Xu hướng thời trang chống nóng và chống nắng thành trên toàn thế giới

Xu hướng thời trang chống nóng và chống nắng thành trên toàn thế giới
Vào đầu những năm 2000, các nước phương Tây đều chuộng làn da bánh mật khỏe khoắn. Thế nhưng, hai mươi năm sau, tiêu chuẩn cái đẹp và cả sự biến đổi khí hậu đã khiến người tiêu dùng có xu hướng thời trang chống nóng mới.

Vào tháng 7, trên khắp thế giới nóng đến mức các nhà khoa học tính toán rằng tháng này sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu và có thể là tháng nóng nhất mà nền văn minh nhân loại từng chứng kiến. Quần áo được thiết kế để nâng cao khả năng chống chịu nắng nóng đang chuyển từ những sản phẩm vốn chỉ phù hợp cho một số nhóm đối tượng trở thành xu hướng thời trang chống nóng toàn cầu.

Theo Spate, một công ty thuộc lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại New York, lượt xem những video gắn hashtag liên quan đến miếng dán phát hiện tia UV trên TikTok đã tăng 71.8% trên toàn cầu sau một tháng. Các hình thức chống nắng phi truyền thống cũng được quan tâm, tiêu biểu như lượt tìm kiếm xịt chống nắng trong vòng một năm đã tăng 20% đối với người tiêu dùng Mỹ. Trang tin lớn như New York Times và tạp chí New York cũng giới thiệu các sản phẩm chống nắng như khẩu trang che chắn tia UV, dù bãi biển, quần áo làm từ chất liệu chống tia UV…

Tại Trung Quốc, trang phục chống nắng cũng nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng với thị trường được dự đoán sẽ chạm ngưỡng 13,3 triệu USD vào năm 2026, theo Zhuoshi Consulting. Các thương hiệu thời trang Trung Quốc như Bosideng đã ra mắt dòng áo khoác chống nắng, hay Beneunder đã mở rộng danh mục kinh doanh từ ô dù đến mũ, găng tay, mặt nạ, băng ống tay chống nắng,… Trong tháng tư vừa qua, Taobao và Tmall cũng hợp tác với nền tảng kinh doanh đồ thể thao ISPO cho ra đời ‘’6 tiêu chuẩn cho trang phục chống nắng” để chỉ ra 6 điều cần cân nhắc khi mua trang phục bảo vệ khỏi tia UV.

Xu hướng thời trang chống nóng
Quần áo được thiết kế để nâng cao khả năng chống chịu nắng nóng đang dần trở thành xu hướng phổ biến.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đang giới thiệu những sản phẩm giảm nhiệt, chống nóng công nghệ mới nhất tại triển lãm Biện pháp đối phó nắng nóng diễn ra ở Tokyo. Chẳng hạn như chiếc váy được tích hợp một chiếc quạt sẽ làm mát từ bên trong hay những chiếc ba lô hoạt động như một thiết bị điều hòa di động.

Sự kiện này thu hút một lượng lớn khách tham quan và cũng mang đến một môi trường tuyệt vời cho các nhà thiết kế và kỹ sư có cùng chí hướng đưa ra các giải pháp sáng tạo. Chị Kumiko Kiuchi, khách tham quan triển lãm, chia sẻ: "Chiếc địu đeo lưng tích hợp quạt này giúp em bé cảm thấy mát mẻ và ngừng đổ mồ hôi, nhiệt độ cơ thể giảm xuống và tôi cũng vậy, tôi cảm thấy mát hơn".

Theo Fashion United, khi biến đổi khí hậu gây ra những đợt nắng nóng gay gắt hơn, con người đã có những sáng tạo và cải tiến trong việc sản xuất quần áo với tính năng làm mát, thấm hút mồ hôi tốt hơn để tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Ông Evan Gold, Phó Chủ tịch điều hành của Planalytics, đánh giá tác động của thời tiết đến nhu cầu của người tiêu dùng, cho biết trong 5 năm qua, chỉ riêng những thay đổi về thời tiết đã làm tăng doanh số bán quần soóc và dép lên 0,5%, trong khi doanh số bán áo khoác ngoài và lông cừu sụt giảm 1%.

Quảng cáo

Việc sản xuất quần áo làm mát hoặc có tính năng tỏa nhiệt được nhiều thương hiệu thời trang hướng đến, song giá thành cũng không hề rẻ. Một công ty ở Boston (Mỹ) được các cựu sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts thành lập, gần đây đã tung ra thị trường áo Atlas Tee với giá 48 USD. Theo ông Gihan Amarasiriwardena, nhà đồng sáng lập và chủ tịch của công ty, chiếc áo được thiết kế bằng cách sử dụng dệt kim vi tính, một công nghệ tương tự như in 3D giúp tạo ra khoảng trống bổ sung giữa các sợi vật liệu.

Xu hướng thời trang chống nóng
Việc sản xuất quần áo làm mát hoặc có tính năng tỏa nhiệt được nhiều thương hiệu thời trang hướng đến.

Kontoor Brands, một công ty có trụ sở tại bang North Carolina (Mỹ) sở hữu 2 thương hiệu Wrangler và Lee, cho biết sẽ bắt đầu bán áo sơ mi làm mát "Insta-Cool" ở Mỹ vào năm tới với phiên bản sử dụng công nghệ vốn được dùng để sản xuất trang phục cho các phi hành gia của NASA. Theo ông Dhruv Agarwal, Giám đốc cấp cao của Kontoor về sự đổi mới, tính bền vững và phát triển sản phẩm, công nghệ này tạo ra hiệu ứng làm mát lâu dài và ấn tượng. Tại thị trường châu Á, Kontoor cũng đã bán quần jean có các mảnh ngọc bích được nghiền thành bột và trộn vào vải nhằm truyền cảm giác mát lạnh của đá vào quần áo.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Maryland thì đã thiết kế được loại vải điều hòa nhiệt độ có tác dụng làm mát hiệu quả hơn 55% so với vải bông. Loại vải điều hòa nhiệt độ này được chế tạo bằng cách in 3D, có thể trở thành một phương thức đơn giản, chi phí thấp để làm mát và giảm nhu cầu điều hòa không khí vào những ngày trời nóng. Liangbing Hu, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: "Đây là lần đầu tiên một loại vải dệt dẫn nhiệt tốt được in 3D và có độ bền cơ học tuyệt vời và độ dẫn nhiệt tăng cao, có khả năng làm mát cơ thể, giúp tiết kiệm năng lượng”.

Hầu hết các sản phẩm may mặc có công nghệ làm mát được bán trên thị trường cũng hứa hẹn đảm bảo cho người mặc luôn cảm thấy thoáng mát, không bị bí bách thông qua khả năng thấm hút mồ hôi. Tuy nhiên, Tiến sỹ Glen Kenny, Giáo sư Sinh lý học tại Đại học Ottawa (Canada), cho rằng việc đổ mồ hôi là cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể và việc quần áo có khả năng thấm hút mồ hôi cao có thể gây phản tác dụng.

Xu hướng thời trang chống nóng
Tháng 7/2023 được các nhà khoa học coi là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu.

Lý do là bởi mồ hôi sẽ nguội đi thông qua quá trình bay hơi, một quá trình truyền nhiệt từ cơ thể vào không khí. Quá trình bay hơi diễn ra càng gần da người, nhiệt năng tiêu hao trong quá trình này càng nhiều. Khi quần áo thấm hút mồ hôi ra khỏi da, điều này giữ cho cơ thể khô ráo nhưng làm cho quá trình bay hơi kém hiệu quả hơn trong việc làm mát. Ông cho rằng quần áo thấm mồ hôi chủ yếu làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, song đây là một mục tiêu khác với làm mát.

Trong một số trường hợp, việc sản xuất quần áo có tính năng làm mát hoặc phù hợp với nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề khí hậu khác. Chẳng hạn, một trong những loại sợi tự nhiên thoáng khí nhất là cotton. Tuy nhiên, dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy để trồng đủ 454g bông xơ cần tới gần 1.600 lít nước trong 1 năm. Bà Sara Kozlowski, Phó Chủ tịch của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ, nhận định sự đánh đổi giữa việc sản xuất quần áo làm mát, có khả năng thích ứng khi nhiệt độ tăng cao và tính bền vững đặt ra một "bài toán hóc búa".

Theo vneconomy.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm