Nhận định nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng cao sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, ngay khi có chủ trương “mở cửa” du lịch, ngành du lịch Thanh Hóa đã tập trung huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón và phục vụ khách; các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thanh Hóa đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, cho thấy năng lực, sức sáng tạo, tính chủ động như: lựa chọn và công bố thành công bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa”; tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, thu hút lượng lớn khách du lịch tham gia; đón đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng) lớn nhất từ trước đến nay đến Thanh Hóa với gần 2.000 khách... Từ những nỗ lực, cố gắng đó, du lịch Thanh Hóa đã có sự hồi phục nhanh chóng, bứt phá mạnh mẽ, vươn lên top dẫn đầu cả nước về khả năng thu hút khách du lịch, ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế mới trên bản đồ du lịch.
Theo số liệu thống kê, năm 2022, Thanh Hoá ước đón 11.011.000 lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; Tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch. Đồng thời, lần đầu tiên Thanh Hóa đứng Top 3 cả nước về khả năng hút khách du lịch. Riêng khách quốc tế đến Thanh Hoá trong năm 2022 ước đạt 245 nghìn lượt, tăng gấp 11,47 lần so với năm 2021, song chỉ đạt 55,6% kế hoạch năm 2022; tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 72,4 triệu USD, tăng gấp 17,9 lần so với năm 2021 và đạt 45,2% kế hoạch năm 2022. Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hoá đặt mục tiêu đón khoảng 615.100 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách quốc tế đạt 235,7 triệu USD.
Thanh Hóa là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử... Thiên nhiên còn ban tặng cho Xứ Thanh nhiều danh lam, thắng cảnh ít nơi nào có được. Theo số liệu của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Thanh Hóa hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử, văn hóa với nhiều loại hình khác nhau, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các thời đại, trong đó có 851 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh.
Di sản Văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ, điểm đến tham quan du lịch văn hoá hấp dẫn.Điển hình như, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước, di tích Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích lịch sử Hàm Rồng,... Song hành với các di tích lịch sử, văn hóa, Thanh Hóa còn có một nguồn tài nguyên rất quý giá, đó là vốn văn hóa phi vật thể gồm các điệu hò, các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán,... tồn tại và phát triển ở các địa phương phong phú và đặc sắc.
Thêm vào đó, Thanh Hóa có hơn 100 km bờ biển đẹp và thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng, như: bãi biển Sầm Sơn, khu bờ biển xã Hải Hòa, Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa),... Cùng với hệ sinh thái biển, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo, như: Hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên..., trong đó “suối cá thần” Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) là một di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị”. Cùng với đó, Thanh Hóa còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa không những có giá trị đặc trưng, mà còn phong phú về số lượng và thể loại.
Trong nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Du lịch sinh thái ở khu vực miền núi được quan tâm đầu tư, khai thác.
Đáng chú ý, công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự được tăng cường; chất lượng dịch vụ du lịch, văn hóa du lịch có chuyển biến tích cực, diện mạo và vị thế du lịch của Thanh Hóa được nâng cao, sức hấp dẫn du khách ngày càng tăng.
Có thể nói, dù còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế; song không thể phủ nhận, sự phát triển của du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn 2016–2020 đã tạo ra nền tảng bước đầu của một ngành công nghiệp du lịch. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch động lực của vùng Bắc Trung bộ và thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước. Thanh Hóa phấn đấu, trong giai đoạn 2021-2025 đón được 68,989 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,9%/năm; trong đó khách quốc tế là 3,178 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 88,7%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt 161.235,8 tỉ đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế là 1.257,7 triệu USD.
Với những tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, cùng với một loạt các giải pháp quyết liệt như: tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, xây dựng đa dạng sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của khách du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực... Năm 2023, kỳ vọng sẽ là năm phát triển đột phá, tăng tốc, từng bước khẳng định vị thế của du lịch xứ Thanh trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước./.
Hải Nam - Hoàng Trang