Nếu thế giới làm vườn cũng có những ngôi sao nhạc rock tài năng và nổi tiếng, Piet Oudolf có thể coi là sự kết hợp của Mick Jagger, David Bowie và Prince. Dấu ấn của ông có thể dễ dàng nhận ra bởi sự lãng mạn và thơ mộng trong các tác phẩm của mình, thường được lấy làm ví dụ về tính bền vững cũng như hợp lý trong việc thiết kế cảnh quan ngoài trời. Vậy, bí quyết nào làm nên những khu vườn lôi cuốn mang màu sắc của Piet Oudolf?

Piet Oudolf trong khu vườn Trentham. Ảnh: Tư liệu
Trong sự nghiệp của mình, Piet Oudolf xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng là Hummelo (khu vườn riêng của Piet Oudolf tại Hummelo, gần Arnhem, Hà Lan) và Planting: A New Perspective, được coi như kinh thánh về làm vườn của giới thiết kế cảnh quan. Nội dung của chúng khắc họa phong cách đặc trưng của nhà thiết kế thông qua cách kiến tạo những mảng xanh đa dạng các loài hoa cỏ và cây cối, mang vẻ đẹp tự nhiên trong suốt bốn mùa. Từ những ý tưởng chứa đựng trong hai cuốn sách trên, ELLE Decoration tóm lược 8 lời khuyên của Piet Oudolf mà bạn có thể áp dụng cho khu vườn của mình.

Khu vườn riêng của Piet Oudolf tại Hummelo. Ảnh: Tư liệu

Các loài thực vật lâu năm trong khu vườn Hummelo. Ảnh: Tư liệu
1. Sự mờ ảo của cỏ cây
Cỏ là yếu tố tạo nên cảm xúc cho khu vườn, giống như ánh nến trong bữa tiệc tối. Bạn nên trồng cỏ theo cụm để tạo nên lớp nền mềm mại, mờ ảo cho những cây khác. Bổ sung nhiều loại cây bụi thấp có nhiều màu sắc giúp khu vườn trở nên lãng mạn và thơ mộng hơn.

Một trong những kỹ thuật yêu thích của Piet Oudolf là kết hợp cỏ và cây thân thảo lâu năm có hoa. Ảnh: Tư liệu
2. Quy tắc 70%
Theo Piet Oudolf, thực vật lâu năm(*) được chia thành hai loại: cây chính và cây nền. Sự khác biệt giữa chúng là cây chính, bao gồm các giống có thể tái ra hoa trong năm, thực vật lâu năm phát triển tốt trong một mùa và cỏ, giúp định hình tổng thể khu vườn từ mùa xuân đến mùa thu còn cây nền giúp tô điểm với màu hoa hoặc tán lá, thường chỉ xuất hiện từ mùa xuân đến mùa hè. Chính vì vậy, nhà thiết kế đưa ra lời khuyên phân bổ lý tưởng là 70% cho cây chính và 30% cây nền.
(*)Thực vật lâu năm: Hay còn gọi là cây lưu niên, cây đa niên, là các loại thực vật sống lâu hơn hai năm. Tên gọi này cũng được sử dụng để phân biệt các loại thực vật có ít hoặc không có thân gỗ trong nhóm cây thân gỗ và cây bụi.

Nhà thiết kế Piet Oudolf. Ảnh: Tư liệu
3. Nhịp điệu của hoa cỏ
Piet Oudolf chỉ ra rằng sự lặp lại xen kẽ các giống cây sẽ tạo ra nhịp điệu và sự phong phú, giúp định hình một bản thiết kế. Với cách thức này, bạn cần chú ý lựa chọn những loại cây có thời gian sinh trưởng dài hoặc có vòng đời khác nhau để khi một trong chúng héo úa không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng thể.

Vườn hoa dọc theo một lối đi tại Trentham Estate ở Anh. Ảnh: Gardenista
4. Mảnh vườn ma trận
Piet Oudolf đưa ra một so sánh thú vị giữa một khu vườn ma trận(**) và bánh trái cây: cả hai đều có hình hình chữ nhật và được điểm xuyến bằng những thành phần bắt mắt. Bánh trái cây ngon hay không phụ thuộc vào chất lượng bột mì còn một thiết kế vườn đẹp lại liên quan đến những loại cây làm nền để tôn lên sự rực rỡ của những khóm hoa. Các loại cỏ là lựa chọn phổ biến nhất, có thể hiện hữu trong không gian trong một thời gian dài mà không cần thay thế hay trồng mới. Ngoài ra, bạn cũng nên trồng xen kẽ một vài loại cây ra hoa rực rỡ có thể nở trong thời gian dài.
(**)Matrix planting: Khu vườn được trồng theo phương pháp ma trận hầu hết có mặt bằng hình chữ nhật, với hình thức tự duy trì, tập trung vào các loại cây trồng mang tính trang trí, có thể bao gồm một số loại cây ra trái nhỏ hoặc thảo mộc.

Ảnh: Tư liệu
5. Đề cao tính bản địa
Piet Oudolf đề cao việc trồng các loài thực vật bản địa cho khu vườn của mình bởi ngoài lý do để cây sinh trưởng tốt trong khí hậu phù hợp còn giúp cân bằng hệ sinh thái. Đôi khi, chính khu vườn của bạn sẽ trở thành môi trường sống tốt cho những loài động vật có lợi như ong và bướm phát triển cùng.

Ảnh: Tư liệu
6. Những lớp lang xanh mướt
Một thiết kế tốt cần đảm bảo yếu tố về chiều sâu trong không gian. Với vườn tược, hãy đơn giản hóa với hai hoặc ba lớp cây trồng là đủ. Nhà thiết kế giải thích: “Ý tưởng của các lớp cây là giúp mắt thấy được vẻ đẹp từ những dáng phức tạp của cành lá hiện ra trước mắt. Chỉ với hàng cây bụi phía trước và những cây lâu năm ở phía sau, bạn có thể tạo nên các tiêu điểm thị giác riêng biệt.”

Oudolf sử dụng khu vườn xung quanh trở thành đường chân trời và khung cảnh cho khu vườn của mình. Ảnh: Tư liệu
7. Bức tranh phong cảnh tự nhiên
Bạn có thể tận dụng cây cối xung quanh của hàng xóm hoặc những rặng núi phía xa để tạo nên một khung cảnh vườn thơ mộng. Lời khuyên cho bạn là hãy giữ cho các cây trồng trong vườn thấp và đồng đều, giúp vai trò của tiền cảnh và hậu cảnh được rõ ràng và có sự luân phiên.

Oudolf sử dụng các loại cây trồng hàng loạt để tạo thành khung bao quanh đường chân trời. Ảnh: Tư liệu
8. Trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên
Các loài thực vật đều phải trải qua quá trình đâm chồi, bừng nở đầy sức sống mơn mởn và rồi héo úa theo quy luật của thiên nhiên. Đôi khi, lột lớp lá khô rụng phủ trên mặt đất hay cụm cỏ khô cũng có thể mang lại khung cảnh thơ mộng và lãng mạn của mùa đặc trưng. Như Piet Oudolf nói: “Đã qua rồi cái thời mà tán lá nâu và vàng chỉ được coi là vật liệu ủ phân hữu cơ và phải được dọn sạch càng nhanh càng tốt.”

Ảnh: Tư liệu
Piet Oudolf là nhà thiết kế cảnh quan người Hà Lan nổi tiếng với phong cách tự nhiên, sử dụng cây lâu năm và cỏ bản địa để tạo ra những không gian sống động theo mùa. Ông là người đứng sau nhiều dự án biểu tượng như High Line ở New York và Lurie Garden ở Chicago, mang đến một cách tiếp cận bền vững và nghệ thuật trong thiết kế vườn. Cùng với các cộng sự, ông đã xuất bản hai cuốn sách về nghệ thuật làm vườn, chia sẻ triết lý và kỹ thuật sáng tạo của mình, góp phần truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế trên thế giới.
Thực hiện : IF team I | Theo: Gardenista
Xem thêm:
Vườn sân thượng: Giải pháp xanh cho nhà phố
7 Kiểu tiểu cảnh trong sân vườn đẹp
Lát đá sân vườn: Lớp nền bền vững cho không gian ngoại thất