Nhiếp ảnh gia Lê Hoàng Thái (sinh năm 1979), quê tại ấp 3, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, là một người thích lang thang trên những nẻo đường ghi lại cảnh đẹp và nhịp sống thôn quê, bất kể mùa mưa, nắng. Anh hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh huyện Mộc Hóa.
Trên hình là trung tâm xã Tân Lập trong ánh đèn đêm, với cụm dân cư nằm xen kẽ các ao nuôi trồng thủy sản và nương lúa trải dài ven đôi bờ sông Vàm Cỏ Tây. Đây là con sông từ Campuchia chảy qua địa phận Long An với chiều dài hơn 150 km và uốn thành nhiều khúc. Nhờ điều kiện tự nhiên này ưu đãi Long An hình thành tuyến du lịch sinh thái được khai thác từ làng nổi Tân Lập đến chùa Nổi và khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Ảnh: Lê Hoàng TháiRừng tràm Tân Tập là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của Long An, với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm trải dài ngút mắt, đặc biệt vào mùa xuân, rất nhiều đàn chim cò bay về đậu kín trên rừng tràm.
“Cảm giác yên bình khi lênh đênh trên rạch rừng, tận hưởng hương tràm và ngắm nhìn những cánh chim trên bầu trời”, anh Thái nói.
Ảnh: Lê Hoàng TháiBức họa đồng quê mùa hoa ô môi nở tại Tân Lập. Mùa xuân, cây ô môi rụng lá, hoa nở thành từng chùm màu hồng dày đặc trên cành và kết trái vào cuối tháng 4.
Loài cây này gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ của người dân miền Nam, có thể bắt gặp cây trồng rải rác bên đường quê, bờ ruộng và bến sông. Trẻ nhỏ thường tách vỏ và lấy ăn phần thịt bên trong thơm nồng mùi quê dung dị.
Ảnh: Lê Hoàng TháiQuang cảnh tưới thanh long từ trên cao qua góc nhìn nhiếp ảnh trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Tỉnh Long An có diện tích trồng thanh long tới 11.800 ha, trồng rải vụ quanh năm, tránh tình trạng sản lượng tập trung tăng đột biến.
Mùa thanh long chính vụ từ tháng 5 đến tháng 8, lúc trái chín đỏ các vườn trở thành điểm tham quan thu hút du khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên trái thanh long rớt giá, thương lái thu mua chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg tại vườn.
Ảnh: Lê Hoàng TháiTác phẩm “Trên những luống dưa” chụp quang cảnh những người nông dân chăm sóc dưa hấu gần Tết tại Tân Lập. Ảnh được trưng bày tại Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020.
Ảnh: Lê Hoàng TháiTác phẩm “Giờ ăn” được trưng bày triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 35 năm 2020, chụp cảnh đàn vịt chạy đồng được lùa tập trung về cho ăn lúc chạng vạng tại xã Tân Lập. Nghề nuôi vịt chạy đồng, lấy trứng phổ biến ở miền quê, giúp nhiều hộ tiết kiệm đáng kể chi phí mua thức ăn, từ đó tăng thêm lợi nhuận.
Ảnh: Lê Hoàng TháiLúa chín vàng được gặt thẳng tắp vào mùa thu hoạch, cùng nhịp độ khẩn trương làm việc tạo nên một bức tranh vùng quê sinh động.
Ngoài du lịch sinh thái, Tân Lập có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp. Nông dân ngày nay áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như cảnh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ảnh: Lê Hoàng TháiTác giả chụp cảnh trẻ chăn trâu và chơi thả diều trên đồng, một cảm xúc ùa về khi nhớ đến những câu thơ: “Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông” trong bài Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân.
Ảnh: Lê Hoàng Thái“Đam mê chơi ảnh nên mọi ngóc ngách thôn quê và nhịp sống các mùa tại quê hương tôi đều ghi lại, trong đó ấn tượng nhất với cuộc sống sinh hoạt của bà con trong mùa lũ (mùa nước nổi). Bức ảnh trên tôi chụp những người phụ nữ đồng ý làm mẫu chụp cảnh rửa hoa súng trên đồng lũ Tân Lập”, anh Thái chia sẻ.
Lũ về khoảng tháng 9-10, các huyện đầu nguồn tỉnh Long An như Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng nước ngập đến chân ruộng, đây cũng là lúc đồng ruộng ngập tràn sắc hoa súng. Trên đồng chủ yếu là súng dại (hay súng ma), có bông màu tím, trắng và cọng dài 3-6 m. Người dân gọi là súng ma bởi chúng hay nở ban đêm, khi mặt trời vừa lên hoa héo và chìm xuống nước nên người dân phải đi rạng sáng để hái.
Ảnh: Lê Hoàng TháiDu lịch miệt vườn và sinh thái ở Tân Lập cho du khách cơ hội trải nghiệm dùng nôm bắt cá đồng. Nôm là vật dụng làm bằng các thanh tre vót nhẵn, đầu nhọn hướng xuống phần miệng, phần trên túm lại cỡ bằng cái tô và dưới miệng lớn bằng miệng thúng nhỏ. Khi nôm, miệng nôm úp xuống nước tại những vũng nước nhỏ để bắt cá.
Ảnh: Lê Hoàng TháiCảnh quăng chài trên sông khi bình minh lên trên đồng lũ Tân Lập. Hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nguồn lợi cá, tôm cho vùng miền. Mùa nào sản vật đó, Tân Lập có đầy đủ các loại từ ếch nhái, cá lóc, cá rô mề, cá trê vàng cho tới bống tượng, cá sặc, tôm, cua, tép...
“Các nguồn lợi thủy sản trên sông, rạch là tự nhiên, an toàn, tuy nhiên sản lượng ngày một giảm do bị đánh bắt nhiều. Các hộ ở thành phố ra chợ tìm mua cá lóc đồng nhưng ít thấy, thường chỉ thấy là giống cá lóc nuôi trong ruộng”, anh Thái chia sẻ.
Ảnh: Lê Hoàng TháiMỗi cảnh sắc được tác giả Lê Hoàng Thái chụp ở trên là một bức tranh đẹp phản ánh đời sống và sự đổi thay từng ngày của quê hương Tân Lập đồng thời góp phần quảng bá Long An tới bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Những tác phẩm này từng giúp anh Thái gặt hái được nhiều thành tích tại các cuộc thi ảnh. Năm 2020, anh có 2 ảnh giải ba tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật Long An lần thứ 32 với chủ đề “Long An quê hương tôi”; 3 ảnh triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 35 và 1 ảnh triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương”.