Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023
Dự lễ hội về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội bắt đầu với nghi thức tấu trình chúc văn, dâng hương kính cáo anh linh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Sau phần nghi lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề: "Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - Rạng ngời trang sử vàng dân tộc". Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và các diễn viên quần chúng được dàn dựng công phu, nhằm ca ngợi công đức cao dày của nữ tướng Triệu Thị Trinh, các bậc tiền nhân, Nhân dân vùng đất Cửu Chân nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược.
Đồng thời, thể hiện niềm tự hào về những đổi thay, phát triển của quê hương Thanh Hóa hôm nay; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh dựng nước, giữ nước cho thế hệ trẻ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người xứ Thanh cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo sử củ để lại, Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (còn gọi là Triệu Trinh Nương, Bà Triệu) sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ, tại vùng núi Quan Yên (nay thuộc xã Định Công, huyện Yên Định). Căm thù lũ giặc tàn bạo, Bà Triệu đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, được Nhân dân khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng. Từ Quan Yên quê nhà, bà đã cùng nghĩa quân vượt sông Chu sang núi Nưa (Nông Cống, Triệu Sơn) xây dựng căn cứ, tích luỹ lương binh lập căn cứ lâu dài cho cuộc khởi nghĩa. Năm 247, từ núi Nưa, nghĩa quân của bà đã tấn công thành Tư Phố và giành thắng lợi trọn vẹn. Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiến xuống Bồ Điền (Triệu Lộc, Hậu Lộc) cùng với Nhân dân địa phương xây dựng căn cứ lâu dài cho cuộc kháng chiến.
Trước tinh thần và khí phách của người con gái mới ngoài 20 tuổi, Nhân dân Cửu Chân (Thanh Hoá) đã nô nức gia nhập nghĩa quân của bà. Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho quan quân địch từ Thái thú đến Huyện lệnh, kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn.
Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của khởi nghĩa Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dận, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8.000 quân với nhiều lâu thuyền hùng hổ kéo sang hòng đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong một trận giao tranh ác liệt, Bà Triệu đã anh dũng quyên sinh trong sự tiếc thương, kính phục của Nhân dân, vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn 248.
Ngót 1775 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, cùng sự hy sinh anh dũng của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh luôn được Nhân dân Thanh Hoá nói riêng, cả nước nói chung, tự hào, kính ngưỡng. Đồng thời, những giá trị quý báu của Lễ hội Đền Bà Triệu vẫn luôn được Nhân dân gìn giữ, trao truyền và phát huy.
Để tưởng nhớ công lao trời biển của bà, từ ngày 19 đến 22/2 âm lịch hằng năm, đông đảo du khách thập phương lại hội tụ về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để được hòa vào Lễ hội Đền Bà Triệu. Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ Đền - Lăng - Đình, với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc và trang trọng, như: lễ Mộc dục, tế lễ (rước kiệu, tế nữ quan), tế Phụng Nghinh, rước bóng, hội trận tại đình làng Phú Điền… Với những giá trị to lớn và nét độc đáo, năm 2022 Lễ hội Đền Bà Triệu đã được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
Hình ảnh ghi nhận: