Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam ngày càng phát triển và khao khát tìm kiếm vị thế trong dòng chảy toàn cầu, Gate Gate Gallery ra đời như một điểm đến đầy triển vọng kết nối, đối thoại và thúc đẩy sự hiện diện của nghệ sĩ Việt trên bản đồ nghệ thuật thế giới. Không chỉ là một không gian trưng bày, Gate Gate Gallery hướng tới vai trò như một cánh cửa mở, đúng như ý nghĩa thần chú Phạn ngữ “ga-te ga-te” (đi qua, vượt qua, vượt ra).
Với mong muốn không chỉ dừng lại ở việc trưng bày mà còn đóng vai trò đào tạo và phát triển nghệ sĩ, Gate Gate Gallery tổ chức các hoạt động giáo dục mang tính định hướng cao. Tiêu biểu trong đó là workshop Portfolio Unpacked – một sáng kiến thiết thực dành cho sinh viên và nghệ sĩ trẻ đang trên hành trình khẳng định tiếng nói cá nhân trong nghệ thuật đương đại.
Trong thời đại mà nghệ thuật không chỉ là sản phẩm sáng tạo mà còn là công cụ đối thoại với xã hội, việc có một hồ sơ nghệ thuật (portfolio) rõ ràng, thuyết phục và giàu chiều sâu là vô cùng quan trọng. Thông qua workshop này, Gate Gate mong muốn hỗ trợ nghệ sĩ trẻ không chỉ xây dựng portfolio chuyên nghiệp, mà còn định hình tư duy phản biện, khả năng tự định vị và kết nối với các mạng lưới nghệ thuật trong và ngoài nước.
Workshop Portfolio Unpacked do hai nghệ sĩ đương đại nhiều kinh nghiệm dẫn dắt: Lê Phi Long và Ưu Đàm Trần Nguyễn, cùng sự cố vấn nghệ thuật từ Tâm Huỳnh – đại diện Gate Gate Gallery.
Hai nghệ sĩ truyền cảm hứng của workshop Portfolio Unpacked

Nghệ sĩ Lê Phi Long là một nghệ sĩ thị giác sinh sống và làm việc tại Huế. Thực hành nghệ thuật của anh mang đậm yếu tố địa phương, ký ức cá nhân và các vấn đề xã hội. Với khả năng chuyển hóa đa dạng chất liệu – từ hội hoạ, điêu khắc đến lắp đặt site-specific – anh đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế, tiêu biểu như Cité des Arts (Pháp) 2020 hay Gangwon International Triennale 2024 (Hàn Quốc). Các tác phẩm của anh gợi mở không gian đối thoại giữa con người, môi trường và ký ức cộng đồng.
Ưu Đàm Trần Nguyễn – nghệ sĩ thị giác hoạt động giữa TP. HCM và New York – là một trong những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật đương đại Việt Nam trên sân khấu toàn cầu. Với thực hành pha trộn giữa công nghệ, trình diễn và video art, tác phẩm của anh chất chứa những suy tư về toàn cầu hóa, quyền lực và ký ức hậu thuộc địa. Các tác phẩm của anh từng được trưng bày tại Singapore Biennale, Asia Society New York, và hiện diện trong nhiều bộ sưu tập quốc tế.
Chương trình được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ nghệ sĩ trẻ và sinh viên nghệ thuật xây dựng hồ sơ nghệ thuật (portfolio) một cách bài bản, đồng thời mở rộng tư duy thực hành và kết nối với hệ sinh thái nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại ngày càng đề cao khả năng tự định vị, truyền đạt ý tưởng rõ ràng và tạo dựng mạng lưới chuyên môn, việc sở hữu một hồ sơ mạnh không chỉ giúp nghệ sĩ khẳng định tiếng nói cá nhân mà còn mở ra cánh cửa đến các chương trình triển lãm, lưu trú, học bổng hay hợp tác chuyên môn.
Thông qua các buổi chia sẻ thân mật này, phản hồi chuyên sâu và hoạt động cố vấn từ các nghệ sĩ và curator (giám tuyển) giàu kinh nghiệm, workshop Portfolio Unpacked không chỉ giúp nghệ sĩ “gỡ rối” portfolio mà còn tạo điều kiện để họ nhận diện rõ hành trình thực hành của mình, tăng cường sự tự tin và tính chuyên nghiệp trong bối cảnh nghệ thuật toàn cầu hóa. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để nghệ sĩ bước vào các không gian nghệ thuật rộng mở hơn, một cách có định hướng và chiều sâu.
THÔNG TIN CHO BẠNĐịa điểm: Gate Gate Gallery
Tầng 3, 230/18 Pasteur, Phường Xuân Hòa, TP. HCM
Buổi 1: Thứ Bảy, 26/7/2025
Nghệ sĩ Lê Phi Long – Paper-based & Site-specific works
Buổi 2: Chủ Nhật, 27/7/2025
Nghệ sĩ Ưu Đàm – Installation & Video art
Thời gian: 14h00 – 17h00
Tham dự miễn phí. Link đăng kí tại đây
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:- TRỌNG LÊ ĐEM ÁNH SÁNG TỪ MIỀN TĨNH LẶNG ĐẾN TRIỂN LÃM HUYỄN ĐỘNG
- TRIỂN LÃM CỦA HOÀNG NAM VIỆT: TIẾNG THÌ THẦM CỦA BẢN THỂ CÔ ĐƠN
Harper’s Bazaar Vietnam