Vnluxury

Bất ngờ mức chi tiền uống cà phê của người Việt

Mỗi thực khách sẵn sàng chi 41.000 - 70.000 đồng cho một lần đi uống cà phê năm 2023, con số này tăng so với năm 2022 dù kinh tế khó khăn. Đáng chú ý, rất nhiều người chưa từng mua cà phê online.

Người Việt chi trên 41.000 đồng cho một lần đi cà phê

Theo báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS.vn nghiên cứu thường niên, với gần 3.000 nhà hàng/quán cà phê cùng khoảng 4.000 thực khách trên toàn quốc tham gia, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, trong gần 3.000 đơn vị thuộc ngành F&B tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên, và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Trong số này, có 51,7% các cửa hàng ăn uống dự định mở rộng quy mô.

Cafe Việt Nam
Mức chi cho mỗi lần đi cà phê gặp gỡ của nhiều người trong năm 2023 từ khoảng 41.000 -70.000 đồng. Ảnh: N. Quang

Về mức chi tiêu cho ăn uống, kết quả nghiên cứu gần 4.000 thực khách cho thấy mức chi tiêu ăn ngoài (nhà hàng, quán ăn…) tiếp tục tăng 5-10% so với năm 2022.

Với riêng việc đi uống cà phê, hầu hết thực khách cho biết họ dành một khoản chiếm chi phí khá lớn trong chi tiêu cho “đi cà phê”. Mức chi tiêu phổ biến nhất từ 41.000 – 70.000 đồng. Trong đó, phổ biến nhất với gần 60% người được hỏi cho biết sàng chi từ 41.000 đồng cho 1 lần “đi cà phê”, mức này tăng nhẹ so với 2022. Có 14,3% người cho biết họ chi trên 70.000 đồng cho việc đi cà phê với bạn bè. Đây được coi là yếu tố bất ngờ trong năm kinh tế khó khăn như 2023.

So với đi cà phê tại hàng quán, chi tiêu cho đặt mua cà phê/trà sữa mang về có mức thấp hơn. Theo đó, chỉ 36,3% thực khách được hỏi cho biết họ thường xuyên đặt đồ uống mang về với mức giá từ 40.000 đồng trở lên. Mức giá phổ biến nhất cho việc đặt cà phê/trà sữa mang về là từ 31.000 – 50.000 đồng.

Bất ngờ nhất, có khoảng 25% thực khách tại Việt Nam thừa nhận họ chưa từng hoặc hiếm khi sử dụng dịch vụ giao cà phê về nhà.

Mức thu nhập ảnh hưởng rõ rệt đến xu hướng chi tiêu của thực khách khi đặt đồ uống online. Theo nghiên cứu, thực khách có thu nhập từ 11 triệu trở lên chi tiêu mạnh tay cho đặt đồ uống online nhất.

Trong số người tham gia khảo sát, có tới 46% nhóm khách thu nhập 11-20 triệu đồng cho biết họ thường đặt cà phê mang về với phân khúc giá từ 41.000 đồng trở lên. Tương tự đối với nhóm khách có thu nhập 20 triệu trở lên, tỷ lệ mua cà phê online chiếm tới 53%.

Cafe Việt Nam
Khá nhiều người cho biết họ không đặt mua cà phê online mà trực tiếp mua mang đi, uống tại quán. Ảnh: T. Âu

Lý giải cho việc khách thu nhập cao mua cà phê/trà sữa online cao hơn khách thu nhập thấp, đơn vị nghiên cứu cho rằng nhóm khách hàng này có khả năng tài chính cao hơn, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sự tiện lợi và thoải mái khi sử dụng dịch vụ đặt đồ uống online.

Cũng theo khảo sát, có hơn 30% số thực khách đi cà phê với tần suất 1-2 lần/tuần, con số này tăng khoảng 8% so với năm 2022. Số thực khách đi cà phê 1-2 lần/tháng chiếm phần lớn hơn, với khoảng 42,6% người tham gia trả lời.

Đáng chú ý, có 6,1% người thừa nhận đi cà phê mỗi ngày. Đây là nhóm khách hàng thường xuyên đến quán cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, nhóm khách hàng sinh viên và làm việc tự do (freelancer).

Nếu xét theo tình trạng mối quan hệ, những người đang hẹn hò có tần suất đi cà phê nhiều hơn. Cụ thể, người đang hẹn hò có tần suất đi cà phê 1 - 2 lần/tuần. Ngược lại, người độc thân và có gia đình thường chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng. Theo iPOS, các chiến dịch truyền thông hướng tới nhóm đối tượng cặp đôi có xu hướng hiệu quả trong vài năm gần đây, đặc biệt vào dịp lễ, tết.

Quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt khoảng 12.400 tỷ đồng vào năm 2024

Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ cà phê lớn, theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), tiêu thụ cà phê bình quân đầu người tăng từ 1,7kg cà phê năm 2015 lên gần 3kg trong năm 2023. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025, tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm. Đây là cơ hội để ngành cà phê nội địa nói riêng và các cửa hàng cà phê tại Việt Nam phát triển.

Quảng cáo

Theo số liệu thống kê của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt khoảng 11.560 tỷ đồng năm 2023 và ước đạt 12.400 tỷ đồng vào năm 2024. Ngành cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 7,56%, thị trường dự kiến đạt hơn 16.643 tỷ đồng vào 2028.

Cafe Việt Nam
Năm 2023, nhiều mô hình kinh doanh cà phê mới lạ, theo trend được người trẻ tiên phong rất thu hút khách. Ảnh: Znews

Số liệu cho thấy đến hết năm 2023, riêng nhà hàng/cà phê tại Việt Nam đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó. Mức tăng trưởng được đánh giá là thấp hơn so với dự đoán vào đầu năm 2023, do làn sóng đóng cửa của các cửa hàng F&B vừa và nhỏ cùng chiến lược thu hẹp quy mô chi nhánh của các doanh nghiệp lớn.

Trong năm, các tín hiệu tích cực đến từ việc mở rộng kinh doanh các mô hình quán nhỏ, kiosk bán hàng,... do ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ẩm thực mang tính “trend”. Đồng thời, một số tay chơi mới, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đã nhân cơ hội để mở rộng kinh doanh với các mặt bằng kinh doanh đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM.

Miền Nam vẫn tiếp tục là khu vực tập trung nhiều nhất về số lượng cửa hàng F&B, với thị phần chiếm 46,6%. Theo sau là miền Bắc với thị phần 37,1% và miền Trung 16,3%.

Xét riêng theo từng tỉnh thành, Hà Nội đang chiếm tỷ trọng khá lớn và dần đuổi kịp TP.HCM với thị phần 23,3%, trong khi TP.HCM là 28%. Điều này được lý giải tiêu dùng Hà Nội đang có mức phát triển mạnh, người dân không chịu nhiều ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế vừa qua, và số lượng cửa hàng đóng cửa cũng không quá nhiều như TP.HCM.

Theo ông Vũ Thanh Hùng – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn, năm 2023 được đánh giá là một năm đầy thách thức với ngành F&B Việt Nam, do khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Cafe Việt Nam
Năm 2024 dự báo sẽ phát triển mạnh các mô hình quán cà phê tiện và lợi, ít chi phí đầu tư và ở phân khúc giá vừa và rẻ. Ảnh: N. Quang

Ông Hùng cho biết năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Sự tăng trưởng này được đánh giá theo sát xu thế tiện và lợi của thị trường. Có lãi trên từng điểm bán chính là kim chỉ nam của các thương hiệu F&B trong năm 2024. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng của sự hồi phục, các thương hiệu đồ uống sẽ hướng tới mở rộng thị trường thận trọng với chi phí đầu tư không quá lớn.

Các cửa hàng loại hình này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: Có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và rẻ.

Bên cạnh đó, xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin cũng đang bắt đầu bùng nổ. Nhiều thương hiệu đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục “ngôi sao Michelin”.

Sau 2 năm điều chỉnh, định giá của ngành đồ uống đã tăng trưởng từ 10-15%. Mức tăng giá này đang vượt qua giá trị của một sản phẩm tiện và lợi mang lại. Vì vậy trong năm nay, các thương hiệu đồ uống sẽ có đa dạng các chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu dùng.

Báo cáo nhận định năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023, và đạt hơn 655.000 tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu ngành này không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.

Cứ 3 người Việt thì 2 người “đu trend” ẩm thực đường phố

Báo cáo của iPOS chỉ ra 65,3% người tiêu dùng Việt Nam đang bắt kịp xu hướng với việc lựa chọn món ăn/đồ uống ưa thích theo trend. Khảo sát cho thấy cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người đu trend ẩm thực đường phố.

Đứng đầu trong danh sách ẩm thực theo trend được ưa chuộng năm 2023 là cà phê muối, với 34,8% người lựa chọn. Tiếp nối cà phê muối là trà mãng cầu, với 19,5% người yêu thích. Món gỏi gà măng cụt có 10,7% người yêu thích.

Riêng bánh đồng xu là món “đu trend” gây nhiều tiếc nuối nhất, khi chỉ 9,8% thực khách yêu thích nhất. Các món khác như trà ô long đậm vị, trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam lần lượt chiếm 11,4%, 7,5% và 6,3% người yêu thích.

Vì xuất phát từ yếu tố trend, “dễ đến cũng dễ đi”, nên chỉ sau một thời gian ngắn, món ăn/thức uống theo trend nhanh chóng bị thay thế bởi một món khác.

Nguồn tcdulichtphcm.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm