Đối với nước Pháp, người Pháp và văn hóa Pháp, bánh mì Baguette không chỉ là một món ăn. Nó hiện diện ở mỗi lúc mỗi nơi trong cuộc sống hàng ngày của họ, từ trang trí trên bàn ăn cho đến bất đắc dĩ trở thành món phụ kiện cho diện mạo khi họ mang chúng về nhà. Không những thế, món bánh mì truyền thống của Pháp còn từng là công cụ để giai cấp thấp ở Pháp tìm lại quyền bình đẳng và giành lại sự tự do. Bánh mì Baguette là một biểu tượng có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Pháp, đến mức nghề làm bánh mì thủ công đã chính thức được công nhận vào tháng 11 năm 2018, khi Bộ Văn hóa Pháp đưa nó vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, và sau đó vào năm 2022 khi UNESCO cũng bổ sung nó vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Thời trang phản ánh văn hóa, trong văn hóa có ẩm thực. Ẩm thực và thời trang vốn dĩ là phạm trù khác biệt nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, hai vũ trụ đối lập này cũng đã từng gặp gỡ rất nhiều lần. Và cũng có không ít nhà thiết kế đem lòng đam mê ẩm thực vào ngôn ngữ thiết kế của riêng mình. Ẩm thực và thời trang – hai biểu tượng chính trong nền văn hóa Pháp, vì thế chẳng quá khó để giải thích vì sao bánh mì Baguette cũng trở thành một trong những kiểu dáng mang tính biểu tượng trong thời trang Pháp và toàn thế giới. Năm 1997, Silvia Venturini, cháu gái của của nhà mốt Fendi, đã tạo ra chiếc túi Baguette trứ danh mà bất kỳ tín đồ thời trang nào không biết. Hình ảnh và phong thái nhẹ nhàng, thanh lịch và đầy sang trọng của người phụ nữ Pháp đang đi dạo trên phố phường Paris, cùng một chiếc bánh mì Baguette mới nướng, luôn để lại một ân tượng khó phai trong Venturini. Vì thế, bà đã quyết định tạo ra một chiếc túi thời trang có kiểu dáng tương tự như một ổ bánh mì, phù hợp với hình dạng và kích thước của nó. Khi đó, ắt hẳn bà cũng không nghĩ rằng một thiết kế lấy cảm hứng từ ổ bánh mì Pháp lại có thể khiến thương hiệu Ý thành công rực rỡ như vậy. Giống như 25 năm trước, khi Fendi đã biến bánh mì Baguette trở thành một ký tự quan trọng trong ngôn ngữ thiết kế của nhà mốt, giờ đây, “bữa tiệc thời trang” của làng mốt bắt đầu có thêm nhiều sự xuất hiện của “bánh mì” Baguette, được tạo ra từ nhiều thương hiệu/ nhà mốt khác nhau – hiện đại, hài hước và chân thật hơn.
Ẩm thực và thời trang – hai biểu tượng chính trong nền văn hóa Pháp, vì thế chẳng quá khó để giải thích vì sao bánh mì Baguette cũng trở thành một trong những kiểu dáng mang tính biểu tượng trong thời trang Pháp và toàn thế giới.
Thực tế, khi vừa được giới thiệu với làng mốt, chiếc túi Baguette đình đám của Fendi chưa thể “lọt vào mắt xanh” của giới mộ điệu. Cho đến khi nó được “truyền đến tay” của nữ diễn viên Sarah Jessica Parker khi thủ vai Carrie Bradshaw trong bộ phim “Sex & The City”. Chiếc túi cùng với những bộ trang phục mang tính biểu tượng đã khiến Carrie Bradshaw trở thành một trong những biểu tượng thời trang của những năm 1990 và cho đến tận ngày nay. Đồng thời, khiến chiếc túi Baguette của Fendi được cả làng mốt săn lùng, trở thành chiếc “It” Bag được khao khát đến hết mực. Sau 25 năm được “ra lò”, Silvia Venturini – giám đốc sáng tạo dòng phụ kiện cho thời trang menswear ở Fendi, đã quyết định tái tạo lại sáng tạo mang tính biểu tượng của mình. Trong buổi trình diễn thời trang Fendi FW23, nhà mốt đã diễn giải lại hình ảnh chiếc bánh mì Baguette nổi tiếng của Pháp theo một cách khác, lần này được làm bằng lông cừu. Khác biệt hoàn toàn với nguyên bản, chiếc “bánh mì” Baguette mới của Fendi được chế tác giống với chiếc bánh mì Baguette trong lò nướng theo đúng nghĩa đen. Ổ bánh mì Baguette được Venturini đặt để một cách hóm hỉnh và đầy chân thật khi được nhét trong chiếc túi cầm tay, để trong túi tote hoặc được đeo sau lưng như một chiếc dù.
Chiếc túi Baguette giờ đây không chỉ được tìm thấy ở Fendi mà còn xuất hiện tại nhiều thương hiệu thời trang khác, với cách mô phỏng độc đáo hơn gấp bội.
Trong kỷ nguyên mới khi thời trang trở nên vui nhộn và hài hước hơn, làng mốt cũng xuất hiện thêm nhiều “lò nướng” bánh mì Baguette hơn. Chiếc túi Baguette giờ đây không chỉ được tìm thấy ở Fendi mà còn xuất hiện tại nhiều thương hiệu thời trang khác, với cách mô phỏng độc đáo hơn gấp bội. Nhà thiết kế người Pháp Amélie Pichard đã cho ra mắt túi Michard vào năm 2019. Đó là một chiếc túi cầm tay, có hình dáng giống như bánh mì baguette của Pháp, được làm bằng gỗ keo và có thể đeo trên vai nhờ dây xích kim loại vàng. Trong show diễn giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 2020, Moschino cũng từng khiến làng mốt thích thú với chiếc túi clutch dài và có hình dáng giống hệt một chiếc bánh mì Baguette vừa được lấy ra từ lò nướng. Gần đây, thế giới thời trang cũng được khuấy động bởi chiếc túi baguetee được diễn giải mang đậm chất Punk, bước ra từ thương hiệu vốn nổi tiếng vì các món phụ kiện “điên rồ” – Dauphinette. Trên tài khoản Instagram chính thức của thương hiệu, Dauphinette đã khiến khách hàng của mình đứng ngồi không yên với loạt phiên bản bất ngờ của túi Baguette – ổ bánh mì trứ danh của Pháp được bao phủ bởi lớp đá và hạt charm đính kết tỉ mỉ, sau đó là đinh tán và cả gắn thêm một chiếc ví nhỏ phía sau. Khi thời trang trở nên bất quy tắc và cởi mở, nhà thiết kế cũng có thể tiếp cận đến nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo hơn. Vì thế, giờ đây một món phụ kiện hay bất kỳ thiết kế thời trang nào được lấy cảm hứng từ các món đồ vật bình thường, cũng chẳng còn là chủ đề quá đỗi mới mẻ trong làng mốt. Những chiếc túi có hình dáng “bất bình thường” như một chiếc điện thoại có dây, túi đựng rác hay bánh mì baguette cũng dần trở thành các “It” bag được mọi tín đồ thời trang ưu ái.