ấn như một trong những kẻ săn mồi nguy hiểm nhất trong các phần phim Jurassic.
Velociraptor: Kẻ cắp thần tốc

Ảnh: @Paleonyx_Art
Dù không to lớn như T. rex, Velociraptor lại là nỗi ám ảnh thực sự nhờ tốc độ, trí thông minh và chiến thuật săn mồi đáng kinh ngạc. Với hàm răng sắc nhọn và khả năng tấn công theo bầy, chúng có thể truy sát con mồi như những con sói cổ đại – nhanh và tàn nhẫn.
Không chỉ là kẻ giết chóc, Velociraptor còn là một trong những loài thông minh nhất trên màn ảnh khủng long. Ngay từ phần đầu tiên, chúng đã biết mở cửa, phục kích và phối hợp chiến đấu đầy tính toán, khiến người xem không khỏi rùng mình trước thứ trí tuệ đầy và sát khí của loài này.
Atrociraptor: Cơn ác mộng truy đuổi các nhân vật trong phim Jurassic World Dominion

Ảnh: @DiscussingFilm
Tuy chỉ xuất hiện trong Jurassic World Dominion, Atrociraptor nhanh chóng ghi dấu ấn là loài khủng long săn mồi hung hãn và nguy hiểm bậc nhất. Có hình dáng tương tự Velociraptor nhưng dữ dội hơn nhiều, chúng được biến đổi gen để giết theo lệnh và không dừng lại cho đến khi con mồi bị tiêu diệt.
Dù ngoài đời thực, Atrociraptor chỉ nhỏ như một con gà tây và sống ở Canada thời Kỷ Phấn Trắng, phiên bản điện ảnh của nó là hóa thân hoàn hảo của nỗi sợ hiện đại – tàn bạo, không cảm xúc và truy đuổi không ngừng nghỉ.
Therizinosaurus: Bóng ma giữa rừng sâu

Ảnh: @lukiethewesly13
Therizinosaurus là một trong những khủng long để lại ấn tượng thị giác mạnh mẽ nhất trong phần phim Dominion – không phải vì sự khát máu, mà bởi cách nó gieo rắc nỗi sợ như một bóng ma trong phim kinh dị. Dù là loài ăn cỏ và bị mù, Therizinosaurus lại sở hữu giác quan thính nhạy và vũ khí đáng gờm: ba móng vuốt dài gần 50cm như lưỡi kiếm sắc.
Trong trận chiến cuối cùng, Therizinosaurus bất ngờ sát cánh cùng T. rex để đối đầu với Giganotosaurus. Dù không phải đối thủ trực diện, cú móc vuốt chí mạng của nó đã góp phần hạ gục gã khủng long to lớn nhất loạt phim. Với ngoại hình kỳ dị, dáng đi lừng lững như bóng ma và móng vuốt chết chóc, Therizinosaurus chứng minh rằng, không cần phải ăn thịt để trở thành nỗi ám ảnh.
Indoraptor: Quái vật lai sát nhân

Ảnh: @timAcatsoftpaws
“Quái vật đến từ tương lai, ghép từ những phần nguy hiểm nhất của quá khứ” – đó là cách Indoraptor được giới thiệu trong Fallen Kingdom. Là sản phẩm lai giữa Indominus rex và Velociraptor, Indoraptor được tạo ra để trở thành vũ khí sinh học hoàn hảo: nhanh, thông minh và giết chóc không cần lý do.
Tuy có kích thước nhỏ hơn Indominus, Indoraptor lại mang dáng vẻ rùng rợn hơn: thân hình đen tuyền, móng vuốt sắc nhọn và đôi mắt sáng rực trong bóng tối. Nó không chỉ giết người – mà còn chơi đùa với nạn nhân như một con mèo vờn chuột, khiến mỗi cảnh xuất hiện của nó đều nhuốm màu kinh dị.
Spinosaurus: Khủng long bất bại trên cạn và dưới nước

Ảnh: @GodzillaLets
Spinosaurus là một trong những kẻ săn mồi đáng sợ nhất từng xuất hiện trong loạt phim Jurassic Park. Với thân hình đồ sộ, hàm dài như cá sấu và dãy gai cao trên lưng như một cánh buồm, nó được khắc họa lớn hơn cả T. rex, và đặc biệt, biết bơi.
Ngay từ lần xuất hiện trong Jurassic Park III, Spinosaurus đã khiến người xem choáng váng khi đánh bại T. rex trong một trận tử chiến tay đôi – một cú sốc lớn trong lịch sử loạt phim. Điều khiến Spinosaurus trở nên nguy hiểm không chỉ là kích thước vượt trội, mà còn bởi vì nó là một trong số ít khủng long “thuần chủng”.
Nó không phải sinh vật lai, không cần trí thông minh nhân tạo, chỉ là một cỗ máy săn mồi nguyên bản, tàn nhẫn và bất bại. Nếu Indoraptor là nỗi sợ đến từ phòng thí nghiệm, thì Spinosaurus là nỗi ám ảnh đến từ tự nhiên – nguyên thủy, bản năng và không thể đoán trước.
Indominus rex: Thí nghiệm thất bại của Jurassic World

Ảnh:@lukiethewesly13
Từ khi Jurassic World ra mắt, không ai ngờ rằng ngôi sao thực sự của phim lại là một sinh vật chưa từng tồn tại trong lịch sử – Indominus rex, khủng long lai được tạo ra từ DNA của hàng loạt loài nguy hiểm: T. rex, Velociraptor, Carnotaurus, Giganotosaurus, Therizinosaurus…và cả một số loài hiện đại.
Indominus rex không chỉ mạnh mẽ về thể chất mà còn sở hữu những năng lực gần như “siêu nhiên”: có thể ngụy trang bằng cách đổi màu da, che giấu nhiệt lượng cơ thể, chịu được đạn. Trận chiến cuối cùng giữa Indominus rex và T. rex đã trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất loạt phim. Indominus rex không chỉ đại diện cho tham vọng khoa học vượt giới hạn, mà còn là lời cảnh tỉnh: có những thứ không nên được tạo ra, nhất là khi mục đích chỉ là…thu hút khách du lịch.
Mosasaurus: Thủy quái thống trị đại dương Jurassic

Ảnh: @jurassic_shadow
Lần đầu xuất hiện trong Jurassic World, khủng long Mosasaurus nhanh chóng khiến khán giả choáng ngợp khi lao khỏi mặt nước, nuốt chửng Zara và Pteranodon chỉ trong một cú đớp. Sau đó, nó tiếp tục kéo Indominus rex xuống đáy nước, kết liễu con quái vật lai đáng gờm.
Sở hữu thân hình dài tới 15 mét, hàm răng cong như móc câu và sức mạnh vượt trội, Mosasaurus chứng minh rằng đại dương thời tiền sử cũng khủng khiếp không kém đất liền. Trong thực tế, sinh vật này không phải khủng long mà thuộc họ hàng gần với rắn và thằn lằn.
Giganotosaurus: Gã khổng lồ mặt đất đầy hiếu chiến

Ảnh: @TheElegant_Rov
Lần đầu xuất hiện trong Jurassic World Dominion, Giganotosaurus nhanh chóng trở thành phản diện chính của phim. To lớn hơn cả T. rex, nó thống trị khu bảo tồn Biosyn ở vùng núi Dolomites (Ý) như một lãnh chúa hoang dã, sẵn sàng nuốt chửng mọi sinh vật dám bén mảng đến lãnh địa của mình, cho đến khi T. rex huyền thoại xuất hiện.
Giganotosaurus được miêu tả là loài khủng long ăn thịt lớn nhất trên cạn và vượt trội về sức mạnh so với T. rex. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thực tế, kích thước của nó có thể tương đương hoặc nhỏ hơn một chút, và lực cắn cũng yếu hơn.
Tyrannosaurus rex: Huyền thoại không thể thay thế của Jurassic Park

Ảnh:@mr_goji1954
Xuất hiện lần đầu trong Jurassic Park (1993), T. rex hay còn gọi thân mật là “Rexy” – là biểu tượng vĩ đại nhất của toàn bộ thương hiệu Jurassic. Là loài khủng long ăn thịt khổng lồ, Rexy góp mặt trong hầu hết các phần và là cá thể duy nhất xuất hiện xuyên suốt từ phần đầu tiên đến Dominion.
Rexy để lại dấu ấn ngay từ lần đầu ra mắt: phá rào điện, lật xe, nuốt chửng Gennaro, rồi bất ngờ trở thành “người hùng” cứu cả nhóm khỏi bầy Velociraptor. Sau đó, Rexy liên tục trở lại đầy ngoạn mục, từ cuộc chiến với Indominus rex trong Jurassic World, thoát khỏi thảm họa núi lửa ở Fallen Kingdom, đến màn kết liễu Giganotosaurus trong Dominion.
Không phải T. rex nào trong loạt phim cũng đáng gờm, như con từng bị Spinosaurus hạ gục, nhưng T. rex thì khác: lì đòn, dũng mãnh, không bao giờ chịu khuất phục. Gần ba thập kỷ trôi qua, T. rex vẫn là nỗi khiếp đảm trên màn ảnh và là nữ hoàng không thể thay thế của thế giới khủng long.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:- TẤT TẦN TẬT VỀ BOM TẤN SIÊU ANH HÙNG SUPERMAN 2025, NIỀM HY VỌNG MỚI CỦA DC
- CÓ CẦN XEM LẠI SÁU PHẦN PHIM TRƯỚC ĐỂ HIỂU JURASSIC WORLD: REBIRTH?
- MARGOT ROBBIE BÍ ẨN KHÓ ĐOÁN TRONG PHIM HÀNH TRÌNH RỰC RỠ TA ĐÃ YÊU
Harper’s Bazaar Việt Nam